Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015
ĐẰNG SAU NHỮNG TẤM HUY CHƯƠNG.
“Ở các nước phát triển, giá trị của sự cống hiến trong thể thao luôn được đặt lên một cách đúng tầm. Còn ở Việt Nam, luôn đầu tư theo kiểu “nuôi gà chọi” và bao cấp “xin – cho”
Vừa qua hiện tượng Nguyễn Thị Ánh Viên đã trở thành tâm điểm chú ý tại SEA Games trên đất Singapore. Với 8 HC vàng và 8 kỷ lục Ánh Viên đã được báo chí tung hô với những ngôn từ có cánh:
"Khi giành HC vàng cự ly 400m tự do hôm thứ tư 10/6 tại Singapore, cô về đích với thành tích 4 phút 8 giây 66 (4:08.66), hơn VĐV về nhì người Malaysia tới gần 10 giây. Kết quả này phá sâu kỷ lục SEA Games được thiết lập từ năm 2009, và còn hơn thế nữa. Thành tích này chỉ kém mốc giành HC bạc ASIAD 2014 có 0,43 giây, kém HC vàng gần một giây, và nhanh hơn mốc đoạt HC bạc ở ASIAD 2010 khoảng 0,23 giây. Thành tích này của Ánh Viên cũng tốt hơn người hiện giữ vị trí thứ 25 thế giới trong bảng xếp hạng các vận động viên có kết quả bơi tốt nhất ở cự ly 400m tự do nữ năm 2015."Báo vnexpress)
Ánh Viên đang được xem xét và đặc cách quân hàm từ đại úy lên thiếu tá Q ĐNDVN ở tuổi 19,một trường hợp từ trước đến nay chưa từng có.Vinh quang tràn ngập khi trái chanh vẫn còn đầy nước.Thế nhưng khi đã bị vắt kiệt nước,cái vỏ chanh còn lại mới cảm thấy thất vọng ê chề.
Phan Thị Hà Thanh , là một trong những nữ vận động viên hàng đầu của thể dục dụng cụ Việt Nam.. Cô cũng là vận động viên thể dục dụng cụ Việt Nam đầu tiên giành được huy chương tại Giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới khi cô giành huy chương đồng trong lần tổ chức tại Nhật Bản năm 2011, và là vận động viên thể dục dụng cụ Việt Nam đầu tiên giành được Huy chương vàng tại Giải vô địch thể dục dụng cụ Châu Á 2012
Thành tích nổi bật:
4 Huy chương vàng môn thể dục dụng cụ qua các kỳ SEA Games 2007, 2011.
Huy chương đồng giải vô địch thể dục dụng cụ châu Á năm 2009.
2 Huy chương bạc giải World Cup thể dục dụng cụ thế giới tại Porto năm 2010.
Huy chương đồng nội dung nhảy ngựa tại giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới 2011 ở Nhật Bản.
Huy chương vàng nội dung nhảy ngựa tại giải thể dục dụng cụ quốc tế Toyota Cup 2011 ở Tokyo.
Về nhất trong cuộc bầu chọn Vận động viên tiêu biểu của Thể thao Việt Nam năm 2011 với 1.425 điểm.
Huy chương vàng tại Giải vô địch thể dục dụng cụ châu Á 2012 ở đơn môn nhảy chống.
Huy chương vàng nội dung nhảy chống tại giải thể dục dụng cụ cúp thế giới 2012 tổ chức tại Cộng hòa Czech.
Lập bao chiến tích, giúp thể dục dụng cụ Việt Nam có vị thế trên thế giới, nhưng Hà Thanh chịu rất nhiều thiệt thòi so với các VĐV khác. Ít ai biết chuyện học hành của nhà vô địch vẫn đang dang dở vì bận tập luyện, thi đấu quanh năm, một suất biên chế vào ngành thể thao Hải Phòng đến bây giờ vẫn là những lời hứa suông.
Mấy năm về trước, với thành tích vang dội cho thể dục dụng cụ nước nhà, Hà Thanh đã được xét duyệt vào biên chế. Không hiểu vì lý do gì mà đến giờ, Hà Thanh vẫn chưa được xét, dù điều đó gần như không thể bàn cãi nữa. Chưa có một tương lai ổn định, ngay cả những quyền lợi sát sườn, Hà Thanh cũng chịu thiệt không kém. Ít ai ngờ một VĐV ở tầm thế giới, từng đoạt vé tham dự Olympic như Hà Thanh mà lương không quá 3 triệu đồng mỗi tháng. Với số tiền này, tự nuôi bản thân còn chưa đủ chứ chưa nói gì tới giúp đỡ cho gia đình.
Ngay lúc còn thi đấu, khi mà Hà Thanh vẫn đang “cày ải” mang vinh quang về cho tổ quốc, cô còn không được quan tâm đúng mức thì không hiểu sau khi giải nghệ, Hà Thanh sẽ được gì từ ngành thể thao.
Hà Thanh không phải là trường hợp cá biệt ,nhà vô địch Seagames 22 Nguyễn Thị Nụ phải đi nhổ cỏ, chăm sân, HLV bóng chuyền Vũ Thị Huệ đi quét rác, rồi Thu Cúc – cô gái vàng điền kinh Việt Nam cũng phải lay lắt bán cà phê để kiếm sống…khiến dư luận không khỏi xót xa, bất bình
Tiền vệ Quách Thanh Mai (Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam) sau khi chia tay sân cỏ đã quyết định ở nhà phụ bố mẹ trông coi cửa hàng xe máy, thậm chí chị phải xắn tay áo vá săm, thay dầu, siết bu lông… Tiền đạo Bùi Tuyết Mai của đội Hà Nội đi bán mỹ phẩm để kiếm sống. Nhưng công việc khá vất vả khiến cô bỏ cuộc. Thay vào đó, cô quyết tâm đầu tư mở quán café…Đến cựu thủ môn Kim Hồng của TP.HCM trước khi trở lại làm HLV phó tuyển nữ Việt Nam cũng phải lay lắt đi bán bánh mì dạo.
Gần đây nhất, câu chuyện của nhà vô địch karatedo Vũ Thị Nguyệt Ánh – người đã từng làm nức lòng người hâm mộ khi mang về cho Thể thao Việt Nam tấm HCV karatedo quý giá, đăng quang ngôi vô địch Á vận hội … cũng khiến nhiều người nghẹn lòng. Cống hiến cho nước nhà tuổi trẻ, đạt được bao nhiêu thành tích vẻ vang chị chẳng đòi hỏi gì mà chỉ mong được phẫu thuật đầu gối đang bị chấn thương với nỗi đau đớn hành hạ mỗi ngày. Thế nhưng, rất nhiều lần chị và HLV Lê Công xin Tổng cục TDTT được phẫu thuật để chữa trị dứt điểm thì kết quả lại chỉ là sự chờ đợi mỏi mòn.
Trong khi đó ở nước Mỹ?
Nhân dịp Michael Phelps lập kỷ lục Thế vận hội khi đoạt chiếc huy chương thứ 19 hôm 31/7, Tổng thống Obama đã viết lời chúc mừng kình ngư này trên trang Twitter cá nhân của ông. Nhưng không chỉ có vậy, hôm 1/8, người đứng đầu nước Mỹ còn trực tiếp gọi điện tới tận hồ bơi để ngợi khen thành tích của Phelps. Phelps mô tả cuộc gọi của Tổng thống Mỹ ngày hôm sau là "điều tuyệt vời".Phelps tiết lộ rằng trong lúc trò chuyện, Tổng thống Obama nói rằng cả nước ủng hộ anh và tự hào với những gì anh thể hiện. "Ông ấy kết thúc bằng lời nhắn 'cậu hứa là sẽ nói với mẹ cậu rằng tôi gửi lời chào bà ấy",
Các Vận động viên nhà nghề Mỹ kết thúc sự nghiệp với những gia tài khổng lồ: Michael Jordan:1 tỷ USD,Tiger Woods: $ 550 triệu, Magic Johnson : $ 500 triệu,Shaquille O’Neal : $ 350 triệu,Dale Earnhardt Jr: $ 300 triệu...Với 22 huy chương Olympic tài sản của Michael Phelps cũng đã là $50 triệu.
Nhưng cái quan trọng nhất chính là việc đưa thể thao vào học đường ĐH đã khiến nước Mỹ thành công trong các kỳ thế vận hội và các vận động viên ngoài thi đấu thể thao cũng đều là những sinh viên có những chuyên ngành khác,không lo bị thất nghiệp khi không còn thi đấu đỉnh cao.
Thể thao cũng là nguồn thu nhập đáng kể,các trường đại học có thể trở thành nổi tiếng nếu có một đội bóng đá hay bóng rổ mạnh. Trường có thể có thu nhập khá lớn từ bán vé các trận đấu, bán quyền truyền hình và bán quần áo thể thao với biểu tượng của đội... Ở các nước khác, thể thao thường tách khỏi nhà trường. Vì vậy mà không ở đâu có nguồn thu như thế. Kết quả thật bất ngờ là những trường nổi tiếng nhất không phải là những trường có trình độ giáo dục cao nhất mà lại là những trường có đội thể thao thành công nhất.
Như vậy đằng sau những tấm huy chương,những lời tung hô ở Việt nam là những giọt nước mắt buồn tủi.Vinh quang thường đi liền với cay đắng trong một thể chế xã hội chỉ coi trọng sự tuyên truyền về lòng "tự hào dân tộc" một cách giả tạo.Sau ánh hào quang một vài năm,chẳng còn ai nhớ tới họ nữa bởi tất cả đang dành sự chú ý đến những ngôi sao mới nổi.Quân hàm ,bằng khen,huy chương...không đem lại một cuộc sống ổn định sau khi giải nghệ trong khi họ đã hy sinh rất nhiều thứ tuổi trẻ,học tập và cả tình yêu đôi lứa cho cái đám đông cuồng dại mỗi khi khoác lên lá cờ đỏ,cho cái gọi là tổ quốc và cho cả cái gọi là niềm" tự hào dân tộc" chỉ đáng giá vài xu.
Like · Comment ·
Share
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét