Phát biểu ở họp báo kết thúc chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản, Trump cho biết đã có một cuộc gặp tốt đẹp với Tập Cận Bình.
Trump tuyên bố sẽ tạm dừng đánh thuế vào các mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ông khẳng định:
"Chúng tôi sẽ không áp thêm thuế vào 350 tỉ USD (hàng Trung Quốc) hiện tại. Chúng tôi sẽ không làm điều đó, chúng tôi sẽ làm việc với Trung Quốc về những thứ còn dang dở để xem liệu chúng tôi có thể đi tới một thỏa thuận hay không."
CNN đánh giá, những gì Tổng thống Trump tuyên bố sau khi tiếp xúc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa có gì đột biến. Cả hai bên chỉ chấp nhận nối lại các cuộc đàm phán, thay vì duy trì tình trạng đóng băng như trước đây.
Việc dỡ bỏ cấm vận với Huawei cũng là một biện pháp cần thiết mang tính có đi có lại. Đồng thời, hành động này cũng nhằm giảm sức ép cho chính Tổng thống Mỹ khi hàng loạt doanh nghiệp công nghệ viễn thông nước này đã đệ đơn yêu cầu Tổng thống Mỹ chấm dứt trừng phạt Huawei để họ có thể tiếp tục làm ăn.
Tờ Washington Post nhận định, kết quả cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump dấy lên tia hy vọng về giải pháp hòa bình cho cuộc chiến thuế ở khu vực xuyên Thái Bình Dương. Song, thực chất, mối quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đã bị thay đổi vĩnh viễn kể từ khi có lệch áp thuế bổ sung.
Mấy thập kỷ vừa qua, các nhà sản xuất của Mỹ đã phải dựa vào lực lượng nhân công giá rẻ ở Trung Quốc để sản xuất ra những chiếc iPhone, quần áo và các linh kiện phục vụ cho ngành công nghiệp và đổ một lượng tiền rất lớn vào các nhà máy tại Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã đầu tư hơn 140 tỷ USD vào Mỹ kể từ năm 2000, theo thống kê của Rhodium Group.
Những trận đánh thuế trả đũa qua lại giữa hai nền kinh tế - Mỹ và Trung Quốc - đã khiến giá cả hàng hóa leo thang, đầu tư co lại, kiểm soát xuất nhập khẩu khắt khe hơn, và khiến các quan chức chính phủ phải "đau đầu", doanh nghiệp hai nước cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Theo đánh giá của ông Wendy Cutler, một nhân vật đã từng tham gia đàm phán thương mại của phái đoàn Mỹ, cả Mỹ và Trung Quốc đều có quan điểm cứng rắn về chính sách thương mại vì thế rất khó xoay chuyển để có thể tạo ra các bước tiến mới trong đàm phán thương mại song phương.
"Chúng ta đang ở trong một thế giới mới", ông Wendy Cutler nói. Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã thay đổi lớn kể từ khi Tổng thống Donald Trump thực hiện chính sách thương mại "Nước Mỹ trước tiên" (America First).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét