Theo số liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ (BEA), GDP quý II/2020 của Mỹ đã giảm xấp xỉ 33% - mức giảm thấp nhất trong lịch sử của nền kinh tế này.
Cụ thể, mức sụt giảm GDP của nền kinh tế số một thế giới trong quý II/2020 là 32,9%. Trước đó, kinh tế Mỹ đã giảm 5% trong 3 tháng đầu năm nay và chính thức rơi vào suy thoái do đại dịch Covid-19, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài liên tục hơn 10 năm - giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử Mỹ.
Theo BEA, mức sụt giảm GDP trong quý II năm nay của Mỹ cao gấp gần 4 lần con số đỉnh điểm gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn 10 năm. Khi đó, GDP Mỹ giảm 8,4% trong quý IV/2008.
Đồng thời, đây cũng là mức giảm kỷ lục của nền kinh tế số một thế giới, dù các chuyên gia được Dow Jones khảo sát cho rằng, con số này có thể lên tới 34,7%. Được biết, mức giảm gần nhất với con số nói trên là vào quý II/2020, khi GDP của Mỹ lao dốc 28,6%.
Nguyên nhân kéo GDP đi xuống trong quý II đến từ đà giảm mạnh trong tiêu dùng cá nhân, xuất khẩu, đầu tư, chi tiêu của chính quyền các bang và địa phương. Trong đó, tiêu dùng cá nhân - yếu tố chiếm khoảng ⅔ GDP Mỹ, ghi nhận mức giảm kỷ lục 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo BEA, tác động gây ra bởi đại dịch đối với nền kinh tế không thể nào được đong đếm thông qua GDP, vì các con số không thể truyền tải đầy đủ những khó khăn mà hàng triệu người dân Mỹ đang phải đối mặt.
Dù vậy, số liệu phần nào "cho thấy độ sâu và độ tối của chiếc hố mà nền kinh tế đã rơi vào trong quý II. Chúng ta sẽ thoát khỏi đó, nhưng sẽ phải mất nhiều thời gian", Mark Zandi - kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics nhận định.
Trong khi đó, theo Bộ Lao động Hoa Kỳ, số người lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua tại nước này đã lên tới 1,43 triệu người. Đây cũng là tuần thứ 19 liên tiếp Bộ Lao động Hoa Kỳ ghi nhận số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở mức trên 1 triệu.
Trước khi Covid-19 bùng phát, số lượng người lao động nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong một tuần chưa bao giờ vượt quá 700.000, kể cả trong thời gian của cuộc Đại Suy thoái.
Trước đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) vào đầu tháng 6/2020 dự báo, trong giai đoạn 2020-2030, tổng giá trị GDP (danh nghĩa) của Mỹ sẽ ít hơn khoảng 15.700 tỷ USD, tương đương mức sụt giảm 5,3% so với con số được CBO đưa ra hồi tháng 1/2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
CBO cũng cho biết, triển vọng GDP thực trong cùng kỳ sẽ giảm khoảng 7.900 tỷ USD, tương đương mức giảm 3% so với trước khi đại dịch bùng phát. Theo báo cáo từ CBO, GDP của nền kinh tế số 1 thế giới nhiều khả năng phải đến quý IV/2029, tức gần 10 năm, mới có thể trở lại mức dự báo đã được CBO công bố trước đó.
Trung Quốc báo cáo rằng GDP của nước này đã tăng 3,2% trong quý II/2020, so với một năm trước, vượt qua mức dự báo của các nhà phân tích.
Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã được thúc đẩy trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa được nới lỏng và Bắc Kinh đang triển khai các biện pháp kích thích để thúc đẩy nền kinh tế. Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng khiêm tốn ở mức 2,5% trong quý II/2020.
GDP quý I/2020 của Trung Quốc đã suy giảm đến 6,8% so với một năm trước khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị giáng một đòn mạnh từ sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Đây là lần giảm GDP đầu tiên của quốc gia này kể từ năm 1992, thời điểm mà báo cáo GDP hàng quý được Trung Quốc bắt đầu công bố.
Số liệu GDP chính thức của Trung Quốc được theo dõi như là một chỉ số quan trọng về 'sức khoẻ' của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mặc dù nhiều chuyên gia quốc tế từ lâu đã bày tỏ sự hoài nghi về tính xác thực của các báo cáo của Trung Quốc.
"Nói chung, nền kinh tế quốc gia đã dần khắc phục được những tác động bất lợi của dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020 và đang bắt đầu tăng trưởng trở lại và phát triển", Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết.
Nhằm nhanh chóng khắc phục các hậu quả từ đại dịch COVID-19, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế bao gồm cắt giảm lãi suất cho vay cũng như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng.
Dấu hiệu phục hồi
Dữ liệu gần đây của Trung Quốc đã cho thấy một số dấu hiệu phục hồi. Số lượng giao dịch trong tháng 6 cho thấy xuất khẩu và nhập khẩu bằng đồng USD bắt đầu tăng trở lại. Ngoài ra, hoạt động sản xuất trong tháng 6 cũng đã nhiều hơn so với tháng 5.
Ông Bo Zhuang, nhà kinh tế trưởng của TS Lombard tại Trung Quốc cho biết các hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại do quốc gia này bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả sớm hơn các nước khác.
Nhà kinh tế trưởng cho biết ông hy vọng sự phục hồi GDP của Trung Quốc ít nhất sẽ được duy trì trong hai quý tới. Hiện tại, quốc gia này đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như thúc đẩy du lịch nội địa. Không chỉ vậy, ông Zhuang cũng tự tin rằng kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong 2 quý cuối năm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét