Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

SẮC LỆNH HÀNH PHÁP- CON DAO HAI LƯỠI.

Điều hành chính phủ bằng sắc lệnh hành pháp là công cụ mà hiến pháp các nước dân chủ trao cho người đứng đầu hành pháp để nhanh nhạy đối phó kịp thời với chiến tranh,khủng bố, giải quyết khủng hoảng... Tuy nhiên công cụ này chỉ thể hiện sự cần thiết trong thời chiến, trong thời bình nó dễ dẫn đến việc lạm dụng quyền lực.
Một đặc điểm của dân chủ là phân quyền để tránh sự tha hóa. Nhưng sự phân quyền khó đối phó các vấn đề cấp bách nên quốc hội lại giao phó quyền lực cho cá nhân và đặt lòng tin vào tài năng và đạo đức của họ. Tuy nhiên khi có quyền lực, cá nhân này lại phạm vào sự chủ quan cho mình là đúng nhất, từ bỏ các nguyên tắc, thỏa thuận,giao ước giữa nhân dân và chính quyền để ban hành các sắc lệnh chỉ có lợi cho một số ít và phản bội lợi ích của đa số.
Với việc có hiệu lực ngay mà không cần Quốc hội thông qua, sắc lệnh hành pháp luôn được các tổng thống Mỹ ưa chuộng để thể hiện quyền lực của mình. Tổng thống Franklin D. Roosevelt đang giữ kỷ lục là người ban hành nhiều sắc lệnh nhất, với gần 4.000 quyết định được ký. Nổi tiếng nhất trong số đó là sắc lệnh 2537 được ban hành năm 1942, yêu cầu công dân của các nước kẻ thù như Đức, Italy, Nhật Bản sống ở Mỹ phải đăng ký với Bộ Tư pháp, đồng thời đưa nhiều người Mỹ gốc Nhật vào các trại quản thúc.
Năm 1948, Tổng thống Harry Truman sử dụng quyền lực hành pháp của mình ký sắc lệnh 9981, xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc trong quân đội, sau khi đề xuất này bị các nghị sĩ các bang miền nam đe dọa ngăn cản tại Quốc hội. Đây là một trong số gần 1.000 sắc lệnh hành pháp mà ông Truman đã ban hành.
Năm 1957, Tổng thống Dwight D. Eisenhower ký sắc lệnh 10730, điều 1.000 lính dù tới Little Rock, bang Arkansas để ngăn cản đám đông can thiệp vào quá trình xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc tại trường trung học địa phương. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, quân đội Mỹ được huy động để duy trì luật pháp và trật tự ở các bang miền nam.
Năm 1971, quốc hội VNCH đồng ý trao đặc quyền cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sử dụng sắc lệnh hành pháp để đối phó với Cộng sản. Tuy nhiên trong hầu hết các sắc lệnh này đều có đúng có sai và tạo ra không ít những phản ứng từ các đảng phái và cá nhân đối lập.
Theo giới phân tích, trong thời chiến hoặc các thời điểm khủng hoảng nội bộ, sắc lệnh hành pháp của tổng thống là một công cụ rất giá trị để nhanh chóng vãn hồi trật tự và thực thi hành động. Tuy nhiên, trong thời bình, chúng thường gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí là xung đột giữa Nhà Trắng với Quốc hội.
Nhiều tổng thống Mỹ sử dụng sắc lệnh hành pháp như một cách để giải quyết vấn đề hoặc đề ra quy định mà không cần sự xem xét, phê chuẩn của Quốc hội. Trong hai nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Barack Obama đã ban hành tổng cộng 276 sắc lệnh trong bối cảnh Quốc hội Mỹ bị đảng Cộng hòa kiểm soát.
Khi mới lên nắm quyền Trump đã chế giễu việc lạm dụng sắc lệnh hành pháp của Obama nhưng sau đó ông liên tục cho tiền nhiệm "ngửi khói" khi sử dụng sắc lệnh nhiều hơn trong cùng thời gian nắm quyền
Chỉ trong hai tuần đầu nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành 20 sắc lệnh hành pháp, nhiều hơn bất cứ tổng thống mới nhậm chức nào trong những năm gần đây của Mỹ.
Trump đã ký khoảng 4,27 sắc lệnh hành pháp trong mỗi tháng của nhiệm kỳ tổng thống của mình . Người tiền nhiệm của ông, Barack Obama, đã ký được 276 lệnh điều hành trong tám năm cầm quyền, tương đương 2,9 mỗi tháng. George W. Bush đã ký được 291 sắc lệnh hành pháp , tức 3.0 mỗi tháng trong hai nhiệm kỳ của ông tại văn phòng.
Theo Nhà Trắng, Trump đã ký 30 Sắc lệnh hành pháp trong 100 ngày đầu tiên, nhiều hơn 11 lần so với Obama trong cùng khung thời gian và gấp 19 lần George W. Bush. Tổng thống ký nhiều sắc lệnh hành pháp gần bằng với Trump nhất trong 100 ngày đầu tiên là Lyndon Johnson.
Sau đó ông cũng lập kỷ lục là tổng thống bị dân kiện nhiều nhất và bị thẩm phán liên bang đình chỉ các sắc lệnh hành pháp nhiều nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét