Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

TRUMP CÓ THỂ BÃI BỎ LUẬT TRẺ EM SINH RA TRÊN ĐẤT MỸ NGHIỄM NHIÊN LÀ CÔNG DÂN MỸ HAY KHÔNG ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông đang lên kế hoạch ra một sắc lệnh bãi bỏ điều mà ông cho là "kỳ cục": Đó là việc trao quyền trở thành công dân Mỹ cho bất cứ đứa trẻ nào được sinh ra trên lãnh thổ Mỹ, dù cho bố mẹ chúng là ai.
Tuy nhiên một sắc lệnh như vậy có thể bị thẩm phán liên bang cấm chỉ và bị đưa ra toà bởi cơ quan bảo hiến.
Ông Trump chỉ còn có cách là phải tiến hành sửa đổi hiến pháp trước. Nhưng việc này rất phức tạp và đòi hỏi thời gian.
Quy trình sửa đổi Hiến pháp liên bang ở Mỹ được quy định trong điều V của Hiến pháp như sau: “Khi hai phần ba thành viên của hai Viện đều xét thấy cần thiết sẽ đưa ra những điều sửa đổi đối với Hiến pháp, hoặc theo yêu cầu của các cơ quan lập pháp ở hai phần ba các bang, sẽ triệu tập một Hội nghị để đề xuất những điều sửa đổi; trong cả hai trường hợp, các điều khoản sửa đổi Hiến pháp đều có hiệu lực như một bộ phận của Hiến pháp khi được phê chuẩn bởi các cơ quan lập pháp của ba phần tư các bang, hoặc bởi Đại hội của ba phần tư các bang, theo một thể thức phê chuẩn do Quốc hội đề nghị với điều kiện là không một điều sửa đổi nào có thể được đề xuất trước năm 1808 theo một cách thức ảnh hưởng đến đoạn 1 và đoạn 4 trong khoản 9 của Điều 1; và không một bang nào, nếu bản thân không đồng ý, lại có thể bị tước đoạt quyền bỏ phiếu bình đẳng trong Thượng Viện”.
Tu chính án số 14 của Hiến pháp Mỹ được thông qua hơn 100 năm trước cho biết với một vài ngoại lệ, những trẻ em sinh ra trên đất Mỹ sẽ được cấp quốc tịch dù cha mẹ của họ không phải là người Mỹ. Mặc dù nhiều chuyên gia pháp lý nói rằng Quốc hội có thể thông qua một đạo luật để sửa đổi tu chính án, nhưng điều này rõ ràng phức tạp hơn rất nhiều so với tuyên bố của ông Trump rằng ông có thể hủy bỏ điều khoản được quy định trong Hiến pháp chỉ bằng việc ký một sắc lệnh.
Tu chính án số 14 chính thức có hiệu lực vào năm 1868. Nó đã giải quyết vấn đề về quyền công dân của nhóm người Mỹ gốc Phi sau cuộc Nội chiến bằng tuyên bố “tất cả những người được sinh ra ở Mỹ hoặc nhập quốc tịch Mỹ đều là công dân Mỹ và là công dân của tiểu bang nơi họ sinh sống.” Tu chính án đã cho phép nhóm người Mỹ gốc Phi được hưởng quyền lợi bình đẳng trước pháp luật.
Tòa án Tối cao Mỹ đã từng có án lệ về việc sử dụng Tu chính án số 14 trong vụ việc năm 1898 có tên “Nước Mỹ và Wong Kim Ark”. Wong Kim Ark sinh năm 1873 tại California, là con trai của một cặp vợ chồng gốc Trung Quốc di cư sang Mỹ. Sau khi về thăm Trung Quốc, Wong Kim Ark đã bị khước từ nhập cảnh trở lại Mỹ theo một điều luật hạn chế áp dụng với người Trung Quốc.
Tòa Tối cao Mỹ khi đó phán quyết rằng điều luật trên không áp dụng với Wong Kim Ark do ông đã được coi là công dân Mỹ vì được sinh ra trên đất Mỹ, viện dẫn Tu chính án số 14.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Tu chính án số 14, có một số ý kiến cho rằng điều khoản này không nên được áp dụng cho con cái của những người nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, với ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản này, các chuyên gia cho rằng Hiến pháp Mỹ đã công nhận quyền công dân với các trẻ em sinh ra tại Mỹ, không phân biệt cha mẹ của họ có phải là người nhập cư có giấy tờ hợp lệ hay không.
Theo ông Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Tu chính án số 14 khá rõ ràng, và ngoại trừ một số ngoại lệ cá biệt, áp dụng cho mọi trẻ em sinh ra tại Mỹ dù cha mẹ của họ là người nhập cư không có giấy tờ. Ông Ryan nhấn mạnh rằng một sắc lệnh từ tổng thống không có đủ quyền lực để thay đổi quyền được cấp quốc tịch khi sinh ra tại Mỹ.
Ngay cả khi Tu chính án 14 bị hiểu là không được áp dụng cho con cái của người nhập cư trái phép, Quốc hội Mỹ cũng sẽ phải thay đổi lại luật pháp liên bang nhằm diễn giải nội dung của Tu chính án này, chuyên gia Michael Dorf của trường luật Cornell nhận định. Tổng thống Trump về mặt danh nghĩa không thể can thiệp vào quyền lập pháp của Quốc hội cũng như không thể đơn giản là ký một sắc lệnh để hủy bỏ việc cấp quốc tịch cho trẻ em nước ngoài sinh ra tại Mỹ vì điều đó là vượt quá quyền hạn cho phép.
Giáo sư luật trường đại học Virginia Saikrishna Prakash cho biết ông Trump không thể quyết định được việc ai đủ tiêu chuẩn để được hưởng quyền lợi từ Tu chính án số 14 hay không. Bất cứ một ai tin rằng mình có đủ điều kiện sẽ được tòa án xem xét và phán xử.
Ngay cả một trong những học giả có tư tưởng ủng hộ việc thay đổi Tu chính án số 14, giáo sư Peter Schuck của trường đại học Yale, nói rằng tuyên bố của ông Trump việc ký sắc lệnh để thay đổi một điều được quy định trong Hiến pháp và luật lệ là thiếu cơ sở.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét