Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

BẤT CẬP ,BẤT LỰC,BẤT TÀI,BẤT MINH VÀ BẤT AN

Xã hội Việt nam đang xây dựng trên những bất cập căn bản dựa trên những lý thuyết quái gỡ về quyền lực.Điều đó đã hình thành nên một hệ thống bất lực,bất tài, bất minh và cuối cùng dẫn đến sự bất an cho tất cả mọi người dân. Bất cập trước hết chính là thể chế chính trị không kiểm soát,một mình một chợ.Không có sự hoạt động của một đảng đối lập,mọi chính sách xã hội được nêu ra đều tùy tiện,cảm tính và chỉ căn cứ trên lợi ích của một bộ phận nhỏ trong các tầng lớp xã hội. Chẳng hạn chính sách BHXH,tiền hưu của người lao động gây nên cuộc biểu tình của công nhân Pou Yuen vừa qua nếu xét công bằng đây không phải chỉ là vấn đề của Việt Nam mà cũng là vấn đề của nước Mỹ. Ngân sách quỹ an sinh xã hội và y tế của liên bang ở nước Mỹ là do chính tiền của người lao động đóng vào và do chính phủ quản lí. Hiện nay thuế Medicare ở mức 2.9% số lương, cá nhân đóng một nửa, chủ đóng một nửa. Cũng như thuế cho quỹ an sinh xã hội là 12.4% và người đi làm đóng một nửa, tức 6.2%, chủ chịu một nửa. Ngân sách hiện tại của quỹ an sinh xã hội nước Mỹ đang cạn dần vì thành phần trẻ vào đời làm việc ít đi, trong khi đó số người già càng nhiều và càng sống lâu, trung bình đến 81 tuổi cho phụ nữ và 76 cho nam giới. Trước đây cứ 4 người đi làm đóng thuế để trả cho một người nghỉ hưu, nay con số này xuống còn 2.5 và theo một ước tính của cơ quan nghiên cứu Quốc hội, đến năm 2033 quỹ chỉ còn đủ để trả 77% tiền hưu của người được hưởng. Tương tự như vậy ở Việt nam có hàng triệu lao động bước vào tuổi hưu không có thu nhập từ lương hưu do không có BHXH. Gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước. Theo Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, tính đến 31/12/2014, số người tham gia BHXH là 11.647.784, trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc là 11.451.530 người, tham gia bảo hiểm thất nghiệp 9.213.302 người, tham gia BHXH tự nguyện 196.254 người. Số người tham gia BHXH bắt buộc mới chiếm khoảng hơn 70% tổng số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Như thế bất cập đã được chỉ rõ: dân số ngày một lão hóa,số người tham gia đóng bảo hiểm ít đi trong khi số thụ hưởng những phúc lợi của nó tăng lên đã khiến quỹ BHXH có nguy cơ bị phá sản. Thế nhưng trong một cơ chế xã hội minh bạch như ở nước Mỹ người dân hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự điều tiết chính sách của chính phủ Mỹ như tăng tuổi hưu lên 67 tuổi, dựa vào quỹ đầu tư cá nhân như quỹ 401K, IRA (Individual retirement account)... Trong khi đó ở Việt Nam tính công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin các vấn đề liên quan tới việc quản lý đối tượng, giải quyết các chế độ thụ hưởng đối với người lao động, đơn giản về thủ tục hồ sơ... của bộ máy thực hiện còn không ít hạn chế, bất cập về năng lực cán bộ. Trên hết vẫn là những bất cập về mặt nhà nước: -Trước hết, tiền hưu của dân, nếu nằm trong tay nhà nước, không hề được bảo vệ trước tình trạng lạm phát liên tục và có những năm lên đến mức siêu lạm phát. -Đưa cho nhà nước giữ thì dễ nhưng đến khi muốn rút "tiền của mình" ra thì lại phải đi qua đủ loại cửa đơn từ, phải năn nỉ những viên chức nhà nước "đầy uy quyền", và thậm chí phải đóng một phần tiền "bôi trơn" mới xong. -Hệ thống ngân hàng tư nhân luôn nằm trong tình trạng "sẵn sàng phá sản", dù là phá sản do làm ăn thua lỗ thật hay phá sản vì bị các đối thủ có ô dù to hơn hãm hại như đã thấy qua vụ Bầu Kiên, Trần Xuân Giá, ... -Tiền hưu trong hệ thống ngân hàng nhà nước, mức rủi ro còn cao hơn nữa. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy viễn cảnh quĩ hưu của dân có thể bị "tạm ngưng xử lý" để cứu cấp ngân sách nhà nước đã từng xảy ra rất nhiều lần. Ngoài ra các biến động về lạm phát ,đổi tiền,các vụ vỡ nợ lớn như nước hoa Thanh Hương, Đại Thành, Xacogiva... lại đến cơn khủng hoảng các hợp tác xã (HTX) tín dụng, quỹ tín dụng kéo dài từ những năm 1989-1990, làm hàng trăm HTX tín dụng phá sản và giải thể...cũng khiến xã hội đầy rẫy những bất minh và bất an. Nếu như ở xã hội Mỹ người dân đều gởi tiền qua hệ thống ngân hàng và giao dịch qua thẻ nhà băng thì ở Việt nam mọi thứ đều ngược lại,không thể tin ai bằng mình.Chính vì những bất an này đã khiến giai cấp công nhân Việt Nam"lực lượng tiên phong"của Đảng CSVN đang đối chọi quyết liệt với lực lượng"Còn Đảng,còn mình".Oái ăm thay ,báo Đảng,báo chính quyền lại giả điếc,phản bội lại "giai cấp vô sản" khi quay mặt ngó lơ chẳng thèm đếm xỉa gì tới tiếng kêu cứu của lực lượng mà ngày xưa họ phải tiến hành phong trào"vô sản hóa" để tiếp cận,vận động,tuyên truyền cho việc giành lấy ngai vàng. Như vậy với một thể chế chính trị bất cập,bất minh và thiếu tính cạnh tranh,thiếu sự kiểm soát như hiện nay,chính quyền Việt nam khó có thể không mâu thuẫn toàn diện với tất cả các tầng lớp ,giai cấp trong xã hội Việt Nam.Mâu thuẫn đó buộc phải dẫn tới lựa chọn"thay đổi hay là chết".Chỉ có đa đảng,tiến tới dân chủ và pháp quyền mới là lối thoát duy nhất cho Đảng CSVN lúc này.Nhưng tất cả không thể là ban cho,là cải cách,là mở rộng mà phải thay đổi tận gốc.Tuy nhiên cũng không thể loại trừ khả năng" Đảng ta" sẽ"Thà chết không thà mất ngai". Hãy cứ chờ xem hồi sau sẽ rõ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét