"Ôi miền Bắc xa xôi bao giờ ta trở lại?"
Đó là dòng chữ hay tiếng nấc cuối cùng của một bác sĩ 28 tuổi ghi lại
trong nhật ký của chị ngày 16 tháng 6 năm 1970. Một tuần sau, chị bị một
đơn vị lính Mỹ phục kích và bị giết. Cuốn
nhật ký của chị được chuyển đến Frederic Whitehurst, gọi tắt là Fred,
sĩ quan quân báo Mỹ, để phân tích. Và theo đề nghị của Nguyễn Trung
Hiếu, một thượng sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa, Frederic Whitehurst đã
giữ lại hai cuốn nhật ký thay vì đốt bỏ sau khi không tìm thấy các dữ
kiện liên hệ đến tình báo quân sự. Năm 1972, Fred về nước, trong hành lý
của anh có thêm hai kỷ vật chiến tranh: hai cuốn nhật ký của bác sĩ
Đặng Thùy Trâm.
Mấy chục năm và nhiều lần cố gắng tìm thân nhân
của chị Thùy Trâm để hoàn trả không thành công, Frederic Whitehurst đã
tặng hai cuốn nhật ký cho viện lưu trữ về Việt Nam Lubblock tại đại học
Texas. Trong hội nghị hàng năm về chiến tranh Việt Nam vào trung tuần
tháng 3 năm 2005, chính Frederic Whitehurst, chàng sĩ quan quân báo ngày
xưa nay trở nên một tiến sĩ hóa học và một luật gia, đã đến dự và lần
nữa nhắc đến nhật ký của chị. Cuối cùng, từ phòng họp của Trung tâm Việt
Nam thuộc đại học Texas này, một bản sao cuốn nhật ký của chị Đặng Thùy
Trâm đã tìm được đường về quê hương sau 35 năm lưu lạc. Ba tháng sau,
hai cuốn nhật ký được in chung trong một tác phẩm dưới tựa Nhật ký Đặng
Thùy Trâm.
Hành trình của cuốn nhật ký, từ dòng chữ nghiêng
nghiêng đầu tiên trên giấy trắng kẻ ô ngả vàng của chị cho đến ngày được
in thành sách chẳng khác một cuốn phim truyện với nhiều tình tiết ly kỳ
nhưng lại rất thật, rất cảm động và đầy ắp tình người.
Như bụi
phong lan sinh ra và dưỡng nuôi bằng những hạt mưa rừng trên nhánh sồi
khô giữa rặng Trường Sơn, nhật ký của chị Thùy Trâm sống sót trong khói
lửa đạn bom do bàn tay săn sóc của đại diện cho cả ba bên tham dự cuộc
chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử Việt Nam. Ba yếu tố: những dòng
chữ chân thành có một chút mộng mơ của nữ bác sĩ trẻ tuổi, lòng nhân hậu
của người lính miền Nam và sự trân trọng của viên sĩ quan quân báo Mỹ,
đã gặp nhau như một nhân duyên kỳ diệu để ngày nay Nhật ký Đặng Thùy
Trâm, dấu tích của một cuộc chiến tranh tàn khốc, có mặt trong tủ sách
chúng ta. Điều đó cho thấy, những ý nghĩ chân thành, những rung động
thật từ trái tim bao giờ cũng dễ được cảm thông, không chỉ trong những
người cùng thời, cùng chiến tuyến mà ngay cả những người đứng bên kia
chiến tuyến.
Trong hai tháng qua, Nhật ký Đặng Thùy Trâm được
xem là cuốn sách bán chạy nhất tại Việt Nam. Theo báo Tuổi Trẻ, chỉ
trong vòng một tuần lễ, 14.200 cuốn đã được bán ra, riêng trong ngày Chủ
nhật 31 tháng 7 đã phát hành 3.800 cuốn. Theo tổng kết mới nhất, Nhật
ký Đặng Thùy Trâm đã vượt tất cả kỷ lục sách Việt Nam với hàng trăm ngàn
cuốn được in trong một thời gian rất ngắn. Đây không phải là lần đầu
tiên một nhật ký chiến tranh được in ra, nhưng chưa nhật ký nào trở nên
một hiện tượng trong sinh hoạt văn học và tạo nên một làn sóng tình cảm
mạnh mẽ trong nước như nhật ký của chị Thùy Trâm. Tại sao? Ngoài những
suy nghĩ chân thành chị viết ra, một phần không nhỏ bởi vì chị là một
trí thức trẻ, một người con gái tuổi hai mươi và hành trình khá gian nan
của bản thân cuốn nhật ký.
Phản ứng và nhận xét về tác phẩm
Nhật ký Đặng Thùy Trâm thì rất nhiều, từ ông cựu Tổng Bí thư Lê Khả
Phiêu, ông Thủ tướng Phan Văn Khải đến các nhà văn, nhà thơ, những người
bạn cùng chiến đấu với chị trước đây và ngay cả một người như tôi, nhỏ
hơn chị hơn một giáp tuổi và sống xa nửa vòng trái đất, cũng muốn viết
vài cảm nghĩ về chị.
Đối với các cấp lãnh đạo Đảng, Đoàn, đây
là cơ hội vàng son để đóng khung tô màu lên tấm bảng "Lý tưởng Cộng sản"
mà chính họ cũng cảm thấy ngượng ngùng mỗi khi ngó đến. Ông Phan Văn
Khải, trong lá thư gởi báo Tuổi Trẻ ngày 4 tháng 8 viết: "Tôi nhớ lại
điều đã nêu thành chủ đề của bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày
giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: "Đưa đất nước tiến kịp thời
đại với ý chí mãnh liệt như ý chí giành độc lập thống nhất". Tấm gương
của Thùy Trâm và Thạc làm cho khát vọng đổi mới và phát triển đất nước
càng thấm sâu trong mọi người Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài,
tạo khí thế mới trong lao động học tập và rèn luyện vì sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ tổ quốc".
Trên báo Tuổi Trẻ ngày 23 tháng 8 năm
2005, ông cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng viết những lời kêu gọi thanh
niên như được trích ra từ một nghị quyết nào đó: "Lớp tuổi 20 hiện nay
hãy thể hiện lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ của mình với những người đi
trước, những anh hùng, liệt sĩ bằng hành động và trái tim của tuổi trẻ.
Đó là sự cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng của mình cùng cả dân tộc
đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, đưa vinh quang, hạnh phúc cho
mọi người, của mọi người. Nối tiếp truyền thống anh hùng của cha anh,
góp phần vào thắng lợi của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,
làm cho dân tộc ta bước lên lâu đài hạnh phúc. Đó chính là giá trị đích
thực của lẽ sống tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ mới."
Những
khẩu hiệu tuyên truyền thời chiến tưởng đã quên đi chợt bừng bừng sống
dậy. Gần hai tháng qua, báo lớn, báo nhỏ, báo già, báo trẻ trong nước,
những bài viết nặng mùi tuyên truyền lại được đăng ngay trên trang nhất
để ca ngợi chị Đặng Thùy Trâm.
Thế nhưng không phải ai cũng
nhắm mắt vỗ tay theo những lời hô hào, ngợi ca sáo rỗng "Đưa đất nước
tiến kịp thời đại", "Chủ nghĩa anh hùng cách mạng", "Bước lên lâu đài
hạnh phúc"… của ông cựu Tổng Bí thư và ông Thủ tướng, những tiếng nói
bộc trực, thẳng thắn của những người cùng thế hệ với chị Thùy Trâm cũng
vang lên từ trong nước như những lời cảnh giác dành cho thế hệ trẻ.
Báo Tuổi Trẻ ngày 7 tháng 8 ghi lại câu trả lời của nhà văn Bảo Ninh:
"Lần đầu tiên nhìn thấy cuốn nhật ký, tôi đã rất xúc động. Đó là một
phần tuổi trẻ của tôi. Đó là những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời tôi.
Cái đẹp của sự xả thân. Cái sự xả thân của chị Trâm, anh Thạc hồi ấy sao
mà đơn giản thế. Đừng vội gán cho chị Trâm những lý tưởng to tát như vì
Đảng, vì dân, cũng đừng cường điệu chị lên, đừng bắt chị phải vác cái
huy hiệu "anh hùng". Bởi theo tôi, chị rất đỗi bình thường. Trước cái
chết, nếu "không run sợ" tức là đang nói dối! Có lẽ chị Trâm chỉ nghĩ
đơn giản là mình nổ súng đánh lạc hướng thì mấy người thương binh sẽ có
chút thời gian chạy vào rừng... Phản ứng của độc giả trẻ là hoàn toàn
chân thật. Đừng nghĩ thanh niên Việt Nam không thèm quan tâm đến quá khứ
mà chẳng qua vì "chúng" không thích những bài giảng sáo rỗng đấy thôi!"
Nhà thơ Bùi Minh Quốc viết trên talawas: "Tôi, người may mắn sống sót
sau những hy sinh của Dương Thị Xuân Quý, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn
Giá, Chu Cẩm Phong cùng hàng triệu đồng bào đồng chí của tôi, từ 1975
trở đi càng ngày càng thấy nhân dân tôi đã lâm vào một bi kịch thê thảm
nhất, cay đắng nhất, quái gở nhất: vì độc lập tự do mà cuồng nhiệt tự
nguyện dốc cả sông máu núi xương để rồi “tự do” tự nguyện choàng lên cổ
mình một cái ách nô lệ “vàng son” mang tên là sự lãnh đạo của Đảng, mà
thực chất chỉ là sự cai trị độc đoán của hơn một trăm Ủy viên Trung
ương, thậm chí chủ yếu là mười mấy Ủy viên Bộ Chính trị. Nô lệ đến mức
người ta bảo bỏ phiếu cho ai là ngoan ngoãn bỏ cho người ấy, chẳng biết
người ấy tốt xấu thế nào. Nô lệ đến mức muốn nói điều mình nghĩ, mình
thấy, mình biết cũng không báo nào đăng cho, cỡ như cựu thủ tướng Võ Văn
Kiệt trả lời phỏng vấn mà cũng không được đăng trọn vẹn. Nô lệ đến mức
người ta áp đặt cái đường lối sai lầm dựa trên một kiểu lý luận nói lấy
được (chữ dùng của tướng Trần Độ) là “kinh tế thị trường theo định hướng
xã hội chủ nghĩa” cũng không biết mà cãi, hoặc biết mà không dám cãi,
hoặc muốn cãi thì cũng không có diễn đàn mà cãi."
Thật vậy, thế
hệ trẻ ngày nay hình như không thể tìm thấy chút thành thật nào từ
những kẻ đang sống, đang lãnh đạo đất nước nên quay sang lắng nghe tâm
sự của những người chết, vì ít ra, người chết không nói dối và không
biết sợ.
Giống như nhà văn Bảo Ninh, nhà thơ Bùi Minh Quốc và
có lẽ rất nhiều người khác, tôi đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm với một tấm
lòng trĩu nặng. Tôi nghĩ về chị như một người thân dù chúng tôi xa cách
nhau về mọi mặt. Tôi hình dung căn hầm nhỏ nơi chị ngồi, mái tóc học trò
của chị, những giọt mưa rơi trên mái lá, tiếng trực thăng bay trên đầu.
Chị trải lòng mình trên trang giấy trong những phút riêng tư và cô đơn
tột cùng như thế. Tương tự như nhận xét của anh cựu chiến binh Mỹ Robert
Whitehurst, tôi nghĩ chị không viết để gởi lại cho đời sau, và cũng
không cần ai thương hại, xót xa hay vinh danh mình.
Ngọai trừ
hai chữ Th. và M., viết tắt tên của chị và người yêu, có lẽ những chữ
lập lại nhiều nhất trong hai cuốn nhật ký của chị là hai chữ "buồn" và
"nhớ". Ngày 4-6-68, chị viết: "Mưa vẫn cứ rơi hoài. Mưa càng thêm buồn
thắm thía, và mưa lạnh làm cho người ta thèm khát vô cùng một cảnh sum
họp gia đình. Ước gì có cánh bay về căn nhà xinh đẹp để cùng ba má và
các em ăn một bữa cơm rau muống và nằm trong tấm chăn bông ấm áp ngủ một
giấc ngon lành", và trong nhật ký ngày 18-12-68 chị viết những dòng rất
tội, rất đau: "Đêm nay ngồi trực, ngọn đèn mờ trong căn nhà nhỏ, tiếng
rên của người bệnh nhân làm mình buồn lạ lùng. Hơn bao giờ hết nỗi nhớ
thương trào lên thiết tha cháy bỏng. Hỡi những người thân yêu, đêm nay
có ai hiểu hết lòng mình hay không?"
Không giống như chị Sứ
trong Hòn Đất của Anh Đức, chị Diệu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm
của Hải Ninh được tiểu thuyết hóa đến mức thần thánh và dàn dựng thành
phim ảnh chỉ nhằm mục đích tuyên truyền, chị Đặng Thùy Trâm là một người
có thật và chính tay mình ghi lại những suy nghĩ rất thật của mình. Nữ
bác sĩ 28 tuổi xinh đẹp và hiền từ Đặng Thùy Trâm đã sống và đã chết
trên đất nước Việt Nam thân yêu. Nhật ký chị viết dưới những cơn mưa
rừng hòa lẫn tiếng mưa bom ở bịnh xá Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, như số
phận giọt nước mưa lăn trên mái tóc học trò của chị, trôi xa nhiều ngàn
dặm trước khi về lại với quê hương.
Chị dành trang đầu để trang
trọng ghi lại câu văn trích từ tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của Nikolai
Ostrovsky, một nhà văn Sô-Viết qua đời vì bạo bịnh vào tuổi 32: "Cái
quí nhất của con người là cuộc sống, đời người ta chỉ sống một lần, phải
sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài sống
phí, cho khỏi phải hổ thẹn vì những năm tháng sống hoài sống phí, để khi
nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: "Cả đời ta, cả sức ta đã hiến
dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: Sự nghiệp đấu tranh giải phóng
loài người"".
Nhân vật Pavel Korchagin, chiếc bóng của cuộc
đời nhà văn Nikolai Ostrovsky, một thời là biểu tượng cho ý chí vươn lên
của tuổi trẻ tại nhiều quốc gia cộng sản. Tác phẩm Thép đã tôi thế đấy
được xem như là viên đá tảng của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa
và là cuốn sách gối đầu giường của thanh niên cộng sản khắp thế giới.
Stalin đã tận dụng từng ý, từng câu trong tác phẩm để kích thích các thế
hệ thanh niên Sô-Viết lao vào những cuộc chém giết đẫm máu. Nikolai
Ostrovsky bịnh nặng rồi chết sớm nên không có dịp chứng kiến tội ác của
Stalin đối với dân tộc Balan mùa xuân năm 1940, với đối thủ chính trị
của ông ta và với 20 triệu người dân Sô-viết bình thường bị đày ải vào
những trại tù xa xôi miền cực Bắc, một nửa số đó đã không bao giờ trở
lại. Không ai trách Nikolai Ostrovsky đã viết nên tác phẩm có tác dụng
tiếp tay cho tội ác. Khát vọng bao giờ cũng là một màu xanh vô tội, chỉ
có những kẻ lợi dụng khát vọng hồn nhiên của tuổi hai mươi, xô đẩy những
mái đầu xanh vào vực thẳm hận thù mới là những kẻ có tội. Ngày nay tác
phẩm Thép đã tôi thế đấy, bảng tiếng Anh How The Steel Was Tempered, vẫn
còn bày trong nhiều thư viện, vẫn còn được đọc, khác chăng, không phải
đọc để hun đúc chí thanh niên mà để học từ những hoang phí đắng cay của
một thời thanh xuân lầm lỡ.
Cả Nikolai Ostrovsky và chị Đặng
Thùy Trâm đều phấn đấu để trở thành người cộng sản, nhưng cuộc đời của
Nikolai Ostrovsky khác nhiều so với đời chị Thùy Trâm. Nikolai Ostrovsky
hy sinh cho chủ nghĩa cộng sản, ngoài khát vọng tuổi trẻ mà ông tin,
còn là một hình thức trả ơn. Trong lá thư gởi cám ơn Stalin sau khi được
trao tặng huân chương Lenin, Nikolai Ostrovsky bày tỏ lòng biết ơn Đảng
Cộng sản đã vực ông dậy từ những nghèo nàn và bạc đãi của xã hội và
biến một kẻ thiếu học như ông thành một nhà văn Sô-Viết. Chị Thùy Trâm
thì khác. Chị sinh ra và lớn lên trong môt gia đình trí thức. Gia đình
chị bị xếp vào giai cấp tiểu tư sản, thành phần xã hội mà Friedrich
Engels trong tác phẩm Cách mạng và phản cách mạng ở Đức định nghĩa là
những kẻ chỉ biết: "khoe khoang, không có khả năng hành động và lẩn
tránh một cách nhút nhát khi cần phải làm một cái gì nguy hiểm." Đa số
các buổi chỉnh huấn đảng được ghi lại trong nhật ký, chị đều bị phê
bình: "Tính tiểu tư sản vẫn còn". Chính chị cũng thừa nhận điều đó khi
viết cho Thuận, em nuôi của chị, trong nhật ký ngày 18-5-69 những dòng
lãng mạn và tinh nghịch: "Em ơi, bao giờ chị cũng thương em vô hạn,
nhưng tình thương đâu phải chỉ là những buổi sáng nắng hồng rực rỡ,
những buổi chiều êm ả hay những đêm trăng mênh mông trên đồng lúa yên
lành. Mà tình thương còn là những cơn giông sau những ngày hè êm ả. Vậy
đó, làm bạn với một đứa tiểu tư sản thật là phức tạp".
Dù chế
độ có nhào nặn thế nào vẫn không xóa hết được những tình cảm tự nhiên
trong tâm hồn người con gái nhiều mơ mộng Đặng Thùy Trâm. Trong nhật ký
ngày 1-9-68, mặc dù phần trên chị chép lại một câu văn nặng tính đảng
của ai đó: "Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong
suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn ngàn hào quang
của lòng tin tưởng", thì ngay trong hàng kế chị lại viết: "Nói vậy mà
vẫn thấy xót xa, cay đắng và cô đơn lạ thường".
Chị Thùy Trâm
phấn đấu để được vào Đảng, vì đơn giản đó là nơi duy nhất chị được dạy
để tin vào, để dựa vào, để vươn lên và đó cũng là chiếc thang xã hội mà
mọi người, trong đó có chị, phải tìm cách trèo lên chứ chưa hẳn phát
xuất từ tình yêu giai cấp. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy chị viết về tình
yêu, tình người, tình chị, tình em tự nhiên, ngọt ngào hơn nhiều khi
viết về tình đảng. Cái nhiệt tình, đúng ra là háo hức mang tính thời
thượng của một người trẻ mong được trở thành đảng viên cộng sản cũng
nguội lạnh dần ngay khi chị đưa tay tuyên thệ làm một đảng viên. Nhật ký
của chị trong ngày gia nhập Đảng 27-9-68: "Còn niềm vui, sao nhỏ nhoi
quá so với ý nghĩa của ngày vui. Vì sao vậy hả Thùy? Phải chăng như hôm
nào Thùy đã nói như một đứa con khát sữa mẹ khóc đã mệt rồi, miếng sữa
nuốt vào không còn nguyên hương vị thơm ngon và cái thú vị của nó nữa."
Trong những ngày phấn đấu gian nan chị đã cảm thấy Đảng không phải là
nơi tập trung những kẻ "sống vì mọi người" như chị được dạy trong môi
trường giáo dục ở miền Bắc. Ngày 15-6-68, chị viết những dòng đanh thép:
"Điều đáng buồn nhất là trong những hy sinh gian khổ ấy, Th. chưa thấy
được sự công bằng, sự trung thực. Chưa có sự đấu tranh để thắng được
những cái ti tiện, đớn hèn cứ xảy ra làm sứt mẻ danh dự của hai chữ Đảng
viên và làm mòn mỏi niềm vui say công tác của mọi người trong bệnh xá.
Cả mùa khô ác liệt không một lúc nào mình thấy bi quan, mình luôn cười
trong gian khổ vậy mà bây giờ mình đau khổ quá đi. Kẻ thù phi nghĩa mình
không sợ, mà sợ những nọc độc của của kẻ thù còn rớt lại trong đồng chí
của mình".
Đọc đoạn văn trên tôi chợt nhớ đến câu trả lời của
nhà văn Dương Thu Hương với phóng viên Evan Williams của đài truyền hình
Úc trước đây. Giống như chị Thùy Trâm, chị Dương Thu Hương cũng nói về
những con người ti tiện: "Tôi không thể tin tưởng một chút gì về chính
phủ của mình vì đây là những con người cực kỳ hèn hạ và thấp kém. Họ
không có một tí nhân cách nào để tôi tin tưởng cả. Tôi hiểu rất rõ về
họ. Họ chỉ hoàn toàn là những con người ti tiện. Những lớp người tốt mà
ngày xưa còn chút lý tưởng đã chết, chết hết rồi. Bây giờ chỉ còn lại
những người thế chân; đấy là những kẻ đê tiện, những kẻ ăn cắp một cách
trắng trợn gian manh".
Và tôi chợt tiếc, phải chi chị Đặng Thùy
Trâm còn sống đến hôm nay, trong văn giới Việt Nam hẳn có thêm một
Dương Thu Hương can đảm khác.
Như hàng triệu thanh niên lớn lên
trong một đất nước qua phân, ngăn cách, chị Thùy Trâm khao khát một
ngày hòa bình. Chị viết trong nhật ký ngày 4-6-68: "Đêm qua mơ thấy Hòa
bình lập lại, mình trở về gặp lại mọi người. Ôi, giấc mơ Hòa bình, Độc
lập đã cháy bỏng trong lòng cả ba mươi triệu đồng bào ta từ lâu rồi. Vì
nền Hòa bình Độc lập ấy mà chúng ta đã hy sinh tất cả." Vâng, không
riêng gì chị Thùy Trâm mà tuyệt đại đa số người Việt Nam đều mơ ước hòa
bình. Giọt nước mắt già nua của mẹ đợi chờ bao nhiêu năm chỉ để khóc
trong mừng vui cho ngày con trở lại. Tiếc thay, chị Đặng Thùy Trâm chết
sớm nên không có dịp chứng kiến một đất nước hòa bình trong máu và nước
mắt chứ không phải trong nụ cười đoàn viên dân tộc mà chị hằng mơ ước.
Đất nước không còn tiếng súng nhưng hàng triệu người dắt nhau đi ăn xin
trên quê hương vừa thống nhất trong điêu tàn đổ nát. Bóng đêm của nghèo
đói phủ trùm lên số phận một dân tộc đã phải chịu đựng hơn một phần tư
thế kỷ chiến tranh và tàn phá. Những chuyến đi đày vào những trại tập
trung xa xôi đã thay thế cho những giấc mơ hồi hương trong ấm êm hạnh
phúc. Những đêm mưa gió bão bùng trên vùng kinh tế mới đã thay cho những
giờ phút an vui, quây quần bên bếp lửa gia đình. Là một người có trái
tim nhân hậu, nếu còn sống, chị Thùy Trâm sẽ nghĩ sao và làm gì trước
những cảnh này?
Không phải chỉ người dân miền Nam thôi mà cả
thanh niên miền Bắc cũng là nạn nhân của chế độ. Đọc đoạn nhật ký nói
lên ước mơ hòa bình của chị tôi chợt nghĩ đến tâm sự cô đơn, trống vắng
của người lính miền Bắc trở về trong bài thơ “Ngày hòa bình đầu tiên”
của nhà thơ Phùng Khắc Bắc:
Những sợi nắng xuyên qua nhà mình
Thành những mũi tên
Thành những viên đạn,
Bắn tiếp vào anh không gì che chắn
Phải nhận tất cả,
Van anh.
Hôm qua chưa nhận được một viên đạn
Hôm nay nhận những lỗ thủng
Anh về quê không mang súng
Vũ khí lúc này hai bàn tay
Mẹ giục:
- Ăn cơm, con!
Hòa bình trong canh cua, mồng tơi, cà
Và
Mùi ổ rơm.
Tôi vẫn nhớ ngày đọc xong bài thơ của Phùng Khắc Bắc, tôi dò hỏi về
tiểu sử của anh và biết anh đã qua đời sau một thời gian sống trong bịnh
hoạn, nghèo nàn, túng quẫn. Đọc tâm sự của một nhà thơ bộ đội trong
ngày hòa bình đầu tiên của đất nước để hiểu rằng những xót xa này không
phải của riêng ai.
Chị Đặng Thùy Trâm chết trên mảnh đất miền
Nam, nơi mà chị cảm thấy "thiết tha gắn bó vô cùng" nhưng chị chưa thực
sự sống trong lòng một miền Nam đúng nghĩa. Những công sự tối tăm, những
căn lán nhỏ ở Đức Phổ không thể đại diện cho miền Nam. Miền Nam thật sự
không có những người "đang rên siết dưới gọng kèm đế quốc", đang thoi
thóp chờ "hạt gạo chẻ làm đôi" mang vào từ miền Bắc như giới lãnh đạo
Đảng nhồi nhét vào tâm hồn đa cảm của chị. Chị và hàng ngàn thanh niên
miền Bắc tình nguyện vào "giải phóng miền Nam" cũng chỉ vì tin như thế.
Miền Nam chị chưa gặp là những cánh đồng bát ngát, những dòng sông nhuộm
đỏ phù sa, những vườn cây sai trái, những con người chơn chất hiền hòa.
Miền Nam chị chưa đến có những con đường phượng đỏ, hàng me xanh tình
tự, những tà áo trắng hồn nhiên, những bài hát đượm tình yêu quê hương
và đôi lứa. Miền Nam có hàng triệu người như anh thượng sĩ Nguyễn Trung
Hiếu, những người phải chiến đấu trong một cuộc chiến tự vệ vô cùng khắc
nghiệt nhưng lúc nào cũng có trái tim nhân hậu dành cho chị và những
người cùng máu mủ dù đang phải đứng đâu trong cuộc chiến đau lòng này.
Chị Đặng Thùy Trâm chết sớm nên không có dịp nhìn thấy hàng triệu đồng
bào miền Nam thân yêu của chị phải dắt dìu nhau ra biển tìm tự do, và
chị không còn sống để có cơ hội hiểu được thực chất của chế độ mà chị đã
đem hết tuổi thanh xuân để phục vụ.
Chị căm thù lính Mỹ, những
người mà chị có lần hằn học miêu tả trong nhật ký ngày 19-1-69 là "bọn
quỷ khát máu vẫn đang giày xéo lên quê hương". Đó cũng là điều dễ hiểu.
Là một bác sĩ trẻ, rất dễ buồn và đa cảm, mỗi ngày chứng kiến cái chết
của bạn bè, anh em, của Khiêm, của Thuận, những người thân thiết nhất
trong ngày tháng xa nhà của chị, lòng thù hận dâng cao trong lòng chị là
điều không tránh khỏi.
Thế nhưng, sinh ra và lớn lên trong môt
xã hội đóng khung trong bốn bức tường chuyên chính như con chim non
trong lồng sắt, làm sao chị biết được ngoài kia trời đang nắng hay mưa.
Suốt 28 năm bị rèn dũa trong một hệ thống giáo dục chỉ trang bị cho chị
những câu trả lời mà không cho chị cái quyền được hỏi, làm sao chị hiểu
được ai thực sự là những kẻ đang giày xéo quê hương. Làm sao chị hiểu
được rằng năm 1959, khi giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam quyết định
mở đường Trường Sơn "giải phóng miền Nam bằng phương tiện võ lực", số
lượng "giặc Mỹ xâm lược" tại miền Nam cũng chẳng nhiều hơn so với số cố
vấn Trung Quốc, cố vấn Liên Xô ở miền Bắc. Làm sao chị hiểu được rằng,
vào những năm đầu của thập niên 60, võ khí của Mỹ viện trợ cho miền Nam
cũng không nhiều hơn so với võ khí của Trung Quốc và Liên Xô đang ào ạt
vận chuyển vào cảng Hải Phòng. Làm sao chị hiểu được rằng khẩu hiệu "Độc
lập tự do" chỉ là chiếc bánh vẽ mà dân tộc ta mấy chục năm nay chẳng
thể nào ăn được. Làm sao chị hiểu được rằng dù có Mỹ hay không có Mỹ, dù
bằng phương tiện hòa bình hay phải "đốt cháy cả dải Trường Sơn" thì chủ
nghĩa cộng sản độc tài chuyên chính vẫn phải được thiết lập trên toàn
cõi Việt Nam. Và chị làm sao hiểu được nỗi đau của đồng chí, bè bạn, anh
em chị còn sống sót, những người đã một thời tin vào Đảng như tin vào
ánh sao Hôm sẽ dẫn lối về nhà. Ba mươi năm qua họ vẫn thức dậy mỗi đêm
nhìn ánh sao Hôm mà thầm trách lấy chính mình. Trên giá sách họ cũng có
những cuốn nhật ký dày và chân thật như của chị, dấu tích của những
tháng ngày bão lửa chưa phai, nhưng khác chăng những nhật ký như thế sẽ
không bao giờ xuất bản.
Cầu xin hương linh chị phò hộ cho đất
nước chúng ta sớm qua đi thời đại của độc tài, hận thù, rẽ chia, ghen
ghét, xin chị phò hộ cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau được
sống trong dân chủ, tự do, no ấm, biết yêu thương nhau và che chở cho
nhau.
Nếu giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam còn chút tình
nghĩa nào dành cho những người đã chết thay cho họ, xin hãy để chị Thùy
Trâm ngủ yên với những ước mơ xanh của chị. Đặng Thùy Trâm đã chết một
lần rồi, đừng bắt chị phải chết thêm lần nữa.
Trần Trung Đạo
Talawas 2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét