Thuật ngữ “Chính trị” có lẽ được nhắc đến lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại bởi Aristotle-một triết gia Hi Lạp cổ đại, đặc biệt nó còn là tựa đề cho một tác phẩm nổi tiếng và nhiều ảnh hưởng của ông –cuốn “Politics” (Chính trị luận).
Tuy nhiên từ “Chính trị” và các vấn đề chính trị cơ bản như quyền lực và tổ chức nhà nước đã được tiếp cận bởi các triết gia khác như Khổng Tử, Plato….Dù Aristotle đã khẳng định con người là động vật chính trị, mọi công dân có đạo đức (không phải là nô lệ hay phụ nữ) đều có quyền tham gia chính trị, nhưng một điểm chung lớn trong lý luận của các triết gia cổ đại này là quyền lực chính trị tốt nhất nên được nắm giữ bởi những ông vua thông thái!
Vì thế chính trị ở đây có nghĩa là nghệ thuật cai trị và quản lý thành bang của một nhà lãnh đạo lỗi lạc, xuất chúng hay là khoa học giành và nắm giữ vương quyền trong thiên hạ.
Dưới nhãn quan này đại bộ phận dân chúng bị gạt ra bên lề của các cuộc chơi chính trị. Rồi khi có được quyền lực trong tay những kẻ cầm quyền đã tạo nên bao nhiêu sự tha hóa, mục ruỗng trong bộ máy lãnh đạo và bao nhiêu vấn nạn quốc gia mà hậu quả của tất cả vấn đề này đổ cả lên đầu người dân. Từ đó mặc nhiên chính trị được hiểu như một thứ xấu xa, là đặc quyền của kẻ thống trị, đối kháng với lợi ích và cuộc sống bình dị của người dân.
Khi nền văn minh nhân loại đã bước qua một trang mới hoàn toàn khác, cùng với sự ra đời của nhiều luận thuyết cổ vũ cho chủ nghĩa tự do. Mà một sự cổ vũ to lớn cho lý tưởng này là sự ra đời của một nhà nước hiến pháp đầu tiên trên thế giới-Nhà nước Mỹ khẳng định quyền sống, quyền tự do, an ninh thân thể, quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận… .
Từ đây cả thế giới làm quen với một lý thuyết hoàn toàn mới về nguồn gốc và bản chất của Nhà nước, nhà nước không phải là một thế lực thống trị xã hội mà chính là một tổ chức quyền lực công, được người dân trao cho quyền lực để đổi lại họ được sống dưới sự bảo vệ của Nhà nước và một trật tự luật pháp do Nhà nước ban hành (luật pháp không trái với đạo đức và luân lý); và rằng quyền lực chính trị đó không thể là quyền lực tuyệt đối vì “quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton).
Dưới nhãn quan triết học này, quyền lực chính trị xuất phát từ dân chúng, nó được tạo lập để phục vụ xã hội. Chính trị là nghệ thuật hay khoa học vận hành và quản lý xã hội bằng quyền lực Nhà nước nhưng nó phải bị hạn chế bằng luật pháp và được giám sát bởi người dân thông qua các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo.
Như vậy người dân mọi thành phần có đủ tư cách để tham gia gián tiếp vào nền chính trị quốc gia bằng những hoạt động xã hội cụ thể của mình; quyền tự do báo chí cho phép người dân phát biểu quan điểm của mình đối với tất cả các vấn đề của quốc gia; hơn nữa mọi công dân đủ tiểu chuẩn pháp quy đều có khả năng tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước một cách trực tiếp. Từ nay chính trị chẳng còn là vương quyền cha truyền con nối, cũng chẳng còn là đặc quyền của những người thuộc tầng lớp quý tộc.
John Locke (1632–1704) Với lý thuyết về quyền tự nhiên và khế ước xã hội là cốt lõi cơ bản trong quan điểm của ông về nhà nước và tổ chức nhà nước.
Ông cũng cho rằng con người là ích kỷ và đầy ham muốn. Chính vì vậy mà ngay từ thời ở trạng thái tự nhiên, khi nhà nước chưa ra đời, con người bên cạnh quyền tự nhiên của mình đã phải tự cho mình quyền xét xử và trừng phạt kẻ khác để duy trì luật của tự nhiên. Chính vì vậy, khi xã hội văn minh ra đời với thể chế nhà nước là hệ quả của khế ước xã hội, đây là một bước tiến văn minh hơn và giúp duy trì luật của tự nhiên thông qua luật lệ của xã hội văn minh. Và ngay cả một nhà nước chuyên chế do vua chúa cai trị cũng vẫn phải thực hiện đúng các chức năng của khế ước xã hội như một chính quyền dân sự nếu không muốn bị diệt vong. Chức năng của một chính quyền dân sự hợp lẽ là phải bảo vệ quyền tự nhiên của con người, tức là quyền của mỗi công dân được sống, được tự do, có sức khỏe và của cải.
Chính những khái niệm về quyền của tự nhiên, khế ước xã hội và nhiều đóng góp khác đã khiến ông trở thành một nhà tư tưởng lớn của phong trào Khai sáng và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc Cách mạng Mỹ và bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Rousseau có ảnh hưởng lớn đến cuộc Cách mạng Pháp, bản thân ông xem mình là người của phong trào Khai sáng. Ông cũng là một trong những tác giả đầu tiên phê phán thể chế tư hữu và được xem là bậc tiền bối của chủ nghĩa xã hội hiện đại và chủ nghĩa cộng sản khoa học. Ông cũng là người sớm đặt câu hỏi liệu ý chí nguyện vọng của đa số liệu có phải lúc nào cũng đúng không? và mục tiêu của chính quyền theo ông là phải đảm bảo tự do, bình đẳng và công bằng cho tất cả. So với các nhà khai sáng đương thời như Voltaire và Montesquieu, tư tưởng chính trị của Rousseau cấp tiến hơn.
Quan niệm về giáo dục của Rousseau mà trong đó đối tượng của giáo dục chính là những đứa trẻ mạnh khỏe cả về thể chất và tinh thần, ông không xem trọng sự cần thiết của giáo dục qua sách vở, và nhấn mạnh sự cần thiết phải giáo dục cảm xúc cho trẻ em trước khi giáo dục lý tính đã là tiền đề cho lý thuyết giáo dục hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét