Nước Mỹ sở dĩ hùng mạnh dẫn đầu thế giới từ sau thế chiến 2 là vì nó được xây dựng trên lý trí chứ không phải trên cảm tính. Lý trí dựa trên cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực, lý trí ở tam quyền phân lập, đảng cầm quyền bị một đảng có quy mô và tài năng ngang bằng nó kiềm chế, tổng thống bị một chủ tịch hạ viện theo dõi,công kích sát sao, hành pháp, lập pháp phủ quyết lẫn nhau, hành pháp bổ nhiệm tư pháp và tư pháp đình chỉ sắc lệnh hành pháp cũng như ra phán quyết phân xử ,bỏ tù hành pháp. Bên cạnh đó là truyền thông hai bên cũng cân bằng,không bên nào có thể dùng báo chí tuyên truyền để xuyên tạc sự thật, mị dân để lấn át bên kia.
Mỗi một thành công hay thất bại của đảng cầm quyền đều có đóng góp và trách nhiệm của đảng đối lập.
Đừng bao giờ nghĩ rằng bà Pelosi chuyên phá ông Trump và cũng đừng nên nghĩ rằng đảng Dân chủ chuyên cản trở đảng Cộng hòa hay ngược lại.
Với vai trò do hiến pháp quy định bà Pelosi và đảng Dân chủ đang làm một nhiệm vụ quan trọng: đó là không để cho quyền lực tha hóa. Nguyên tắc "quyền lực càng cao tha hóa càng rộng, quyền lực tuyệt đối tha hóa tuyệt đối". Và chủ tịch hạ viện cũng như đảng đối lập đang giữ không để sự tha hóa rộng và tuyệt đối đó xảy ra. Khi phe Dân chủ cầm quyền quá trình này cũng diễn ra như vậy.
Nhưng khác với những nhà khai sinh ra nước Mỹ, dân bao giờ cũng "nhất bên trọng, nhất bên khinh", họ không bao giờ thấy vai trò kiềm chế tha hóa quyền lực của đối lập. Họ chỉ thấy đối lập chuyên phá đám tổng thống và đảng cầm quyền.
Họ không hề thấy là nếu không có bà Pelosi và đảng Dân chủ nước Mỹ sẽ giống như Nga và các nước cộng sản hiện nay khi tổng thống muốn làm gì thì làm ,xem hiến pháp như miếng giẻ rách, họ chỉ thấy là nếu không có phe đối lập tổng thống mà họ yêu quý sẽ làm được những việc vĩ đại, đưa đất nước họ thành cường quốc văn minh hiện đại.
Điều này cũng giống như dân Đức tin tưởng Hitler, dân Việt tin Hồ Chí Minh, Trung Quốc tin Tập Cận Bình hay Nga tin Putin hiện nay.
Nhưng sự thật không hề đơn giản như thế. Cái này thế giới gọi là dân túy.
Một nhà lãnh đạo dân cử hay tiếm quyền đều có nghệ thuật làm cho dân say để bầu mình trọn đời. Không loại trừ họ có tài năng và đạo đức thật sự nhưng một điều chắc chắn là dẫu có tài năng và đạo đức đến đâu họ cũng không tránh khỏi tha hóa khi được trao cho quyền lực tuyệt đối.
Do vậy ta thấy hiện tượng dân Việt yêu quý quá mức một chính trị gia nào đó không phải là chuyện lạ. Đó là căn bệnh của các dân tộc sống thiên về cảm tính. Và nếu họ đả phá quá mức một chính trị gia nào đó cũng không lạ. Đó cũng là biểu hiện của một trạng thái cảm xúc của yêu ghét,giận hờn .
Làn sóng người Việt tố Trump và kêu gọi bầu cho Trump thêm một nhiệm kỳ nữa cũng nằm trong sự chi phối cảm tính đó. Tuy nhiên họ không giỏi hơn những nhà làm ra hiến pháp Mỹ.
Bởi nếu một tổng thống được bầu lên do sự yêu ghét của một nhóm người thì nước Mỹ không mạnh như hôm nay. Nước Mỹ không có chỗ cho dân túy.
Không chỉ vì một quan điểm thân Trung hay đánh Trung mà một tổng thống được bầu lên. Đó phải là một mối tổng hòa các quan điểm về an sinh xã hội, việc làm, y tế, kinh tế, chính sách... thỏa mãn được đa số và không bỏ qua thiểu số.
Một tổng thống được bầu không đơn giản là cá nhân ông ấy mà còn kéo theo cả một đảng phái phía sau. Đó là sự chuyển giao quyền lực giữa đảng này với đảng khác, giữa giai cấp cần lao với giới chủ, giữa người đi làm thuê và người chuyên thuê nhân công.
Do vậy người dân Mỹ bỏ phiếu chủ yếu vì vai trò và quyền lợi của họ được coi trọng ở mức độ nào.Nếu đa số thấy cần thay đổi thì sẽ có sự chuyển giao quyền lực . Tuy nhiên đôi khi lá phiếu của những bang chiến địa lại có tác dụng thay đổi cán cân nếu hai bên quá cân bằng.
Tuy nhiên hiến pháp Mỹ bao giờ cũng sẽ đảm bảo người chiến thắng là người cần thiết với đa số và cả nước Mỹ trong giai đoạn đó. Người chiến thắng không đến từ tuyên truyền mà từ sự chứng thực qua tranh luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét