Trang

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

ĐẢNG PHÁI Ở MỸ.

Nhân đảng Dân chủ đang bước vào vòng bầu cử sơ bộ xin được đề cập một tí về đảng phái ở Hoa Kỳ.
Không giống các quốc gia khác, cơ cấu tổ chức của các đảng chính trị tại Mỹ rất lỏng lẻo. Đối với hai đảng chính, không có thiết chế nào ở cấp quốc gia có chức năng kiểm soát số đảng viên, các hoạt động của đảng, hoặc quan điểm chính trị, mặc dù ở cấp tiểu bang có một số cơ quan đảm nhiệm công việc này.
Như vậy, khi một người Mỹ nói rằng anh ta là đảng viên Dân chủ hay Cộng hoà, điều này có ý nghĩa khác với việc một người Anh tự nhận mình thuộc đảng Lao động hoặc Bảo thủ. Tại các tiểu bang, một cử tri có thể đăng ký là thành viên đảng này hay đảng kia, hoặc bầu cho đảng này hay đảng kia trong cuộc bầu cử sơ bộ, nhưng sự tham gia ấy không hề hạn chế sự chọn lựa của người ấy; cũng không dành cho người ấy bất cứ đặc quyền hoặc nghĩa vụ nào liên quan đến đảng phái. Hôm nay người ấy có thể chọn đến dự một buổi hội họp của uỷ ban địa phương của một đảng, ngày mai lại đến dự họp tại một đảng khác.
Khác với ở Việt Nam vào đảng là phải tổ chức kết nạp, tuyên thệ thề trung thành, ở Mỹ bạn có thể nay gia nhập đảng này ngày mai gia nhập đảng khác mà không có bất kỳ một trở ngại nào cả.
Nguyên nhân nằm ở bộ óc siêu đẳng của các nhà lập quốc Hoa Kỳ. Họ thấy rằng việc đặt nặng tính tổ chức và lập trường của một đảng phái sẽ làm người dân sa vào chủ nghĩa dân túy để dẫn đến có một đảng phái mạnh nhất, lấn át các đảng còn lại và luôn thắng thế trên chính trường. Từ đó hình thành nên chế độ độc tài một đảng và không thể kiểm soát. Do vậy nguyên tắc "kiểm soát và cân bằng" trong hiến pháp bị lung lay. Điều này đang xảy ra với nước Nga của Putin hiện nay.
Chúng ta hãy cùng đọc mẫu chuyện này để biết việc người dân tham gia đảng Cộng hòa hay Dân chủ là chuyện tự do bày tỏ và thay đổi quan điểm. Dân mạng Việt Nam không hiểu nên phe yêu Trump và phe ghét Trump cứ đấu nhau sống chết trên mạng xã hội .
Đọc “Chiến Tranh Và Hòa Bình” của Léon Tolstoi, đoạn nghi lễ người sư huynh tiếp nhận anh chàng Pierre gia nhập Hội Tam Điểm thấy rờn rợn, ma quái. Lại đọc thấy đảng viên đảng CS Việt Nam, Trung Quốc toàn những người ưu tú trong xã hội, là anh hùng trong chiến tranh, sản xuất, tôi thích lắm, muốn trở thành người ưu tú, người anh hùng. Hỏi bố, bố lắc đầu bảo nhà mình, cả họ nhà mình nữa, chẳng ai có thể là đảng viên đảng CS. Nghe mà buồn. Thế là tôi sẽ không bao giờ có thể trở thành anh hùng, không bao giờ có thể trở thành công dân ưu tú.
Sang Mỹ. Nghe nói đến đảng Cộng Hòa, đảng Dân Chủ, tôi tò mò hỏi làm sao thành đảng viên của họ, có người đùa bảo:
– Cứ chạy ra đường, hét to lên: Tôi là người Dân Chủ (hay Cộng Hòa) thế là trở thành người D.C. (hay C.H.).
– Thế sau đó có thành anh hùng không? Có thành công dân ưu tú không?
Hỏi để hỏi, tôi chẳng điên ra đường hét tướng lên để trở thành người của đảng này đảng nọ.
Thế mà bỗng nhiên tôi trở thành người Cộng Hòa hay nói cho rõ hơn là người đại biểu cử tri (delegate) của đảng Cộng Hòa trong một cuộc bầu cử Tổng Thống.
Tôi thành đại biểu cử tri của đảng Cộng Hòa như thế nào ?
Học kỳ mùa xuân về Hiến Pháp Mỹ của tôi năm ấy trùng với đầu năm bầu Tổng Thống. Cô giáo yêu cầu sinh viên dự một buổi Caucus (họp kín cử người ứng cử…) trong đơn vị bầu cử của mình, trong đó những người ủng hộ một đảng sẽ thảo luận về các ứng cử viên trong đảng, mọi người sẽ bỏ phiếu cho các ứng viên và chọn đại biểu cử tri đi dự vòng hội nghị đảng tiếp theo của hạt bầu cử, địa hạt. Các buổi mit tinh của các đảng có ứng viên TT (tổng thống) đều diễn ra cùng ngày thứ Ba đầu tháng 3 của năm bầu cử, cùng giờ nhưng khác địa điểm được mượn, hoặc ở trường học, thư viện hay nhà thờ.
Trời tối, lạnh tê, tuyết mù mịt, theo quán tính, tôi chọn địa điểm gần nhà nhất đến dự. Xe chỉ đậu gần hết một phần ba sân trường trung học. Đến cổng trường mới biết nơi đây giành cho đảng Cộng Hòa. Một bà cụ đeo bảng tình nguyện viên (volunteer) thân mật đến dẫn tôi vào phòng gym. của trường, nơi đây kê hàng chục bộ bàn ghế với hàng chồng sách vở, truyền đơn nói về bầu cử, tiểu sử các ứng cử viên và mấy tấm bản đồ city to bằng bảng lớp học treo trên tường. Bà hỏi tôi thuộc khu vực bầu cử nào? Tôi ngớ ra, chẳng biết mình ở đơn vị bầu cử nào. Bà lại hỏi thế mày thường bỏ phiếu ở đâu? Tôi lười làm nhiệm vụ công dân, đã đi bầu cử lần nào đâu mà biết địa điểm bỏ phiếu của khu tôi ở, tôi lại lắc đầu. Bà cụ hỏi thêm:
– Thế mày ở địa chỉ nào?
À cái này thì dễ, tôi moi bằng lái xe đưa ra:
– Thưa bà đây ạ.
Bà cụ xăm xoi trên bản đồ thành phố:
– Mày ở số nhà này, đường này, vậy thuộc đơn vị bầu cử này, khu vực bầu cử số này, nhớ lấy. Đi theo lối này.
Cụ đưa cây gậy chống, chỉ đường:
– Quẹo bên này, rồi lại quẹo bên này, rồi lại quẹo bên này, thấy phòng học số này là nơi cử tri của khu vực bầu cử mày họp.
Tôi lớ ngớ đi tìm phòng họp. Mới chỉ 5,7 cụ già ngồi đó. Một ông có hàm râu thật đẹp như tài tử Clack Gable chìa tờ giấy cho tôi bảo ghi tên họ, địa chỉ, email, số phone. Quá giờ họp 5 phút, 10 phút, lác đác có thêm người vào. Đếm đầu được chừng 15, 17 người, ông Clack Gable bảo họp đi thôi, tuyết dữ quá, ai trễ ghi tên sau. Nhìn ra nhiều cặp là vợ chồng già, có mình tôi đầu đen. Ông Clack Gable hồi nãy nhìn chung quanh, chỉ lá cờ Mỹ ở góc lớp: “Cờ đây rồi, chào cờ thôi”. Tất cả đứng quay về lá cờ sao và sọc hát quốc ca. Nhiều người Mỹ thuộc quốc ca. Với tôi bài đó nghe mãi nhập tâm hồi nào, hát theo được. Sau quốc ca, ông Clack Gable đọc to lời thề trung thành với tổ quốc và hiến pháp. Lại lác đác có người vào, cởi áo lạnh, ngồi phịch xuống hỏi “đến đâu rổi?” Ông Clack Gable bảo” Bầu thư ký buổi họp đi”. Nhìn qua nhìn lại, có người chỉ tôi:
– Mày làm thư ký, OK?
– OK! OK! Tôi gật đầu.
Thế là tôi thành thư ký buổi caucus đó.
Người ta bàn cãi về các ứng cử viên của đảng Cộng Hòa, chê điều này khen điều kia. Mấy cụ già nhìn có vẻ uể oải, lười biếng bỗng họat bát hẳn lên. Sau đó mỗi người bầu một người họ nghĩ tốt nhất trong các ứng viên TT. Phần thời gian còn lại là bầu đại diện cử tri đi Đại hội đảng district (quận). Ông Clack Gable nói:
– 20 người trong đơn vị bầu cử này có mặt hôm nay đại diện cho xyz người vắng mặt, xyz người cần 7 đại điện cử tri. Ai muốn tình nguyện?
6 người giơ tay. Còn thiếu một người. một cụ già chỉ tôi:
– Mày? OK?
– Tôi ư? Tôi lúng túng, Tôi làm được gì?
Cụ nói:
– Mày trẻ nhất, mày lại là người Châu Á duy nhất nơi đây, mày đại diện cho đám Châu Á, mày cũng có thể đi vận động trong đám Châu Á.
Thế là mọi người nhao nhao lên
– Ghi tên mày vào.
Tôi ghi tên mình vào danh sách các đại biểu cử tri.
Nghiễm nhiên tôi là đại diện (delegate) của đảng CH trong tiểu khu bầu cử của thành phố mình. Tôi bảo họ tôi không phải là đảng viên CH. Họ bảo “Trong chúng tao đây có mấy người chính thức là đảng viên? Mày có thể tự ghi tên vào đảng, nếu mày muốn, tụi tao giúp ngay bây giờ, nếu không thì đến kỳ hội nghị cấp hạt, ở đó có người giúp.”
Đến đây cũng nói thêm, sau khi nộp bài cho cô giáo, tôi túi bụi học, quên đi chuyện trả lời email mời họp đảng, họp bầu cử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét