Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

NGUY CƠ CHIẾN TRANH MỸ- IRAN LÀ KHÔNG HỀ NHỎ.

Kể từ khi nhậm chức, Trump đã không ngừng mô tả Iran là nguồn gốc của mọi tội lỗi – bao gồm khủng bố quốc tế – trong và ngoài khu vực. Ông đã đảo ngược chính sách can dự với Iran của người tiền nhiệm Barack Obama, và đang gây áp lực tối đa lên chế độ Iran với ba mục tiêu trọng tâm.
Mỹ tìm cách làm suy yếu nền kinh tế Iran để nước này không còn là một tác nhân có ảnh hưởng trong khu vực. Mỹ cũng muốn củng cố vị thế của Israel với tư cách là một đồng minh mạnh mẽ và trung thành nhất của Mỹ ở Trung Đông, đồng thời củng cố quan hệ chiến lược chặt chẽ giữa nhà nước Do Thái và các nước Ả Rập chống Iran, bao gồm các quốc gia vùng Vịnh – do Ả Rập Saudi lãnh đạo – cùng với Ai Cập.
Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 ,áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với Iran, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực kinh tế của nước này, khiến một số công ty nước ngoài phải ngừng kinh doanh với Tehran. Và trong một động thái chưa từng có vào tháng trước, Trump đã gọi lực lượng chủ chốt của quân đội Iran, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, là một tổ chức khủng bố.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Iran sẽ không có khả năng quân sự để đứng vững trước hỏa lực của Mỹ. Mỹ có thể nhanh chóng tiêu diệt các cơ sở quân sự của Iran, các địa điểm hạt nhân và các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Ngoài ra, Mỹ có thể ngăn Iran chặn eo biển Hormuz, nơi khoảng 30% lượng dầu thế giới đi qua.
Tuy nhiên, Iran cũng có khả năng khiến bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ – có hoặc không có sự hỗ trợ của Israel và Ả Rập Saudi – trở nên rất tốn kém cho Mỹ và khu vực. Chính quyền Iran có thể đánh chìm một vài con tàu tại điểm hẹp nhất của eo biển Hormuz – tuyến đường hàng hải chỉ rộng hai dặm (3,2 km) theo cả hai chiều nơi hẹp nhất – nhằm gây tắc nghẽn eo biển này. Quan trọng hơn, Iran đã xây dựng một chiến lược chiến tranh bất đối xứng dựa trên cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Mặc dù Iran thiếu một lực lượng không quân tiền tuyến hiện đại, nhưng nước này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển và sản xuất các tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, có khả năng tấn công các mục tiêu ở xa như Israel.
Chế độ Iran đã tạo ra một mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm trên toàn khu vực. Syria và Iraq đã trở thành những mắt xích quan trọng trong một vòng cung chiến lược của người Hồi giáo dòng Shia do Iran dẫn đầu, trải dài từ Afghanistan đến Libăng. Các lực lượng ủy nhiệm của Iran bao gồm bộ phận dân cư dòng Shia tại Afghanistan, lực lượng dân quân Shia ở Iraq, và nhóm Hezbollah, vốn đang kiểm soát miền nam Li-băng và có hàng ngàn tên lửa sẵn sàng nhắm vào Israel.
Ngoài ra, Iran có thể huy động hàng ngàn chiến binh đánh bom tự sát muốn hy sinh vì mục tiêu chung của người Hồi giáo dòng Shia và chủ nghĩa dân tộc mà chế độ Iran đã thúc đẩy thành công. Những chiến binh đánh bom tự sát này được cài sâu trong lực lượng an ninh Iran và trên toàn bộ khu vực.
Theo giới truyền thông Ả rập, một số nước vùng Vịnh đồng ý cho Mỹ triển khai quân để chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột quân sự với Iran.Mỹ tuyên bố hiện hữu mối đe dọa chiến tranh từ Iran, nên đã ra lệnh sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao Mỹ khỏi thủ đô Baghdad của Iraq; đồng thời Chỉ huy Bộ tư lệnh Chiến trường Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) cũng hạ lệnh tăng cường tình trạng báo động chiến tranh.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố rằng, ông hy vọng tránh được cuộc chiến với Tehran và muốn gặp giới lãnh đạo Iran; còn Đại Giáo chủ Ali Khamenei nói rằng, Tehran không có ý định đánh nhau với Mỹ nhưng sẽ sẵn sàng giáng trả nếu bị tấn công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét