Hai năm trước nghe vợ mình nói trên đường về Việt nam có gặp anh ở sân bay rồi về cùng chuyến.Nghe anh bây giờ khác lắm,cũng mừng.Hôm rồi gặp lại anh trong lễ hội đồng hương Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm Mậu Thân 1968 mới tin là thật.Anh bây giờ đã ra dáng một ông chủ(cắt cỏ),ăn to nói lớn,đường hoàng chững chạc.Sáu đứa con,đứa gái đầu đang học năm tư đại học Y,đứa trai thứ hai năm hai Computer Science,mấy đứa sau đang học High School và Middle School.
Nhớ lại 17 năm trước,nghe tin có người ở Việt Nam mới qua,cả nhóm anh em kéo nhau xuống căn apartment anh đang ở tạm để tụ hội.Đó là thông lệ để "ma củ" có dịp bắt nạt "ma mới".Gia đình anh nheo nhóc tám mạng gồm hai vợ chồng và 6 đứa con vừa được trả về Việt Nam từ trại tị nạn.Tưởng là cuộc đời toàn màu đen nhưng may là Mỹ có một đợt chấp nhận đơn nhập cư "vét'.Thế là cả nhà lại từ bỏ vùng đất Điền Hải,Quảng Điền nắng gió,nghèo rớt mùng tơi để đến một vùng đất mới.Bọn ma củ qua trước một năm như tụi mình chung tay giúp mỗi người một thứ:quạt máy,ti vi,sofa...và cả một chiếc xe củ nhưng còn chạy được.Chiếc xe này của một anh bạn mà sau này anh vẫn nhắc lại mãi như một kỷ niệm của thời gian khó.
Thế là chỉ vài năm lăn lộn,chồng cắt cỏ,vợ làm nails,ăn welfare,ở nhà housing...anh đã khá lên trông thấy.Những năm sau này đã có trong tay vài trăm mối cắt cỏ với sự phụ giúp của đứa con trai đầu.Bây giờ thì nhà cũng lăm le trả off,con cái học hành thành đạt.Cũng có thể là ngẫng mặt với đời.Hai năm trước về Việt nam thăm cha mẹ cũng khá xêng xang.Xuống sân bay đã phải móc vài trăm đô trả tiền khách sạn cho nhóm người nhà vô tận Sài Gòn đón.Về làng thì tha hồ bia bọt xả láng.Giả sử mà không có đợt đi Mỹ vét đó anh cũng không dám nghĩ là sẽ làm gì để sống vơi 6 đứa con trong đó có 2 đứa đẻ thêm trong 5 năm ở trại tị nạn giữa một vùng quê nắng cháy...
Những năm mới qua mình vẫn nghe đồn về người dân làng An Bằng.Cũng là một vùng đất đồng hương nhưng khi ở Việt Nam mình chẳng biết gì về cái làng này.Nhưng ở Mỹ ,đó là làng nổi tiếng mà người dân có khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ.Nhắc đến An Bằng là nhắc đến một cộng đồng thành đạt về nghề nails,đi biển...Con cái thế hệ thứ hai thứ ba của họ cũng đã là bác sĩ,kỷ sư,luật sư,realtor...đầy rẫy ở cái xứ giãy chết này.Và ở Việt Nam người ta không còn lạ gì về những thành phố nghĩa trang nguy nga,tráng lệ ở vùng đất An Bằng.Cả một làng thi nhau vượt biên những năm cuối 70,đầu 80 thế kỷ trước.Và bây giờ "con gà tức nhau tiếng gáy",ai cũng cố gắng hơn người.Lăng mộ thấy nhỏ hơn người ta là đập ra làm lại.Những người còn lại ở Việt Nam bây giờ chẳng cần làm gì,ăn rồi chơi rông chờ nhận tiền Mỹ gởi về.Cán bộ xã,làng ở đây cũng thuộc vào loại sướng nhất nước.
Vào thăm nhà của họ bên này thấy ai cũng như sống gần kho đạn Long Bình.Hỏi đến vườn tược thì nhà nào cũng làm landscape tao nhã,hỏi đến con cái thì chủ tiệm nails,chủ nhà hàng là chuyện nhỏ...bác sĩ ,kỷ sư,thạc sĩ,tiến sĩ mới là đáng nói.
So sánh đời sống của họ với đồng bào nghèo của quê mình trên mặt báo vừa thấy mừng lại vừa thấy buồn.Mừng vì đã có một thế hệ đổi đời từ một vùng quê được mệnh danh là làng "ăn mày",nghèo nhất nước,thất học nhất nước...trở thành một làng giàu và có học nhất nước.Buồn vì nghĩ đôi khi số phận con người lại có thể thay đổi chỉ trong gang tấc.
Có những cuộc chiến tranh tốn biết bao xương máu nhưng số phận con người vẫn thế.Nhưng đôi khi chỉ một quyết định ra đi hay ở lại cũng đã thay đổi bao đời người.Mặc dù đôi khi bất cứ cái gì cũng có giá của nó.Biết bao con người đã phải bỏ thây trên biển ,trong các trại tị nạn để có ngày hôm nay.Nhưng cái giá trong trường hợp này là xứng đáng.Ít ra cũng đang có một thế hệ đang lớn lên mà không hề biết đến chiến tranh ,hận thù...không biết đến bất công,áp bức,lạm quyền,được học hành,được đối xử bình đẳng và phía trước là một tương lai rộng mở...
Tháng tư lại về và kỷ niệm vẫn nối tiếp như năm nào vẫn thế.Nhưng vẫn mong là thế hệ hôm nay sẽ có một ngày đem tài năng ,trí tuệ đóng góp cho một nước Việt tự do,dân chủ,giàu mạnh.Hy vọng ngày ấy sẽ không còn xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét