Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

MẬU THÂN 1968 DƯỚI GÓC NHÌN CỦA MỘT SỐ HỌC GIẢ VNCH.

50 năm sau trận Mậu thân 1968: những sự thật vẫn chưa được nhìn nhận.
VNCH đã sụp đổ sau 30 tháng tư 1975, bây giờ có nói cái gì thì những sự việc đã xảy ra cũng không thể thay đổi. Nhưng sự thật lịch sử vẫn cần phải được tôn trọng. Sự việc đó đã xảy ra như thế nào người viết sử cần viết lại trung thực y như vậy. Thiết lập lại “sự thật lịch sử” là “trách nhiệm đối với lịch sử - devoir de mémoire”. Đó cũng là thái độ biết tôn trọng quá khứ và dám nhận trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai.
Ta thấy rằng những gì “phe thắng cuộc” nói về cuộc chiến là không luôn luôn đúng. “Thành kiến” và “lập trường chính trị” đã khiến cho những “sự thật lịch sử” hoặc bị chôn vùi, hoặc bị xuyên tạc. Một số bài viết, ý kiến nhân dịp 50 năm trận Mậu Thân 1968 được đăng tải trên mạng, trên báo chí… cho ta có nhận xét như vậy.
Các bài phỏng vấn ông Vũ Cao Phan, (hay của quí ông Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Quang Lập…) trên BBC, hay bài của tác giả Nguyễn Gia Kiểng “Mậu Thân 1968, giải mã một nghịch lý lịch sử” đăng trên mạng internet là những thí dụ.
Về ý kiến của ông Vũ Cao Phan, ta thấy ngay cả “tên gọi” của cuộc chiến 1954-1975 vẫn chưa ngả ngũ. Huống chi là những sự việc chính trị, ngoại giao khác liên quan tới trận Mậu Thân 1968. Dẫn:
“Trong khi người Mỹ - một bên tham chiến - gọi cuộc chiến tranh này là chiến tranh Việt - Mỹ hay chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Đông Dương lần thứ hai thì một số người Việt Nam lại gọi đây là nội chiến, lấy hình thức làm bản chất. Càng vô lý hơn khi cho rằng có một cuộc xâm lược mang ý thức hệ. Ý thức hệ ấy chỉ là người bạn đường ngẫu nhiên của lịch sử mà thôi, mọi sự gán vào đều khiên cưỡng.” Hết dẫn.
Ông Vũ Cao Phan nhìn nhận tên gọi “cuộc chiến” của phía Mỹ, “chiến tranh Việt Nam”, nhưng phản đối tên gọi cuộc chiến là “nội chiến” cũng như bản chất “xâm lược” và “ý thức hệ” của cuộc chiến.
Người Mỹ có thói quen lấy địa danh để đặt tên cho cuộc chiến. Thí dụ “chiến tranh Cao Ly”, “chiến tranh Vùng Vịnh”, “chiến tranh Iraq”... Chiến tranh Việt Nam họ gọi là… “chiến tranh Việt nam”. Cuộc chiến này có quan hệ với Lào và Campuchia nên đôi khi cũng gọi là “chiến tranh Đông Dương lần hai” (để phân biệt với cuộc chiến lần một 1945-1954 giữa Việt Minh với Pháp).
Từ sau Thế Chiến thứ II, luật quốc tế phát triển mạnh mẽ, đồng thời với sự thành hình của Liên hiệp Quốc, mục đích ngăn ngừa chiến tranh và bảo vệ hòa bình.
Người Mỹ lấy lý do gì, tư cách gì để can thiệp, sau đó là can dự vào “chiến tranh Việt Nam”, để không vi phạm vào các nguyên tắc của LHQ ?
Ta có thể tìm đọc tập tài liệu “Why Vietnam ?” của The White House, Washington, D.C., 20 août 1965 (từ nay gọi là tài liệu Why Vietnam?), có thể xem như là tập “sách trắng” của Mỹ nhằm giải thích lý do, trước dư luận quốc tế và nhân dân Mỹ, vì sao người Mỹ can thiệp vào chiến tranh VN (jus in bello - quyền được can dự vào chiến tranh).
Từ năm 1960, qua những bức thư Tổng thống Eisenhower gởi ông Diệm, ta thấy người Mỹ đã có quan niệm miền Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Quốc gia đó tên gọi “South Vietnam”. Tổng thống Eisenhower cảnh báo ông Diệm bằng thư riêng “cộng sản miền Bắc đã và đang sử dụng vũ lực để khuynh đảo chính trị và phá hoại nền tự do của quốc gia South Vietnam”.
Sang đến đời tổng thống Kennedy, cũng theo tài liệu “Why Vietnam?”, dẫn lá thư ngày 14 tháng 12 năm 1961 của TT Kennedy đã gởi cho ông Diệm, nội dung cảnh báo: “các cuộc tấn công bằng vũ lực hay các cuộc khủng bố chống lại nhân dân và chính quyền trên đất nước của quí ngài trong thời gian qua được sự ủng hộ và lãnh đạo của ngoại bang là cộng sản Hà Nội”.
Cũng trong tập tài liệu đã dẫn, tháng tư năm 1965, TT Johnson còn đi xa hơn trong lập luận VNCH là một “quốc gia độc lập có chủ quyền”: “Miền bắc VN đã tấn công một quốc gia độc lập có chủ quyền là miền Nam VN”.
Diễn văn 28 tháng 7 năm 1965 của TT Johnson tố cáo: “cuộc xâm lược của VNDCCH nhằm mục đích bành trướng và thống trị của chủ nghĩa cộng sản trên toàn Châu Á. Cuộc chiến xảy ra âm thầm, không hề có “tuyên bố chiến tranh”, cũng không có việc xua quân ào ạt như ở Cao Ly (Đại Hàn), bởi vì các lãnh đạo cộng sản hiểu rõ rằng làm như vậy họ sẽ bị trừng phạt nặng nề. Vì vậy họ tổ chức một cuộc xâm lược bán chính thức, qua các hình thức đưa các đạo quân đã được huấn luyện cùng vũ khí đạn dược, xâm nhập lén lút xuyên qua biên giới quốc gia”.
Tài liệu cũng chỉ rõ sự hiện diện của Mỹ ở VN là nhằm “củng cố trật tự thế giới”, từ “Berlin đến Thái Lan”, để “bảo vệ hòa bình, tự do và quyền dân tộc tự quyết”. Nhiều lần tập tài liệu trích dẫn ý kiến lãnh đạo Mỹ. Theo đó Mỹ “không có một tham vọng nào về lãnh thổ ở Việt Nam” mà chỉ bảo vệ “quyền” của nhân dân miền Nam Việt Nam. “Quyền” này thể hiện qua sự “lựa chọn tương lai của dân tộc VN bằng lá phiếu và các cuộc bầu cử tự do”. Tài liệu cũng dẫn những cam kết của các lãnh đạo Mỹ: “Đến khi nào mà Mỹ còn có thể ngăn cản, thì không có một thế lực nào có thể khuất phục dân tộc Nam Việt Nam bằng vũ lực hay bằng khủng bố”.
Tức là, quan điểm của Mỹ trong chiến tranh VN gồm hai mặt: chiến tranh “quốc tế”, nước này xâm chiếm nước kia và “chiến tranh ý thức hệ” (chiến tranh be bờ “từ Berlin đến Thái lan” chống sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản).
Sự can thiệp của Mỹ, trên phương diện “công pháp quốc tế”, đặt trên lý do gồm 3 điểm: 1/ Việt Nam Cộng Hòa là nạn nhân của một cuộc xâm lược của một quốc gia khác. 2/Mỹ tham chiến nhằm bảo vệ quốc gia VNCH. 3/ Mỹ chủ trương một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến.
Cùng “đổ bộ” vào Việt Nam, theo chân quân Mỹ là một đạo quân hùng hậu “phóng viên chiến trường” của các tạp chí Mỹ và Tây phương. Chưa bao giờ có trong lịch sử nhân loại chiến tranh được “công khai” trước mắt mọi người như chiến tranh VN. Các tổ chức quốc tế như hội Chữ thập đỏ quốc tế cũng đến VN. Không một nhà tù nào ở miền Nam lại không bị sự “kiểm soát” của các cơ quan này. Luật quốc tế về chiến tranh (jus ad bellum) đã “hạn chế”, nếu không nói là “trói tay” những hành động của quân Mỹ và VNCH.
Vấn đề là luật về chiến tranh chỉ áp dụng (gắt gao) cho một phía: Nam Việt Nam. Người ta nói Mỹ và VNCH thua không phải ở chiến trường, mà ở Paris, ở Luân Đôn, Washington.
Việc tham gia của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam vì vậy phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, điều 51 về “quyền tự vệ chính đáng”, cũng như tương đồng với nghị quyết ngày 25 tháng 6 năm 1950 của Hội đồng bảo an LHQ về vấn đề quân Bắc Hàn xâm lược Nam Hàn.
Quan điểm của Mỹ là không hề có cuộc “nội chiến” nào ở Nam VN. Điều này phù hợp với quan điểm của ông Vũ Cao Phan.
Nhưng đâu là ý nghĩa của cuộc “tổng tấn công và nổi dậy”, mà theo ông Vũ Cao Phan, là “đạt kết quả ngoài dự kiến”, khiến cho Mỹ “xuống thang và cuối cùng là cuộc chiến kết thúc” ?
Ngay ở ý nghĩa của cụm từ “tổng tấn công và nối dậy” đã bộc lộ tính “nội chiến” của cuộc chiến.
Nếu ông Vũ Cao Phan không nhìn nhận chiến tranh VN là một cuộc “nội chiến” thì “kết quả ngoài dự kiến” (của trận Mậu thân) là gì ?
Nếu ta có tham khảo các tài liệu lịch sử về chiến tranh VN, ta thấy ngay rằng phe VNDCCH (miền Bắc) và MTGPMN chủ trương chiến tranh VN là một cuộc “chiến tranh giải phóng”. Mỹ là “thực dân kiểu mới” và VNCH là “chính quyền ngụy, tay sai”. Nhưng trên phương diện “luật quốc tế”, họ vận động dư luận quốc tế để cho rằng chiến tranh VN là một cuộc “nội chiến” giữa hai bên VNCH và MTGPMN.
Ta thấy các hình ảnh, những khúc phim… của các phóng viên nước ngoài công bố trong thời gian chiến tranh, không ngoại lệ, chỉ là máu me, thương tích, chết chóc… của lính Mỹ và những người mà Mỹ cho là “Việt Cộng”, mà thực chất đó là những nông dân VN.
Áp lực của “dư luận” qua các cuộc biểu tình, các phong trào “phản chiến” tại các nước Tây phương như Pháp, Anh… hay tại chính quốc ở Washington, New York… lãnh đạo Mỹ bắt đầu từ TT Johnson, sau Mậu Thân 1968 nhìn nhận chiến tranh VN là một cuộc “nội chiến”.
Khi nhìn nhận chiến tranh VN là “nội chiến”, hai bên đối đầu là VNCH và MTGPMN, thì Mỹ không có danh nghĩa nào để can dự vào cuộc chiến.
Điều 51 Hiến chương LHQ về quyền “tự vệ chính đáng” chỉ có hiệu lực khi các bên VN là những “quốc gia”.
Nghị quyết của LHQ về Cao Ly chỉ có hiệu lực khi miền Bắc “xâm lược” miền Nam.
CSVN đã thành công, qua trận Mậu thân, vận động dư luận để biến một cuộc chiến “quốc tế” và “ý thức hệ” thành một cuộc “nội chiến”, trong nội bộ VNCH.
Đó mới là “kết quả ngoài dự kiến” của cuộc “tổng tấn công và nổi dậy”.
Sau trận Mậu thân 1968 Mỹ bắt đầu nhượng bộ trên phương diện ngoại giao, buộc VNCH phải “nhìn nhận” thực thể MTGPMN, buộc ngồi “ngang hàng” với thực thể này trong “bàn tròn bốn bên” ở Paris. Hiệp định Paris 1973 ra đời trong bối cảnh “nội chiến”, để Mỹ “Việt nam hóa chiến tranh”, chuẩn bị cho “đồng minh tháo chạy”.
Bây giờ nhìn lại, quan điểm của Mỹ, cái gọi là MTGPMN chỉ là một “cánh tay nối dài” của miền Bắc. Tổ chức này được thành lập theo một nghị quyết của đảng Lao Động (tiền thân của đảng cộng sản) năm 1960. Nhân sự chỉ huy tổ chức này đều là cán bộ đảng Lao Động. Tất cả các chiến binh, quân “nằm vùng” ở miền Nam, hoặc được đưa trực tiếp từ miền Bắc, hoặc được miền Bắc huấn luyện.
Tức là Mỹ (và VNCH) thua trên mặt trận truyền thông tại Paris, tại Washington, chớ không hề thua ở chiến trường, hay thua về lý lẽ tham chiến (jus in bello).
Vì vậy ý kiến của ông Vũ Cao Phan, khi phản đối bản chất “nội chiến” của cuộc chiến, là “có vấn đề”.
Điều tức cười là ông Vũ Cao Phan cũng phản đối bản chất “ý thức hệ” của cuộc chiến. Ông cho rằng “Ý thức hệ ấy chỉ là người bạn đường ngẫu nhiên của lịch sử mà thôi, mọi sự gán vào đều khiên cưỡng.”
Không có sự “ngẩu nhiên” nào kéo dài (bằng tuổi đời của đảng CSVN).
Ông Lê Duẩn đã từng nói “đánh Mỹ là ta đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc”. Đến bây giờ hiến pháp VN vẫn còn khẳng định chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Phú Trọng mới đây còn khẳng định “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Ý thức hệ vẫn còn “gắn liền” với vận mạng đất nước và dân tộc VN.
Đây là một nhận định chủ quan, thể hiện sự mâu thuẩn nội tại khá “trầm trọng” của ông Vũ Cao Phan.
Còn bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng, rõ ràng tác giả viết bằng “thành kiến” chớ không viết bằng ngòi bút (bàn phím) của một trí thức chân chánh.
Sự mâu thuẩn của tác giả Nguyễn Gia Kiểng thể hiện trong bài viết.
Dẫn những số liệu của tác giả, về thiệt hại các bên trong cuộc chiến Mậu Thân 1968:
Dẫn: “Thiệt hại về phía Việt Nam Cộng Hòa trong trận đánh vào vào dịp Tết là gần 5.000 người (con số chính xác là 4.954) và gần 16.000 người bị thương. Phía quân đội Mỹ có 3.895 người thiệt mạng và khoảng 19.000 người bị thương.”
Thiệt hại phía cộng sản: Dẫn “lực lượng cộng sản vào thời điểm Tết Mậu Thân là trên 500.000 người. Một tài liệu của cơ quan tình báo CIA Mỹ ước lượng tổng số quân cộng sản lúc đó là khoảng 600.000 người. Cuối năm 1968 lực lượng này sau những thương vong và hồi chính chỉ còn lại khoảng 200.000 với hàng ngũ rã rượi và tinh thần suy sụp.”
Mặc dầu phía VC đã giành được yếu tố “bất ngờ”, do vi phạm thỏa thuận “ngưng chiến để ăn tết”. Phía VC còn được thế thượng phong do vũ khí tối tân hơn, gồm AK47 và B41, trong khi lính VNCH vẫn còn xài những khẩu “carbine” và “garant” cũ kỹ “bắn từng viên” còn lại từ Thế chiến thứ II.
Ngay cả tác giả cũng phải nhìn nhận trận Mậu Thân là một chiến thắng của VNCH và Mỹ. Dầu không nói ra, tác giả có vẻ nhìn nhận tinh thần chiến đấu của lính VNCH và Mỹ cao hơn chiến binh VC.
Tức là từ binh lính, các cấp chỉ huy, cấp lãnh đạo của VNCH đã hoàn tất nhiệm vụ của họ một cách “vẻ vang”, là “đẩy lui và tiêu diệt kẻ địch”, đem lại chiến thắng cho đất nước. Thiệt hại của VNCH và Mỹ là “không đáng kể”, nếu tính phía VC mất 2/3 quân số (từ 600.000 quân chỉ còn lại 200.000 quân).
Hãy đọc đoạn sau đây của tác giả Nguyễn Gia Kiểng:
Dẫn: “Trong lịch sử cận đại không có trận chiến nào diễn ra một cách kỳ cục như vậy. Càng khó tưởng tượng khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó là một chính quyền quân đội đặt an ninh lên trên hết và có đầy đủ phương tiện truyền thông hiện đại. Nếu có một chút danh dự của một người làm tướng thì cả Thiệu lẫn Kỳ đều phải tự xử sau sự kiện ô nhục này, nhưng họ chỉ biết tự mãn chứ không có danh dự. Các cấp lãnh đạo và tướng lãnh của Việt Nam Cộng Hòa cũng không khác họ bao nhiêu, không thấy ai tỏ ra xấu hổ. Không phải là phe cộng sản đã hành quân khéo và giữ bí mật giỏi, họ hành quân rất luộm thuộm, sai cả giờ phát động vì lẫn lộn lịch tầu và lịch ta. Vấn đề chỉ là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó quá tồi dở. Bộ máy hành chính cũng như quân sự có nhiều người rất tốt, rất dũng cảm và rất giỏi nhưng lãnh đạo quá tồi nên cũng giống như cơ thể cường tráng nhưng cái đầu không hoạt động.”
Rõ ràng tác giả viết do “thành kiến”.
Nếu chính quyền VNCH thời đó “quá tồi dở” thì giải thích làm sao họ chiến thắng trận Mậu Thân 1968 ? VC, vũ trang bằng vũ khí tối tân, AK54, B41 với xe tăng T54 yểm trợ, đồng loạt đánh bất ngờ vào trên 100 tỉnh lỵ, thành phố… của VNCH.
Trước sự phản công tài tình của quân lực VNCH, VC không chiếm được một địa phương nào. Ngoại trừ Huế, VC chiếm được 2 tháng.
Có thể “Nguyễn Cao Kỳ, mầu mè và phô trương”, “Nguyễn Văn Thiệu, mờ nhạt và thiển cận” đúng như nhận định của tác giả. Nhưng làm sao tác giả có thể phủ nhận việc chính hai người này đã dẫn dắt VNCH đem lại chiến thắng năm Mậu Thân.
Tức là trên phương diện “quân sự” họ đã hoàn thành nhiệm vụ của họ.
Tại sao họ phải “tự xử” ? tại sao một chiến thắng lại trở thành “sự kiện ô nhục” ?
Tác giả là một công chức cao cấp trong chính quyền VNCH, tương đương hàm thứ trưởng.
Các tướng lãnh đã làm tròn nhiệm vụ “nhà binh” của họ, là đem lại chiến thắng trên phương diện quân sự. Tác giả đã làm gì trong vai trò “đầu não”, trên địa bàn “chính trị” của mình ?
Tác giả đã “sổ toẹt” vào di sản của VNCH. Điều này không ai chấp nhứt. Nhưng tác giả, qua thành kiến cá nhân đã bóp méo sự thật lịch sử. Biến một chiến thắng, sự can trường và tài ba của chiến binh VNCH, trở thành một “sự kiện ô nhục”, là điều khó có thể chấp nhận.
Tác giả nhận định về cuộc chiến Mậu Thân như sau:
“Nếu những người cầm đầu chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào thời điểm Mậu Thân không quá tồi, nếu Westmoreland không kém như vậy, nếu Lyndon Johnson không hoảng hốt. Chỉ cần một trong ba lý do đó vắng mặt thì hậu quả của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đã khác hẳn và lịch sử Việt Nam cũng sẽ khác hẳn.”
Bỏ qua hai yếu tố “ngoại tại” là TT Johnson và tướng Westmoreland. Nếu những lãnh đạo VNCH thời đó “khá hơn”, tầm cỡ của tác giả Nguyễn Gia Kiểng bây giờ. Thì hậu quả trận Mậu thân 1968 có “khác hơn” không ? Lịch sử VN có “khác hơn” không ?
Không ai đặt lại “chữ nếu” trong lịch sử. Nhưng nếu có theo dõi diễn biến cuộc chiến VN, với những lý do tham chiến của các bên. Tôi cho rằng kết cục cuộc chiến cũng sẽ không khác.
VNCH cũng như Mỹ thua CSVN, không phải vì chiến đấu dở, mà vì thua ở mặt trận truyền thông. Thua ở Paris, ở Washington.
Bởi vì, như đã nói, chưa có cuộc chiến tranh nào xảy ra như cuộc chiến VN, phía báo chí là “một bên” của cuộc chiến, như là “nhân chứng”. Vấn đề là họ làm “nhân chứng” cho phía CSVN. Ta thấy các phóng viên đặt trụ sở ở Sài gòn, hình ảnh thu lượm ở các chiến trường do các phóng viên “đu càng trực thăng” theo lính Mỹ hay lính VNCH. Tất cả hình ảnh, bài viết đầy máu me chết chóc do báo chí đưa ra trở thành những cây dao “đâm sau lưng” Mỹ và VNCH. Họ đặt đủ thứ vấn đề của VNCH, từ việc hạn chế dân chủ, đàn áp nhân quyền, đàn áp tôn giáo, sinh viên biểu tình v.v… Họ đặt câu hỏi cho nhân dân Mỹ: VNCH có xứng đáng để được Mỹ giúp nữa hay không ?
Ngay cả các tổ chức quốc tế, như hội Chữ thập đỏ. Họ thường xuyên “giám sát” các nhà tù VNCH, sau đó viết những báo cáo có hiệu lực “như viên thuốc độc”, lên diễn đàn LHQ.
Thời chiến tranh mà họ xem như “thời bình”. Đám “phản loạn” được “bao che”, vì đó là kho tàng để họ khai thác viết tin tức, báo cáo. Trong khi ở các nước khác, ngay ở thời điểm hòa bình hiện nay, mức độ tự do, mức độ “nhân quyền”, mức độ dân chủ… đều thua xa VNCH thời đó. Bây giờ có ai vào các nhà tù Thái Lan, Singapour, Mã Lai… để “giám sát” ở đó ? Trong khi nhà tù Phú quốc do CSVN giàn dựng lên bây giờ làm địa điểm du lịch, nếu lấy bằng chứng là hình ảnh của Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế, so sánh ta thấy rõ ràng là sự bịa đặt.
Dư luận Mỹ chỉ nhìn “một phía” của cuộc chiến. Mà ở một cuộc chiến bình thường, các ký giả, phóng viên không có lý do để có mặt.
Mục tiêu của CSVN, nói là “giải phóng, thống nhứt dân tộc”, mà thực chất là nhuộm đỏ VN. Xã hội VN bây giờ bị “kềm kẹp”, bị “áp bức”, bị “bóc lột”... gấp trăm, ngàn lần thời VNCH. Không có tổ chức quốc tế, nhà báo, phóng viên nào “đặt trụ sở ở Continental” như thời VNCH nữa. Vì họ đã bị CSVN “tống khứ” từ lâu.
VNCH bị đưa vào thế “phải thua”. Ngay cả ông Kiểng lãnh đạo VNCH thời đó, tôi dám chắc ông cũng không làm được cái gì để thay đổi. Nhưng vấn đề Mậu Thân có thể thay đổi. Một chiến thắng có thể thành thất bại. Vì người lãnh đạo không “rành” chuyện mình làm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét