Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

DỰ LUẬT DÂN CHỦ NHÂN QUYỀN HỒNG KÔNG SẼ CHO PHÉP MỸ LÀM GÌ VỚI TRUNG QUỐC ?

Thượng Viện Mỹ hôm Thứ Ba, 19 Tháng Mười Một, 2019, đã thông qua cả hai dự luật với số phiếu gần như tuyệt đối
Một ngày sau 20/11/2019 Hạ Viện thông qua dự luật nhằm bảo vệ dân chủ và nhân quyền ở Hồng Kông với tỉ số là 417 phiếu thuận và chỉ 1 phiếu chống, giữa khi chính quyền Hồng Kông đang có các biện pháp đàn áp mạnh mẽ người tranh đấu.
Theo hiến pháp Mỹ :
Quyền lực đầu tiên được Hiến pháp Hoa Kỳ quy định dành cho tổng thống là quyền phủ quyết của tổng thống đối với các quy trình lập pháp của Quốc hội Hoa Kỳ. Đoạn 2 và 3, Phần 7, Điều khoản 1, Hiến pháp Hoa Kỳ bắt buộc bất cứ đạo luật nào mà Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đều phải được trình lên tổng thống trước khi trở thành luật. Một khi đạo luật đã được trình lên thì tổng thống có ba sự chọn lựa:
- Ký văn bản luật và đạo luật sẽ trở thành luật.
- Phủ quyết văn bản luật, trả về Quốc hội kèm theo bất cứ lý do vì sao mình phản đối. Đạo luật sẽ không thành luật trừ khi cả hai viện lập pháp của Quốc hội biểu quyết với tỉ lệ 2/3 phiếu thuận để gạt bỏ sự phủ quyết của tổng thống.
- Không hành động gì. Trong trường hợp này, tổng thống không ký và cũng không phủ quyết văn bản luật. Sau 10 ngày, không kể chủ nhật, có hai trường hợp có thể xảy ra:
- Nếu Quốc hội vẫn còn nhóm họp thì đạo luật trở thành luật.
- Nếu Quốc hội không nhóm họp thì văn bản luật không thể trả về Quốc hội được. Lúc đó đạo luật không thành luật. Trường hợp này được biết đến là "pocket veto" (phủ quyết gián tiếp).
Trong trường hợp này khi hai viện đã đồng thuận với tỷ lệ cao như vậy thì nếu ông Trump phủ quyết gởi văn bản trả về quốc hội thì hai viện sẽ nhóm họp và dùng tỷ lệ trên 2/3 để phủ quyết lại quyết đinh của phía hành pháp.
Về bản chất, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông là bản sửa đổi của "Đạo luật Chính sách Hồng Kông 1992" với những thay đổi chính được mô tả bằng cụm từ "các mục đích khác". (To amend the Hong Kong Policy Act of 1992 and for other purposes).
Theo các nhà lập pháp Mỹ, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông gần như là một dự luật mở, cho phép các bộ, ban ngành của Mỹ có thể thay đổi những biện pháp, phương thức hành động để ứng phó với những diễn biến chính trị ở Hồng Kông theo luật pháp Mỹ đã quy định.
Luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông có 10 phần. Ngoại trừ phần 1 nêu tóm tắt toàn bộ đạo luật, 9 phần còn lại là những quy định vừa chi tiết vừa có hướng mở để các bộ của Hoa Kỳ dễ dàng, linh hoạt hành động tương ứng với những diễn biến chính trị liên quan đến tình hình Hồng Kông.
Washington sẽ làm gì?
Theo Văn phòng nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông sẽ là nền tảng cho chính quyền chỉ đạo các bộ phận khác nhau trong thể chế đánh giá xem sự phát triển chính trị ở Hồng Kông có cần thiết phải tiến hành thay đổi cách đối xử với Hồng Kông theo luật pháp của Hoa Kỳ hay không. Cụ thể là:
- Yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ hàng năm phải có báo cáo tổng quan chi tiết về quyền tự trị của Hồng Kông để từ đó ban hành các chính sách đặc biệt dành cho Hồng Kông như đã được đề cập theo Đạo luật chính sách Hồng Kông năm 1992.
- Yêu cầu Tổng thống xác định những người chịu trách nhiệm ở Trung Quốc đại lục về các vụ bắt bớ các nhà viết sách, các nhà báo Hồng Kông và những người đồng lõa trong việc mà Hoa Kỳ cáo buộc là "đàn áp các quyền tự do cơ bản ở Hồng Kông", bao gồm cả những vấn đề phức tạp trong việc thể hiện quan điểm của các cá nhân, liên quan đến việc thực thi các quyền được quốc tế công nhận, cũng như quyền đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ và từ chối cho những người có trách nhiệm nhập cảnh vào Mỹ.
- Yêu cầu Tổng thống Mỹ ban hành chiến lược bảo vệ Hoa Kỳ công dân và doanh nghiệp khỏi những rủi ro do Pháp lệnh người phạm tội bỏ trốn sửa đổi, bao gồm cả việc xác định xem có cần sửa đổi thỏa thuận dẫn độ giữa Hoa Kỳ - Hồng Kông và dịch vụ tư vấn đi lại ở Hồng Kông của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hay không.
- Yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Mỹ có báo cáo thường niên để đánh giá liệu chính quyền Hồng Kông có thực thi đầy đủ các quy định, lệnh trừng phạt liên quan đến xuất khẩu các mặt hàng sử dụng trong những lĩnh vực nhạy cảm (vũ khí, trang bị) mà Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc đã ban hành, đặc biệt liên quan đến Iran và Triều Tiên hay không.
- Chính phủ Mỹ phải đảm bảo rằng những người xin thị thực sẽ không bị từ chối việc cấp visa dù họ có lệnh phải bị bắt giữ, đang bị giam giữ hoặc đang gặp phải những hành động bất lợi khác do các chính phủ khác gây ra do tham gia vào các hoạt động phản kháng liên quan đến vận động thúc đẩy dân chủ, nhân quyền hoặc củng bố luật pháp ở Hồng Kông.
Theo báo South China Morning Post, trong bối cảnh dự luật này đang nhận được sự chú ý gần đây, thật ra vẫn còn hơn 150 dự luật khác hướng tới đối phó Trung Quốc trên nhiều mặt trận, từ kinh tế cho tới tư tưởng, có thể sẽ nằm trên bàn làm việc đợi Tổng thống Trump ký.
Chẳng hạn Đạo luật chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 9 là một trong nhiều dự luật nhắm vào Trung Quốc có thể sẽ "hạ cánh" tại bàn làm việc của ông Trump. Dự luật này đang đợi Hạ viện Mỹ thông qua.
Những dự luật trên hoặc nhắm thẳng vào Trung Quốc (chẳng hạn Đạo luật kiểm soát chuyển giao công nghệ Trung Quốc), hoặc chứa những điều khoản liên quan tới Trung Quốc (chẳng hạn Đạo luật ủy quyền quốc phòng quốc gia) - mà phải được thông qua hằng năm.
Trong số những chủ đề nổi bật của các dự luật này có an ninh mạng, buôn bán chất ma túy fentanyl, các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị, thương mại và đầu tư, Biển Đông, và Đài Loan.
Tương tự dự thảo luật Nhân quyền và dân chủ Hong Kong - vốn có khả năng đe dọa đáng kể quan hệ kinh tế, thương mại giữa Mỹ và Hong Kong, một số dự luật có thể sẽ làm gián đoạn thương mại và đầu tư quốc tế.
Ví dụ, Đạo luật kiểm soát chuyển giao công nghệ Trung Quốc sẽ yêu cầu ngoại trưởng và bộ trưởng thương mại Mỹ lập một danh sách "các công nghệ liên quan lợi ích quốc gia" mà có thể sẽ không bán hay chuyển giao cho Trung Quốc. Dự luật này cũng sẽ áp biện pháp trừng phạt lên bất kỳ ai bị phát hiện vi phạm lệnh cấm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét