Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

XIN ĐỪNG CÚI ĐẦU THÊM NỮA.

Đầu tháng,nhân ngày mất của lãnh tụ và cũng là ngày "quốc khánh",báo chí lề phải có dịp "lăng xê"bản di chúc của "cha già dân tộc".Những từ ngữ ca tụng sáo mòn lâu nay vốn cất kỷ giờ được đem ra dùng lại.Nào là"Di chúc của Người là chỉ hướng tương lai dân tộc Việt", nào là "phán đoán về tương lai phải có một bộ óc mẫn tuệ, biết quan sát, phân tích, tổng hợp, các hiện tượng xã hội…mới có kết luận chính xác mà chỉ có bậc vĩ nhân mới có được. ".Nào là:
- "Những dự báo của Người hoàn toàn không mang mầu sắc thần thánh, trái lại, đó là những dự báo khoa học có hàm lượng trí tuệ cao; là đòi hỏi tất yếu của những suy tư, trăn trở trước vận mệnh dân tộc của một nhân cách lớn; là sản phẩm của tư duy khoa học, logic và biện chứng ở một trí tuệ siêu việt, am tường đông - tây, kim - cổ; là sự đúc kết những trải nghiệm phong phú qua mấy chục năm bôn ba khắp chân trời, góc bể và thực tiễn hết sức sôi động của Cách mạng Việt Nam..."(Báo Mới)
Từ ngữ kêu loảng xoảng,trước đây có thể dùng cho học sinh đạt điểm cao ở các bài thi tốt nghiệp môn Văn,nay có vẻ lỗi thời.Hai bức thông điệp bằng video của tuổi trẻ Ukraine hồi tháng 2 và của tuổi trẻ Hồng Kông mới đây đã biến những ngôn từ của Ban Tuyên giáo trung ương trở nên sáo rỗng.Tương lai của dân tộc Việt không nằm ở bản Di chúc của lãnh tụ mà nằm ở thái độ,nhận thức và bản lĩnh của thế hệ trẻ Việt nam hôm nay.
Từ sau chính biến 1945 đã có nhiều thế hệ nhạt nhẽo đi qua:
Thế hệ tôi, tự ái đâu đâu
Và tự hào vì những điều huyễn hoặc
Tự lừa dối mình, cũng như lừa người khác
Về những niềm tin chẳng chút thực chất nào!
(THẾ HỆ TÔI, MỘT THẾ HỆ CÚI ĐẦU-Gia Hiền)
Những thế hệ mà khởi đầu bao giờ cũng hào hùng với"Ngọn đuốc sống""Lấy thân mình lấp lổ châu mai""Nhằm thẳng quân thù mà bắn""Còn cái lai quần cũng đánh" nhưng kết thúc là những hồi ký,những bài thơ buồn đầy sám hối.Đó là"Những thiên đường mù",là"Đêm giữa ban ngày",là"Cái đêm hôm ấy đêm gì"và mới đây nhất là Đèn Cù.Nhưng khái quát nhất vẫn là hai bài thơ của một tác giả từng là Ủy viên Bộ chính trị kiêm Trưởng ban Tư tương Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Khoa Điềm.Đó là "Đất nước" và "Đất nước những năm tháng thật buồn"
Nếu như trong bài thơ đầu"Đất nước"hiện ra thật hào hùng:
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...
thì bài thơ sau,hình ảnh đất nước thật là chua chát:
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi ?
Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay
(Đất nước những năm tháng thật buồn)
Con người có thể giả dối lúc đang ở đỉnh cao quyền lực nhưng không thể giả dối với bản ngã của chính mình khi sắp sửa lìa xa thế giới này.Và hình ảnh đất nước,tương lai dân tộc vẫn luôn hiện hữu trong tâm thức họ,khiến họ phải viết hồi ký sám hối.Thế nhưng người ta lại quên một thế hệ khác lại không và chưa hề sám hối,dù trong những ngày đen tối nhất,lời thơ của họ vẫn vang lên sang sảng :
Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
Và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy
Và cờ bay trên đất nước xinh tươi
Và đầy tính nhân văn:
”Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra ngàn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương
Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng”
(Cao Tần)
Sự đời có những nghịch lý thật oái ăm.Những kẻ chiến bại trên chiến trận,bị dìm xuống bùn đen bằng những từ ngữ dối trá của "Bên thắng cuộc"lại chính là những kẻ hào sảng nhất.Bởi trong thâm tâm họ chưa bao giờ cho mình là kẻ thua cuộc.Và hồi ký của họ lại không hề tồn tại hai chữ"SÁM HỐI".Cho nên hãy "Chớ xem thành bại luận anh hùng".Đó là lý lẻ mà những người như Hoàng Phủ Ngọc Tường,Huỳnh Tấn Mẫm,Lê Hiếu Đằng,Hồ Ngọc Nhuận và Nguyễn Khoa Điềm... đều đã nhận ra.
Vấn đề là hãy thôi đừng dối trá thêm nữa.Đừng tiêm vào đầu giới trẻ những nọc độc của "chủ nghĩa anh hùng cách mạng"của"độc lập tự do XHCN" một thời lầm lỡ.Hai cuộc bỏ phiếu của dân Australia 1999 và của Scotland mới đây đã nhận thức rõ cái cần thiết cho con người hôm nay không phải là những giá trị "độc lập"viễn vông.Cái quan trọng ,thiết yếu nhất chính là"dân chủ"và"nhân quyền".
JOSHUA WONG,17 tuổi,đại diện cho giới trẻ Hồng Kông đã tuyên bố dõng
dạc:"Tôi không muốn trách nhiệm của cuộc đấu tranh dân chủ phải truyền lại cho đời sau.Đây chính là trách nhiệm của thế hệ chúng tôi".Một tuyên bố không dao to búa lớn và cũng không hề giả tạo.Nhưng lại có dấu ấn rất rõ của một thế hệ đang đứng đằng sau những sinh viên,học sinh Hồng Kông.Hơn 150 năm được hưởng những giá trị của tự do,dân chủ và văn minh,có lẻ họ quá đủ để hiểu và không để cho ai đó dễ dàng lấy đi.Vấn đề là họ đã biết truyền cho con cái mình cái lý tưởng đúng đắn,dùng nhiệt huyết của tuổi trẻ để đương đầu với bất công bạo lực theo đúng tinh thần của hiến pháp và luật pháp.
Hãy nhìn lại thế hệ trẻ Việt Nam để biết tương lai đất nước sẽ đi về đâu.Số lượng những người trẻ hiểu biết,dám dấn thân đang ngày một nhiều lên nhưng vẫn không thấm vào đâu so với số lượng đang là nạn nhân của chính sách ngu dân.Những người này sẵn sàng nhuộm đỏ chiếc áo đang mặc với ngôi sao vàng trong ngày khai trường để hô những khẩu hiệu vô nghĩa.Họ có mặt trên khán đài các trận đấu của đội tuyển bóng đá quốc gia và vác cờ cùng với xe máy diễu hành trong thời điểm đội nhà vừa thắng trận.Họ cho như thế là niềm tự hào dân tộc?Trong khi thông điệp của tuổi trẻ Ukraine và Hồng Kông đang được gởi đi trên toàn thế giới ,họ lại chẳng biết gì.Đáng thương và cũng là đáng trách cho những bậc cha mẹ đang kiềm tỏa con mình,không biết trang bị cho con cái mình những lý tưởng của thời đại.
Vâng,có thể họ chẳng hề xúc động khi nghe tin một đứa trẻ đang bị rơi xuống cống thoát nước và đội cứu hộ người nhái đã tìm mọi cách vẫn chưa tìm thấy xác đứa bé.Họ có thể dửng dưng khi nhìn thấy hình ảnh bà mẹ trẻ đau đớn khóc thảm thiết bên thi thể đứa con gái thân yêu bị bánh xe đầu kéo cán chết khi băng qua đường sau giờ tan trường vì lỗi của hệ thống đèn vàng quá nhanh.Họ vô cảm vì đó không phải là con mình.Nhưng họ không thể không biết đó là lỗi hệ thống của một đất nước được quản lý một cách yếu kém.Tai nạn cứ tưởng chừng như là số phận đó có thể lập lại bất cứ lúc nào trong một xã hội không có pháp quyền.Tất cả đến từ việc từ chối trách nhiệm,hèn nhát ,đùn đẩy của ngày hôm nay.Và các thế hệ mai sau sẽ tiếp tục như thế để đau khổ và sám hối,để đớn hèn và bất lực ,để "tổ quốc muôn đời vẫn thế".
Xin đừng cúi đầu thêm nữa.Bởi như thế là quá đủ.Hãy tham gia vào việc giáo dục con cái mình ,đừng giao phó cho một chính sách giáo dục nổi tiếng với nhiều bất cập.Hãy truyền cho con mình nhân sinh quan của một nền triết học tiến bộ,lấy nền tảng là quyền sống của muôn loài.Hãy thổi vào tuổi trẻ khát vọng của một lý tưởng sống nhân bản trong đó các khái niệm về tự do,dân chủ luôn bất biến với thời gian.Hãy tin rằng sẽ có một ngày tuổi trẻ Việt nam sẽ truyền đi cho cả thế giới biết một thông điệp hay hơn,súc tích hơn và xúc động hơn về một đất nước Việt Nam tự tin,dũng cảm và không hề buồn bởi những sám hối của cha ông :
Trăm năm sau, lịch sử sẽ ghi vài dòng vắn tắt:
Có một thế hệ buồn, đã nhạt nhẽo đi qua…
Gia Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét