"Khi Thế chiến I kết thúc, người ta tranh luận về việc liệu Mỹ có nên tham gia các tổ chức quốc tế như Hội Quốc Liên để phục vụ tối đa lợi ích của mình hay cần tránh xa các tổ chức này để theo đuổi lợi ích riêng.
Khi đó, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson bảo vệ quan điểm rằng Hội Quốc Liên được thiết lập để bảo vệ hòa bình, còn Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Henry Cabot Lodge nhận định tổ chức này là mối đe dọa với chủ quyền nước Mỹ. Khi Tổng thống Wilson tìm cách đưa Mỹ gia nhập Hội Quốc Liên, Lodge lên kế hoạch kêu gọi Thượng viện Mỹ phản đối, khiến Mỹ chưa bao giờ tham gia Hội Quốc Liên.
"Mỹ là một cường quốc nên các tác động từ sự can thiệp của nước này vẫn không biến mất dù Mỹ rút vào chủ nghĩa biệt lập", Wawro nhận định.
Những chính sách đối ngoại chưa từng có tiền lệ dưới các đời tổng thống trước mà Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi gợi nhớ đến cuộc tranh luận vào những năm 1920 giữa Nhà Trắng và Điện Capitol về sự tham gia của Mỹ đối với các tổ chức quốc tế.
Tổng thống Trump tỏ rõ thái độ không coi trọng các thiết chế toàn cầu, thậm chí phản đối các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trump rút hoặc công bố kế hoạch rút khỏi Thỏa thuận về Biến đối Khí hậu Paris, Thỏa thuận Hạt nhân Iran, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ hy sinh chủ quyền của nước Mỹ cho bộ máy quan liêu toàn cầu không được bầu lên, không có trách nhiệm", Trump phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9. "Nước Mỹ do người Mỹ lãnh đạo. Chúng tôi từ chối ý thức hệ của chủ nghĩa toàn cầu hóa và chúng tôi chọn đi theo chủ nghĩa yêu nước".
Các đời Tổng thống Mỹ từ Harry Truman cho tới Barack Obama có thể có những khác biệt về ưu tiên và chiến thuật nhưng đều chung quan điểm về sự lãnh đạo của nước Mỹ, như tích cực đề cập đến các liên minh, mở cửa thị trường... Tuy nhiên, Trump lại hoài nghi về chủ nghĩa đa phương và quay lưng lại với thế giới do chính Mỹ tạo ra.
Trump từ chối các cấu trúc được thiết lập để Mỹ tham gia lãnh đạo thế giới, tìm giải pháp thay thế với các thỏa thuận song phương. Trump cho rằng Mỹ cần tái lập các điều khoản của riêng mình thay vì cái gọi là "những điều khoản thiêng liêng" do lịch sử để lại, vốn bị Trump coi là bất lợi cho Mỹ.
Đối với Chính quyền Trump, “mối đe dọa” lớn nhất, trực tiếp nhất và “nguy hiểm” nhất hiện nay đối với vị trí siêu cường và hệ thống quốc tế do Mỹ đóng vai trò chủ đạo không còn là chủ nghĩa khủng bố hay mối đe doạ từ Nga mà là từ Trung Quốc và điều này được nêu rõ trong Chiến lược an ninh quốc gia công bố đầu năm 2018. Thách thức này lớn hơn hẳn so với tất cả các thách thức mà Mỹ từng phải đương đầu từ sau Thế chiến II đến nay.
Nếu kinh tế Trung Quốc bị kéo lùi lại do hệ quả của chiến tranh thương mại thì có thể dẫn đến những hệ quả ghê gớm: thất nghiệp tăng, nguy cơ bất ổn xã hội tăng cao, thị trường chứng khoán giảm tốc, đồng tiền mất giá, dự trữ ngoại hối sụt giảm, nguồn tiền đố vào chi tiêu quốc phòng cũng như đầu tư cho chiến lược “vành đai, con đường” sẽ không còn được dồi dào như trước.
Thời kỳ Reagan, ngoài chuyện củng cố sức mạnh kinh tế, Mỹ còn “đánh gục” Liên Xô bằng các đòn “hội đồng” như cùng OPEC phối hợp hạ giá dầu để triệt hạ nền kinh tế Liên Xô vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu, đồng thời buộc Liên Xô phải tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ và cả khối NATO, cũng như gài bẫy để Liên Xô dính vào “cú lừa thế kỷ” về sáng kiến “Chiến tranh các vì sao” của Mỹ. Điều này đã buộc Gorbachev phải đi vào hòa dịu, giải trừ quân bị với Mỹ, rồi tiến tới “tự giải thể” khối quân sự Warsaw Pact, khối kinh tế Comecon giữa Liên Xô và các nước Đông Âu, cũng như Liên Bang Xô viết trong giai đoạn cuối những năm 1980, đầu những năm 1990.
Về cơ bản, Trump cũng có cách tiếp cận về kinh tế và quân sự tương tự Reagan, nhưng có một số điều chỉnh do bối cảnh quốc tế hiện nay, cũng như tương quan, so sánh sức mạnh tổng thế giữa Mỹ với các đồng minh, địch thủ cũng có những thay đổi căn bản.
Với hàng loạt biện pháp mang tính quyết liệt, và phần nào đó khá cực đoan, Trump đã ghi được bảng thành tích kinh tế khá tốt dẫu mới cầm quyền chưa được hai năm. Cụ thể là:
– Tỷ lệ thất nghiệp tính đến đầu tháng 10/2018 giảm xuống còn 3,7%, mức thấp nhất trong 50 năm qua.
– Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017, năm đầu tiên Trump nắm quyền, là 2,3%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ 1,5% năm 2016 trước đó. Con Quý II, tốc độ tăng trưởng đạt 4,2%, mức cao nhất kể từ năm 2014.
– Lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp hiện ở mức cao nhất tính từ thời điểm năm 2000.
– Chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ hiện vào khoảng 26.500 điểm, tức cao khoảng 33% so với đỉnh cao 20.000 điểm dưới thời Obama.
Đáng chú ý là cách tiếp cận và tìm cách xích lại gần Nga của chính quyền Trump. Trong nội bộ Mỹ, không khí và quan hệ thù địch với Nga hiện khá cao do những cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử 2016 để Trump lên nắm quyền vẫn chưa được giải tỏa. Tuy nhiên, Trump vẫn nhắm đến Nga với nhiều mục tiêu khác nhau:
Thứ nhất, Trump cho rằng Nga tuy bị suy yếu nhiều, nhưng xét từ góc độ quân sự, Nga vẫn là cường quốc quân sự duy nhất có thể đưa nước Mỹ “trở về thời kỳ đồ đá” nếu xảy ra xung đột quân sự. Do đó, để quan hệ Mỹ-Nga ở tình trạng đối đầu lâu dài sẽ không có lợi.
Thứ hai, việc xích lại gần Nga sẽ làm cho các nước châu Âu thành viên NATO lo ngại và do vậy không cần gây thêm sức ép cũng buộc họ tự tăng ngân sách quốc phòng.
Thứ ba, việc đi với Nga còn là cách để Mỹ tạo sức ép tối đa lên Trung Quốc – quốc gia được xem như địch thủ chiến lược lớn nhất của Mỹ vào lúc này. Nhìn cách Trump đi với Nga để tạo sức ép lên Trung Quốc lúc này thấy không khác mấy so với cách mà Mỹ dưới thời Nixon và Kisinger tìm cách khai thông quan hệ với Trung Quốc trong những năm 1970 để cô lập và tạo sức ép tối đa lên Liên Xô, để rồi nước này đi vào con đường thỏa hiệp với Mỹ và tự tan rã vào năm 1991.
Việc tấn công tổng lực vào một loạt các thiết chế quốc tế lớn như Liên hợp quốc, UNESCO; vào các hiệp ước, các thiết chế lâu đời với đồng minh, láng giềng như NATO, nhóm G-7, NAFTA; vào các thỏa thuận với đối tác, bạn bè như TPP (chuẩn bị bước vào giai đoạn ký kết)… ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng đã biến Trump thành nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa quốc gia nhiệt thành, “kẻ” chủ trương ủng hộ nghĩa biệt lập, và là một trong những nhà lãnh đạo Mỹ “đáng ghét” nhất trên thế giới. Tháng 1/2018, Viện thăm dò dư luận Gallup tiến hành khảo sát ý kiến của người dân 134 nước trên thế giới và kết quả là tỷ lệ trung bình ủng hộ lãnh đạo Mỹ giảm mạnh từ 48% năm 2016 xuống còn 30% vào 1/2018.
Tuy nhiên, Trump dường như có một mục tiêu và lộ trình được lập trình từ trước nên tỏ ra không mấy bận tâm vào việc lãnh đạo hay người dân các nước nghĩ về mình hay nước Mỹ, miễn là việc mình làm phục vụ lợi ích của nước Mỹ, đặt nước Mỹ lên trên hết (America First). Dù chưa định hình rõ nét, nhưng có thể thấy sơ bộ một số bước đi chính của Trump trong việc “xoá bàn cờ làm lại”, đặt ra luật chơi mới với 5 bước đi sau:
Một là, rút nước Mỹ ra khỏi các thiết chế/cam kết quốc tế không phù hợp với lợi ích của nước Mỹ.
Hai là, gây sức ép, đàm phán lại các hiệp định/thoả thuận/định chế cũ.
Ba là, cắt giảm cam kết tài chính, gây sức ép cải tổ các định chế quan trọng.
Bốn là, tấn công trực diện các thiết chế mới ra đời của đối phương.
Năm là, lập ra các thiết chế, các định chế mới.
Là nhà lãnh đạo của “cường quốc đa chiều” duy nhất, Trump đã khiến phần còn lại của thế giới hiểu rằng bỏ qua lợi ích Mỹ đồng nghĩa với những rủi ro và hậu quả nặng nề. Trên thực tế, tất cả các quốc gia đều quan tâm đến mối quan hệ “mang tính xây dựng” với Mỹ. Không bên nào mong muốn lâm vào thế đối đầu với Washington. Kết quả là, sự pha trộn quyền lực từ “sức mạnh tuyệt đối” với phong cách ngoại giao bản sắc Donald Trump, nước Mỹ vẫn đang trên đà đạt được những thành tựu đáng kể. Và như Donald Trump phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng 9 vừa qua: “Chưa đầy 2 năm, chính quyền của tôi đã gặt hái được nhiều hơn gần như bất cứ chính quyền nào trong lịch sử đất nước”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét