Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

TỪ NGUYỄN TƯỜNG VÂN ĐẾN ĐOÀN THỊ HƯƠNG VÀ SITI AISYAH : ÁN TỬ HÌNH VÀ MỨC ĐỘ QUAN TÂM CỦA CHÍNH PHỦ CÁC NƯỚC DÂN CHỦ VÀ ĐỘC TÀI TỚI CÔNG DÂN CỦA MÌNH.



Nguyễn Tường Vân, 25 tuổi, bị bắt tại sân bay Changi ở Singapore tháng 12/2002, khi đang mang 396 g heroin trên người và trong ba lô. Mức án tử hình ở Singapore áp dụng với những ai mang hơn 15 g ma túy này. Khi đó, anh ta khai đang tìm cách chuyển ma túy từ Campuchia về Australia để trả nợ giúp người anh sinh đôi.
Vụ việc đã gây nên những phản ứng dữ dội ở xứ sở chuột túi, nước vốn không có án tử hình. Chính phủ Canberra cũng như các luật sư, nghiệp đoàn và các hội nhà thờ đã nhiều lần xin khoan hồng cho Nguyễn Tường Vân, nhưng Singapore không thay đổi quyết định.
Australia cho rằng nhân vật này không đáng phải lên giá treo cổ, vì anh ta không có tiền án. Hơn nữa, Nguyễn Tường Vân có thể giúp các nhà điều tra tìm hiểu về các đường dây buôn lậu ma túy, nếu được sống.
Tuy nhiên, trong bức thư gửi người đồng nhiệm Australia, Chủ tịch Quốc hội Singapore Abudllah Tarmugi tuyên bố nước này không thể thỏa hiệp: “Chúng tôi có nghĩa vụ phải bảo vệ sinh mạng của những người bị thứ ma túy mà Nguyễn mang theo hủy hoại. Anh ta biết việc mình đang làm và hậu quả của nó”.
Thủ tướng Australia John Howard cho đến lúc đó đã 5 lần đích thân đề nghị giới lãnh đạo Singapore xem xét trường hợp của Nguyễn Tường Vân, nhưng đều không thành. Tại cuộc gặp những người đứng đầu các chính phủ thuộc khối Thịnh vượng Chung ở Malta , ông cảnh báo Singapore nên chuẩn bị cho “nỗi oán giận dài lâu” ở Australia nếu việc xử tử vẫn diễn ra.
Đơn xin ân xá của Tường Vân đã bị Tổng thống Singapore bác bỏ. Thủ tướng Australia John Howard cũng đã đề nghị Singapore tha mạng cho Tường Vân, song đề nghị đó cũng không được đáp ứng.
Singapore đã tử hình công dân Australia gốc Việt Nguyễn Tường Vân sáng 2/12/2005 bất chấp những lời kêu gọi xin giảm án của chính phủ Australia.
Vân đã phải lên giá treo cổ trước khi mặt trời mọc. Hàng chục bạn bè và những người ủng hộ trong trang phục màu đen làm lễ cầu nguyện cho anh ta bên ngoài nhà tù suốt đêm .Hoạt động cầu nguyện cho Vân cũng được tổ chức trên khắp Australia. Chuông và cồng được đánh lên 25 tiếng vào thời điểm Vân lên giá treo cổ.
Vấn đề chính yếu không phải là tội phạm, mà là hình phạt tử hình có tương xứng với tội phạm hay không vào đầu thế kỷ thứ 21 này.
Chính phủ Australia, từ cấp quốc trưởng đến thứ trưởng và bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng tư pháp, từ quốc hội liên bang đến các quốc hội tiểu bang, và chính phủ Victoria, là nơi Nguyễn Tường Vân cư ngụ, các vị lãnh đạo tôn giáo như Đức hồng y George Pell, các luật gia, hàng ngàn cá nhân kể cả cộng đồng Việt Nam tại Australia, đều đã thỉnh cầu tổng thống và chính phủ Singapore khoan hồng, chuyển án tử hình thành án chung thân. Bên ngoài Australia, cố Giáo Hoàng Gioan Phao Lô Đệ Nhị và đương kim giáo hoàng Benedicto 16, tổng thư ký Kofi Annan, thứ trưởng New Zealand Helen Clarke.... cũng đã vận động để cứu mạng cho Nguyễn Tường Vân. Tất cả nỗ lực đều đã thất bại.
Nhiều luật gia và các đoàn thể áp lực, như Amnesty International, đã đề nghị chính phủ Australia khiếu tố Singapore ra trước tòa án quốc tế La Haye, nhưng việc này không thể tiến hành vì thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore đã trả lời thủ tướng John Howard là Singapore không chấp nhận thẩm quyền của Toà án quốc tế trong vụ này. Khi các phương thức pháp lý đã bị bế tắc, nhiều dân biểu, nghị sĩ, và ngay cả tổng công đoàn ACTU đã đề nghị Australia trừng phạt kinh tế Singapore, nhưng thủ tướng John Howard đã bác bỏ biện pháp này, vì ông lập luận rằng Australia phải phân biệt vấn đề nhân đạo Nguyễn Tường Vân với mối bang giao song phương và giao thương giữa Australia và Singapore.
Đoàn Thị Hương là con gái út trong một gia đình nông dân ở thôn 3, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Cô "thoát ly" gia đình từ khi về Hà Nội học trung cấp dược, 2-3 tháng về thăm nhà một lần.
Ngày 11 tháng 2, Đoàn Thị Hương lần cuối post lên Facebook mang tên "Ruby Ruby". Chi tiết địa điểm check-in cho thấy cô đang ở gần sân bay quốc tế Kuala Lumpur.
Ngày 13 tháng 2, Kim Jong-nam bị 2 nữ giới tiếp cận và xịt VX vào mặt tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Ông chết trên đường tới bệnh viện Putrajaya.
Ngày 15 tháng 2, Đoàn Thị Hương bị bắt giữ tại sân bay Kuala Lumpur do bị nhận dạng dựa trên camera an ninh của sân bay trùng với một trong hai người phụ nữ đã tiếp cận ông Kim. Theo luật cô bị giữ 7 ngày để điều tra. Cô khai là không biết tên của nạn nhân, và cô tưởng đây là một trò đùa trên truyền hình. Sau khi hành động, cô không thấy những người bạn của mình và đã lên taxi rời khỏi sân bay.
Từ ngày 15 tháng 2 cho tới ngày 20 tháng 2, hầu hết các báo Việt Nam đều đưa tin về vụ án và nghi phạm này nhưng không hề đề cập hai chữ 'Việt Nam' trong các bản tin, một số chỉ ghi là 'nghi phạm châu Á'.
Ngày 21/2, một người làm công tác tòa soạn giấu tên tại một nhật báo ở TP. Hồ Chí Minh trả lời BBC: “Chính xác là không ai cấm đăng vụ Đoàn Thị Hương , nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tuyên giáo đã khuyến nghị rằng do vụ việc phức tạp, chưa thể xác minh được nhân thân cô này nên đề nghị các báo chờ khi có xác minh thì đăng. Trong thời gian chờ đợi, các tòa soạn vẫn cử phóng viên đi xác minh tại địa phương của Đoàn Thị Hương và để bài nằm đó. Khi thông tin từ Malaysia quá rõ và công khai rồi, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng rồi thì đăng thôi.”
Ngày 20 tháng 2, báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản dẫn lời tờ China Press bằng tiếng Hoa của Malaysia đưa tin rằng "một người đàn ông châu Á dường như là điệp viên của Triều Tiên" tiếp xúc với hai nữ nghi can Indonesia và Việt Nam khoảng "ba tháng trước vụ ám sát". Tờ báo đưa tin rằng người đàn ông này lần đầu gặp cô Hương ở Malaysia ba tháng trước, và để "gây dựng lòng tin với cô, người đàn ông đã đi thăm Việt Nam cùng cô rồi đi mua sắm ở Hàn Quốc". Người này sau đó giới thiệu hai công dân Indonesia và Việt Nam với nhau rồi nói là họ sẽ tham gia vào một trò chơi khăm trên truyền hình.
Ngày 24-2/2017, trả lời BBC tiếng Việt qua điện thoại, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nói về 'nghi phạm người Việt' và khả năng xử lý vụ việc, ông nói: "Nếu là người Việt Nam thì chúng tôi phải bảo hộ và đưa về Việt Nam xử lý theo pháp luật Việt Nam. Nhưng điều đầu tiên là phải xác minh đúng là người Việt Nam và có liên quan đến vụ án. Sau đó sẽ phải đánh giá có vi phạm như thế nào theo luật pháp Việt Nam."
Chiều 12/3/2019 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah. Phó Thủ tướng đề nghị phía Malaysia bảo đảm xét xử công bằng, trả tự do cho Đoàn Thị Hương. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chiều 14/3 cho hay: “Chúng tôi lấy làm tiếc vì tòa án Malaysia không trả tự do ngay cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương. Việt Nam mong muốn Đoàn Thị Hương phải được xét xử công bằng, khách quan và được trả tự do.
Vào ngày 11 tháng 3, nữ nghi can đồng phạm Siti Aisyah người Indonesia được toà thả tự do, và đã trở về nước sau những nỗ lực ngoại giao ở những cấp cao nhất.
10h sáng (giờ địa phương) hôm thứ 5 ngày 14 tháng 3 quyết định của Bộ trưởng Tư pháp Malaysia tiếp tục theo đuổi vụ xét xử Đoàn Thị Hương có nghĩa, người phụ nữ này là nghi can duy nhất, và vẫn tiếp tục bị giam giữ. Hương bật khóc nức nở khi nghe quyết định. “Tôi không tức giận vì Siti được thả. Chỉ có Chúa mới biết rằng chúng tôi không sát nhân,” người phụ nữ nói qua thông dịch. Nếu bị truy tố, cô sẽ đối mặt với án tử hình bằng cách treo cổ.
Theo thông báo của đại sứ quán Indonesia, những nỗ lực kêu gọi trả tự do cho Siti đã được khởi động ngay từ thời điểm cô bị bắt giữ vào tháng 2/2017.
Công tố viên Muhammad Iskandar Ahmad tuyên bố hủy cáo buộc Siti phạm tội sát nhân. Ông nói phía công tố chỉ hành động "theo chỉ đạo.
Lý do mà Siti Aisyah được trả tự do được lý giải phần nào khi lá thư của Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas gửi phía Indonesia được hé lộ.
"Vì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước chúng ta, tôi rất hài lòng khi thông báo với ông về quyết định ngưng truy tố (nolle prosequi) đối với Siti Aisyah thể theo Điều 254 của Bộ luật Hình sự", ông Tommy Thomas viết trong lá thư ký ngày 8/3 gửi Yasonna Laoly, Bộ trưởng Tư pháp và Nhân quyền Indonesia.
Sứ quán Indonesia khẳng định sự tự do của Siti là thành quả của những nỗ lực vận động lâu dài từ Jakarta, nhắm đến mục tiêu là giải cứu công dân nước này khỏi án tử hình nếu bị kết tội sát hại Kim Chol.
Theo thông cáo, Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh khởi động chiến dịch vận động hành lang, đòi tự do cho Siti ngay sau khi nghi phạm bị bắt giữ ngày 15/2/2017, tức hai ngày sau khi Kim Chol bị sát hại ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Theo Malaysia Reserve, chiến dịch giải cứu có sự tham gia của lãnh đạo hàng loạt bộ ngành liên quan, từ ngoại trưởng, bộ trưởng tư pháp, đến lãnh đạo lực lượng cảnh sát và cả lãnh đạo cơ quan tình báo Indonesia.
Rusdi Kirana, Đại sứ Indonesia ở Malaysia, cho biết chiến dịch vận động hành lang được đẩy mạnh trong nhiều tháng qua. Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo luôn nhắc đến vụ án của Siti Aisyah xuyên suốt mọi cuộc gặp cấp cao giữa hai nước. Nỗ lực kêu gọi trả tự do cho Siti được đề cập trong mọi cuộc họp song phương "từ cấp tổng thống, phó tổng thống, đến các cuộc họp cấp ngoại trưởng và các bộ khác".
Như vậy từ Nguyễn Tường Vân đến Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah một điều rút ra là tính mạng công dân các nước dân chủ bao giờ cũng được quan tâm hơn tính mạng công dân các nước độc tài. Bởi với địa vị làm chủ đất nước công dân các nước tự do bao giờ cũng được những người đầy tớ mà mình bầu lên phục vụ tận tụy hết mình, cho dù giải cứu của họ đôi lúc không thành công. Bởi lá phiếu bầu đã quyết định như vậy.
Nếu mai này Đoàn Thị Hương có bị hành quyết bằng treo cổ như Nguyễn Tường Vân thì cô cũng chẳng được một chút an ủi nào như người đồng hương vì hành động của Bộ trưởng cai trị nước cô chỉ hành động "theo đóm ăn tàn" vì muốn giữ sỉ diện. Họ không làm hết sức như chính phủ Australia và Indonesia đã làm với tính mạng công dân mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét