Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

TRÒ GÁN GHÉP TRẺ CON.

Cái trò kém cõi nhất là gán tên một người nào đó cho là con cháu của một kẻ mà mình không thích. Trên thế gian này có biết bao nhiêu người cùng họ với nhau? Không lẻ cứ là người cùng họ là bà con với nhau hay sao. Đám "hoài Ngô" không thích ông Dương Văn Minh vì ông này cầm đầu Hội đồng tướng lãnh đảo chính giết chết thần tượng của họ vào ngày 1/11 /1963. Sau 4 năm chuyển tiếp là một thời kỳ dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Nhưng họ không nuốt trôi cái cục tức này dù quân đội đảo chính độc tài là việc thiên kinh địa nghĩa. Đáng ra phải cám ơn người đã đưa mình từ kiếp súc vật hóa thành kiếp người đám này lại lấy oán trả ơn, nguyền rủa ông với nhận thức hạn hẹp.
Mình chẳng hề bà con gì với Dương Văn Minh nhưng hễ phân tích về thể chế chính trị độc tài nhà Ngô là đám này lại dùng thủ đoạn gán ghép một cách trẻ con vì chẳng tìm ra được luận cứ gì để phản biện. Lui tới cũng lôi mấy luận điểm xưa như trái đất mà "bò đỏ" vẫn hay dùng ra để bảo vệ các chế độ độc tài. Rồi nhiếc móc , chửi bới một cách vô học.
Thật ra ông Dương Văn Minh không phải là người tổ chức cuộc đảo chính. Đó là trung tướng Trần Văn Đôn. Và nguyên cả hội đồng tướng lãnh quyết định thủ tiêu hai anh em nhà độc tài vì lo ngại 10 ngàn đảng viên đảng Cần Lao nổi dậy hoạt động bí mật. Lúc đó máu người sẽ chảy thêm. Trong các cuộc đảo chính trên thế giới chỉ khi nào nhà độc tài bị tiêu diệt thì mới "sóng lặng gió yên". Và đại úy Nguyễn Văn Nhung đã dùng cả tính mạng mình để trả giá sau đó.
Tuy nhiên không ai nhắc là ông Nguyễn Văn Thiệu cũng chỉ huy sư đoàn 5 đưa quân về tham gia đảo chính. Bởi ông Thiệu sau này làm tổng thống nên đụng tới ông Thiệu sẽ mất chính nghĩa nên nhóm này cứ nhè ông Minh mà đổ tội dù ông chỉ là khách mời vào phút cuối.
Còn đổ tội rằng ông Minh đầu hàng quân cộng sản năm 1975 là thiếu tầm nhìn. Trong hoàn cảnh cả hai bên đều nhận súng đạn Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô... thì khi đã bị cắt viện trợ mà vẫn tiếp tục đánh là thiểu năng.
Tại sao ?
Nếu một cuộc chiến chống quân ngoại quốc thì dù có chết cũng phải xài hết đạn. Nhưng đây là một cuộc chiến mà anh em trong nhà giết nhau thằng ở ngoài hưởng lợi. Quân cộng sản tiến về Sài Gòn hầu hết là con em nông dân miền Bắc. Những tên cầm đầu đáng chết đều ngồi ngoài Bắc , hoặc bận đi học Liên Xô , Đông Âu để chờ ngày về lãnh đạo Sài Gòn. Đánh thêm chỉ là dân Sài Gòn và dân Bắc chết thêm. Chết có vài triệu cũng chẳng xi nhê gì vì dân chết chứ đảng CS đâu có chết? Chúng chỉ xúi dân làm tình và đẻ con, khoảng mười mấy năm sau là có lính mới. Lúc đó nhà cửa tan nát, Sài Gòn thành bình địa để được tiếng anh hùng rơm. Rồi hết đạn cũng phải buông súng. Lúc đó lịch sử sẽ nguyền rủa bởi dù sao tánh mạng con người cũng vô giá. Hơn nữa Mỹ cắt viện trợ vì dân u mê chứa chấp nuôi giấu cộng sản, chết thế cho cộng sản chứ đâu phải vì tinh thần chiến đấu của người lính.
Do đó ông Minh chỉ đứng ra làm trung gian hòa giải (vì có người em bên phía cộng sản). Thời đó ở miền Nam một gia đình có 2 người đi phía bên này ,hai người đi phía bên kia là bình thường. Do đặc trưng của cuộc chiến tranh Đông Dương lần 1 chống Pháp nên người Nam theo Việt Minh cũng khá bộn. Ngay chính ông Thiệu cũng từng tham gia quân đội đánh Pháp của Hồ Chí Minh. Tuy họ theo Việt Minh muốn quay về chính nghĩa quốc gia chống cộng sản nhưng vấp phải một chính quyền độc tài dùng luật 10/59 nên họ theo luôn Việt Cộng vì không có đường quay về.Ông nội tôi đi lính nghĩa quân bị du kích bắn chết.Ông bác tôi văn hay chữ tốt làm lý trưởng bị du kích VC đêm về kêu ra đình làng xử bắn. Bà nội tôi ở giữa làn ranh đêm đêm du kích mò về hỏi tội bà phải đấu lý với chúng. Ba tôi 10 tuổi đã tham gia thiếu sinh quân và là sĩ quan quân lực VNCH.
Ông Minh theo đạo Phật vốn có quan niệm xem sinh mạng con người là quý. Chính vì cái tâm không muốn sát sanh nên ông mới đứng ra gánh vác trọng trách quốc gia lúc nước sôi lửa bỏng. Lúc bấy giờ ông Thiệu phải ra đi để mong cộng sản thực hiện điều 7 của hiệp định Paris 1973 là chấp nhận một chính phủ đa thành phần. Đây là chính phủ Liên hiệp giữa Cộng hoà miền Nam với chính quyền Sài Gòn để tạo ra đối lập và dân chủ. Có ông Thiệu ở đó cộng sản sẽ không bao giờ chấp nhận. Dự định là sau khi sang Đài Loan nếu CS không xem hiệp định là giấy lộn thì ông sẽ quay về. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng.
Ông Minh làm trung gian hòa giải đã cứu sống ít nhất một triệu cả hai phía. Nhưng những cái đầu hăng máu, anh hùng rơm không hề biết điều đó. Những kẻ ủng hộ độc tài thường hèn nhưng thích bạo lực. Họ không hề biết đến các triết lý nhân sinh và triết lý nhân dân là chủ thể của quyền lực. Vì vậy họ oán trách những người đã cứu sống họ vì tầm nhận thức quá nông cạn.
Thật ra ông Minh chỉ sai lầm khi làm tướng chịu sự sai khiến của chính quyền độc tài đánh dẹp Bình Xuyên và giáo phái. Các giáo phái vũ trang chống cộng sản ác liệt hơn chính quyền ông Diệm. Ông Diệm chỉ chống dân "chống cộng" nhưng mượn danh nghĩa "chống cộng" để tạo tính chính danh nhằm thu viện trợ Mỹ. 10 đồng viện trợ Mỹ thì 8 đồng dành để chống các đảng phái đối lập và cho bộ máy mật vụ đàn áp dân, chỉ có 2 đồng dành cho chống cộng.
Địa hạt của các giáo phái dù to hay nhỏ cũng là nơi mà du kích cộng sản không thể lọt vào. Còn Ấp chiến lược nó chỉ hữu dụng khi ngăn một đạo quân khác màu da, chủng tộc. Khi VC là dân, dân là Việt Cộng thì ACL là đồ bỏ. Bởi ban ngày dân đi làm đồng khi về VC trà trộn vào dân thì đố có dân phòng nào biết. Ấp chiến lược chỉ khiến dân uất hận vì bị nhốt nên ban đầu họ chưa là CS sau đó nghe tuyên truyền của CS nên biến thành CS nằm vùng hết.
Nói như vậy để thấy rằng những kẻ gọi tôi là Dương Văn Minh là những kẻ xem mình như con nít. Ông Minh cuối đời cũng chẳng theo CS và chết thầm lặng ở nước Mỹ . Lịch sử sẽ ghi nhận ông không phải là kẻ tham quyền lực, đàn áp người dân. Ông chỉ làm tròn bổn phận của một quân nhân. Và rồi khi đất nước có dân chủ thật sự ông sẽ được lịch sử trả lại công bằng.
Còn nếu lịch sử phán ông sai, ông Diệm đúng thì nhất định lúc đó đất nước đang rơi vào một chế độ độc tài sắt máu khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét