Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

NHÂN KỶ NIỆM CHIẾN THẮNG ĐỐNG ĐA CỦA QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ MỒNG 5 TẾT KỶ DẬU 1789.

Vấn còn nhiều tranh cãi xung quanh công và tội của nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh nhưng theo mình chính sách đối với giặc ngoại xâm của Nguyễn Huệ là đáng khâm phục.Nghìn năm sau cũng không thể quên câu nói hào hùng của vị vua áo vải này: “Đánh cho để dài tóc Đánh cho để đen răng Đánh cho nó chích luân bất phản Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Sau chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa ,Quang Trung đã có một đường lối ngoại giao vô cùng đúng đắn với Trung Quốc. Ngay từ khi kéo quân đến Tam Điệp trên đường ra Thăng Long đánh quân Thanh, Vua Quang Trung đã tính đến việc giảng hòa với nhà Thanh sau khi thắng trận. Cho nên khi kéo quân vào Thăng Long, ông đã ra lệnh cấm giết bại binh Thanh mỗi khi bắt được. Nhà vua lại cho phép quân Thanh được ra thú. Nhờ chính sách khoan hồng này, số quân Thanh được giải về Thăng Long có hơn 800 người, họ đều được cấp lương ăn và quần áo mặc. Trước khi trao trả cho nhà Thanh, vua Quang Trung ra một tờ chiếu dụ chúng, với lời lẽ chính nghĩa đanh thép, đầy tự hào mà chí tình chí lý: "Việc quân là cái độc của thiên hạ. Gặp giặc thì giết, lẽ đó là thường. Bắt được mà tha, xưa chưa từng có. Trẫm theo lẽ trời và thuận lòng người, nhân thời cách mệnh, lấy việc binh nhung mà định thiên hạ. Việc Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị nhà các ngươi sức hèn tài mọn, không biết tự lượng, đem hai mươi chín vạn quân sang cửa quan, vượt suối trèo non, vô cớ xông vào chỗ hiểm nguy để gây binh hấn, khiến cho các ngươi, một lũ dân đen vô tội phải nằm sương gối tuyết và chết ở hòn đạn mũi tên. Đó là tội của Tổng đốc nhà các ngươi. Trẫm trỏ cờ lệnh, chỉ trong một trận, quét sạch các ngươi như kiến cỏ; kẻ đã chết trận xương chất thành núi. Những kẻ trận tiền bị bắt, hoặc thế bách xin hàng, đáng lẽ phải thiết quân luật mà chém ở pháp trường. Song vì thể tấm lòng hiếu sinh của thượng đế và lấy tấm lòng bao dung, trẫm tha tính mạng cho các ngươi và cho các ngươi được sung vào các hàng quân hoặc cấp lương hướng cho, để các ngươi khỏi bị khổ kẹp cùm, đánh đập. Đấng vương giả coi bốn bể như một nhà, các ngươi nên thể lòng trẫm mà bỏ sự ngờ sợ để báo ơn trẫm." Khi đem những tù binh này trả về Trung Quốc, Vua Quang Trung có viết cho Thang Hùng Nghiệp bức thư trong đó có đoạn: ... Trượng phu làm việc bao giờ cũng minh bạch, không giết kẻ đã xuống ngựa xin hàng, nên đối với họ tôi đã nhất nhất thu nuôi cả. Nay đã điều tra cẩn thận, thì số quan quân hiện còn ở quốc đô vào hơn 500 người. Ngoài số 200 tên do quân bản bộ đem đến những nơi trấn thủ và ngót 100 bị đau ốm bị tật dịch ra, tôi giao cho bồi thần là bọn Nguyễn Hữu Trù đem đến cửa ải nộp trả hơn 550 tên. Còn 200 tên nữa thì đang đi đường khác sẽ lục tục nộp sau. Quan hệ Việt-Thanh, đã tiến một bước dài, đó là Càn Long đã đích thân bãi bỏ việc Nam chinh, chuyển Phúc Khang An từ chức đề đốc binh mã chín tỉnh sang làm chức tổng đốc Lưỡng Quảng. Bước tiến triển trên biểu hiện cụ thể là: Nhà Thanh đồng ý hủy bỏ việc động binh để trả thù, và tiếp nhận sứ thần của Tây Sơn. Tháng 9 năm 1792, Quang Trung đột ngột qua đời khi mới 40 tuổi. Triều thần nhà Tây Sơn một mặt lập thái tử là Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi (tức là vua Cảnh Thịnh), một mặt sai sứ sang Trung Quốc dâng biểu cáo tang. Nghe tin vua Quang Trung mất, vua Càn Long rất sửng sốt. Ngày mồng hai tháng hai năm Quý Sửu (1793), ông phê vào tờ biểu báo tang hai chữ đáng tiếc, rồi ông thân làm một bài thơ viếng. Ông lại sai viên án sát Quảng Tây là Thành Lâm đến Nghệ An làm lễ đọc và đốt bài thơ ấy trước "phần mộ" vua Quang Trung. Như vậy Quang Trung đã để lại một bài học ngoại giao cho hậu thế: Đối với kẻ thù truyền kiếp không thể nhân nhượng,phải cho chúng biết ai mới là chủ của đất nước này.Nhưng thắng giặc rồi vẫn biết nước mình đất hẹp người thưa,lực yếu không thể chiến tranh mãi để hao hụt sức dân,thần phục chịu sắc phong nhưng không hèn.Đó là cách nghĩ của một người TRÍ DŨNG song toàn,lấy dân làm gốc vậy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét