Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2019

KHI TÔN GIÁO BỊ CAN THIỆP BỞI CHÍNH QUYỀN.

Đến giờ này nhưng có rất nhiều người không chịu hiểu là khi tôn giáo bị can thiệp bởi một chính quyền độc tài thì nó không còn là một tôn giáo đúng nghĩa nữa.
- Phật giáo Việt Nam bị can thiệp bởi chính quyền cộng sản Việt Nam do ban tôn giáo A 42 điều khiển.
- Công giáo bị can thiệp bởi chính quyền nhà Ngô trước năm 1963.
Nó không còn là tôn giáo thì là cái gì ? Là một cơ quan, một bộ máy của chính quyền, giúp chính quyền nắm giữ quyền lực.
Một tôn giáo chỉ thực sự là tôn giáo khi đứng ngoài sự kiểm soát của chính quyền, không có các chức sắc tôn giáo nằm trong các cơ quan chịu sự điều khiển của quyền lực. Tôn giáo không được thành lập các Nha tuyên úy để nắm tinh thần quân đội, hiến pháp phải thừa nhận sự bình đẳng giữa các tôn giáo. Không có một tôn giáo nào được hiến pháp xem như là quốc giáo.
Hãy tìm hiểu thêm về tôn giáo của Hoa Kỳ độc lập với chính quyền ra sao .
Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ khẳng định: "Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình." Điều này đảm bảo việc tự do thực hành tôn giáo nhưng đồng thời ngăn chặn việc chính phủ thiết lập tôn giáo quốc gia. Tối cao Pháp viện đã giải thích đây là việc ngăn không cho chính phủ có bất cứ thẩm quyền nào trong tôn giáo.
Tôn giáo tại Hoa Kỳ đặc trưng bởi sự đa dạng các niềm tin và thực hành tôn giáo. Theo các cuộc thăm dò ý kiến gần đây, 76% tổng số dân Hoa Kỳ nhận họ theo Kitô giáo (trong đó, 52% theo Tin Lành, 24% theo Công giáo Rôma), 1% theo Do Thái giáo và 1% theo Tin Lành. Theo một cuộc khảo sát khác, 40% nói rằng họ tham dự các buổi lễ gần như mỗi tuần hoặc nhiều hơn, và 58% nói rằng họ cầu nguyện ít nhất mỗi tuần.
Đa số người Mỹ cho biết tôn giáo giữ một vai trò "rất quan trọng" trong cuộc sống của mình, một tỷ lệ bất thường tại một nước phát triển. Nhiều tôn giáo đã nở rộ tại Hoa Kỳ, kể cả các tôn giáo được bắt nguồn từ đây và các tôn giáo được các người nhập cư đưa vào sau này; vì thế, Hoa Kỳ là một trong những nước có tôn giáo đa dạng nhất.
Mặc dù một số tiểu bang ở vùng New England tiếp tục dùng tiền thuế vào ngân quỹ của các giáo hội cho đến thập niên 1830, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên không có quốc giáo.
Theo mô hình của Luật Tự do Tôn giáo Virginia, những người viết Hiến pháp đã loại bỏ bất cứ tiêu chuẩn tôn giáo nào cho các chức vụ trong chính quyền, và Tu chính án thứ nhất đã cụ thể cấm Chính phủ liên bang ban hành luật thiết lập tôn giáo hay cấm hành đạo. Vì thế, các tổ chức và cơ quan tôn giáo không bị chính quyền quấy nhiễu. Quyết định này là do sự ảnh hưởng từ các quan niệm Duy lý là Kháng cách từ châu Âu, nhưng một phần là do các nhóm tôn giáo nhỏ và các tiểu bang nhỏ lo ngại rằng họ sẽ bị thống trị bởi một quốc giáo không đại diện họ.
Tuy số lượng các tổ chức tôn giáo rất nhiều, nhưng không có một giáo hội tôn giáo nào được thừa nhận là quốc giáo.
Ở Mỹ có rất nhiều tổ chức tôn giáo cùng hoạt động, cạnh tranh lẫn nhau trong cuộc chiến giành đức tin của người dân Mỹ. Cùng với các giáo hội có tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu tín đồ là các tổ chức tôn giáo nhỏ lẻ tách ra rồi lại sáp nhập trong một dòng chảy liên tục. Cạnh tranh tôn giáo ở Mỹ nằm trong quy luật cạnh tranh văn hóa Mỹ. Ví dụ đầu thế kỷ XXI, trong giáo phái Công giáo của Chicago người ta đã phải đóng cửa 13 giáo xứ, 2 cơ sở truyền giáo, 6 trường công giáo, vì thiếu người và thiếu tiền . Những tín đồ Công giáo này phải gia nhập vào các giáo phái khác, khiến cho tôn giáo ở Mỹ luôn biến động và phức tạp.
Tu chính án thứ nhất đã xác lập nguyên tắc chính giáo phân ly. Theo nguyên tắc này, Chính phủ Mỹ không có đại diện của tổ chức tôn giáo, trong Quốc hội cũng không dành ghế cho tổ chức tôn giáo, hệ thống tư pháp không hề có quan hệ gì với tổ chức tôn giáo, tài chính quốc gia cũng không gánh vác bất cứ khoản chi tiêu nào liên quan đến tôn giáo.
Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) năm 1998 trong nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Clinton. Đạo luật đã chỉ rõ quyền tự do tôn giáo là quyền con người được công nhận trong luật Mỹ và thế giới và thành lập Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế để giám sát, thúc đẩy bảo vệ thực hiện quyền này trên toàn thế giới. Việc thực thi Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế có nhiều kết quả khác nhau và thay đổi theo thời gian.
Từ Mỹ để nhìn lại vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam .
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (viết tắt là GHPGVNTN) là một trong những tổ chức Phật giáo tại Việt Nam và trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Giáo hội hình thành trong cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo năm 1963 dưới thời Đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Vì chính sách nhiều người cho là ưu đãi Công giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm, Phật tử miền Nam Việt Nam đã xuống đường đông đảo ủng hộ Phật giáo ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn. Sự kiện Phật Đản năm 1963 khi Phật tử ở Huế khai trương cờ Phật giáo ngày 8 tháng 5 bất chấp lệnh cấm treo cờ là ngòi thuốc nổ cho một chuỗi xung đột liên tục giữa chính quyền và các hội đoàn Phật giáo. Nhiều vụ vây chùa và bắt bớ tăng ni xảy ra trong cơn "Pháp nạn". Đến ngày 11 tháng 6 thì Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối chính sách bất bình đẳng của chính phủ. Sự kiện này gây chấn động khắp trong và ngoài nước khiến chính phủ Ngô Đình Diệm bị mất tín nhiệm. Năm tháng sau phe quân nhân đảo chính. Tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết.
Trong thời gian sôi động đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chính thức khai sanh tháng 1 năm 1964 nhằm quy tụ các hội đoàn, tông phái Phật giáo về một mối. Đại đa số các tổ chức Phật giáo miền Nam và miền Trung thuộc Phật giáo Đại thừa (Bắc tông) lẫn Phật giáo nguyên thủy (Nam tông) đều gia nhập Giáo hội. Chùa Ấn Quang tại Sài Gòn được chọn làm trụ sở sinh hoạt của Giáo hội.
Vì quan điểm trung lập chính trị, kêu gọi tái lập hòa bình tại Việt Nam, Giáo hội tuy được hoạt động đã gặp nhiều khó khăn với các chính phủ quân sự của tướng Nguyễn Khánh rồi Nguyễn Cao Kỳ trong những năm 1964-1967 và cả sau năm 1968 khi chiến tranh leo thang. Dù trong hoàn cảnh đó Giáo hội hoạt động mạnh trong cả hai lãnh vực Phật sự lẫn xã hội.
Sau khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Giáo hội bị chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tịch thu các cơ sở. Khối Ấn Quang mặc dù đã ủng hộ Mặt trận Giải phóng cũng không được chính quyền mới chiếu cố. Ngay từ cuối năm 1975 đã có những đụng độ giữa Giáo hội và chính quyền. Mười hai Phật tử và tăng ni đã tự thiêu ở chùa Dược Sư, Cần Thơ để phản đối lệnh cấm treo cờ Phật giáo cùng những điều lệ bó buộc khác. Đại đức Thích Huệ Hiền để lại chúc thư yêu sách chính quyền Cách mạng thực hiện nhân quyền, tự do tôn giáo, chấm dứt đàn áp GHPGVNTN.
Sang tháng 3 năm 1977 khi nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trưng dụng Cô nhi viện Quách Thị Trang, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phản kháng mạnh mẽ kêu gọi Phật tử xuống đường phản đối. Viện Đại học Vạn Hạnh bị nhà nước buộc phải đóng cửa. Nhà xuất bản Lá Bối cũng phải ngưng hoạt động.
Ban lãnh đạo Giáo hội có gửi thư đòi thực thi tự do tôn giáo thì chính phủ phản ứng với lệnh bắt giam sáu thành viên lãnh đạo, trong đó có Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và Thích Thiện Minh. Thượng tọa Thích Thiện Minh sau đó đã chết trong trại giam, thượng tọa Thích Quảng độ cho là ông đã bị đánh chết trong tù . Để phản đối hành động áp bức này Hòa thượng Thích Đôn Hậu tuyên bố rút ra khỏi Mặt trận Tổ quốc và từ chức đại biểu Quốc hội. Ngày 16 tháng 4 năm 1977, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Thông báo kêu gọi Phật tử Saigon đấu tranh chống lại GHPGVNTN. Thông báo còn hăm doạ ra tay đàn áp.
Cuối năm 1975, nhiều cuộc đụng độ giữa Phật tử và công an đã xảy ra, 12 người tự thiêu nhưng cũng không làm thay đổi quyết tâm đặt giáo hội Phật giáo dưới quyền kiểm soát của chính quyền cộng sản.
Những cơ sở công ích còn lại của giáo hội Phật giáo cũng lần lượt bị đóng cửa hay quốc hữu hóa, như cô nhi viện Quách Thị Trang, Viện Đại học Vạn Hạnh, nhà xuất bản Lá Bối.
Các cấp lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị coi là phản động, cũng đã lần lượt bị bắt giam: Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và Thích Thiện Minh.
Những người đã từng ủng hộ Mặt trận Giải phóng Miền Nam trước kia và đang có chân trong Mặt trận Tổ quốc và Quốc hội, như Hòa thượng Thích Đôn Hậu, cũng bị đối xử thô bạo vì dám chống lại chính quyền.
Để hóa giải ảnh hưởng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và nắm Phật giáo trong tay, ngày 7/11/1981 chính quyền cộng sản Việt Nam cho ra đời Hiến chương thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, qui tụ 9 tổ chức giáo hội, hội, và hệ phái trên toàn quốc, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
Sơ đồ tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam không khác gì sơ đồ của một đảng phái hay hội đoàn dân sự, với những cấp trung ương, tỉnh thành, quận huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ, Hà Nội
Quyết tâm biến Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành một công cụ chính trị của chế độ thể hiện rõ rệt trong Điều 7 của Hiến chương:
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo đúng Giáo pháp, Giáo luật Phật chế và Pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".
Ngoài ra Hội đồng Trị sự, tức cơ quan điều hành, còn có nhiệm vụ giới thiệu tăng ni, cư sĩ Phật tử tham gia các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị xã hội.
Từ sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, mà quần chúng Việt Nam gọi là 'Giáo hội Phật giáo nhà nước' hay 'Giáo hội Phật giáo quốc doanh', tầm hoạt động và ảnh hưởng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất suy giảm hẳn.
Tăng sĩ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị chính quyền cộng sản Việt Nam gây áp lực gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nếu muốn tiếp tục trụ trì hay ở lại trong những cơ sở tu hành.
Hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chỉ còn giữ được khoảng 10% tổng số cơ sở đã có trước 1975. Tất cả những cơ sở còn lại được chính quyền cộng sản Việt Nam giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý.
Sự can thiệp của chính quyền trực tiếp vào cách hành đạo đã khiến sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam suy đồi. Một số sư sãi được chính quyền đề cử trụ trì đã biến chốn thờ phượng thành nơi giải trí và buôn thần bán thánh.
Nhiều cán bộ cao cấp trong chính quyền bỏ tiền xây chùa và mướn sư sãi trông nom với hy vọng được về cõi Niết Bàn sau khi chết. Có chùa còn tạc tượng bồ tát Hồ Chí Minh, có tượng được dát vàng, để thờ ngang với các chư Phật.
Hiếm thấy một vị sư nào có nước da cháy nắng, gầy ốm còn đi khất thực hay sống trong những ngôi chùa ảm đạm để tu thiền và giảng thuyết.
Ngày nay, nhiều khách thập phương đến chùa để cầu xin trúng số hay thỏa mãn tình duyên nhiều hơn là để cầu nguyện.
Thêm vào đó, sự tuyển chọn người đảm nhiệm nhiều chức vụ tôn giáo do chính quyền quyết định. Sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang bị chính quyền cộng sản Việt Nam trần tục hóa.
Sự việc tại chùa Ba Vàng xôn xao báo chí trong những ngày vừa qua là hệ quả của thời mạt pháp. Chính quyền CSVN đã can thiệp sâu rộng vào tôn giáo biến Phật giáo thành một tổ chức đoàn thể của chính quyền , làm tha hoá thành phần sư sãi. Và bây giờ dùng bộ máy công an để can thiệp vào sự biến chất của chùa chiền.
Phật giáo không còn độc lập với chính quyền nữa. Nội bộ của tôn giáo bị sự can thiệp của chính quyền và có thể thấy tự do tôn giáo đang là thứ xa xỉ với đất nước này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét