Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

NHÌN LẠI BÀI HỌC VỀ NỘI CHIẾN HOA KỲ .

Khi chính quyền bảo thủ không nghe dân thì với tu chính án số 2, nội chiến sẽ xảy ra.Tuy nhiên do còn quyền truất phế bằng lá phiếu nên hy vọng điều này sẽ không xảy ra.
Cách nay hơn một thế kỷ, người Mỹ phải chịu hậu quả của một cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” gây tổn thất to lớn. Cuộc chiến này tái hiện lại hầu như toàn bộ chủ nghĩa anh hùng và đức hy sinh, sự tàn bạo và nỗi kinh hoàng của cuộc chiến giữa người Hy Lạp với người dân thành Troy xưa kia. Sau nội chiến Hoa Kỳ, chiến thắng của Liên bang miền Bắc đã mãi mãi thay đổi tiến trình lịch sử của nước Mỹ, và như vậy cũng thay đổi tiến trình lịch sử nhân loại.
Một quang cảnh đầy kịch tính bắt đầu tại Nghị viện Hoa Kỳ. Hôm đó là ngày 29/01/1850. Thượng nghị sĩ đáng kính, đảng viên đảng Whig, ngài Henry Clay bang Kentucky đang trên bục diễn thuyết. Cả khán phòng im lặng lắng nghe. Nổi tiếng là một bậc thầy về nghệ thuật hòa giải chính trị. Thượng nghị sĩ Clay vừa trở lại nghị viện sau khi nghỉ ngơi khá lâu. Ông hy vọng tìm được một giải pháp tạm làm lắng dịu những cảm xúc ray rứt nảy sinh trước thực tại của miền Bắc và miền Nam, đồng thời đưa đất nước trở lại cảnh thanh bình.
Bế tắc nảy sinh từ những bất đồng về xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị vẫn tiếp tục không có lối thoát. Những bất đồng trong việc diễn giải hiến pháp và tính hợp pháp của ngân hàng Hoa Kỳ, những khoản chi tiêu của chính phủ Liên bang và một loại thuế bảo hộ đã gây căng thẳng đáng sợ giữa miền Bắc và miền Nam. Nhưng vấn đề gây căng thẳng lớn nhất và dai dẳng nhất vẫn là vấn đề sở hữu nô lệ. Chiếm hữu nô lệ là một thể chế đã hình thành và gây căng thẳng giữa hai miền. Bản thân vấn đề chiếm hữu nô lệ đã thực sự là một yếu tố gây tranh cãi và phẫn nộ cả về mặt cảm xúc lẫn đạo đức.
Thỏa ước chính trị lớn đầu tiên về vấn đề này (theo sau việc áp dụng hiến pháp Hoa Kỳ) là Thỏa ước Missouri. Thỏa ước ra đời năm 1820 sau một cuộc tranh cãi gay gắt tại hạ viện. Ngoài việc công nhận bang Missouri là bang có quyền chấp nhận thể chế chiếm hữu nô lệ là hợp pháp, và bang Maine là bang tự do để giữ thế cân bằng, theo thỏa ước này, chế độ tiếm hữu nô lệ bị cấm tại các miền đất thuộc Liên bang ở miền Bắc giới tuyến. Còn miền Nam giới tuyến cho phép chế độ nô lệ được tồn tại.
Sự bất đồng về tính pháp lý của thỏa ước này đã làm dấy nên nỗi sợ hãi sâu xa trong lòng không ít chính trị gia nước Mỹ. Từ nơi nghỉ dưỡng tại Monticello, cựu Tổng thống Thomas Jefferson, người Virginia đã viết: “Vấn đề quan trọng này như một hồi chuông báo cháy ngay giữa đêm khuya, đã làm thức tỉnh và dấy lên trong tôi nỗi kinh hoàng. Tôi cho đó là một hồi chuông báo tử của chính quyền Liên bang. Biên giới về địa lý ăn liền với một nguyên tắc đáng chú ý cả về mặt đạo đức lẫn chính trị sẽ không bao giờ bị xóa mờ. Mỗi một kích thích mới sẽ làm cho lằn ranh chia cắt ấy ngày càng thêm sâu hơn”. Ông còn nói thêm: rất có khả năng miền Nam, một ngày nào đó, sẽ buộc phải viện tới kế li khai và phát động một cuộc chiến tranh tự vệ.
Cựu Tổng thống Jefferson không phải là người duy nhất báo trước viễn cảnh đáng buồn ấy. Với một quan điểm khác với vị Tổng thống nói trên, Bộ trưởng Bộ quốc phòng và tương lai sẽ là Tổng thống của Hoa Kỳ, ông John Quyncy Adams người Massachusetts đã viết bằng tâm huyết trong nhật ký rằng: ông tin sự hi sinh để bảo vệ cho sự nghiệp giải phóng nô lệ là một hành động cao cả. Cân nhắc giữa cái giá phải trả cho một cuộc nội chiến và những hành động cần thiết nhằm giải phóng chế độ nô lệ. Ông viết “thật vinh quang làm sao nếu đó là kết quả của vấn đề. Có thể Chúa trời sẽ phán xét tôi nhưng tôi không dám nói rằng một đất nước không còn chế độ nô lệ không đáng được mong ước”.
Trong vòng ba thập kỷ sau khi hiệp ước Missouri được thông qua, miền Bắc và miền Nam ngày càng trở nên xa cách hơn. Miền Nam thành lãnh địa của cây bông. Có khoảng 3,2 triệu nô lệ da đen làm việc trong những đồn điền ấy. Lượng vốn đầu tư vào số nô lệ da đen này lên tới 1,5 tỷ đô la Mỹ. Những chủ đồn điền lớn đều thuộc tầng lớp “có máu mặt” trong các lãnh vực chính trị, xã hội và kinh tế miền Nam. Các thành phố miền Nam, nếu so với tiêu chuẩn của miền Bắc, có phần nhỏ hơn. Nơi đây là quê hương của nhiều nhà chuyên môn, chủ ngân hàng, các tay buôn nô lệ và chủ nô giàu có. Họ liên kết chặt chẽ cả về mặt xã hội lẫn chính trị với những chủ đồn điền lớn. Các thành phố cũng có một lực lượng đông đảo các chủ tiệm buôn, thợ thủ công lành nghề, và giới lao động bình dân. Nhưng đa số dân miền Nam là người da trắng sinh sống bằng nghề chăn nuôi gia súc hay như những nông dân độc lập.
Mặc dù khoảng 3/4 dân số da trắng ở miền Nam không hề có nô lệ, nhưng người da trắng ở miền Nam nói chung ủng hộ chế độ chiếm hữu nô lệ. Quan điểm này có ảnh hưởng sâu rộng. Tham vọng của đại đa số người dân nơi đây là thành chủ đồn điền và được sở hữu nô lệ. Tuy nhiên, phần lớn quan điểm này xuất phát từ lí lẽ chủ đạo: người da trắng, xét về mặt chủng tộc, có quyền tối thượng. Họ lo sợ giải phóng nô lệ sẽ gây ra cảnh bạo lực lan tràn. Xã hội bị lay chuyển tới tận gốc rễ. Chế độ dân chủ về chính trị ảnh hưởng lên phần lớn các bang ở miền Nam như ở bất cứ nơi nào khác: quyền bầu cử thuộc về đàn ông trưởng thành da trắng. Giới học giả ngày nay vấp phải những thách thức lớn lao khi trung thành với quan điểm phổ biến một thời: các tầng lớp da trắng miền Nam đã từng bị chi phối bởi giới chủ đồn điền giàu có và sở hữu nhiều nô lệ. Thời ấy, ai cũng đồng tình rằng: ở miền Nam, da đen là nô lệ, da trắng là ông chủ. Hầu hết dân da trắng miền Nam đều hiểu rằng: dân chủ bình đẳng tức là: người da trắng có quyền có nô lệ là người da đen.
Miền Bắc phát triển toàn diện thành cộng đồng năng động với nhiều hoạt động đa dạng: sản xuất, thương mại, hoạt động ngân hàng, canh tác trồng trọt, có nhân công lao động tự do và các thành phố lớn phát triển nhanh chóng. Tầng lớp chi phối miền Bắc về mặt xã hội và kinh tế bao gồm các thương gia, chủ nhà máy, chủ ngân hàng và giới chuyên môn. Một nửa dân số miền Bắc là nông dân. Phần còn lại là chủ tiệm, thương gia, thợ máy và công nhân làm việc trong các nhà máy.
Chế độ chiếm hữu nô lệ đã bị cấm tại các bang miền Bắc. Đã có thời những bang này công nhận chế độ chiếm hữu nô lệ. Rồi vì nhiều lý do khác nhau, dân cư miền Bắc cùng đồng loạt phản đối thể chế dã man này. Trước hết, sự chống đối xuất hiện từ một lời lên án về mặt đạo đức cho rằng: chế độ chiếm hữu nô lệ, về bản chất, là sai trái. Đó là niềm tin xuất phát từ những ngày đầu người da trắng mới đặt chân lên châu Mỹ. Niềm tin ấy được cộng đồng người Quaker ủng hộ kiên định. Nhưng mãi đến giữa thế kỷ XIX, nó mới được lan truyền rộng rãi trong đa số dân chúng miền Bắc.
Xét về mặt kinh tế, sở dĩ người miền Bắc kiên quyết bài nô lệ là vì họ sợ sự cạnh tranh về giá nhân công của nô lệ và ý thức được rằng công ăn việc làm sẽ bị coi rẻ (vì có chế độ nô lệ). Cuối cùng và cũng là một nghịch lý, yếu tố phân biệt chủng tộc đã góp phần không nhỏ vào quan điểm sống của người miền Bắc. Ác cảm với chế độ chiếm hữu nô lệ thường đi đôi với thuyết phân biệt chủng tộc. Về cơ bản, hai tình trạng này giống nhau. Vấn đề phân biệt chủng tộc đã trở nên căng thẳng. Nó chi phối cảm xúc của người miền Nam về các chủng tộc khác màu da. Rất nhiều người miền Bắc phản đối sự tồn tại của chế độ chiếm hữu nô lệ một phần vì họ phản đối sự có mặt của người da đen trên đất Mỹ.
Trong suốt thập niên ba mươi và bốn mươi của thế kỷ XIX, miền Bắc đã chứng kiến sự náo động trong việc cải cách xã hội và cả cuộc sống của giới tri thức lẫn tôn giáo. Có nhiều phong trào nổ ra nhằm đấu tranh cho sự công bằng, quyền của phụ nữ, phong trào đòi bình đẳng giới, đòi cải thiện cách đối xử với những bệnh nhân trong các bệnh viện tâm thần và tiến tới cải thiện sâu rộng xã hội thông qua giáo dục và các hoạt động tôn giáo nhằm thay đổi môi trường sống của con người. Nhưng một phong trào mang tính cách mạng nhất vẫn là cuộc thánh chiến chống lại chế độ chiếm hữu nô lệ. Ông William Lloyd Garrison người Boston là một phát ngôn viên đầy kinh nghiệm trong vấn đề này. Cuộc thánh chiến phát triển và làm thức tỉnh các cảm xúc văn hóa đạo đức, đồng thời lôi kéo được sự quan tâm về mặt kinh tế và xã hội tại miền Bắc.
Người miền Nam phản đối hầu hết các cuộc cải cách, bêu rếu chúng và cho rằng chúng chỉ là những học thuyết sáo rỗng. Càng lúc, miền Nam càng sa vào đường lối bảo thủ trong suy nghĩ. Miền Nam đặc biệt khước từ phong trào bãi nô. Họ bắt đầu coi chủ nghĩa nô lệ là tốt, lương thiện thay vì coi là một tội lỗi. Tôn giáo chính thống (luôn trích dẫn kinh thánh để biện hộ cho chế độ chiếm hữu nô lệ) đã trở thành một thành trì vững chắc che chở cho các nền văn hóa miền Nam. Đáng ngại thay, hai tôn giáo lớn ở Mỹ là Baptist và Methodist, đã chia rẽ thành nhiều chi nhánh rạch ròi giữa miền Bắc và miền Nam. Giáo hội trưởng lão chia thành hai trường phái mang những tư tưởng về mặt xã hội và thần học khác biệt nhau một trời một vực.
Chế độ chiếm hữu nô lệ là một trong những vấn đề nổi trội và gây nhiều bức xúc tại các sự kiện chia rẽ về tôn giáo. Nhưng sự chia rẽ về tôn giáo này thực chất là dấu hiệu cho thấy mối bất hòa ngày càng lớn giữa quan điểm thần học của cả hai miền. Đức cha James H. Thornwell, một nhà thần học hàng đầu và là một trí thức của miền Nam cũ, đã so sánh quan điểm của hai miền như là một trận chiến quyết liệt giữa cái thiện và cái ác, cả về mặt tâm linh, văn hóa và xã hội: “Hai phe trong cuộc xung đột này không chỉ là những chủ nô và người chủ trương bài nô. Kẻ vô thần, các nhà xã hội học, người cộng sản, các thầy tu dòng Dominic ủng hộ chế độ cộng hòa đứng về một phe. Những người của chế độ tự do ôn hòa ở phe kia. Nói cách khác, thế giới là bãi chiến trường. Người cơ đốc giáo và kẻ vô thần là chiến binh. Tiến trình phát triển của nhân loại đang lâm nguy”.
Vào năm 1850, khi Nghị sĩ Clay đọc diễn văn tại thượng viện, nỗi bất hòa cục bộ đã bùng phát một cách nguy hiểm khi bàn tới vấn đề mở rộng lãnh thổ có chiếm hữu nô lệ đến phần đất được người Mêhicô nhượng lại. Đó là một khu vực rộng lớn, về mặt chính trị chưa được tổ chức chặt chẽ, mới được người Mỹ tiếp nhận sau cuộc chiến với Mêhicô (1846 - 1848). Sau này, nó sẽ trở thành một hoặc nhiều phần trong sáu bang của miền Tây Nam nước Mỹ. Thành viên của thượng viện chia thành bốn nhóm mang quan điểm đối lập về vấn đề này. Quan điểm cực hữu của người miền Bắc đã được thể hiện rõ trong bản Wilmot Proviso, một biện pháp được đệ trình nhưng đã bị bác bỏ trong chiến tranh. Điều khoản này cho rằng cần phải cấm chế độ nô lệ phát triển ở bất cứ vùng đất nào thu được từ những cuộc chiến. Đảng viên đảng Whig, thượng nghị sĩ Willam H. Seward của New York là một người ủng hộ nhiệt tình quan điểm này. Quan điểm cực đoan miền Nam khăng khăng ủng hộ nguyên tắc được nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, ông John C. Calhoun người miền Nam Carolina nêu ra: đòi quyền bảo hộ của chính quyền Liên bang với các chủ nô và tài sản của họ ở bất cứ lãnh địa nào.
Hai bên cùng lôi kéo một nhóm trung lập. Những người tin vào một thể chế dân làm chủ, với dẫn dắt của một thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ (ông Stephen A. Douglas của bang Illinois, Chủ tịch ủy ban phụ trách về các miền lãnh thổ của thượng viện) kêu gọi hạ viện không can thiệp. Hãy để người định cư tại các vùng lãnh thổ đó tự quyết định họ có nên công nhận tính hợp pháp của chế độ nô lệ ở từng địa phương hay không. Cuối cùng, phải kể đến những người mong đợi hiệp ước Missouri sẽ được phổ biến đến cả khu vực Thái Bình Dương. Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Jefferson Davis bang Mississipi là người ủng hộ hàng đầu cho đề xuất này.
Không một người Mỹ nào nghi ngờ về tính nghiêm trọng của thời điểm này. Năm trước, ông Calhoun đã soạn thảo một bản tuyên ngôn thúc giục các bang có chế độ chiếm hữu nô lệ hãy liên kết lại với nhau về mặt chính trị để chống lại các lực lượng bãi nô đang ngày càng phát triển ở miền Bắc. Theo lệnh ông, một cuộc họp gồm các đại biểu đến từ các bang chấp nhận chế độ chiếm hữu nô lệ đã được tổ chức vào mùa hè năm ấy tại Nashville. Hội nghị không có một thỏa thuận chấp nhận vấn đề “nô lệ trên lãnh thổ có được từ cuộc chiến tranh Mỹ - Mêhicô”. Rõ ràng, hội nghị Nashville sẽ chấp nhận biện pháp cuối cùng trong quyền hợp pháp của các bang do ông Calhoun là tác giả: đó là biện pháp ly khai.
Trong đề nghị của mình, Thượng nghị sĩ Clay trình bày một vấn đề gây tranh cãi từ mọi phía. Ông kêu gọi mọi người thừa nhận: 1) California là một bang tự do bởi dân số của nó đã quá đông do phong trào đổ xô tìm vàng xuất hiện vào năm 1849. California có diện tích rộng lớn đã chấp thuận thể chế ngăn chặn sự phát triển của chế độ chiếm hữu nô lệ. 2) Phần còn lại của vùng đất chiếm được sau chiến tranh Mêhicô và Mỹ là Utah và New Mexico sẽ được tổ chức thành vùng lãnh thổ không có “Bất cứ sự hạn chế hoặc điều kiện nào về vấn đề chiếm hữu nô lệ”. 3) Mối bất hòa giữa Texas và New Mexico sẽ được giải quyết theo hướng có lợi cho New Mexico, nhưng kèm theo là sự đền bù cho bang Texas bằng việc mua lại các trái phiếu của chính quyền bang này. 4) Hủy bỏ buôn bán và vận chuyển nô lệ giữa các bang nhưng không hủy bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ trong khu vực của Columbia. 5) Một điều luật có liên quan đến nô lệ bỏ trốn có hiệu lực sâu rộng buộc nhà chức trách địa phương và các bang phải hỗ trợ cảnh sát Liên bang trong việc bắt giữ và giao trả nô lệ đào tẩu ở bất cứ nơi đâu trên nước Mỹ.
Ông Clay đã sử dụng mọi kỹ năng thuyết phục hữu hiệu trong bài diễn văn mang tính chất lịch sử này. Gần cuối bài diễn văn, ông giơ cao một mảnh vỡ được cho rằng lấy từ quan tài của Tổng thống George Washington, như một di vật của cây thánh giá và hô hào mọi người trong khán phòng thiết lập ngay các biện pháp cần thiết để bảo toàn nền cộng hòa mà tổng thống Washington xưa kia đã phải vất vả biết bao mới kiến tạo nên.
Kansas là một vùng hỗn loạn cả về mặt xã hội lẫn chính trị. Cử tri tán thành chế độ nô lệ bỏ phiếu cho một thể chế lập pháp ủng hộ chế độ nô lệ trong vùng và chiếm hữu nô lệ đã nhanh chóng trở thành thể chế hợp pháp tại Kansas. Những người dân bài nô phản ứng bằng cách bầu ra đại biểu được nhóm họp trong cuộc họp Topeka và chấp thuận một hiến pháp coi chế độ nô lệ là trái với luật pháp. Cử tri theo chủ trương bài nô sau đó bầu ra một thống đốc, một thể chế lập pháp và một hạ viện, đòi bang Kansas là một bang tự do. Tổng thống Pierce lên án phong trào chủ trương thành lập bang tự do. Ông coi đó là một phong trào bất hợp pháp đồng thời ngầm hỗ trợ cho cơ quan luật pháp ủng hộ chế độ nô lệ trong vùng.
Chuyện gì đến tất phải đến. Bạo lực bùng phát giữa hai phe đối lập. Mùa xuân năm 1855, một đám đông khoảng hàng trăm người ủng hộ chế độ nô lệ, hành động như một nhóm có vũ trang, ruồng bố và đuổi bắt những người ủng hộ chế độ bài nô tại Lawrence. Không có cư dân nào thiệt mạng. Không bao lâu sau các hoạt động trả đũa thi nhau xuất hiện khi Jonh Brown, một cư dân từ bang Ohio và là một kẻ theo chủ nghĩa bài nô cuồng tín, biết về cuộc tấn công ở Lawrence. Ông ta cùng một nhóm, trong đó có cả bốn con trai của mình trả thù bằng cách giết năm cư dân ủng hộ chế độ nô lệ dọc theo nhánh sông Pottawatomie. Có thể nói nội chiến đã gần kề.
Sự kiện đẫm máu ở Kansas đã xuất hiện trên khắp các mặt báo của Mỹ, đặc biệt là sau sự xuất hiện vào tháng 05 năm 1856 của sự vụ đầy bạo lực diễn ra ngay tại nghị viện Hoa Kỳ có liên quan đến vùng đất này. Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Charles Sumner, người thuộc bang Massachusetts, đọc diễn văn kịch liệt phản đối chế độ chiếm hữu nô lệ. Khi nhắc đến vấn đề Kansas, ông nói thượng nghị sĩ Andrew P. Butler của miền Nam Carolina là một “Don Quyxote” chọn cho mình một ả nhân tình “là con điếm chiếm hữu nô lệ”. Hạ nghị sĩ miền Nam Carolina Preston Brooks, bà con của thượng nghị sĩ Butler, coi đây là lời chỉ trích xúc phạm với người họ hàng mình. Ông thẳng thừng trả đũa bằng cách tấn công Sumner bằng cây gậy chống, đánh ông này tới bất tỉnh trên bàn làm việc. Ngay lập tức ông Brooks thành người hùng của miền Nam. Người ta gởi cho ông nhiều cây gậy chống khác có khắc những câu đề tặng khuyến khích ông hãy sử dụng chúng với mục đích tương tự. Khi ông này hết nhiệm kỳ ở hạ viện, họ đã nhất trí bỏ phiếu cho ông và Brooks tái đắc cử. Sumner phải mất ba năm chạy thầy chạy thuốc ở khắp nơi mới hồi phục sức khoẻ hoàn toàn. Trong lúc đó, bang Massachusetts bỏ trống chiếc ghế của ông ở nghị viện như một lời chứng thực rành rành cho chính kiến chống lại chế độ chiếm hữu nô lệ của họ.
Cuộc bầu cử Tổng thống năm 1856 cho thấy sự lớn mạnh nhanh chóng của đảng Cộng hòa. ứng viên của đảng này, John C. Fremont, một cựu sĩ quan quân đội hay khoa trương. Ông này được biết đến với cái tên “người mở đường” vì nhiều hoạt động trước đây trong cuộc khai phá miền Tây nước Mỹ. Cương lĩnh của đảng này là chỉ trích chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ đa thê, coi đó là di chứng của sự man rợ. Một khẩu hiệu khác của đảng Cộng hòa cũng thường được nhắc đến trong những bài diễn văn và trên mặt báo của đảng này: chống đối những vấn đề nhạy cảm liên quan tới sắc tộc.
Đảng Cộng hòa đã không giành về cho mình ghế Tổng thống 1856. Họ chỉ dựa vào cử tri miền Bắc để chống lại đảng Dân chủ. Trong số ứng viên miền Bắc còn nhiều người tiếp tục ủng hộ đảng Whig và đảng Know-Nothing. Cả hai đảng này trước đây đều ủng hộ Tổng thống Fillmore. Sức mạnh của đảng Know-Nothing đã lụn bại, đặc biệt là sau khi những thành viên bảo thủ trong đảng phản đối nỗ lực nhằm bác bỏ Điều luật Nebraska-Kansas. Thế nhưng ông Fillmore vẫn còn đủ hấp dẫn thu hút nhiều cử tri các bang miền Bắc và khiến họ quay lưng lại với Fremont.
Cuộc nội chiến kết thúc sau quá nhiều mất mát máu xương và của cải. Cả hai phe đều là tấm gương nổi bật về lòng dũng cảm, sự hy sinh. Đồng thời cả hai đều cho thấy mình có thể nhẫn tâm và tàn bạo tới chừng nào. Hồi ấy với số dân ít ỏi, mà con số thương vong đã rất đáng sợ: Quân nhân Liên bang 260 ngàn người. Quân nhân Liên minh 258 ngàn người.
Nội chiến đã giúp giải quyết hai rắc rối lớn: vấn đề giải phóng nô lệ và sự trường tồn của Liên bang. Nó đã giúp cho nước Mỹ có được những phẩm chất còn tồn tại tới bây giờ. Hầu hết người Mỹ cả miền Bắc lẫn miền Nam, nhận thức cuộc chiến này như một bi kịch không thể tránh khỏi và là một thiên sử thi đầy chất anh hùng ca, ghi dấu ấn vĩnh viễn trong lịch sử của quốc gia. Nội chiến là câu chuyện về một thiên sử thi của người Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét