Hơn 700 nhà kinh tế, bao gồm 7 người đoạt giải Nobel, đang khẩn cấp cảnh báo chống lại việc Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, với lý do những gì họ mô tả là "một cuộc tấn công lâu dài" vào nền dân chủ, một phản ứng mờ nhạt đối với đại dịch và sự lan truyền "thông tin sai lệch nguy hiểm".
"Chỉ trong một nhiệm kỳ, Donald Trump đã biến Mỹ thành quốc gia không thể nhận ra, mà vẫn chưa chịu hậu quả nào vì làm như vậy", các nhà kinh tế học viết trong một bức thư mở, sẽ được cập nhật đến ngày bầu cử 3/11. Lá thư kêu gọi ngăn Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử, vì đã "tấn công" nền dân chủ, phản ứng lóng ngóng trước đại dịch và lan truyền "thông tin sai sự thật nguy hiểm".
Đến nay, hơn 700 nhà kinh tế học từ các tổ chức lớn, trong đó có các nhà khoa học từng giành Nobel Paul Milgrom, Oliver Hart và Alvin Roth đã ký vào lá thư này. Chồng của cựu Chủ tịch Fed Janet Yellen George Akerlof cũng đã ký tên. Ông từng giành giải Nobel kinh tế năm 2001.
"Vì các lý do trên, chúng tôi mạnh mẽ khuyến nghị cử tri lấy lại nền dân chủ bằng cách bỏ phiếu loại Donald Trump khỏi Nhà Trắng", các nhà kinh tế học viết.
Đáp trả, chiến dịch tranh cử của ông Trump khẳng định bức thư đề cập rất ít đến Joe Biden – đối thủ của ông. "Họ phát ngôn dựa trên sự chỉ trích vô căn cứ với Tổng thống Trump. Những người này chẳng thể đưa ra một lý do nào cho thấy họ tin tưởng Joe Biden sẽ làm được bất kỳ điều gì tích cực cho kinh tế Mỹ", Samantha Zager – Phó tổng thư ký báo chí chiến dịch của Trump trả lời CNN.
Đến nay, Tổng thống Mỹ vẫn khẳng định mình là ứng cử viên tốt hơn cho nền kinh tế. Ông lý giải Mỹ đã hồi sinh từ đáy cuộc suy thoái cuối năm trước và đầu năm nay.
Năm 2016, các nhà kinh tế học cũng có nỗ lực tương tự, nhưng đã thất bại. Khi đó, 790 đại diện thúc giục người Mỹ không bỏ phiếu cho Trump, với lý do "kém hiểu biết về kinh tế và không có khả năng lắng nghe các chuyên gia đáng tin cậy".
Trong bức thư hiện tại, họ bày tỏ sự bất mãn với "các hành vi ích kỷ và thiếu thận trọng" của ông Trump trong đại dịch. "Hành vi cá nhân của ông ta trong đại dịch đã đe dọa sức khỏe cộng đồng, đà phục hồi kinh tế và khả năng mở cửa lại các trường học một cách an toàn. Ông ta phủ nhận công dụng của khẩu trang và giãn cách xã hội, vẫn tổ chức các buổi vận động tranh cử trong nhà, khuyến khích sử dụng các dược phẩm chưa được kiểm chứng và có khả năng gây nguy hiểm, giảm nhẹ tính nghiêm trọng của đại dịch và còn tổ chức một sự kiện siêu lây nhiễm khiến Nhà Trắng tê liệt và các lãnh đạo quân đội phải cách ly. Ông ta còn thường xuyên lan truyền thông tin giả gây nguy hiểm, kể cả trong đại dịch", bức thư cho biết.
Trên CNN, Christopher Sims – người giành giải Nobel kinh tế năm 2011 giải thích lý do ký vào lá thư này. "Có rất nhiều điều đáng chỉ trích trong chính sách kinh tế của Tổng thống. Tuy nhiên, với tôi, lý do quan trọng nhất để phản đối ông ta tái đắc cử là sự đe dọa với thể chế chính trị của Mỹ".
Các nhà kinh tế cũng không hài lòng với kỹ năng đàm phán mà ông Trump thường tự hào. Bên cạnh đó, chính sách thương mại của ông cũng khiến quan hệ của Mỹ với nhiều đối tác xuống cấp, gây thiệt hại cho nông dân và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Họ cho rằng Trump "đã thất bại trong việc hiện thực hóa các cam kết tranh cử về kinh tế", khi sản xuất vẫn chỉ chiếm phần nhỏ trong số việc làm và thâm hụt thương mại vẫn tăng lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét