Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

LUẬT NHÂN QUẢ.

Có nhiều người lập luận là tại sao có nhiều kẻ ác gây nên nhiều tội lỗi nhưng vẫn sống lâu ? Quả báo ở đâu ?
Thưa rằng đối với thời gian, sự báo ứng có ba cách:
- Báo ứng ngay trong kiếp tạo nhân, gọi đương kiếp nhân quả.
- Báo ứng theo cái nhân kiếp trước, gọi tiền kiếp nhân quả.
- Báo ứng ở kiếp sau do cái nhân hiện tại, gọi hậu kiếp nhân quả.
Đạo Phật giải thích mọi sự việc đều là sự biểu hiện của luật nhân quả. Nghĩa là mọi sự việc đều là kết quả từ nguyên nhân trước đó. Sự việc đó chính nó lại là một nguyên nhân của kết quả sau này. Nhân có khi còn gọi là nghiệp, và một khi đã gieo nghiệp thì ắt sẽ gặt quả (để phân biệt tích cực với tiêu cực một cách tương đối thì có khái niệm "thuận duyên", "nghịch duyên" hoặc "Thiện nghiệp", "Ác nghiệp"). Từ nhân đến quả có yếu tố duyên. Duyên là điều kiện thuận lợi, là cơ hội cho phép quả xảy ra (thuận duyên) hoặc điều kiện cản trở, trì hoãn quả tới chậm hơn, đôi khi triệt tiêu quả (nghịch duyên). Các tương tác nhân quả phức tạp diễn ra song song hoặc nối tiếp nhau gọi là trùng trùng duyên khởi.
Nhân quả tương tác theo luật tương ứng: nhân nào thì quả nấy; hạt táo không thể sinh ra quả bưởi, hạt xoài không thể sinh ra quả đào. Kinh Phật ghi rằng "Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt". Các nguyên nhân cùng loại nhưng trái chiều sẽ tương tác, bù trừ nhau, cái nào mạnh hơn sẽ tạo ra kết quả sau khi bù trừ xong. Học thuyết nhân quả dựa trên kinh tạng nguyên thủy lý giải rằng nghiệp đã gieo có thể chuyển được do gieo nhân mới đối lập với nhân cũ.
Con người dù không thể thấy được toàn bộ, không thể lý giải được hoàn toàn nhân quả này thì mối quan hệ nhân quả vẫn là một quy luật tự nhiên khách quan. Có những người dù không nhận thức được, thậm chí có thể họ không tin vào nhân quả, nhưng quy luật này vẫn vận hành và chi phối vạn vật, bao gồm chính bản thân họ. Tuy nhiên khác với khoa học hiện đại, khi lý giải về cuộc sống của con người, Phật giáo cho rằng quan hệ nhân quả là xuyên suốt thời gian chứ không chỉ trong một kiếp sống. Việc này dẫn đến khái niệm luân hồi.
Do vậy có nhiều người chiụ ngay "quả báo nhãn tiền" nhưng cũng có nhiều người chịu quả báo hậu kiếp về sau .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét