Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014
World Cup, sự bất lực từ vị trí bên lề và một mỹ học khác về Tổ quốc
Không phải là người cuồng nhiệt với bóng đá nên tôi vẫn thường theo dõi World Cup một cách tuỳ hứng, cầm chừng, hoàn toàn không dính vào mấy trò cá cược, cho đến World Cup năm nay. Chú ý hơn, tôi còn hồi hộp như một tay cá cược hạng nặng đã vung hết vốn liếng và ngày mai vào đường bay bất định của trái bóng, thế nhưng ấn tượng sâu đậm nhất, day dứt như một ám ảnh, đã không đến từ hướng bóng bất ngờ, những bàn thắng bàn thua nghẹt thở bất ngờ. Cái làm tôi chú ý là hình ảnh thẫn thờ hay chờ chực nổ tung của những nhà huấn luyện, trái tim và linh hồn của trận đấu nhưng bó tay, bất lực bên lề một trận đấu.
Tôi săm soi để ý dẫu họ chỉ thấp thoáng mờ nhạt bên lề, hiu hắt chìm khuất dưới một núi những cổ động viên rực rỡ, ồn ào. Tôi để ý từng phản ứng, cử động. Tôi săm soi từng vẻ mặt, nét mày. Banh lên, họ đờ người nín thở, mồm há hốc, mắt căng ra, chờ đợi. Sân nhà bị đối phương tràn ngập, cái ghế ngồi hoá thành lò lửa, họ nhấp nhổm, không yên. Đội hình loạng choạng, họ giận dữ gào thét, vung tay ra dấu chỉnh đốn thế trận. Một cú sút cháy lưới đối phương, khí sắc căng cứng trên mặt họ bùng ra, vỡ oà, tay vung lên đấm vào không khí. Đường bóng căng như dây đàn bay vọt sà ngang trong gang tấc, họ hụt hẫng tiếc nuối, tay chùng xuống, vô hồn. Khoảnh khắc cuối, một sai lầm không đáng của hàng phòng ngự khiến công khó trong 90 phút trôi sông đổ biển, họ bùng dậy phẫn nộ hay họ rũ xuống đớn đau.
Là trái tim đội bóng, họ nắm bắt sở trường của từng cầu thủ để tạo nên nhịp đập chung cho toàn đội. Bóng đá là trò chơi tập thể, ở đó nhiệm vụ của họ là tạo nên sức mạnh chung như là bệ phóng để từng tài nghệ thăng hoa và khai thác từng tài nghệ cá nhân như là chất xúc tác cho sức mạnh chung toàn đội. Bóng đá là một dự án chung mà nhiệm vụ của họ là kết nối các cầu thủ lại thành một khối để bất cứ thao tác nào với trái bóng cũng phải mang tính cộng đồng, nghĩa là phải nằm trong khả năng phán đoán của đồng đội. Bóng đá là một trận chiến mà bất cứ một lơ là cá nhân nào cũng có thể dẫn đến cái giá chung tập thể, bởi các cầu thủ của họ không những phải chu toàn nhiệm vụ tại vị trí phân định mà còn phải bảo đảm mối liên lạc giữa các tuyến để có thể làm chủ nhịp điệu của thế trận, có thể lèo lái cuộc chơi theo ý đồ chiến thuật của mình.
Chỉ hiểu lõm bõm mấy lý thuyết sơ đẳng về nghề nghiệp của họ, tôi có thể hiểu tại sao tôi chú ý đến họ. Bởi như họ, tôi và bạn, những người Việt bình thường với mối ưu tư thường tình về đất nước của mình, ai cũng ý thức rất rõ về thế trận nhưng đành chịu, bó tay, bất lực đứng ở vị trí bên lề. Tại sao trận đấu lại có thể diễn ra như thế này? Tại sao đội hình lại rời rạc, loạng choạng, thiếu ăn ý như vậy? Tại sao cứ tiếp tục cái đấu pháp lỗi thời, không những vô hiệu lực mà còn phản tác dụng kia? Tại sao có thể buông xuôi, để mặc những máu, mồ hôi và nước mắt trôi sông đổ biển trong phút chốc? Tại sao, tại sao và tại sao. Hàng loạt câu hỏi nhức nhối nối tiếp nhau, như thác, gầm gừ trong đầu chúng ta, như sấm và, vô hình trung, chúng ta bỗng hoá thành của những nhà huấn luyện đang muốn nổ tung cái đầu của mình ra với ý tưởng xốc lại đội hình, chỉnh đốn lại thế trận, ấn định lại đấu pháp nhưng đành, đau đớn và phẫn nộ, bó tay bất lực đứng nhìn từ vị trí bên lề.
Nhưng đó không đơn thuần là chuyện hư bột hư đường với “vinh dự quốc gia”, của một đội tuyển bóng đá quốc gia. Vinh dự ấy chỉ có hiệu lực bốn năm trong khi chúng ta thì đau với mối nguy đang đe doạ sức sinh tồn của dân tộc có hiệu lực ngàn vạn năm. Cái trận đấu quốc tế về chủ quyền quốc gia, đang nằm trong tay một “đội tuyển chính trị quốc gia”.
Danh chính ngôn thuận thì, như một chính quyền đã được Liên Hiệp Quốc công nhận, cái “đội tuyển chính trị” trong trận đấu này chính là đội hình “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (CHXHCNVN) và, như những cổ động viên đã phó thác toàn bộ vốn liếng và ngày mai, chúng ta đang đau đớn chứng kiến lối đá lạ lùng của một đội bóng lạ lùng.
Đó là một trận đấu mà đội trưởng hoàn toàn mất tích, hậu vệ không dám cản banh, trung vệ đòi làm trọng tài biên trong khi tiền đạo thì, mãi đến nay, chỉ có mỗi một thao tác duy nhất là… sút vào lưới nhà. Sự lạ lùng không chỉ giới hạn trên sân. Nó lan ra cả bốn phía khán đài khi cổ động viên nửa được van lơn, nửa bị đe nẹt, viện cớ những holligan cò mồi, là phải câm họng, không được công khai cổ động đội nhà. Trên hết là mục tiêu, chiến thuật. Thay vì tạo ra nhịp điệu thế trận của mình để hoá giải đấu pháp của đối phương, đội tuyển này lại ra sân như muốn phục vụ cho ý đồ chiến thuật của đối phương.
Bất cứ trận đấu hay dự án nào cũng cần phải một vị trí đầu đàn. Nếu, trên thực tế, vai trò đội trưởng phải thuộc về Tổng Bí thư thì, trên danh nghĩa, đó lại là vị trí của Chủ tịch nước. Thế nhưng “trên thực tế” hay “trên danh nghĩa”, Tổng Bí thư hay Chủ tịch, đội trưởng nào cũng không dám ra sân. Cả hai đều vắng mặt, như hai tên đào ngũ. [1]
Đội trưởng tự nhận thẻ đỏ từ đầu và những cầu thủ khác thì ra sân với tấm thẻ đỏ lơ lửng trên đầu, một thứ vòng kim cô hay một thứ lưỡi gươm Democles. Chủ tịch Quốc hội, trên lý thuyết, là nhân vật có vai trò tập hợp sức dân, thể hiện ý nguyện và lòng dân nên, do đó, có thể xếp vào hàng hậu vệ. Thế nhưng đây lại là một hậu vệ nhát banh. Thỉnh thoảng y quay mặt sang hai phía khán đài hếch mũi nhăn mặt như muốn pha trò nhưng nhiệm vụ thực sự của mình thì thoái thác và lảng tránh. Hoàn toàn không dám cản banh, chỉ một “nghị quyết” về Biển Đông thôi, y cũng són dái.
Quan trọng không kém là Thủ tướng. Có trách nhiệm điều phối chính quyền, điều phối các hoạt động phân phối và quản trị tài nguyên, nhân vật này cần đứng vào vị trí trung vệ, cầu nối giữa tuyến dưới và tuyến trên, cái vai trò cực kỳ quan trọng khi vừa kiến tạo những đợt tấn công vừa đóng vai trò tiếp ứng cho hàng phòng ngự. Thế nhưng va cũng chẳng đảm nhiệm được tý ty phần trăm nhiệm vụ trên phần đất phân định mà chỉ thấy lăng xăng ở dọc đường biên. Thỉnh thoảng va tạt sang nước này nước kia để, hoặc phát biểu dăm câu, hoặc hăm he sẽ có hành động pháp lý dăm câu. Tất cả chỉ có vậy. Chỉ hăm thôi, và chỉ hăm khi đã dạt ra biên. Va tuyệt đối không dám thực hiện cú sút phạt đáng ra được hưởng từ những lỗi mà mình đã phất cờ từ vị trí trọng tài biên.
Vai trò xông pha trận mạc ắt phải thuộc về Đại tướng – Bộ trưởng Quốc phòng. Và để tương xứng với hậu vệ sợ banh và trung vệ sợ tuột dây giày, ông tiền đạo – Đại tướng này lại lúng ta lúng túng với ngọn cờ trắng trong tay như có thể thấy ở bài diễn văn “giải quyết song phương” trong Diễn đàn An ninh Á châu Shangri-la tại Singapore. Không chỉ đẩy cổ động viên Nhật – Mỹ vào tình thế việt vị, há miệng mắc quai, tiền đạo ấy đã biến cú đá phạt lẽ ra phải hướng vào lưới địch thành cú sút ngược bắn vào khung thành nhà!
Không dám tổ chức các đợt tấn công đã đành, đội tuyển chính trị ấy còn e dè khép nép như thể sợ rằng trọng tài sẽ cho mình hưởng quả phạt đền. Đội tuyển chính trị CHXHCNVN đã ra sân như sợ rằng mình sẽ… thắng. Thiên về phòng ngự hay tấn công, đội bóng nào cũng nhập cuộc với giấc mơ chiến thắng hay thực tế hơn theo cán cân thực lực là giảm đến mức tối thiểu số bàn thua. Không đấu pháp, không huấn luyện viên và không đội trưởng nhưng, với bóng dáng lộ liễu của một trùm cá độ không thèm ra mặt, đội bóng này ra sân như muốn… tối đa số hoá số bàn thua.
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt
Mỗi con sông đều muốn hoá Bạch Đằng
(“Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” – Chế Lan Viên)
Nếu những đứa trẻ còn biết mơ ngựa sắt thì những nhà lãnh đạo quốc gia này lại bằng lòng với… ngựa gỗ, thứ ngựa đồ chơi sản xuất trong những công xưởng rẻ tiền Trung Quốc, chỉ có thể lắc tới lắc lui cái nhịp điệu chán phèo đã lên dây cót sẵn của nhà sản xuất Trung Quốc; hết lắc về sự cân bằng giữa “chủ quyền” với “tình hữu nghị” thì lắc đến sự cân bằng giữa “hoà bình ổn định” và nguy cơ “phức tạp hoá vấn đề”. Nếu chú bé Làng Gióng trong truyền thuyết vươn mình hoá thành người khổng lồ phóng lên lưng ngựa sắt đi giữ nước thì hôm nay chúng ta chứng kiến những nhà chính trị trong tuổi trưởng thành hoá thân thành trẻ con giữ nước. Sợ, không dám làm “Thánh” trên sân đấu, họ lẩn vào bốn phía khán đài để làm những ông thánh ăn vụng với từng nhóm nhỏ khán giả / cử tri. Họ “sẽ” bảo vệ chủ quyền thế này. Họ “sẽ” lấy lại những gì đã mất thế kia. [2] Họ nói thánh nói tướng bằng thì tương lai trong khi ngôn ngữ cho hiện tại thì mập mờ và gian trá, ngầm đe nẹt và ra mặt van lơn, rằng hãy “yên tâm / tin tưởng”, rằng phải “tự chế / đừng để bị lôi kéo / kích động”, rằng “không nhất thiết” phải công khai hò hét các khẩu hiệu đòi hỏi chủ quyền. Ngựa sắt của Thánh Gióng, với họ, chỉ còn lại là ngựa gỗ và con sông Bạch Đằng “tự cổ huyết do hồng”, cơ hồ, chỉ còn là một con kênh Nhiêu Lộc đen ngòm.
Chế Lan Viên viết mấy câu thơ “mơ ngựa sắt” ấy vào thập niên 60, cái thời mà hào quang của Pelé rực rỡ trên đấu trường quốc tế và danh tiếng của Đỗ Thới Vinh cùng Phạm Văn Rạng tỏa sáng trên sân cỏ Á châu. [3] Từ những hào quang ấy nhà văn Duyên Anh đã thổi bùng ước mơ World Cup và “vinh dự Việt Nam” vào tâm hồn của thế hệ trẻ em thời ấy, qua những câu chuyện dành riêng cho trẻ em. [4]
Duyên Anh chỉ viết truyện riêng cho trẻ em thôi chứ chưa đạt tới tầm cỡ của một nhà văn vừa viết cho trẻ em, vừa viết cả cho những ai “đã từng là trẻ em”. Dẫu vậy tôi vẫn muốn sống lại những khát vọng hồn nhiên của cái thời… chưa từng là người lớn, cái khát vọng mà, nói theo Chế Lan Viên là “mơ ngựa sắt”, và nói theo Duyên Anh là “Mơ thành người Quang Trung”.
Trong giấc mơ đó Đội tuyển Việt Nam Cộng hoà, với những cầu thủ trụ cột như “Bồn lừa” và “Chương còm”, diễn tả như những đứa em từng hâm mộ “anh Vinh / anh Rạng”, đã chiến thắng vô địch thế giới Brazil ngay trên sân Brazil. Và trong giấc mơ đó những tuyển thủ Việt Nam không chỉ khiến một danh thủ lẫy lừng như Pelé và đất nước Brazil phải tâm phục khẩu phục mà còn khiến người Pháp phải tự cảm thấy xấu hổ, cúi đầu xin lỗi người Việt về 80 năm đô hộ.
Đó không chỉ là vinh quang sân cỏ và hành động ngoại giao tưởng tượng kia chỉ là một cái cớ bởi sâu thẳm trong đó là ước mơ đau đáu về một nước Việt Nam mạnh mẽ ngẩng đầu, không ai dám khinh nhờn, không bị ai ức hiếp, một ước mơ không phải là xa vời lắm nếu chúng ta nhìn vào những nước Á châu như Nhật hay Nam Hàn ngày nay. Con hơn cha là nhà có phúc, nếu những Đỗ Thới Vinh và Phạm Văn Rạng có thể đạt đến trình độ thượng thặng của nền bóng đá Á châu ở thập niên 60 thì những thế hệ tiếp nối cũng có thể đi xa hơn đàn anh mình và, tệ ra, cũng có thể tiến tới World Cup như Nhật hay Nam Hàn chứ? Và nếu, năm 2008 nguyên Thủ tướng Úc Kevin Rudd từng đứng ra xin lỗi những thế hệ thổ dân bị đánh cắp, năm 1998 nguyên Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đứng ra xin lỗi Phi châu về về tệ buôn bán nô lệ da đen, thì viễn ảnh về việc người Pháp đứng ra xin lỗi về hành động thực dân của cha ông họ ngày trước cũng là điều mà chúng ta có thể kỳ vọng chứ?
Và bây giờ cũng tại Brazil, cũng ngay trong mùa World Cup, cái tên Việt Nam lại được nêu lên, nhưng như một vết nhục: “It’s the World Cup, not a friendly in Vietnam”. [5] Đó là World Cup chứ không phải một trận giao hữu tại Việt Nam, có người Việt bình thường nào mà không cảm thấy đau khi Raúl Albiol, một tuyển thủ Tây Ban Nha, trong cuộc phỏng vấn của tờ The Guardian trước trận đấu chỉ mang ý nghĩa thủ tục với đội tuyển Úc để rồi lên đường về nước, đã lôi tên đất nước mình ra như là hạng vứt đi của nền bóng đá thế giới, cái nơi thua chẳng sao mà thắng cũng chả vinh dự gì? Nếu trên sân bóng đá, đội tuyển Việt Nam đã đồng hoá cái tên đất nước như là trình độ đáy hạng của thế giới thì, trên bản đồ bang giao quốc tế, qua cuộc tranh chấp chủ quyền mà chúng ta đang chứng kiến, “đội tuyển chính trị” Việt Nam đã biến cái tên Việt Nam thành một mục tiêu của sự… thương hại.
Sự thương hại bao giờ cũng chỉ ban phát cho hạng người không thể ngóc đầu và, cơ hồ, trên muôn mặt đời sống, chúng ta chỉ đối mặt với những tình huống phải cúi đầu. Chưa bao giờ phẩm giá Việt Nam bị hạ thấp như hôm nay. Chúng ta tủi nhục cúi đầu khi người Nhật và người Thái dựng những biển cấm bằng tiếng Việt. Chúng ta nhục nhã chứng kiến cảnh “đội tuyển chính trị quốc gia” líu ríu cúi đầu, cúi đầu khi sinh mạng và tài sản của người dân bị trắng trợn xúc phạm, cúi đầu cả khi chủ quyền quốc gia bị ngang nhiên xâm phạm. Và lời xin lỗi về 80 năm thực dân sẽ là một giấc mơ rất xa vời khi mà, không cần đợi những thế lực thực dân đến bắt người Việt làm nô lệ lần nữa, chính cái đội tuyển chính trị kia đã hiện nguyên hình là một thế lực thực dân.[6]
Cái gì đã đẩy đất nước chúng ta đến mức tận cùng của sự nhu nhược, sa đoạ và hèn yếu này?
Tôi nghĩ đến những bài thơ trên của Chế Lan Viên, “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”:
Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
– Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn,
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc.
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng…
Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn…
Bài thơ được viết vào năm 1965, là thời của chiến tranh chia cắt và Tổ quốc có thể nào “đẹp” trong cái hình hài quằn quại đau đớn vì cắt xẻ và xung đột ấy? Nhưng với nhà thơ thì Tổ quốc không chỉ rất “đẹp”, mà là “đẹp nhất” bởi, từ góc nhìn lịch sử:
Có phải cha ông đến sớm chăng và cháu con thì lại muộn?
Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút giây bây giờ
Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng,
Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ…
và bởi, từ góc nhìn riêng:
Ôi! Trường Sơn vĩ đại của ta ơi!
Ta tựa vào ngươi, kéo pháo lên đồi,
Ta tựa vào Đảng ta, lên tiếng hát,
Dưới chân ta, đến đầu hàng Đờ-cát,
Rồng năm móng vua quan thành bụi đất,
Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười!
Tiếng cười dẫu có “dội” trang thơ đến đâu đi nữa thì Tổ quốc cũng cần phải đi lên, phải đẹp hơn mỗi ngày và có thế hệ nào mà không mong mỏi rằng con cháu sẽ đi xa hơn mình? Thế nhưng Tổ quốc đã vươn đến cái đỉnh cao mà quá khứ không thể so sánh, tương lai không thể vượt qua, vĩnh viễn, muôn vạn năm sau, Tổ quốc không thể nào “đẹp” và “đáng sống” hơn. Khi thế hệ đi trước có thể kiêu ngạo đến mức hẹp hòi và ích kỷ trong quan niệm về cái “đẹp” của Tổ quốc như thế thì, ắt hẳn, phải có một sự lệch lạc nào đó trong nhận thức của họ về cái “đẹp” ấy.
Nói một cách khác là sự lệch lạc trong mỹ học về Tổ quốc. Mỹ học là triết học về cái đẹp. Nếu cái đẹp bao giờ cũng tùy thuộc vào phối cảnh của đối tượng và sự tương tác giữa con mắt thưởng ngoạn với đối tượng thì cái đẹp của Tổ quốc cũng vậy. Nó tùy thuộc vào phối cảnh của đất nước. Và nó tùy thuộc vào sự tương tác từ những con mắt nhìn vào. Nghĩa là tuỳ thuộc vào “nhận thức” về Tổ quốc.
Nhận thức về Tổ quốc hình thành trong đầu chúng ta từ những bài học địa lý và lịch sử đầu tiên. Những bài địa lý dạy chúng ta hình hài thân xác Tổ quốc trên ý nghĩa không gian và những bài sử cho chúng ta nhìn ra “linh hồn” của Tổ quốc trên khía cạnh thời gian. Chúng ta học để ý thức được nhiệm vụ của mình cho một Tổ quốc ngày càng đẹp hơn, cao cả hơn. Nhưng chúng ta còn học để hiểu rằng cái đẹp và sự cao cả của Tổ quốc phải đặt trong ý nghĩa tương liên giữa thời gian với không gian. Tổ quốc hôm nay phải hơn ngày hôm qua và sẽ không là gì so với ngày mai, tất nhiên. Nhưng trên nghĩa cạnh tranh / sinh tồn, Tổ quốc còn phải đẹp và cao cả hơn trên ý nghĩa không gian, phải “hơn” theo một tốc độ để không bị tụt hậu so với thế giới và láng giềng, nghĩa là phải “hơn” trong cái nhìn đồng đại. Khu biệt hoá không gian chỉ để “đẹp hơn” trên khía cạnh thời gian là một sự lệch lạc. Nhìn ra cái “đẹp” ở thân xác và linh hồn rướm máu của Tổ quốc trong chiến tranh chia cắt cũng là một sự lệch lạc. Sự lệch lạc nối tiếp lệch lạc này, ắt hẳn, phát sinh từ những bài học địa lý và lịch sử lệch lạc.
Nhưng đó không chỉ đơn thuần là những bài học cụ thể trong một cuốn sách giáo khoa cụ thể, như cuốn sách địa lý mà Trung Quốc vừa mới trưng ra như một bằng chứng trong tập hồ sơ trình lên Liên Hiệp Quốc. [7] Những bài học cụ thể đã quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là “cách học”, như một “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” hệ thống giáo huấn, thứ “bài học” cao nhất, mang tính “chỉ đạo nhất” như bài học “địa lý quốc gia” mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nêu ra trước cơ cấu quyền lực cao nhất của chế độ, chẳng hạn. Cái bài học đã được ông ta diễn đạt thành vè như là lời giáo đầu cho bài diễn văn “phát triển nông – công nghiệp” tại Hội nghị Trung ương Đảng ngày 16 tháng Tư năm 1962:
Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt,
Rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu.
Nhân dân dũng cảm và cần kiệm,
Các nước anh em giúp đỡ nhiều
Thì “rừng”, “biển” và “nhân dân” nhưng còn “các nước anh em”, cái thế giới xã hội chủ nghĩa mà “anh em” gần nhất thì hoá thù chỉ trong vòng chưa đầy hai thập niên sau đó, còn phần còn lại thì chỉ có thể sống sót chỉ thêm một thập niên sau đó? Trong khi sẵn sàng “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”, sẵn sàng hy sinh nguyên một thế hệ “hay hơn nữa” để đạt đến những mục tiêu chính trị, lãnh tụ ấy lại không thể nhìn xa hơn thời của mình chỉ một thế hệ. Nhưng vấn đề ở đây không phải là cái viễn kiến ấu trĩ của ông ta. Vấn đề là cái mỹ học lệch lạc về Tổ quốc của ông ta.
Để tồn tại và phát triển thì đất nước, và mọi dự phóng cho đất nước, phải được đặt trong phối cảnh trần trụi và khắc nghiệt của nó với những thách thức mà đất nuớc đã, đang và sẽ phải đối phó. Nhưng như một kẻ viễn mơ, ông ta đã tô vẽ Tổ quốc bằng cách thoát ly, kéo Tổ quốc tách ra khỏi ràng buộc lịch sử – địa lý ngàn đời để đẩy đến với thế giới “anh em” tồn tại chỉ có mấy đời. Ông ta nhắm mắt vin vào chỗ dựa chính trị của ông ta, của những “đội tuyển chính trị” nối gót ông ta, một kiểu… ký sinh chính trị. Đến lượt, cái hệ thống ký sinh trùng chính trị này lại là chỗ dựa cho những người có thể sảng khoái “dội” tiếng cười giữa những tan nát thương đau, bất kể thế nào, họ phải “dội tiếng cười” để Tổ quốc của riêng họ phải trở nên đẹp nhất.
Thì cũng gọi là Tổ quốc, nhưng đó là một thứ Tổ quốc không còn là… Tổ quốc nữa, thứ Tổ quốc phản trắc và lừa mị. Tổ quốc chúng ta hình thành trên mảnh đất khắc nghiệt về địa lý thiên nhiên và trắc trở về địa lý – chính trị, phải luôn luôn đối phó với một láng giềng mạnh gấp mấy lần, thể hiện qua mối xung đột truyền thống đã lưu dấu lịch sử với 1000 năm đô hộ và vô số những cuộc chiến nối tiếp nhau trong hơn 1000 năm sau đó. Tổ quốc của họ thì phải ký sinh vào Tổ quốc của những tên thực dân đã từng giày xéo đất nước chúng ta trong 1000 năm đô hộ, đã liên miên xâm lăng, liên miên gây chiến với chúng ta trong suốt hơn 1000 năm nối tiếp. Bây giờ, cả khi “láng giềng ý thức hệ” ấy đã hiện nguyên hình là một “láng giềng địa lý” thô bạo, đang xắn tay nối dài cái bề dày xâm lược đó, họ vẫn cố bám víu, ký sinh.
Hậu quả nhãn tiền từ mối quan hệ ký sinh chính trị này là trận đấu đầy… phản trắc về chủ quyền. Đội tuyển chính trị ấy biết thi đấu như thế nào đây khi đối thủ của họ lại là chỗ dựa “anh em” cuối cùng của họ? Những tuyển thủ trong đội bóng ấy phải phòng thủ, phải tấn công và phải phối hợp với nhau như thế nào đây khi đối phương trên sân chính là ông trùm cá độ đang bảo kê cho sự tồn tại họ, bảo kê cho hôm nay và cho ngày mai của họ, cái ngày mai đã hình tượng hoá một cách thô tục như là cái “sổ hưu đang có” hay “sẽ có” mà họ thầm thì hô hào như một đám ăn vụng là phải quyết tâm giữ gìn cho bằng được? [9]
Và như thế, trong khi muốn nổ tung cái đầu của mình ra truớc những lệch lạc về đội hình và đấu pháp của trận đấu, chúng ta lại bặm môi nuốt nước mắt và kìm nén tiếng gào trước những trận càn quét hung hãn của đối phương trên vùng cấm địa. Chúng ta muốn bật khóc trước hình ảnh tả tơi rách nát của khung lưới thành nhà. Chúng ta nhói lòng, muốn gào lên thật to trước những thương tích bầm dập mà những thủ thành chịu đựng. Những tuyển thủ được chế độ trả lương cao nhất đã đào ngũ, đã dạt ra biên hay lăng xăng làm trò hề trên khán đài và vùng đất trước khung thành đã bị bỏ ngỏ. Chỉ còn lại những những cảnh sát biển, những nhân viên kiểm ngư và những ngư dân. Những nhân viên cảnh sát và kiểm ngư còn lâu mới hưởng được bổng lộc cao ngất của chế độ. Và nhất là những ngư dân hiền lành, chất phác. Sau một thời dài bị bỏ quên trong thân phận đứa con bị bỏ chợ, họ lại được khuyến dụ ra nơi đầu sóng ngọn gió để góp phần bảo vệ chủ quyền, chỉ để tiếp tục gánh chịu tình cảnh của đứa con bỏ chợ: bị đối phương vờn như vờn bóng, muốn hủy hoại tài sản thì huỷ hoại, muốn hành hung thì hành hung, muốn bắt cóc thì cứ việc còng tay.
Chưa lúc nào Tổ quốc chúng ta yếu hèn như lúc này và Chế Lan Viên, tác giả bài thơ xem như một thành tựu và như một tuyên ngôn của thứ mỹ học khác về Tổ quốc ấy, đang ở đâu? Đang tiêu dao ở miền cực lạc nào đó hay đã đến gặp “cụ Mác, cụ Lê” như là lãnh tụ chính trị có tầm nhìn không quá 20 năm nhưng tên tuổi vẫn sánh ngang hàng với tổ phụ đã lưu tên cả mấy ngàn năm?
Hỡi những người Việt Nam vẫn còn xem vua Hùng là tổ phụ, vẫn muốn mình và con cháu mình có thể sống với tư thế ngẩng đầu, hãy đốt thứ “tuyên ngôn” về “Tổ quốc” trên như một thứ vàng mã để khấn lên cái sự thật mà bất cứ ai cũng thấy được; hãy đốt và khấn như một nghi thức trừ tà, nghi thức đầu tiên của nỗ lực thanh tẩy những nguyên nhân của sự yếu hèn để hướng một Tổ quốc toàn vẹn, đẹp hơn, và cao cả hơn:
Tổ quốc có bao giờ nhục thế này chăng?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét