Giáo sư Melissa Miller nói rằng ông Trump là nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ bạo loạn chiều 6/1 ở trụ sở quốc hội Mỹ, và thái độ sau đó của ông không giúp xoa dịu tình hình.
Bà Miller chỉ ra rằng tại một phát biểu trước đám đông người ủng hộ tổng thống, luật sư ông Trump, Rudy Giuliani, tiếp tục phát tán cáo buộc vô căn cứ về gian lận, và kêu gọi “phân xử bằng cách đấu tay đôi”.
Sau đó, Tổng thống Trump lên bục, kêu gọi người ủng hộ diễu hành tới Điện Capitol.
Nhận định của giáo sư Miller tương tự các tuyên bố lên án Tổng thống Trump từ những cựu tổng thống, quan chức Mỹ.
"Lịch sử sẽ ghi nhớ chính xác vụ bạo lực hôm nay tại Điện Capitol, được kích động bởi vị tổng thống đương nhiệm liên tục nói dối về kết quả một cuộc bầu cử hợp pháp”, cựu Tổng thống Barack Obama tuyên bố hôm 6/1.
"Vụ bạo loạn bắt nguồn từ bốn năm chính trị độc hại, lan truyền thông tin sai lệch có chủ ý, gây mất lòng tin vào hệ thống của chúng ta, khiến người Mỹ chống lại nhau", cựu Tổng thống Bill Clinton nói.
“Donald Trump và những người ủng hộ nhiệt tình nhất của ông ấy, bao gồm nhiều người ở quốc hội, châm ngòi nổ để lật ngược kết quả một cuộc bầu cử mà ông ta đã thua", ông Clinton nói.
Phản ứng hời hợt của ông Trump
Giáo sư Miller cho rằng phản ứng của tổng thống sau khi bạo loạn xảy ra không có nhiều tác động xoa dịu tình hình.
“Vấn đề là ông Trump tiếp tục nhắc lại các cáo buộc sai sự thật, rằng mình bị cướp đi một chiến thắng áp đảo. Ngay cả khi ông kêu gọi người ủng hộ về nhà một cách hòa bình, ông vẫn nói mình bị cướp. Đó không phải là cách để xoa dịu một cuộc bạo loạn như hôm nay”, bà Miller nói.
Tweet của ông Trump có nội dung: “Đây là những điều xảy ra khi một chiến thắng áp đảo bị đánh cắp khỏi những người yêu nước. Hãy về nhà một cách mãn nguyện, với sự yêu mến của tôi”.
Kể từ sau cuộc bầu cử, tổng thống Mỹ liên tục gieo rắc thuyết âm mưu về gian lận bầu cử. Trên Twitter, ông liên tục yêu cầu các quan chức Cộng hòa phải làm gì đó để đảo ngược kết quả, và tức giận khi họ từ chối làm theo ý mình.
Khoảng 60 vụ kiện gian lận bầu cử không hề có cơ sở của ông bị tòa án các cấp, bao gồm Tòa án Tối cao, bác bỏ.
Các quan chức bầu cử ở các bang và liên bang tuyên bố đây là cuộc bầu cử đảm bảo an ninh nhất trong lịch sử Mỹ. Những quan chức an ninh quốc gia dưới quyền ông Trump cũng khẳng định không có gian lận.
Sau khi đám đông xông vào Điện Capitol, Phó tổng thống Mike Pence và các nghị sĩ phải sơ tán. Các video cho thấy người biểu tình giằng co quyết liệt với cảnh sát bên trong Điện Capitol, ngay bên ngoài khu họp của các nghị sĩ.
Đến cuối giờ chiều ngày 6/1 (giờ Mỹ), giới chức giành lại kiểm soát Điện Capitol, và các nghị sĩ quay lại tiếp tục họp để chứng nhận chiến thắng bầu cử của ông Joe Biden.
Nghị sĩ phản đối kết quả chỉ để tái đắc cử
Trên báo chí Mỹ, các chỉ trích không chỉ nhắm vào Tổng thống Trump, mà còn nhắm vào các nghị sĩ “trung thành” đang giúp ông chống lại kết quả bầu cử, qua đó thổi bùng lên sự giận dữ, lầm tưởng của người dân Mỹ ủng hộ Trump.
Giáo sư Miller cho rằng các nghị sĩ này “có mục tiêu duy nhất là tái đắc cử”. Điều này từng được chỉ ra trong cuốn sách kinh điển của nhà nghiên cứu chính trị David Mayhem, nhằm giải thích hành vi của các nghị sĩ.
Sự chú ý và chỉ trích đang đổ dồn về một nhóm nhỏ thượng nghị sĩ Cộng hòa, nhất là Ted Cruz của bang Texas và Josh Hawley của bang Missouri.
Đây là những thượng nghị sĩ đầu tiên lên tiếng là sẽ tham gia cùng với các nghị sĩ ở Hạ viện để phản đối kết quả của một số bang. Vì vậy, phiên họp chứng nhận kết quả phải kéo dài hơn nhiều vì cần dành nhiều giờ tranh luận về các bang Arizona, Georgia và Pennsylvania.
“Rõ ràng là các Thượng nghị sĩ Cruz và Hawley đang tìm cách lấy lòng Tổng thống Trump và người ủng hộ, để phục vụ cho tham vọng tái đắc cử của riêng mình hoặc thậm chí là tranh cử tổng thống”, giáo sư Miller bình luận về động cơ của những nghị sĩ đang phủ nhận kết quả bầu cử.
Một số nghị sĩ Cộng hòa và quan chức Nhà Trắng được cho là đang thảo luận về việc kích hoạt Tu chính án số 25 để phế truất Tổng thống Trump, theo một số báo đài của Mỹ như CNN và Axios.
Theo đó, các nghị sĩ và quan chức nội các có thể kết luận ông Trump không còn phù hợp để đảm đương chức vụ tổng thống, cần phải bị thay thế.
Những người này lo ngại đất nước không thể trụ thêm hai tuần, với ông Trump vẫn nắm quyền và có thể hành động liều lĩnh, gây thêm hỗn loạn, nguy hiểm.
Nhưng giáo sư Miller cho rằng kịch bản này “khó xảy ra”.
“Ngay cả khi Tu chính án số 25 được kích hoạt, tổng thống có thể phản đối, và vấn đề sẽ được đưa ra Hạ viện và Thượng viện để bỏ phiếu”, giáo sư Miller nói.
“Sẽ cần siêu đa số ở mỗi viện - tức 2/3 số phiếu - để phế truất được Tổng thống Trump. Tôi nghĩ sẽ không đủ nghị sĩ Cộng hòa sẵn sàng đi theo đảng Dân chủ để vượt ngưỡng 2/3 số phiếu ở mỗi viện”, bà dự đoán.
“Chúng ta sẽ bước tới Điện Capitol, tôi sẽ đi cùng bạn”, Tổng thống Trump phát biểu, dù sau đó ông chỉ quay lại Nhà Trắng và không đi cùng người biểu tình.
“Chúng ta không thể giành lại đất nước bằng sự yếu đuối. Chúng ta phải mạnh mẽ”, ông Trump nói.
Ngay lập tức, lời kêu gọi “chiếm lấy” Điện Capitol được người ủng hộ của ông Trump phát tán rộng rãi trên các trang mạng cực đoan.
“Sau nhiều tuần nghe tổng thống nói họ bị ‘đánh cắp’ chiến thắng, người ủng hộ ông Trump hướng về Điện Capitol, phá vỡ hàng rào và đập vỡ cửa để xông vào”, giáo sư Miller nói thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét