Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Xung quanh chuyện Khánh Ly về Việt Nam hát.

Việc Khánh Ly chuẩn bị về nước hát một đêm ở Chương trình do Công ty TNHH Giải trí Đồng Dao và Công ty Viet Vision tổ chức vào lúc 19:30 tối tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình ngày 9/5 tới đây gây xôn xao cộng đồng mạng.Việc có về Việt Nam hay không đó là quyền quyết định của riêng Khánh Ly.Nhưng ý kiến của người Việt hải ngoại cũng cần được xem xét một cách khách quan xung quanh vấn đề"cực đoan"hay "không cực đoan".Nó thuộc về quyết định của riêng cá nhân một nghệ sĩ hay của một biểu tượng,một phong trào?

Khánh Ly sau hơn 30 năm ở hải ngoại,ít nhiều cũng đã trở thành biểu tượng tiếng hát của người Việt lưu vong.Đó là tiếng hát của những người con "ly hương nhưng không ly tổ",những thổn thức nỗi niềm về thân phận con người của những kẻ bỏ nước ra đi vì thất bại trong cuộc chiến ý thức hệ,những người lênh đênh trên biển cả vì lý tưởng tự do ,có khi phải bỏ mình vì cướp biển,cá mập...hoặc chôn mình trong các trại tị nạn trong một bi kịch có tên"thuyền nhân".Dù muốn hay không Khánh Ly cũng không thể thoát khỏi sự ràng buộc mang tính lịch sử của một đoạn đời mà bà đã sống.Yếu tố chính trị trong các bài hát của bà cũng là điều không thể chối bỏ.

Con người thực thể của Khánh Ly chính vì thế đã thoát khỏi phạm vi cá nhân của một người bình thường mà trở thành một nghệ sĩ của công chúng.Do vậy việc phán xét về quyết định của bà cũng là một quyền khách quan của khán giả hải ngoại.Họ có quyền xây dựng biểu tượng và cũng có quyền làm sụp đổ biểu tượng của riêng mình.

Như vụ Trần Trường 55 ngày đêm ở Bolsa,CA trước đây,người Việt có quyền giữ cho mình một ngọn cờ,một lý tưởng mặc dù thân phận của họ chỉ là thân phận kẻ tị nạn.Không ai có thể lên án cộng đồng người Do Thái phản đối một lá cờ của Đức Quốc xã trên mảnh đất tị nạn của họ.Cũng không ai có thể không thông cảm khi những người tha hương Campuchia biểu tình vì phải lắng nghe những bài hát của Pôn Pôt,Iêng Xary trên quê hương mới của họ.Văn hóa mang tính cộng đồng rất cao.Và người Việt tị nạn có quyền từ chối nền văn hóa có thể ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau của mình.

Việc chống văn hóa"kiều vận"không có gì là cực đoan và việc phản đối các ca sĩ hải ngoại về nước hát cũng không hề là cực đoan.Nó chỉ phản ánh một thái độ sống,một lập trường chính trị của người Việt ở nước ngoài.Trong điều kiện nhà cầm quyền vẫn duy trì thể chế độc tài,bắt giam những người "bất đồng chính kiến",cướp đất ,lạm quyền gây nên thảm cảnh dân oan...thì gây sức ép bằng cách giữ khoảng cách ,bất hợp tác với chính quyền trong nước trên tất cả các lĩnh vực là một biểu hiện của lòng yêu nước.Đó cũng là một trong những phương cách đấu tranh bất bạo động.

Nhiều người biện hộ rằng đất nước là của nhân dân,về nước hát là để "hát cho đồng bào tôi nghe".Điều đó cũng đúng nhưng chưa sâu.Bởi hát trong một đám cưới,đám tiệc khác với hát trong một chương trình ca nhạc hoành tráng được tổ chức trong một chính sách "kiều vận" hòa hợp,hòa giải dân tộc giả hiệu.Điều này đã được thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn tuyên bố một cách lừa bịp rõ ràng"Lấy chân thành xóa hố sâu thù hận"(Báo Tuổi Trẻ)

Ai cũng thấy sự "chân thành"này là điều láo toét.Bởi nếu thật sự chân thành họ đã làm như Myanma thả hết tù chính trị,cải cách thể chế,đối thoại với các tầng lớp nhân dân.Nếu làm được như vậy họ đã biến những kẻ chống đối"văn hóa vận"của họ thành những kẻ cực đoan chính hiệu.Và nhân dân sẽ rất tinh ý để nhận thức rõ phải trái ,đúng sai.

Việc Khánh Ly về nước hát rõ ràng nằm trong nghị quyết 36 của Đảng và qua cái cách"vào luồn ra cúi"Mình vào nhà người ta thì chỉ được làm những gì người ta cho phép."(Khánh Ly)thì đó chẳng phải là"hát cho dân tôi nghe".Đó là một cách thỏa hiệp,từ bỏ những gì trước đây mình cho là đúng.Đó cũng là một cách nhắm mắt bỏ qua những nỗi đau mà đồng bào mình đang phải gánh chịu trong nước.Bởi vì chính tiếng hát của bà đôi lúc lại khiến thế giới lầm tưởng rằng những vấn đề trong xã hội Việt Nam đã được gỡ bỏ.Thực ra bi kịch của dân tộc vẫn còn đó,nỗi đau vẫn còn đó và ngày càng nhức nhối thêm.

Người Việt hải ngoại chẳng hề hận thù với chính đồng bào ruột thịt của mình trong nước.Không về nước,tha hương trên đất khách là một cách gạt đi những giọt nước mắt để lý tưởng dân chủ luôn mãi mãi ngời sáng.Và đó cũng là cách làm từ thiện tốt nhất,sâu sắc nhất với đồng bào nghèo khổ ở quê nhà.Chỉ khi nào thay đổi cả một thể chế,đem lại những phúc lợi xã hội to lớn mới xóa được những bất công,bần cùng trong xã hội một cách triệt để.Chứ không phải từ những show hát từ thiện cóp nhặt mà một số nghệ sĩ hải ngoại vẫn tự hào.

Dù sao cũng vẫn rất khâm phục là có những nghệ sĩ (Như Quỳnh,Thế Sơn,Trần Thái Hòa...)đã nhận thức rất rõ điều này.Tên tuổi của của họ đủ sức mang đến những show diễn lớn.Họ không về vì chẳng phải không yêu nước mình mà là vì từ trong tâm thức,lâu nay họ vẫn kiên định một lập trường:

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu

.......

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét