Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

NHỮNG TRÒ NHỐ NHĂNG CỦA TRUYỀN THÔNG CÁC CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI.

Việc một cậu học trò gởi thư tay thăm một cô giáo cũ là chuyện hết sức bình thường. Tại sao lá thư tay đó lại được lên mặt báo và hoá thành bất thường ?
Theo logic thì ở đây có các lý do :
- Vì lá thư ấy được viết bởi một cậu học trò nay ngồi trên ngai vàng quyền lực : kiêm một lúc 2 chức tổng bí thư và chủ tịch nước.
- Vì báo chí cho rằng đạo lý dân tộc đã suy thoái đến mức không có một người nào làm to đến thế mà lại nhớ đến thầy cô giáo cũ ?
Nhưng rốt cuộc thì cũng là màn đánh bóng lãnh tụ thô thiển
của các chế độ độc tài phong kiến. Khi xưa Hồ Chí Minh trơ trẽn hơn bằng cách tự mình dùng bút hiệu Trần Dân Tiên để ca ngợi mình. Nguyễn Phú Trọng có một "đạo diễn" hình ảnh ở phía sau. Nhưng tư duy của đạo diễn này quá tầm thường. Thời bây giờ mà dùng hình ảnh "vua vi hành" ngày đầu xuân thăm dân, vua mặc áo sờn tay, vua thả cá phóng sanh, vua trồng cây khi các quan đại thần vây quanh là khinh thường trí tuệ của dân quá đáng. Dân chẳng đến nỗi ngô nghê mà không nhận ra các màn kịch có bàn tay đạo diễn trong đó. Huống chi hàng ngày họ phải xem biết bao màn kịch vì dân, giúp dân của công an.
Các lãnh tụ của các đảng phái tranh cử trong một cơ chế đa đảng giờ đây cũng tiếp thị hình ảnh gần dân nhưng tinh vi hơn nhiều. Đảng dân chủ của Obama đạo diễn các màn tổng thống bắt tay phụ huynh, trẻ em đi dạo công viên, tổng thống xếp hàng mua Pizza, gặp bạn cũ hay màn ẩm thực trong quán bún chả tại Việt Nam . Ngay cả cảnh Bill Cliton nhoài người bắt tay một cậu bé ở lan can lầu khi đến Việt Nam cũng rất là tự nhiên. Không có gì gượng gạo cả. Lãnh tụ dân chủ cần hình ảnh của mình tiếp thị một cách gần gũi đến dân chúng để thi hành quyền lực mềm. Lãnh tụ độc tài cũng bắt chước cho báo chí và chuyên gia maketing tạo hình ảnh. Nhưng bản chất là độc tài thì bao giờ cũng sống sượng trong thời đại internet toàn cầu.
Chỉ cần đặt câu hỏi tại sao lá thư riêng của tổng bí thư lại có thể lên mặt báo là đủ để người dân thấy sự giả dối trong đó. Cả ba đối tượng người nhận thư, người viết thư và người đăng thư đều tham gia vào một vở kịch để lừa những kẻ xem thư.
Nhưng suy cho cùng dân tộc này còn phải xem kịch này dài dài một khi họ chưa có can đảm xuống đường để chấm dứt sự giả dối đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét