Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

SÚNG KHÔNG GIẾT NGƯỜI CHỈ CÓ CON NGƯỜI TỰ GIẾT LẪN NHAU.

Giữa thế kỷ 18, những cuộc chiến liên miên ở châu Âu đã lan sang Bắc Mỹ. Trước sự đe dọa của quân Pháp và sự nhu nhược của chính quyền bảo hộ Anh, các đội dân quân đã ra đời ở nhiều bang thuộc địa. Truyền thống sở hữu vũ khí để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng của nước Mỹ bắt đầu từ đó.
Năm 1791, một số nội dung sửa đổi Hiến pháp Mỹ bắt đầu có hiệu lực, trong đó, tu chính án Hiến pháp thứ hai đã xác lập quyền sở hữu vũ khí của người dân. Năm 2008 và 2010, Tối cao Pháp viện Mỹ đã tuyên hai bản án liên quan tới quyền sở hữu súng (Quận Columbia kiện Heller và McDonald kiện Thành phố Chicago). Chúng trở thành những án lệ quan trọng, minh định rằng tu chính án thứ hai đảm bảo quyền sở hữu súng của người dân và phải được tôn trọng ở cả cấp độ liên bang và từng tiểu bang.
Như vậy, quyền sở hữu súng của người dân Mỹ không chỉ nằm trong Hiến pháp mà còn được Tòa án Tối cao giải thích và bảo vệ. Với một bản Hiến pháp trực tiếp giới hạn quyền lực của nhà nước liên bang và một sự phân lập rõ ràng giữa các nhánh hành pháp, tư pháp và lập pháp, một Tổng thống Mỹ dù mong muốn cũng không thể chấm dứt quyền này.
Để bãi bỏ hoặc hạn chế quyền sở hữu súng sẽ phải sửa đổi Hiến pháp, bãi bỏ tu chính án thứ hai. Đây là một điều gần như không khả thi vì chắc chắn không thể có đủ tỷ lệ ủng hộ.
Một khảo sát cho thấy, tỷ lệ người dân Mỹ cho rằng nên cấm sở hữu các loại súng cầm tay đã giảm từ 60% (năm 1959) xuống 27% (năm 2015). Việc đa số người dân Mỹ vẫn mong muốn được sở hữu súng là lý do khiến một nội dung đã tồn tại 225 năm trong Hiến pháp vẫn còn nguyên hiệu lực.
Từ một góc độ khác, nhiều người Mỹ nhìn nhận sở hữu một khẩu súng và một chiếc xe hơi không có gì khác nhau. Xe hơi vừa có lợi vừa ẩn chứa nguy hiểm, súng cũng vậy. Thương vong do xe hơi còn nhiều hơn do súng ống song không ai nghĩ đến việc cấm xe hơi.
Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi thống kê cho thấy ở Mỹ, số lần súng được dùng để tự vệ cao gấp 80 lần số lần súng gây sát thương, kể cả tai nạn và tự tử. Trung bình 200.000 lần mỗi năm, phụ nữ Mỹ phải dùng súng để tự vệ trước một hành vi lạm dụng tình dục.
Nếu đọc kỹ hơn các con số thống kê, người ta có thể có suy nghĩ khác. Cả bốn nước có tỷ lệ sở hữu súng của người dân cao nhất (lần lượt là Mỹ, Yemen, Thụy Sĩ, Phần Lan) đều không phải những nước có tỷ lệ tội phạm giết người cao nhất (Honduras, El Salvador, Bờ Biển Ngà, Jamaica). Thậm chí, Phần Lan và Thụy Sĩ còn là những nước hết sức yên bình.
Bởi vì, xu hướng tập trung vào các thông tin nổi bật của truyền thông luôn làm lu mờ số liệu thống kê. Nó cũng giống như việc các tin tức dồn dập về tai nạn máy bay đem lại cảm giác di chuyển bằng máy bay có rủi ro rất cao, trong khi rủi ro tai nạn đường hàng không vẫn luôn thấp nhất và ổn định. Nghiêm trọng hơn, người ta cũng thường nhầm lẫn giữa tương quan (A tăng và B tăng/giảm) và nhân quả (A gây ra B hoặc B gây ra A).
Chắc chắn, nước Mỹ sẽ không dùng quyền lực nhà nước liên bang để tước bỏ quyền sở hữu súng của người dân. Câu chuyện về quyền sở hữu súng của Mỹ chỉ có thể do người dân Mỹ quyết định.
Vì vậy, khuyến khích sở hữu súng có trách nhiệm, tăng cường kiểm soát mua bán và sử dụng dụng súng là giải pháp khả thi duy nhất trong bối cảnh hiện tại. Tuy tỷ lệ ủng hộ luật cấm súng giảm xuống nhưng tỷ lệ ủng hộ luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn lại đang tăng lên. Tỷ lệ này là 55% vào năm 2015, theo khảo sát của Gallup.
Khẩu hiệu của Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) - một tổ chức ủng hộ quyền sử dụng súng ở Mỹ. Dù NRA bị lên án bởi những người muốn cấm và kiểm soát việc sử dụng súng, nhưng điều không thể phủ nhận rằng khẩu hiệu của họ có lý - “súng không giết người, chính con người giết nhau.”
Đúng là súng không tự nó giết người, chính những mâu thuẫn, chia rẽ, thù hận là bóng ma sau họng súng. Đó mới là bài toán nan giải nhất. Và có lẽ nó không chỉ nan giải với Mỹ mà với bất cứ quốc gia nào trong một thế giới với nhiều biến động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét