Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Lát cắt định mệnh.

         Hắn đứng đó,tần ngần.Trưa Sài Gòn nắng gắt.Trước mắt là một ngôi nhà nhỏ không bóng cây.Nắng hắt lên mặt tường nham nhở những mảng màu không tên.Chúng nhảy múa loạn xạ như muốn trêu mắt người.Cho dù mắt hắn,ẩn sau cặp kính mát to đùng vẫn muốn nổ tung .
        Không thể chờ lâu hơn,hắn bấm chuông.
       - Cậu hỏi ai vậy?
         Hắn giật mình.Giọng nói cất lên không phải từ bên trong mà là từ sau lưng hắn.Một bà lão ngoài tám mươi,dáng dấp vẫn còn nhanh nhẹn trên tay cắp một giỏ đồ,bà lão không đợi hắn trả lời đã quét mắt nhìn từ đầu xuống chân người đối diện.Cái nhìn dò xét nhưng không ác ý.
      . - Dạ,cháu muốn tìm cô San.
       Bà lão gật đầu :
        - À,con Năm.Nhưng cậu phải chờ nó về đã.Sài Gòn bây giờ trộm cướp như rươi.Tôi già rồi, mắt mũi lem nhem.Cậu thông cảm.
        Nói xong bà lão nhanh nhẹn rút chìa khóa mở cửa vào nhà.Hắn lại phải khổ sở đối phó với hai con chó nhà bên cạnh.Chúng sủa vang ầm ỉ,lại còn nhảy chồm sau tấm lưới sắt, cứ như muốn ăn tươi nuốt sống người khách lạ.
         Nắng như đổ lửa.Nóng .Lại thêm khát nước.Hắn muốn ra đầu hẻm làm một ly nước giải khát nhưng lại sợ lỡ không gặp người cần tìm.Ba hắn trong lúc lâm chung đã dặn hắn phải tìm gặp người đàn bà này.Hắn linh cảm một điều gì đó rất quan trọng.Dù sao và bằng bất cứ giá nào cũng phải thực hiện cho được ý nguyện của người đã khuất.
         Sài Gòn bây giờ quả đúng như lời bà lão nói.Nhiều gia đình cũng vì tin người mà gây nên thảm kịch .Hắn đọc báo nhiều nên cũng rất thông cảm .Chỉ có điều hắn không biết mình phải đợi đến lúc nào.
          Lâu lắm rồi cũng có tiếng xe máy.Một người phụ nữ trùm kín đầu và mặt bằng một chiếc khăn và vuông vải nhỏ chỉ còn chừa đôi mắt dừng xe trước cổng.Bà ấy không tháo tấm vải che mặt,cứ thế nhìn hắn khá lâu.Hắn cảm thấy một cảm giác rạo rực khó tả trào dâng trong lòng.Tuy nhiên hắn cũng không thể cắt nghĩa vì sao mình có cảm giác ấy.
         Đôi mắt người đàn bà trìu mến:
        - Cháu tìm cô à ?
         Hắn thấy bất lực trước cái nhìn đó.Ngay cả mẹ hắn cũng chưa nhìn hắn như thế bao giờ.
        - Vâng, cô có phải là...
        - Đúng rồi.Vào nhà đi cháu.
         Hắn thấy lạ là người phụ nữ này chưa hỏi qua đã vội mời hắn vào nhà.Hình như bà ấy có giác quan thứ sáu.Nhưng mặc,mệt đói và khát không cho phép hắn suy nghĩ nhiều.
         Căn nhà nhỏ nhưng gọn gàng ,ngăn nắp.Phòng khách ngoài một bộ sofa đã cũ là chiếc tủ gương lớn.Chính giữa là bàn thờ Phật.
        - Cháu vừa ở bển về à ?
         Sau khi tháo bỏ chiếc"mạng" che mặt ,cô Năm để lộ là một người phụ nữ đôn hậu,ngoài 50 tuổi.Khuôn mặt và vóc dáng ấy,30 năm trước có thể khiến cho nhiều chàng trai phải ngẩn ngơ.Không để hắn kịp trả lời,cô đã nói tiếp:
         -Cháu cứ nghĩ ở đây một lát.Để cô vào trong lấy nước.
        Không biết cô ấy nói những gì mà bà cụ lúc nãy lại bước ra nhìn hắn chăm chăm.Thoảng một lúc lâu bà lão cất tiếng thở dài,mắt lấp lánh một chút mừng rỡ xen lẫn buồn bã.
        - Cháu có thể ở lại đây ăn cơm,nghỉ ngơi.
        - Cám ơn bà.Nhưng cháu đã đặt phòng khách sạn.
        - Không sao,lát nữa bà sẽ cho người chở cháu về khách sạn lấy đồ.Ở đây có sẵn phòng cho cháu.
        Bà nói cứ như chuyện hắn phải dọn về ở đây là điều hiển nhiên,không phải bàn cải.Cô Năm mang ra cho hắn một ly sinh tố mãng cầu mát lạnh.Hắn thấy không cần phải giải thích gì nhiều vì cô Năm có vẻ biết rất rõ tất cả.Ngay chuyện ba hắn vừa từ giã cõi đời cũng không làm cô ấy ngạc nhiên.
       - Mỗi người một phần số cháu à.Hãy cứ xuôi theo tự nhiên đi.
        Cô chỉ nói đơn giản như vậy rồi xuống bếp dọn cơm.
        Hắn cảm thấy không khí thật ấm áp gần gũi.Dường như đây mới là nhà của hắn chứ không phải căn biệt thự sang trọng ở bên kia bán cầu.
       Cô Năm và bà ngoại thay nhau hỏi thăm hắn nhiều chuyện.Về cuộc sống ở nước ngoài,về chuyện học hành,việc làm và cả chuyện vợ con của hắn.Họ lắng nghe hắn kể với vẻ quan tâm thật sự.  
      Tối đó hắn làm một giấc thoải mái.Sáng ra ánh nắng chói chang rọi thẳng vào mặt qua khe cửa mới làm hắn tỉnh giấc.
       Không gian vắng lặng.Có vẻ như bà lão và cô Năm đã ra khỏi nhà.Họ hình như không muốn đánh thức hắn dậy sớm sau một chặng hành trình dài,vất vả.
       Việc đầu tiên là vệ sinh cá nhân.Bàn chải và khăn mặt mới tinh được cô Năm để sẵn trên bàn.Hắn vào phòng tắm.Nước mát làm tinh thần sảng khoái,hắn vừa huýt sáo vừa dạo quanh một lượt căn nhà.
       Không ngờ phía sau vườn lại có một giàn hoa thiên lý thơm ngát.Những bông hoa còn vướng vài hạt sương lung linh trong nắng mai thật tươi tắn,tràn đầy sức sống.Căn bếp gọn gàng ,ngăn nắp.Tất cả đều chứng tỏ chủ nhân căn nhà là những người yêu thiên nhiên và thích sự tĩnh lặng.
        Hắn vào phòng mình ngắm nghía.Có vẻ như căn phòng này là của cô Năm,cô vừa dọn qua ở với bà ngoại để nhường phòng cho hắn.Trên tường còn dấu vết của một số bức tranh vừa được tháo vội.Chiếc tủ nhỏ có đặt một cái computer đời cũ.
        Hắn cảm giác có vật gì cồm cộm dưới chân.Thì ra đó là một khung hình,bên trong là một tấm ảnh được phóng ra từ máy tính.Thiếu chút nữa hắn bật lên tiếng kêu kinh ngạc khi nhận ra người trong ảnh.Đó chính là tấm hình hắn chụp khi tốt nghiệp trung học 15 năm trước.Nước ảnh đã mờ nhưng vẫn còn trông rõ.Một thằng con trai mặt còn non choẹt xông xênh trong bộ lễ phục ra trường.
        Hắn không hiểu vì sao cô Năm lại có tấm hình này. Tấm hình đã gợi cho hắn sự tò mò.Dẫu biết việc thâm nhập vào đời tư người khác là một việc xấu nhưng hắn không thể ngăn chặn cái tính xấu đó.Ý nguyện của ba hắn trước lúc ra đi là một dấu chấm hỏi.Và người phụ nữ hắn vừa gặp đã thấy thân quen cũng là một dấu chấm hỏi khác.
        Hắn bước lại bàn và bật chiếc máy vi tính.Không có mã khóa.Và sự thật lần lượt phơi bày trước mắt hắn...
        Những tấm hình chụp hắn từ khi chập chững biết đi,khi vào lớp một,tốt nghiệp trung học,đại học...được cất giữ cẩn thận trong máy tính.Những bức email trao đổi giữa ba hắn và cô Năm .Thì ra lâu nay hai người vẫn giữ liên lạc.
         Điều hắn cảm thấy bất ngờ và cảm động nhất là một trang blog được viết dưới dạng nhật ký mới lập chỉ vài tháng trước.Trong đó lưu dấu tất cả những thắc mắc về thân thế của hắn.Tất cả như một cuốn phim quay chậm...
     

          Ngày 28/7/1979 Cái Sắn,Rạch Giá... Một đêm tối trời.

         Cuối cùng thì chiếc ghe nhỏ cũng nổ được máy.Tiếng máy xình xịch,xình xịch nhẹ như gió thoảng.Ba mươi hai cặp mắt nhìn nhau hồi hộp.Tất cả cứ như đang trên một con tàu đã lên bệ phóng,cứ phó mặc cho số phận.
         Những rặng bần và dừa nước nối tiếp nhau lùi dần trong bóng chiều nhập nhoạng.Trời mưa phùn nhè nhẹ.Người chủ thuyền bảo phải tranh thủ giờ đổi gác của công an biên phòng để thoát ra khỏi cửa biển.Trên ghe phủ đầy lưới đánh cá có tổng cộng 15 người đàn ông,12 phụ nữ và 5 đứa trẻ.Nước uống ,nhiên liệu,thực phẩm dự trữ,thuốc men...chất ở buồng lái.Tài công ngoài hai cha con chủ tàu còn có một sĩ quan hải quân VNCH.Sa bàn và bản đồ hàng hải,mỗi thứ hai chiếc.Chi phí chuyến đi cho mỗi người là một cây vàng đưa trước.Nếu còn sống qua đến Mỹ sẽ đưa tiếp một cây nữa.Mong sao ai cũng có thể làm được điều này.
Xuất phát.

        Tự nhiên lại thấy nhớ má,nhớ đến thắt lòng.Hôm mình đi má không nói gì,chỉ đưa chiếc áo len đan sẳn từ bao giờ ,bảo lúc nào lạnh lấy ra mặc.Má không nói nhưng nhìn mắt má đỏ hoe,mình cũng nghẹn lời.Sinh con ra ,ai chẳng muốn con ở bên mình.Đói no cũng tại số trời.Con biết vậy nhưng má ơi,tha cho con tội bất hiếu...
        Cảm thấy lạnh.Hiếu hình như cũng đoán được trong lòng mình nghĩ gì.
     - Em yên tâm.Sang tới bển mình sẽ bảo lãnh má đi sau.
       Biết vậy nhưng sao vẫn thấy xa xôi quá.
       Chiếc ghe đang chạy ngon trớn đột nhiên ngừng lại."Chết bà,mắc đáy".Tiếng chủ tàu kêu khổ. Hai người đàn ông nhảy xuống nước thì thà ,thì thụp.Nhưng mặc,máy vẫn không chịu nổ.Lúc này mà gặp tàu biên phòng thì nguy.Đành phải chờ nước triều lên thôi.
       Quả nhiên chỉ chốc lát đã có ánh đèn pha quét tới.Tiếng nói từ loa phóng thanh nghe rõ mồn một:
      -Đồng bào trên ghe chú ý.Chúng tôi là công an biên phòng được lệnh kiểm tra...
      Tất cả mọi người trên ghe đều im lặng,nằm rạp xuống.Câu nói cửa miệng của dân vượt biển đang hiển hiện"Một là con nuôi má,hai là má nuôi con".Bị bắt lại tức là kéo dài những ngày tháng thăm nuôi trong tù,cả má con đều khổ.Cũng may là chủ tàu nhanh trí,nhảy ngay sang tàu biên phòng.Chẳng biết ông ta làm gì,lát sau nghe có tiếng cười đùa,bỡn cợt:
     - Sang tới bển,nhớ gởi thư về nghe ông bạn.
      Hú hồn,nước triều cũng vừa lên.Vậy là qua được một trạm.Chiếc thuyền nổ máy thoát nhanh ra cửa biển.Nước cuốn cuồn cuộn,biển trời mêng mông bát ngát.Mặt trời vừa khuất sau đường chân trời,để lại một quầng lửa đỏ ối.
       Trước biển cả hùng vĩ,chiếc thuyền chẳng khác gì một chiếc lá tre,cứ thế lầm lủi tiến tới. Gió thổi mạnh.Sóng đánh tới tấp vào mạn thuyền,tràn cả vào bên trong khiến mọi người đều ướt như chuột lột.Hiếu vội lấy tấm vải mưa trùm lên đầu cả hai.Mình cảm thấy trời đất quay cuồng,đầu và chân đảo lộn.Cảm giác say sóng lần đầu tiên trong đời được nếm trải.Chóng mặt,buồn nôn.Bao nhiêu thứ trong bụng đều tuôn ra hết.Ói đến mật xanh,mật vàng.
Đến hải phận quốc tế.

         Ngày 29/7/1979.      

         Không biết thuyền đi bao lâu.Chỉ biết bình minh lên,biển thật đẹp.Nhưng mình chẳng biết nó đẹp chỗ nào.Chỉ thấy cả người nóng,sốt hầm hập.Hiếu cố gắng săn sóc cho mình từng tí,lại còn phải dọn cả đống chất thải chua loét.Anh ấy cũng bị say sóng nhưng đỡ hơn mình.Đến bây giờ mới thấy cái gì cũng có cái giá của nó.Mình phải trả cái giá nào mới đến được bến bờ tự do đây?
        Tất cả trừ hai cha con người chủ tàu đều vất vả chống lại cơn say sóng.Cũng phải mất mười mấy tiếng tính từ lúc xuất phát,người tài công sau khi tính toán trên bản đồ bỗng thốt lên mừng rỡ:
      - Đã ra đến hải phận quốc tế rồi.
       Mọi người dường như quên hết mệt mỏi cùng Ồ lên phấn khởi.
       Biển lặng ,thuyền lướt đi êm như trên tấm thảm lụa.Từng đàn cá heo bay lượn,nhảy múa chung quanh thật vui mắt.
       Nhưng sự phấn khởi kéo dài không lâu.Tiếng máy đang nổ giòn tan bỗng chậm lại rồi tắt hẳn.Tất cả nhốn nháo không hiểu có chuyện gì.Nét lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt cố làm ra vẻ trấn tĩnh của người chủ tàu.
     - Bộ phận giải nhiệt bị hỏng,máy bốc khói quá nhiều.Phải chờ nó nguội bớt mới tính được.
        Hai giờ loay hoay đánh vật với chiếc máy tàu,cha con người tài công cất tiếng đầu hàng:
     -Hỏng thật rồi.Khổ cái là không chuẩn bị đồ dự phòng.
      Tiếng chửi rủa vang lên khắp nơi.Mấy người đàn ông hậm hực muốn nhào vào ăn thua với chủ tàu.Nhưng người cựu sĩ quan hải quân đã ngăn lại:
     - Sự việc đến nước này có cãi nhau cũng vô ích.Vấn đề bây giờ là lo đối phó với hoàn cảnh trước mắt.
       Gió bỗng nổi lên dữ dội,biển động mạnh.Chim hải âu bay xao xác.Bầu trời thoáng chốc bỗng trở nên đen kịt.Tháng bảy,tháng tám thường hay có bão ngoài khơi.Và cơn bão đến đúng lúc ba mươi hai con người đang chơ vơ giữa biển cả,con thuyền tròng trành trôi tự do.
       Từng con sóng lớn dâng cao rồi đổ ập xuống muốn nuốt chửng lấy con thuyền bé nhỏ.Mưa như trút nước.Tiếng người chủ tàu hét khản cả giọng lẫn trong tiếng sấm chớp đì đùng. Tất cả đàn ông đều tập trung ở buồng lái,thay nhau bẻ và kìm giữ bánh lái để con thuyền nương theo sóng không bị lật úp.
       Trước cơn cuồng nộ của tự nhiên,con người cảm thấy quá bé nhỏ.Họ ra sức cầu nguyện bằng thứ tín ngưỡng của bản thân.Ranh giới giữa sống và chết thật mong manh...
       Ba tiếng đồng hồ vật lộn với tử thần.Cuối cùng ông trời cũng thấm mệt,gió đã bớt dần,mây đen kéo đi và bầu trời trở nên quang đãng hơn.
       Mọi người đều rã rời.Cơn bão đã lấy đi của họ nhiều thứ.Một phần nước uống, thức ăn và nhiên liệu dự trữ đã trôi xuống biển.Chiếc ghe bị sóng đánh rách tả tơi.Cũng may là nước biển chưa tràn vào nên còn có thể cầm cự được.
       Trước mắt là đảo Thổ Chu cách Phú Quốc 100km.Ghé vào đó là sống.Nhưng hành trình hơn hai ngày nay xem như bỏ đi.Lúc này tất cả những người trên tàu đều cảm thấy gần nhau hơn.Họ như được sinh ra lần thứ hai.Những tị hiềm nếu có đều thuộc về kiếp trước.

        Ngày 30/7/1979.

       Chiếc thuyền vẫn lặng lẽ trôi về hướng mặt trời lặn.Máy hỏng,thuyền không buồm,tất cả phó mặc cho dòng nước.
       Mình bỗng thấy thanh thản.Nhìn Hiếu nằm ngủ ngon lành mà thấy tội nghiệp.
       Hai đứa quen nhau chỉ mấy tháng.Vậy mà nói đi là đi.Một đứa con gái mới mười bảy tuổi đời,thằng con trai hai mươi.Một lời nói thương nhau cũng chưa có,chỉ thấy gần nhau là tim đập nhanh.
        Hiếu hiền lành ,ít nói.Cha nghe đâu vẫn còn trong trại cải tạo.Học hết lớp 9,hắn bỏ đi làm khuân vác bến tàu.Thế rồi,gặp mình...
        Hai đứa định đến Mỹ mới làm đám cưới.Hiếu vẽ ra nhiều thứ.Mình chỉ cười...
        Tất cả mọi người đang say ngủ vì mệt ,đói và khát nước.Lượng nước ngọt mang theo đã không còn đủ dùng bởi phần lớn đã trôi xuống biển.Nắng thật gắt, thuyền càng xuôi về phía Nam,nắng càng chói chang.Chúng làm da phồng rộp lên, đỏ au.Đôi môi người nào cũng nứt nẻ,khô không khốc,thèm nước.Tụi nhỏ sốt hầm hập,đói lả,không còn đủ sức để rên la.
        Thế nhưng tai họa không hề có điểm dừng.
         Một chiếc tàu lớn theo dõi chiếc ghe khốn khổ khá lâu trước đó,bỗng chốc rẻ nước phăm phăm lao tới.Luồng nước nó tạo ra thiếu chút nữa nhấn chìm chiếc thuyền.
        Trên tàu lố nhố mấy chục gã đàn ông mình trần trùng trục,hình xăm vằn vện.Nhiều tên tóc dài phủ gáy nhưng cũng có đứa đầu trọc lốc.Chúng áp sát mạn thuyền rồi chía súng bắn thị uy hàng tràng dài.Đạn rơi lõm tỏm xuống nước.
        Cướp biến.Không ai bảo ai,nhưng đàn bà con gái như mình đều lén lấy dầu máy bôi lên mặt.
        Không khí căng thẳng.Một tên quát lớn bằng tiếng Việt bảo tất cả để hai tay lên đầu.Bọn chúng lần lượt lục soát từng người không chừa một chỗ nào.Cho đến giờ thì không ai còn thiết tha với mớ của cải mang theo bên mình nữa.Cái họ cần là mạng sống của bản thân và gia đình.Vậy nên,tất cả để mặc bọn cướp muốn làm gì tùy thích.Vàng bạc ,nữ trang được chúng gom vào một bao tải nhỏ.
        Thế nhưng cái mình lo sợ nhất rốt cuộc cũng đã tới.Năm tên cướp đầu trọc xấn đến điểm mặt mười đứa con gái.Chúng xi xô bằng tiếng Thái một lúc rồi cười sằng sặc.Mình đưa mắt tìm Hiếu thấy mắt anh long lên sòng sọc.Mình biết chỉ cần một tín hiệu,Hiếu sẵn sàng lao vào bọn cướp,rồi mặc kệ sự đời,cùng lắm là chết.Chết lúc này đối với mình và cả Hiếu không còn đáng sợ nữa.
         Nhưng có lẻ muốn chết cũng không phải dễ dàng.Bọn cướp dồn đám thanh niên về hết một góc,lấy dây thừng trói hết lại.Người nào có đôi chút phản kháng liền bị chúng dùng báng súng đánh không thương tiếc.
         Mười đứa con gái trong đó có mình bị đưa sang tàu lớn. Nước mắt ,tủi nhục nghẹn đắng...Bao nhiêu năm cố quên,mình vẫn không dứt được nỗi ám ảnh của giờ phút này.
         Những con thú đội lốt người đã hành hạ mình thật ghê tởm.Tất cả phải cắn răng đền bật máu để không rên la một tiếng nào.Má ơi,xin má hiểu cho con.Chẳng có nỗi nhục nào lớn bằng.
         Bọn cướp rút đi sau khi đã thỏa mãn trên xương máu đồng loại.Chiếc ghe nhỏ giờ đây là một bãi chiến trường hỗn mang.Quần áo,chăn chiếu tung tóe.Máu đã đổ và nước mắt cũng phải nén chặt vào trong.
         Thật lạ bây giờ mình lại muốn sống.Sống như một sự phản kháng thực tại.Sống để chứng tỏ mình không hề đầu hàng số phận.Dẫu cho tấm thân này có nhảy xuống biển cũng không gột rửa hết nhơ nhớp.

         Ngày 31/7/1979. 

        Thuyền vẫn tiếp tục trôi cho dù rất chậm.Ba mươi hai con người là ba mươi hai thân xác tả tơi.Thức ăn,nước uống đã cạn kiệt.Chỉ đến trưa đã có người chết.Số người chết tăng dần theo thời gian.Có cả trẻ em.Tất cả đều được đưa tiễn bằng nghi thức thủy táng.Người sống cũng chỉ đủ sức quấn những thân xác ấy vào mấy tấm chăn,rồi từ từ thả xuống biển.
          Mình cứ miên man trong những giấc mơ dài ,bất tận.Có lúc thấy về bên má,được má nấu cho một nồi lẩu mắm,ngon vô kể.Có lúc lại thấy đang được tắm mát,được uống những trái dừa xiêm ngọt lịm,thơm ngát,được ăn những ly kem lạnh ngắt.Nước,nước...thèm đến tận cùng một giọt nước.
         Cha con người tài công cũng cố gắng lấy mấy tấm vải trắng làm cờ,thỉnh thoảng lại phất lên để mong có chiếc tàu nào trông thấy,ra tay cứu giúp.Nhưng có lẻ địa điểm thuyền trôi không nằm vào tuyến đường tàu bè thường xuyên qua lại.Cứ thế cái chết cứ đến từ từ,chầm chậm...
         Chiều hôm ấy lại có một chiếc thuyền ghé đến.Lại bọn cướp.Nhưng lần này có vẻ là cướp không chuyên nghiệp lắm.Cũng là các ngư dân Thái Lan nghèo đói muốn trấn lột người bạn láng giềng khốn khổ.Thấy nhóm người rách nát chực chờ bên cái chết họ cũng động lòng.
         Mười bốn người còn sống được đưa sang chiếc tàu đánh cá của người Thái.Họ cho những người sắp chết uống nước và ăn cháo trắng.Từng giọt nước làm sống lại các tế bào tưởng đã khô héo.
         Chiếc thuyền rách nát của nhóm người vượt biển được buộc vào đuôi , kéo theo con tàu.Họ bảo chưa thể vào bờ được vì còn phải đánh cá.Đành chấp nhận thôi.Họ chịu cứu lấy tính mạng của bấy nhiêu con người cũng đã là may mắn.
         Hai ngày tiếp tục lênh đênh trên biển cùng những người lạ.Sức khỏe của mình,Hiếu và những người sống sót dần dần hồi phục .Tất cả đều năn nỉ người Thái xin được vào bờ.Thế nhưng sau một hồi bàn thảo những ân nhân kia lại quyết định trả tụi mình về chiếc thuyền cũ,bỏ lại một ít thức ăn,nước uống rồi nổ máy phóng mất dạng.
        Ông trời vẫn còn muốn thử thách những kẻ cùng đường . Chiếc ghe vẫn trôi thêm một ngày trời nữa.Lần này chắc hẳn lòng kiên nhẫn đã cạn kiệt,đấng cao xanh kia cũng không muốn đùa thêm nữa,chiều hôm đó cả nhóm may mắn gặp một chiếc tàu đi ngang...
        Mãi sau này mình mới biết đây là tàu của một tổ chức nhân đạo cứu giúp người vượt biển.Lúc bấy giờ mới tin là mình được cứu sống.Họ đưa tất cả về đảo Pulau Bidong.Cám ơn Trời Phật.

         Pulau Bidong ngày 4/8/1979.

       Palau Bidong là một hải đảo nhỏ thuộc tiểu bang Terengganu của Malaysia.Mảnh đất này không ngờ sau này lại trở nên thân quen với những người như mình.Khi cả nhóm đến đây trên đảo đã có hơn 40.000 người tị nạn.Có thể xem như một thành phố nhỏ của những kẻ bỏ nước ra đi.
       Cầu Jetty đón 14 mạng người vừa từ cõi chết trở về.Tất cả như những con ma đói rách rưới,bẩn thỉu.Những cặp mắt của đồng bào cùng cảnh đi trước đều như muốn nói"không sao,sống là tốt rồi".Họ không vội nghe chuyện của những người mới đến.Bởi câu chuyện dù có thế nào cũng là bản sao của chính họ cách đây chưa lâu.

Pulau Bidong
         Những ngôi nhà lợp bằng lá dừa,che chắn bằng các tấm tôn mỏng hoặc bằng các thùng giấy các-tông.Không sao,chỉ cần có chỗ tá túc là đủ.
       Từ lúc xảy ra thảm kịch trên tàu,mình ít trò chuyện với Hiếu.Ngược lại anh ấy lại tỏ ra quan tâm,săn sóc tới mình hơn.Hàng ngày,Hiếu giành làm hết những việc nặng nhọc như lấy củi,lấy nước,lãnh gạo...Mình chỉ còn mấy việc nhẹ như đi chợ ,nấu cơm và giặt đồ...
       Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc lập ra trại này từ tháng 8/1978,tức một năm trước.Tất cả đều sống bằng quỹ bảo trợ nhân đạo.
       Không hiểu sao,dạo này mình lại chăm đi chùa.Chùa Từ Bi cạnh Đồi Tôn giáo là điểm đến của mình vào mỗi sáng chủ nhật.Đức Phật có vẻ như hiểu thấu tâm can mình.Người bảo đoạn đường mình đi qua chưa là gì.Hãy cố mà sống cho hết kiếp.
       Hiếu càng gần gũi ,mình càng xa lánh.Cái mặc cảm nhơ nhớp vẫn không lúc nào ngưng ám ảnh mình.Những đêm sáng trăng,dưới bóng dừa và bãi cát mịn Hiếu ôm chặt mình vào lòng thủ thỉ:"Hay là mình làm đám cưới đi em".Mình hiểu lòng Hiếu.Nhưng mình không còn gì để trao cho anh ấy.

        Pulau Bidong 26/10/1979.

       Mấy hôm nay bỗng thấy người khác lạ.Ăn cái gì vào cũng ói ra.Cảm giác say sóng trên tàu lại hiện về.Mình thấy lòng bất an.Không lẻ...thật là khủng khiếp.Bằng mọi cách mình cố xua đuổi cái ý nghĩ đó đi.

       Pulau Bidong 2/11/1979.

       Đã ra đến ngoài phố.Bà bác sĩ người Mã lai bảo cứ nằm lên,loáng cái là xong ,chẳng đau đớn gì.Phút cuối mình lại đổi ý.Dẫu sao đứa bé vẫn không có lỗi.Vấn đề là mình có nên đưa nó đến cõi đời này?

       Pulau Bidong 4/11/1979. 

      Thấy mình ngày càng xanh xao,Hiếu có vẻ lo lắng.Từ trong thâm tâm mình biết,anh ấy đã hiểu.Một hôm Hiếu nắm chặt tay kéo mình lên chùa.Anh ấy đã bàn trước với sư cô.Một đám cưới đơn sơ được chuẩn bị sẵn.Nhưng mình dằn khỏi tay Hiếu cứ thế chạy thẳng ra biển.
       Biển từ lâu đã là ác mộng nhưng cũng có khi nó làm lòng mình thanh thản.Không thể dối lòng,mình yêu Hiếu.Nhưng cái ánh mắt của tên cướp biển vẫn mãi đeo đẳng mình...

       Pulau Bidong 8/5/1980.

      Đứa bé cuối cùng rồi cũng chào đời.Đó là một ngày nắng đẹp.Cái cảm giác ôm trên tay một sinh linh bé nhỏ thật lạ.Khuôn mặt nó đẹp,rất đẹp.Bao giờ mình cũng nghĩ,nó là con của Hiếu.
      Tội nghiệp người cha 21 tuổi chạy lo khắp nơi để đón đứa con đầu lòng.Với mọi người,Hiếu là một người cha hạnh phúc.

       Pulau Bidong 4/8/1982. 

      Ngày tháng thấm thoắt thoi đưa.Thoáng cái mà đã 3 năm trên đảo.Thằng nhỏ đã biết chạy nhảy từ lâu.Hai cha con cũng quấn quýt lấy nhau không rời. Hôm nay là ngày phỏng vấn của phái đoàn Mỹ.Mấy đợt phỏng vấn trước của phái đoàn Úc,Canada Hiếu đều từ chối để chờ tới ngày hôm nay.
      Cả nhà ba người đều được tiếp đón nồng hậu.Đơn xin sang Mỹ định cư được tiếp nhận tương đối dễ dàng.Hiếu vui lắm.Hai cha con tung tăng đùa giỡn suốt cả đoạn đường về nhà. Riêng mình dù sao cũng thấy chạnh lòng.Mấy hôm trước lại được tin má bệnh nặng.Thành ra việc đi đâu,ở đâu với mình bây giờ không còn quan trọng.

      Pulau Bidong 3/11/1982. 

    Ngày mai là ngày cả nhà lên máy bay sang Mỹ.Đêm nay mình đang phải có một quyết định lớn lao nhất trong đời.Đi hay không đi đối với mình cũng chẳng khác gì câu hỏi"To be or not to be" của đại văn hào Sêch-pia.
    Chẳng lẻ mình đã đánh đổi tất cả trên biển để nhận lại một quyết định điên rồ?
    Nhưng mình biết cả mình và Hiếu sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc định mệnh ấy.
    Có khi nào khoảng cách về địa lý lại xóa nhòa vết thương ấy đi chăng?

      Pulau Bidong 30/10/1991.

      Không thể ngờ là mình ở lại Bidong lâu đến thế.Mười hai năm,một chu kỳ con giáp.
      Bidong đóng cửa rồi,mình sẽ là một trong 9000 người phải trở về nơi xuất phát.
      Cầu Jetty hôm nào đón khách hôm nay lại sẵn sàng tiễn khách.
      Tạm biệt Bidong,hẹn một ngày nào đó ta trở lại.


      Có tiếng động ở bên ngoài,chắc có lẻ bà cụ đã đi chợ về.Hắn như bừng tĩnh.Quá khứ và thực tại vẫn đan xen trong lòng hắn.Cảm giác ấy làm hắn thẫn thờ một lúc khá lâu.
     Không lẻ đây là sự thực mà ba hắn muốn hắn biết?
     Không,có lẻ ông ấy không nỡ nhẫn tâm như thế.Cái ông ấy muốn là hắn phải nhận lại bà mẹ ruột thịt của mình.Nghĩ như vậy hắn thấy lòng dịu đi.
     Lát sau cô Năm cũng về tới.Hắn sững sờ khi nhận ra đó là một sư cô.Hôm qua,chiếc khăn trùm đầu và bộ y phục thường đã không khiến hắn để tâm.Giờ đây,hắn mới biết,ý định xuất gia đã làm người phụ nữ này rời bỏ cha con hắn.
     Nhìn thấy hắn ngồi trầm ngâm bên chiếc máy tính,sư cô đã hiểu.Lặng lẻ ,người đàn bà ấy đến bên cạnh và đặt tay lên vai hắn:
     - Tất cả cũng đều là số phận an bài con à.
     Hắn cũng nghĩ đó là định mệnh.
     Bàn tay hắn bất chợt nắm chặt lấy đôi tay của người phụ nữ ấy.Những giọt nước mắt không còn nén lại.
      Dù sao đó cũng là những giọt nước mắt đoàn tụ.

                                                                        Viết xong ngày 1/5/2013.

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Denver có gì đẹp không em?

          Chiếc Boeing 747 cất cánh từ San Francico vẽ một vạch dài phóng khoáng trên nền trời xanh thẳm,chỉ hai tiếng sau là ở trên không phận Denver.Con chim sắt chao cánh,đảo một vòng rồi nhẹ nhàng rùng mình mấy cái.Từ trên cao nhìn xuống đã thấy sân bay quốc tế Denver hiện ra trong ráng chiều lấp lánh.Một thảm không gian xanh rì bao phủ những vệt sơn trắng hình chóp trông chẳng khác hình dáng các túp lều của thổ dân da đỏ xưa kia.Một thiết kế độc đáo của sân bay lớn và đẹp nhất nước Mỹ,thứ hai thế giới khiến du khách lần đầu tiên đặt chân đến Denver không khỏi ngỡ ngàng.
Sân bay quốc tế Denver
 
              Chỉ có thể nói hai từ"choáng ngợp" trước sự lộng lẫy và hoành tráng của sảnh nhà ga.Hệ thống đường tự động,cầu thang cuốn hiện đại,phòng đợi,nhà vệ sinh,cửa hàng mua sắm,ăn uống... nối tiếp nhau tạo thành một chỉnh thể kiến trúc hài hòa,trang nhã.Các mủi tên chỉ đường có từ các hướng,giúp bạn dễ dàng tìm đến tàu điện ngầm rồi nơi lấy hành lý.Chỉ 15 phút sau đó,bạn có thể ung dung phóng xe với tốc độ 70 đến 80 dặm một giò trên xa lộ lộng gió dẫn vào thành phố.
             Denver,thủ phủ của tiểu bang Colorado,được mệnh danh là"Mile High City",có độ cao 1,609.344m trên mực nước biển.Một tên gọi khác không kém phần ấn tượng là "nóc nhà của nước Mỹ",cũng xuất phát từ độ cao trên một dặm Anh của nó.Denver về cơ bản là sự hợp nhất của thung lũng sông South Platte và rặng Rocky Mountain với dân số đông thứ 23 của nước Mỹ,được thành lập vào tháng 11/1858 bởi những người khai thác vàng đến từ Kansas city.Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử,Denver đã phát triển vượt bậc trở thành một trung tâm văn hóa ,du lịch của cả miền Trung Tây Hoa kỳ.

             Đến Denver điều cảm nhận đầu tiên của du khách là không khí mát dịu,những thảm cỏ xanh mơn mởn của hệ thống hơn 200 công viên và 29 khu vui chơi giải trí.Những công viên này được mua lại từ chính phủ liên bang từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.Hiện tại chính quyền tiểu bang cũng đang phát triển thêm những công viên núi trên dãy Rocky và những công viên nước dọc theo con sông South Platte...Chính công viên,cây xanh và hồ nước đã tạo cho cảnh quan thành phố một sức hút đặc biệt vào mùa hạ và thu.Đi dưới những tán cây xao xác lá vàng,những con đường sạch sẻ,rộng mát,những thảm cỏ xanh rì...bất kỳ ai cũng nghĩ là mình đang ở trong những bức tranh thiên nhiên huyền ảo,thơ mộng tuyệt vời.

CÔNG VIÊN Ở DENVER
           Địa danh đầu tiên mà du khách buộc phải ghé thăm là bảo tàng nghệ thuật Denver do kiến trúc sư người Mỹ gốc Ba Lan Daniel Libeskind thiết kế,khai trương năm 2006.Bảo tàng là nơi trưng bày 4500 hiện vật cổ đại , đương đại và 18.000 cổ vật của người da đỏ cùng bộ sưu tập đồ sộ về châu Phi.Với nguồn cảm hứng bởi ánh sáng và địa chất núi Rocky,KTS Daniel đã đưa vào thiết kế của mình những khối hình học cơ bản là các góc nhọn và vuông sắc cạnh, được bố cục thay đổi từ các góc nhìn khác nhau.Bố cục hình khối không gian của công trình như một biểu tượng không chỉ cho sức sống trường tồn của nghệ thuật bên trong công trình bảo tàng mà còn biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ của cả thành phố Denver.
BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT DENVER

           Cách Denver 15 dặm về phía Tây là một nhà hát tự nhiên nổi tiếng với tên gọi Red Rock Amphitheatre.Đây là công trình được chạm khắc từ những tảng đá đỏ cao chót vót,với 9.450 chỗ ngồi, cũng là địa điểm tổ chức những buổi ca nhạc ngoài trời nổi tiếng vào năm 1908 và 1983.Đến đây bạn sẽ cảm nhận được một cảm hứng nghệ thuật hoang dã.Sự hùng vĩ của thiên nhiên hòa quyện trong nắng vàng ,gió và sắc trời tạo nên môt không gian nghệ thuật độc đáo, chỉ có ở những công trình mang đậm bản sắc thiên nhiên.
RED ROCK AMPHITHEATRE.
            Với những ai thích đỏ đen thì địa danh Central City và Black Hawk là một điểm đến lý thú.Con đường độc đạo dài 34 dặm(55km) xuyên sâu vào lòng núi,uốn lượn với ba đường hầm sâu hun hút dẫn đến một tổ hợp gồm 30 khách sạn và nhà hàng.Nơi đây có trên 10.000 máy đánh bạc,bàn đánh Black Jack , Poker và Roulette mở cửa suốt ngày đêm.Phục vụ cho khách chơi Casino là 10 nhà hàng buffet và sân khấu ca nhạc.Thành phố trong lòng núi này cũng có nhà bảo tàng kiến trúc phương Tây Victoria,khách sạn Teller House nơi tổng thống Mỹ Grant từng ở và một nhà hát Opera"Central City Opera House".
CENTRAL CITY VA BLACK HAWK.

            Cách 42 dặm về phía Tây Denver là phố cổ Georgetown kỳ thú.Đây là một chứng tích của thời kỳ tìm vàng miền viễn tây Hoa Kỳ được lưu dấu trong nhiều tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng Jac London.Thị trấn nằm gọn trong một thung lũng núi non hùng vĩ với 200 tòa nhà được khôi phục từ năm 1870.Các đường phố chính có nhiều cửa hàng ,nhà hàng và các ngôi nhà cũ được biến thành các cửa hàng đồ cổ.
GEORGETOWN,CO


            Cũng phải mất 2h lái xe về phía Bắc,du khách sẽ đến một địa điểm du lịch lý tưởng khác:thành phố Fort Colins.Đây là thành phố được tạp chí "Money" xếp là nơi đáng để sống nhất nước Mỹ năm 2006,thứ hai năm 2008 và thứ sáu năm 2010.Fort Colins nằm dưới chân rặng Rocky,là nơi cung cấp các địa điểm tham quan văn hóa ,vui chơi giải trí đa dạng.Đây cũng là điểm đến tuyệt vời cho những hoạt động gia đình về đêm như cắm trại,câu cá,tiệc ngoài trời...Thành phố có đến 50 công viên lớn nhỏ,280 dặm đường mòn bao gồm trải nhựa và không trải nhựa.Bạn có thể tổ chức cho mình một cuộc picnic nho nhỏ với bè bạn để khám phá dòng sông Cache La Poudre.Trung tâm của Fort Colin còn có nhiều nhà hàng nổi tiếng,nhiều nơi mua sắm tuyệt vời.

FORT COLIN,CO

             Đến Denver bạn cũng không thể bỏ qua ngọn núi Mount Evans,cao tới 14.260 feet(4,346m).Ở đây có một con đường ngoằn ngoèo được mệnh danh là con đường cao nhất Bắc Mỹ,kéo dài từ chân núi lên đỉnh như một bức tường nhựa.Đỉnh của Mount Evans thường bao phủ bởi tuyết trắng kể cả vào tháng Tám,đứng đó có thể nhìn toàn bộ khung cảnh hùng vĩ của rặng núi Front Range.Trên đường lên đỉnh,bạn có thể bắt gặp những bông hoa quý hiếm,những cây thông 1.500 tuổi không có ở bất cứ nơi nào trên thế giới

Mount Evans mùa thu

             Từ Denver đi về phía Nam 60 dặm(97km) là thành phố xanh và sạch nổi tiếng Colorado Spring.Chỉ riêng tên gọi của nó cũng đã gợi đến một khung cảnh thiên nhiên đầy sức sống,mát mẻ và thơ mộng.Nơi đây vào mùa hạ rợp đầy bóng cây xanh,thấp thoáng những biệt thự cổ kính,lãng mạn.Thảm thực vật ngút ngàn với hàng chục công viên sạch đẹp.Thắng cảnh"Seven Fall"(thác nước bảy màu) là một điểm du lịch luôn tấp nập du khách.Bạn có thể leo lên đỉnh thác bằng những bậc thang bộ hoặc dùng thang máy,từ đó có thể ngắm khung cảnh lung linh huyền ảo gồm bảy sắc màu của thác nước về đêm .
                                                                                                   
Căn cứ không quân Hoa Kỳ

Colorado Spring

SEVEN FALL

             Cạnh Colorado Spring là dãy núi Pikes Peak cao khoảng 14.000 feet(4.267m) gồm hơn 40 điểm tham quan.Nơi đây có học viện không quân Hoa Kỳ,bảo tàng không quân trưng bày nhiều máy bay,hình ảnh và hiện vật của lực lượng không quân Mỹ.'Garden of the God"(Vườn Địa Đàng) cũng là điểm ngoạn cảnh kỳ thú.Du khách có thể dừng xe bên đường để trèo lên những tượng đài cao khoảng 500 foot(15m) màu đỏ được tạc từ đá sa thạch.Cảnh vật hùng vĩ,gió và hoàng hôn sẽ cho ra những tác phẩm nhiếp ảnh đẹp đến nao lòng.
Vườn Địa Đàng
PIKES PEAK

           Điểm tham quan nổi tiếng cuối cùng chính là chiếc cầu treo Royal Gorge Bridge.Nằm cách Colorado Spring khoảng 50 dặm về phía tây nam Royal Gorge được mệnh danh là cây cầu dây văng cao nhất thế giới.Để đến được đây bạn phải lái xe trên một đường núi cheo leo và nguy hiểm.Cây cầu bắc ngang một vực thẳm sâu hun hút.Những vách đá sừng sững tạo cho nó một vẻ đẹp hoang dại.Xung quanh là các dịch vụ tham quan độc đáo như cáp treo,tàu điện cho du khách khám phá đáy vực,máy bay trực thăng cho những ai muốn ngắm toàn cảnh danh thắng từ trên cao.Ngoài ra còn có những trò chơi cho những ai muốn tìm cảm giác mạnh.Những trò chơi không dành cho kẻ yếu tim.Tất cả sẵn sàng phục vụ du khách một chuyến dã ngoại thú vị.
Cầu treo Royal Gorge .

        Denver thành phố cao nguyên,thành phố của tuyết trắng,gió lạnh mùa đông,nắng,cỏ xanh và lá vàng mùa hạ.Nơi đây cũng là điểm giao hòa của đất,trời,sông ,núi...Thiên nhiên hùng vĩ,cảnh vật hữu tình,con người vui vẻ,văn minh, lịch sự.Tất cả góp phần tạo nên chất gia vị đặc biệt cho một chuyến đi xa tuyệt vời của bạn,hay nói như người Mỹ: "WONDERFUL TRIP".

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Đi càng xa,càng thấy dân tộc mình nhỏ bé.

         Một dân tộc không thể không có tính cách.Tính cách ấy hình thành từ suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.Tính cách ấy từ giáo dục mà định hình.Nhưng có vẻ như chúng ta luôn giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự hào trong khi chính nỗi hổ thẹn mới là tác nhân chính hình thành nên tính cách dân tộc.
        Việt Nam,một dải đất hẹp nằm cạnh biển đông,diện tích và dân số thứ 65 và 13 thế giới,không thể nói là một dân tộc nhỏ bé về địa lý và hành chính.Sự "nhỏ bé" đến từ ý thức.Nếu không thấy được điều này,có lẻ chúng ta vẫn sẽ là những đứa trẻ"mãi không chịu lớn".
         Người Nhật,tiêu biểu là tầng lớp võ sĩ samurai,trước đây vẫn thực hiện nghi thức"harakiri"(mổ bụng tự sát)mỗi khi lòng tự ái dân tộc ,tự ái bản thân bị xúc phạm.Người Việt cũng có tinh thần đó khi tổ quốc lâm nguy,nhưng trong đời thường nỗi hổ thẹn dân tộc lắm lúc"không chốn nương thân".
         Còn nhớ tai nạn đông đất,sóng thần 2011 cả thế giới đã phải ngả mũ kính phục người Nhật.Sự kính phục không đến từ cách thức đối chọi với thiên tai mà chủ yếu đến từ văn hóa ứng xử,tinh thần đoàn kết của họ.Trong gian khó mới tỏ mặt anh hùng.Trước ranh giới mong manh giữa sống và chết,người Nhật đã cho thế giới thấy họ là một dân tộc như thế nào.Người Việt chúng ta có câu"Bần cùng sinh đạo tặc" nhưng đó là một khái niệm không có trong từ điển người Nhật. Ngay đến những đứa trẻ cũng chấp nhận thà chết đói chứ không chen ngang,không tranh cướp,không gây hỗn loạn...trong hoàn cảnh ngặt nghèo.Đó là những ý thức được nuôi mầm từ trong trứng nước.Người Mỹ cũng thể hiện họ ở đẳng cấp nào trong vụ khủng bố ở Boston mới đây.Trong nguy nan,tình người sáng chói.Những bài học về tính nhân văn luôn được thể hiện như một phần tất yếu của cuộc sống,không cần sự quảng bá của truyền thông.

ĐÁNH BOM Ở BOSTON,MỸ.      

    Nếu làm một phép so sánh với những điều mà báo chí đưa tin trong nước,về nạn hôi của,cướp bóc trước tai nạn của người khác có mấy ai trong chúng ta cảm thấy hổ thẹn? Câu trả lời đã rõ,vì không ai nghĩ đó là vấn đề của mình.Sự vô cảm luôn hiện hữu trong suy nghĩ của người Việt như một quy luật bất thành văn.


          Có ra khỏi lũy tre làng mới thấy được thế giới rộng lớn.Nhưng đôi khi chúng ta chẳng ngại ngần mang theo cả nền văn minh "lúa nước" trên quá trình hội nhập.Đi khắp các sân bay trên thế giới đều được đón tiếp với thái độ vui vẻ ,nhã nhặn,nhiệt tình nhưng về đến Tân Sơn Nhất,có thể biết đây là đâu.Nhân viên hải quan,xuất nhập cảnh mặt không nụ cười,sẵn sàng cau mày ,quát nạt những kẻ "không biết điều".Bộ mặt đất nước chính là ở cửa ngõ sân bay,nhưng không hề được quan tâm.Tệ nạn nhũng nhiễu,đòi hối lộ,đối xử bất lịch sự vẫn là một căn bệnh trầm kha mà nhiều năm qua vẫn chưa có một phương thuốc nào chữa khỏi.
             Với người Mỹ và châu Âu,nếu bạn đi trước họ một bước chân,họ sẵn sàng dừng lại và nhường bước,còn với chúng ta không khó để nhận ra trước cổng của các chuyến bay về Việt Nam.Đó là tình trạng chen lấn ,tranh giành,nói cười ầm ỉ...Người Việt vẫn vô tư trước cặp mắt ái ngại của người khác.Chính vì vậy mới tồn tại một thứ văn hóa giao thông hỗn loạn,mất trật tự...một thói quen duy trì vệ sinh công cộng chỉ có từ thời tiền sử.
             Có ra ngoài chúng ta mới thấy những bất cập trong giáo dục thế hệ trẻ.Dường như người ta chỉ chú ý tới những khái niệm to tát như lòng yêu nước,yêu tổ quốc,tự hào dân tộc...mà bỏ qua những khái niệm về cách ứng xử văn minh,lịch sự ...
             Ở Mỹ nếu có va chạm giao thông,sẽ chẳng bao giờ có xảy ra xô xát.Người gây tai nạn cũng như nạn nhân đều bình tĩnh chờ sự can thiệp của cảnh sát.Việc quan trọng là đưa người bị nạn đi cấp cứu giữ lấy tính mạng. Mọi chuyện sau đó đã có quan tòa.
            Thanh niên Mỹ luôn sẵn lòng giúp đỡ nếu bạn hỏng xe trên xa lộ,gặp trở ngại dưới trời tuyết hoặc lạc đường.Văn hóa nhường nhịn luôn hiện diện trong giao thông nước Mỹ.Nếu bạn muốn rẻ sang đường,nhiều người sẵn sàng dừng lại,cản đầu xe phía sau cho đến khi bạn thực hiện xong ý định của mình.
             Văn hóa xếp hàng cũng là một đặc điểm nổi bật của một xã hội văn minh.Vào cửa hàng ,siêu thị,rạp hát...tất cả đều tuân thủ quy tắc ấy.Nếu bạn không chú ý,hoặc lỡ quên người ta sẽ nhìn bạn như nhìn một sinh vật đến từ hành tinh khác.
             Còn ở ta ,án mạng xảy đến từ những va quệt giao thông dù nhỏ, những cái nhìn" đểu",những câu chửi thô tục... hầu như xảy đến hàng ngày.Ra đường nếu không giành đường hoặc dừng đèn đỏ ở những ngả tư vắng bạn sẽ bị xem là quái vật.Ở chỗ công cộng nếu không xả rác,không vặt hoa,bẻ cành thì không phải là người Việt Nam.
            Ở Mỹ,trẻ em rất được tôn trọng.Thầy cô luôn coi học sinh là khách hàng,nhà trường là một cơ sở thương mại.Không có chuyện la mắng,xúc phạm học sinh.Chỉ cần có một học sinh nghỉ học hoặc chuyển trường là cả ban giám hiệu nhà trường lo sốt vó.Một lớp học chỉ có 10 đến 12 em với nhiều trình độ khác nhau.Do vậy rất khó có tình trạng ngồi nhầm lớp.Học sinh đến từ nhiều nước,dù có yếu kém cỡ nào cũng vẫn được thầy cô kiên trì phụ đạo. Dạy đến khi nào thật hiểu mới thôi.
           Các bác sĩ ở Mỹ rất vui vẻ,lịch sự khi tiếp xúc với bệnh nhân.Họ tạo cho mình một cảm giác thật sự yên tâm khi trao tính mạng mình cho họ.Vào bệnh viện,dù có bảo hiểm hay không,bệnh nhân đều được đối xử bình đẳng.Bác sĩ chỉ chú ý cứu lấy tính mạng của bệnh nhân còn việc họ có đủ sức chi trả viện phí hay không là chuyện khác.Đó là trách nhiệm của cả ngành y tế.
          Một đất nước được luật pháp hóa đến từng lĩnh vực nhỏ cũng làm cho người dân yên tâm.Ra đường nếu vi phạm luật giao thông,bạn không thể trông mong vào việc năn nỉ hoặc hối lộ cảnh sát.Cứ việc bình tĩnh nhận giấy phạt,đừng tranh cãi.Nếu không đồng ý đã có luật sư và quan tòa.Nếu có dính dáng đến pháp luật,có dịp đến tòa án hình sự cũng như dân sự với hàng trăm dãy phòng, bạn có thể hiểu vì sao nước Mỹ có thể duy trì một nền tư pháp hùng mạnh như vậy.Việc thượng tôn luật pháp được thực hiện bình đẳng.Bất kể bạn là ai,kể cả tổng thống nếu phạm luật vẫn phải vào tù.
         Một dân tộc luôn" nhỏ bé"chỉ vì dân tộc đó không biết hổ thẹn.Cuộc sống luôn là một quy trình vận động đi lên. Con người cũng chỉ thực sự lớn khi nhận ra mình thơ dại,nhỏ bé ở những điểm nào.Đánh thức sự hổ thẹn,tự ái ở mỗi con người trong từng sự việc tưởng như nhỏ nhặt cũng là việc góp phần hình thành nên tính cách dân tộc sau này.

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Con đĩ cứng đầu.

,        Những dòng nước mát làm hắn thấy sảng khoái,tỉnh ra.Ngâm mình trong bồn nước trắng xóa bọt xà phòng,hắn lim dim mắt,tận hưởng từng cảm giác mơn man mà hệ thống massage mang lại.Chuyến bay dài đã lấy đi một phần sức lực.Mấy thằng giặc bạn hắn lại không dễ buông tha.Vừa lấy xong hành lý bước ra đã thấy một lũ "quỷ sứ" xúm lại.Tụi nó cứ thế áp giải hắn thẳng tới nhà hàng ở quận 1.Mười mấy năm mới gặp lại,lũ giặc thi nhau chuốc rượu,tra khảo đủ chuyện.Cũng may là tửu lượng hắn cũng vào loại khá .Tăng 1,tăng 2 rồi tăng 3,hắn ngồi trên xe thằng Trung chạy lòng vòng một hồi rồi đến đây.Trong trạng thái mà chất cồn chiếm khá nhiều trong máu,hắn chẳng nhớ rõ chỗ này là chỗ nào Chỉ lan man biết hình như đó là một khách sạn có kinh doanh thêm dịch vụ massage.Mặc kệ,hắn muốn gột hết bụi đường.
          Tắm xong nước lạnh,hắn bước vào phòng xông hơi.Mùi tinh dầu bốc lên từ những cục đá nóng thật dễ chịu.Mồ hôi toát ra như tắm.Không khí ngột ngạt,hừng hực,da căng lên ...Cuối cùng hắn cũng cảm thấy đủ,nhận chiếc chìa khóa cùng cái nháy mắt đầy ngụ ý của gã phụ trách phòng gởi đồ,hắn bước lên tầng trên.Nơi đây là một dãy hành lang dài với hệ thống phòng masage mờ ảo.Những chiếc giường trải ga trắng,thơm phức mùi nước hoa dìu dịu.Hắn theo số phòng được dặn trước,nằm úp mặt chờ đợi.
         Hắn mơ hồ cảm thấy có tiếng "sột soạt"nhè nhẹ,hình như có người bước vào phòng.Một giọng nói miền Trung pha Nam thoang thoảng mà dù cố giấu hắn vẫn nhận ra :
         - Anh cứ cởi hết quần áo cho thoải mái,rồi quấn chiếc khăn này vào.
          Chết thật,hắn lại bộc lộ cái chất "nhà quê" của mình.Dù đi massage dăm lần,hắn vẫn chưa quen được việc phải cởi hết đồ,nằm tồng ngồng ra đó.Cô gái phải bước ra ngoài cho hắn thay đồ.Chỉ lát sau cô ta trở lại với một tách trà trên tay:
       - Anh có muốn uống gì không? Em có trà nóng.
       - Cám ơn em.Lúc nào khát anh sẽ uống.Hắn trả lời cho có chuyện.
       - Mình bắt đầu được chưa anh.
       Vẫn giọng nói nhỏ nhẹ đó.Hắn tiếc là phải cắm mặt xuống giường không thể ngẩng lên để nhìn cho rõ mặt cô gái.Nghe giọng hắn đoán chắc chỉ mới ngoài hai mươi.
       Bàn tay cô gái đặt nhẹ lên vùng da thịt hắn,xoa bóp từ trên xuống,đôi lúc lại ấn mạnh.Từng khớp xương cổ,bả vai lưng,ngón tay,ngón chân...được đôi bàn tay khéo léo ấy uốn ,bẻ kêu răng rắc,giòn tan.Hắn cảm thấy cảm giác nhức mỏi dần dần tan biến:
     - Hình như anh mới vừa từ nước ngoài về ?
     - Sao em biết ?
     - Bí mật.
       Hắn thầm phục khả năng quan sát tinh tế của cô bé.Phải có một điểm nào đó khác thường trên người hắn mới khiến cô ta đoán trúng phóc như vậy.Sau này hắn nghiệm ra là tại nước da.Không ai ở cái thành phố nắng nóng này lại có nước da trắng như hắn.
      - Hình như em người miền trung ?
       - Sao anh biết ?
       - Bí mật.
         Cô gái cười khanh khách.Hắn đắc ý vì cũng kiếm được cách trả đũa.Khoảng cách có vẻ được rút ngắn lại.Cô gái không biết hắn cũng người miền trung.Mà giọng nói miền trung thì dẫu có thế nào hắn cũng vẫn nhận ra được.
       Sau khi xoa bóp các huyệt đạo,cô gái bắt đầu đứng cả người trên lưng hắn.Đôi bàn chân ấn mạnh.Các khớp xương trên người hắn như tan ra.
      -Em tên gì ?
      - Trang,Thu Trang.Lúc nào đến đây anh cứ gọi em.
         Hắn biết rõ các cô gái làm nghề này sống chủ yếu bằng tiền "boa' của khách.Làm tốt , khách nhớ tên quay lại sẽ  được miễn "tua".Làm tới X sẽ được thưởng thêm tiền,còn chuyện tới Z hắn không biết.Tên các em này cũng như tên các loài hoa, chỉ mang tính phiếm định.Nhưng có hỏi kỷ cũng chẳng để làm gì.Vô ích.





         Cô gái yêu cầu hắn nằm xoay người lại.Chỉ đợi có thế,cảm giác tò mò dồn nén hắn từ nãy đến giờ được dịp giải tỏa Một khuôn mặt không xinh lắm nhưng ưa nhìn,đôi mắt to tròn,lém lỉnh.Hắn thấy ngờ ngợ,cố lục trong trí nhớ đôi mắt đó nhưng chịu.
        - Em cũng dễ thương thật đó chớ.Hắn cũng cố tỏ ra mình không phải thằng đần.
        - Xạo hoài,bác hai.
        Vừa xoa chân cho hắn Trang vừa kể chuyện đời.Hắn không lưu tâm lắm vì đa số các cô đều chuẩn bị cho mình một câu chuyện thật mùi mẫn để moi tiền khách.Cái hắn đang suy nghĩ là đôi mắt và nét mặt của cô gái này.Quen lắm,phải rất quen.Nhưng nhớ thì hắn chưa thể nhớ được.\
       Cũng phải nói là Trang có giọng kể thật ngọt,thật buồn,đôi mắt khác hẳn lúc nãy,ánh lên cái nhìn xa xăm,mặt có lúc đanh lại.Hắn không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong câu chuyện đó nhưng công bằng mà nói cũng rất cảm động.Đại khái đó là hành trình kiếm sống của một cô gái từ quê lên tỉnh.Cha mất sớm,mẹ bệnh nặng,các em còn nhỏ dại.Một tay cô phải lo toan tất cả
.         Hắn không tin là một cô gái vừa mới gặp là đã dễ dàng tâm sự với khách mọi chuyện thầm kín nhất.Nhưng khi Trang đưa ra một tờ giấy,hắn chợt hiểu.Đó là một bản nhận xét ,đánh giá của khách.Trong đó ngoài tay nghề còn có phần vui vẻ tiếp chuyện.Hắn thấy cũng chẳng tiếc gì mà không ghi vào đó những lời tốt đẹp cộng thêm một món tiền "boa" hậu hĩnh.
         . Thằng Trung đợi hắn bên ngoài.Hai đứa phóng xe về trong đêm Sài Gòn mát lạnh
           Hắn ở Sài Gòn gần nửa tháng,đi thăm lại tụi bạn ,ôn lại kỷ niệm xưa.Dù gì hắn ra đi cũng đã 18 năm,mọi thứ ít nhiều đều có thay đổi.Bạn bè đứa nào bây giờ cũng trưởng,phó phòng,giám đốc hoặc phó giám đốc.Thôi thì cũng mừng cho tụi nó.
            Một hôm thằng Phương,phó TBT báo công an bỗng đưa ra một tấm hình làm hắn bất ngờ.Chẳng là tụi nó vừa theo chân công an để làm một loạt phóng sự về tệ nạn mãi dâm trong thành phố.Trong ảnh là những cô gái úp mặt xuống bàn,da thịt lồ lộ
           .Hắn thấy chỉ duy nhất có một cô gái không thèm tránh ống kính phóng viên.Đôi mắt ấy hắn không thể nào quên.Chính là đứa con gái đã làm massage cho hắn ở khách sạn.Mới cách có mấy tuần,trông Trang khác hẳn đi,rắn rỏi ,lạnh lùng,đôi mắt như có lửa.
          - Mày quen con nhỏ này à?Hắn chỉ gật đầu không đáp.Thằng Phương nói tiếp:-Một con đĩ cứng đầu.
            Hắn sững sờ,tưởng mình nghe lầm.Không,thằng Phương đang nói đến con nhỏ trong bức hình.Cái con nhỏ mà hắn nghĩ dù gì cũng là một đứa con gái nhà lành vì một chút hoàn cảnh nào đó phải đem thân đi làm gái massage.Hắn không tin Trang là gái mãi dâm.Nhưng Phương đã nói thế hẳn là có lý do.
         - Mày có thể cho tao gặp con nhỏ này không ?
         - Mày yên tâm,loại gái này chỉ cần có người bảo lãnh là được thả ngay.
         Thằng Phương nói không sai.Hai đứa ghé đến trụ sở công an thì chẳng thấy bóng dáng đứa con gái nào.Phương moi đâu được một xấp giấy học trò,viết tay đưa cho hắn.Bản tự kiểm điểm,hắn lật nhanh rồi thẫn thờ.Dòng chữ khai tên mẹ của  cô gái có tên Hoàng Trúc Lâm kèm theo ảnh đã giải đáp tất cả nghi ngờ lâu nay của hắn.Ghi nhanh địa chỉ thường trú Trúc Lâm vào điện thoại,hắn lặng lẽ ra về.
         Hai ngày sau hắn bay ra thăm quê.Bao nhiêu năm đi xa,quê hương giờ vẫn thế.Có chăng là cây cầu mới xây bắc qua con sông vốn hiền hòa.Nó đứng đó sừng sững,đẩy những chuyến đò ngang vào quá khứ.Hắn bồi hồi nhớ lại,gần 30 năm trước mỗi lần đi học về nước lũ lớn,lại đứng đây gọi đò.Gió lạnh ,mưa phùn cứ thổi như quất roi vào mặt .Hắn đứng đó,rét run cầm cập mắt dõi xuống lòng sông đục ngầu ,nước réo cuồn cuộn.Lâu lắm mới nghe tiếng bòm bõm của mái chèo khua nước,rồi một giọng hờn dỗi cất lên:
        - Bữa nay đi dữ hí,tối mịt mới thấy về.
         Hắn cười giả lả:
        - Có mấy thằng bạn rủ vô trong phố coi phim.Coi xong thấy tối lúc nào không hay.
       Tiếp theo là một tiếng nguýt dài.Nhưng giận thì giận, con gái của chú Tám chèo đò vẫn phụ đưa chiếc xe đap cà tàng vào trong cho hắn .Bốn năm ở đại học ,hắn vẫn đi về trên con sông này.Tình cảm hai đứa có lúc mặn nồng tưởng khó có gì chia cắt.Nhưng rồi...Hắn chợt đứt dòng suy tưởng vì có mấy người đi chợ sớm,xôn xao qua cầu.
          Bà nội hắn dù đã ngoài 90 vẫn còn minh mẫn.Về buổi sáng,buổi chiều hắn đã đến thăm lại ngôi nhà xưa.Căn nhà bên bờ sông vẫn còn bỏ trống,gió thổi thông thốc.Hắn nghe đâu,sau khi gặp chuyện Trúc Linh đã ôm con vào Nam.Chú Tám thương con,bệnh nặng mấy năm sau thì mất.
          Chuyện xưa như một cuốn phim quay chậm trong đầu hắn. Dù gì thì hắn cũng không phải là người có lỗi.Chỉ có điều tình yêu của cả hai vẫn chưa đủ lớn.Nếu không cũng chẳng kẻ nào dám chen ngang.
         Ở quê chỉ tròm trèm một tuần,hắn đã xin phép vào lại Sài Gòn.Bởi bằng cách nào đó,đôi mắt ấy vẫn ám ảnh hắn. Gạt đi chút tự ái còn sót lại,hắn thấy cần phải tìm gặp con bé ấy,ít ra cũng có thể giải đáp về 4 chữ "con đĩ cứng đầu"mà nó đang mang.
          Không như hắn nghĩ,địa chỉ trên tờ giấy thằng Phương đưa là thật nhưng người thì đã bỏ đi cách đó 2 ngày. Căn phòng trọ được thu dọn gọn ghẻ,trống lốc chứng tỏ chủ nhân cũng chẳng có gì phải luyến tiếc nơi này.Hắn tần ngần hỏi thăm mấy người hàng xóm gần đó,rồi phóng xe đi sau khi nhận được mấy cái lắc đầu.
           Sài Gòn mênh mông tìm một người không địa chỉ thật khó.Ba ngày ròng rã lang thang ở các khu nhà trọ của dân ngoại tỉnh ,cái hắn thu về là nỗi thất vọng.Chán nãn,hắn định đặt vé máy bay trở lại Mỹ.Bên đó dù sao hắn cũng có nhiều việc phải làm.
            Nhưng sự đời nhiều khi cũng có nhiều cái được sắp sẵn.Trước ngày lên máy bay tình cờ hắn vào một trang mạng điện tử.Một bài báo có tựa"Đau đớn cô gái bán dâm lấy tiền chạy thận" đập vào mắt hắn.Cái hắn quan tâm không phải nội dung bài báo mà là tấm hình minh họa ở bên cạnh.Tấm hình mặc dù được làm mờ vẫn thấy có nét hao hao giống cô gái mà hắn cần tìm.Lập tức hắn nhờ thằng Phương liên lạc ngay với người viết bài.
             Hai tiếng sau hắn đã có mặt ngay tại địa chỉ cô gái trong hình.Thoáng trông hắn đã biết mình lầm,cô gái xanh xao ,vàng vọt trước mắt hắn không thể là Trúc Lâm được.Có một khoảng cách rất xa giữa hai khuôn mặt hai tính cách cho dù mới nhìn qua thì thấy vài điểm tương đồng.Tuy vậy,thằng Phương với kinh nghiệm lâu năm trong nghề báo vẫn cố vớt vát đôi chút hy vọng.Thật bất ngờ ,tấm hình mà nhà báo đưa ra lại nhận được phản hồi khá tích cực:
            -Con này em biết.Chảnh lắm.Mới đi khách một vài lần rồi nghỉ.
             Nhét cho cô ả thêm một tờ năm trăm ngàn,hắn chỉ nhận được một câu chửi đổng:
          - Má nó chớ ,đã làm đĩ còn bày đặt chê tiền.Hôm bị bắt nó chửi mấy cha công an thiếu điều tắt bếp.Nó kêu , nó còn sạch hơn lắm thằng .
            Rồi ả tuôn một tràng dài về thói"cứng đầu" của cô bạn đồng nghiệp một thời,rồi xuống giọng:
          - Mà nghe đâu má nó mới mất.Tội nghiệp,bả bị tâm thần.
           Hắn chẳng nghe thêm được gì nữa cả .
       Theo địa chỉ ghi trên giấy,cả hai lần mò tìm đến một căn phòng trọ tồi tàn,nằm sâu trong một căn hẻm nhỏ ở quận Tân Bình.
       Hắn phải gõ cửa nhiều lần mới có người ra mở.Vẫn đôi mắt đó,lần này lại nhìn hắn xa lạ,mệt mỏi:
       - Mấy chú hỏi ai vậy?
         Hắn tin là chỉ có một biến cố lớn nhất đời mới khiến người con gái đầy sức sống hắn gặp hôm nào sụp đổ nhanh như vậy.Trước mắt hắn là một thân hình tiều tụy,xanh xao .Mái tóc có lẻ lâu ngày chưa tắm gội ,rối tung,buông xỏa trước trán.Chỉ có đôi mắt là vẫn sáng,bướng bỉnh,thách thức.
        - Lâm không nhận ra chú à ?
         Nói xong hắn mới thấy hơi tẽn tò.Việc cô gái không nhận ra hắn giữa muôn ngàn người khác là điều tất yếu.Một thoáng ngập ngừng hắn mĩm cười chữa thẹn:
        - Chú là bạn cùng quê với má cháu.
        Hắn nhìn lên chiếc bàn thờ đơn sơ mới lập vội.Người phụ nữ trong bức ảnh nhìn hắn cười,vô cảm.Đúng là người đi qua đời hắn một thời.Khuôn mặt từng khắc trong tâm khảm hắn như một vết dao.Giờ đây,khuôn mặt ấy có vẻ vô tư, thanh thản.
      Hắn rụt rè:
      - Chú có thể thắp nhang cho má cháu chứ.
      - Chú cứ tự nhiên.
        Cô gái bỏ đi vào trong.Hắn đứng lặng một lúc khá lâu trước bức di ảnh của người quá cố . Phương bày những thứ vừa mua vội đầu hẻm lên bàn thờ.Một bó huệ trắng,một nải chuối sứ và một bó nhang.Tất cả đơn sơ.Hắn không biết nói gì với Trúc Linh,chỉ là hồi tưởng.Và giá như...Ôi cuộc đời có bao cái giá như...
        Phương có vẻ rất hiểu lòng thằng bạn thân,hắn vào trong tỉ tê một hồi với Trúc Lâm.Lát sau cô bé bước ra,tóc tai đã gọn gàng hơn.Và cũng có vẻ hiểu hơn mối quan hệ giữa mẹ mình và người đàn ông trước mặt.
        Không muốn đụng đến nỗi đau của một người vừa mất mẹ nhưng hắn không thể không hỏi.Nguyên nhân cái chết của người đàn bà được cô gái kể bằng cặp mắt ráo hoảnh.Dường như trong cô đã cạn nước,kể cả nước mắt.
        Câu chuyện bắt đầu từ khi mẹ cô bị một gã sở khanh lừa,trao cả đời con gái cho hắn.Không sống nỗi với sự dèm pha của xóm làng,cô gái ấy đã ôm đứa con còn đỏ hỏn lặng lẻ đón tàu xuôi Nam.Khó có thể diễn tả hết những gian truân của bà mẹ đơn thân ở đất khách.Nhưng mặc,bà mẹ ấy vẫn làm đủ mọi nghề để nuôi con khôn lớn.Trúc Lâm được đến trường như bao nhiêu đứa trẻ khác
        .Nhưng một biến cố xảy đến đã làm cô phải bỏ học giữa chừng.Mẹ cô trong một lần đi làm về đã bị chấn thương khá nặng vì tai nạn giao thông.Vết thương ở đầu cộng với cú sốc cuộc đời trước đó đã khiến người đàn bà ấy gục ngã.
        Trúc Lâm kể mẹ cô luôn sống trong trạng thái hoảng loạn  của một người bị tâm thần.Những lúc ấy, cô không còn biết suy nghĩ nào khác ngoài việc kiếm tiền,kiếm thật nhiều tiền chạy chữa cho mẹ.
        Trước đây mẹ cô luôn khiến cô tâm niệm một điều,dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ lòng tự trọng của mình .Phải giữ nó như giữ con ngươi của mắt.Nhưng nhìn mẹ quằn quại trong cơn điên loạn,cô thà chấp nhận mình bị mù
        Một trong những lần dấn thân đó,cô đã bị đưa về trụ sở công an.Ít ai biết rằng cô phải bán đi sự trong sạch của mình để đổi lấy một điều thiêng liêng hơn cả.Đó là tình mẹ con.
       .Nhưng mặc cho cô cố gắng bằng mọi cách,mẹ cô vẫn ra đi mà thân thể không còn nguyên vẹn Kể đến đây,giọng cô gái dù cố nén vẫn thật sự nghẹn ngào.
       Mẹ cô đã bị một chiếc xe container cán phải khi đang thất thểu,chặn xe xin tiền trên đường.Không có nỗi đau nào lớn hơn việc phải nhặt từng mảnh xương thịt của chính người đã sinh ra mình.Đó dường như là một điều vượt quá sức chịu đựng của một cô gái chỉ mới 22 tuổi đời.
        Một thoáng xúc động,Trúc Lâm đã nhanh chóng lấy lại vẻ lạnh lùng vốn có.Cô có vẻ như muốn nuốt ngược những giọt nước mắt vào trong.Hắn biết đó chỉ là vỏ bọc.Cô bé chẳng khác gì một con nhím xù lông để tự bảo vệ mình.
       - Bây giờ cháu có tính làm gì không?
         Hắn hỏi với nhiều dự định sắp sẵn.Dù gì với điều kiện của hắn bây giờ việc giúp đỡ cho một cô gái mồ côi,đơn độc như Trúc Lâm là điều không khó.Một số tiền lớn chẳng hạn.Nó có thể giúp cô bé yên tâm tìm kiếm một nghề trong sạch.
        Tất nhiên,hắn cũng đủ khôn ngoan để không đụng vào những sợi lông nhím nhọn hoắt của con bé.
         Sáng hôm sau,hắn ra sân bay sớm.Bạn bè đến đưa tiễn khá đông.Đưa mắt nhìn quanh,hắn nghĩ cuộc gặp gỡ mấy tiếng đồng hồ ngắn ngủi không đủ đưa con bé ấy đến đây.Quả nhiên là không có cặp mắt đó.Hắn thở dài,thấy tiêng tiếc.
         Mãi gần đến giờ vào phòng cách ly,thằng Phương mới chạy ào đến,chỉ kịp dúi vào tay hắn gói giấy gì đó kèm theo lời xin lỗi:"Tao có việc bận,mày thông cảm."
         Chỉ đến lúc yên vị hẳn trên máy bay,chờ cất cánh hắn mới nhớ đến gói giấy đó.Thì ra đó là toàn bộ số tiền hơn mười ngàn đô mà hắn lặng lẻ nhét sau tấm ảnh của người bạn gái một thời.
         Một tờ giấy rơi ra,nét chữ cứng cáp,rắn rỏi:"Hãy cho cháu một chút tự trọng.Đó là tài sản duy nhất cháu còn có trên cõi đời này."
         Hắn thấy cay cay trong mắt,thở dài:"một con bé cứng đầu".
                                                                                          Viết xong ngày 21/4/2013.




















Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Hãy chọn cho mình một hướng đi.

                                                  Hỡi những người cầm bút
                                                  Có bao giờ bạn thấy lòng trăn trở.
                                                   Những lo toan ,vất vả đời thường.
                                                   Chuyện áo cơm,chuyện nhân tình,thế sự.
                                                   Nhắm mắt xuôi tay,cũng một kiếp người..
                                                   Có bao giờ trong từng nhịp thở.
                                                   Bạn thấy hèn đi,vô cảm lạnh lùng.
                                                   Mỗi số phận,mỗi mảnh đời bất hạnh.
                                                   Giấu trong lòng như một khoảnh trời riêng.
                     

                                                   Có khi nào mỗi sớm mai thức giấc.
                                                   Lật từng trang báo nghe lòng thổn thức.
                                                   Hai tiếng quê hương thật đáng "tự hào"?
                                                    Nhói trong hồn ,sâu thẳm một vết dao.
                                                    Những sự thật hơn ngàn lời biện giải.          
                                                    Những sự thật chẳng thể nào tranh cải.
                                                    Những sự thật in vào lòng khắc khoải.
                                                     Đạo đức,lương tri,nhân ái con người.
                                                     Có khi nào bạn nghĩ rằng ngòi bút.
                                                     Đem chút hương thơm sưởi ấm cho đời.
                                                     Góp ân tình ngăn một giọt lệ rơi.
                                                     Để thấy cuộc đời vẫn còn đáng sống.
                                                     Để thấy lòng người chẳng còn đáng sợ.
                                                     Thì bạn ơi,còn chần chờ chi nữa.
                                                      Hãy chọn cho mình một hướng đi.
                                                                               
                        Tháng 4/2013.

Đất nước này không phải của riêng ai.

         Chuyện kể rằng,trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn,Nguyễn Trãi vì muốn yên lòng dân ,đã cho quân lấy mỡ viết trên lá cây 2 chữ "thuận thiên".Kiến thấy mỡ đục vào thân lá,tạo nên một điềm báo trước của mệnh trời.Sau khi lên ngôi (1428-1433),Lê Lợi lấy niên hiệu là Thuận Thiên,khôi phục tên nước Đại Việt,đóng đô ở Thăng Long.Nhiều giai thoại lịch sử bấy giờ là kết quả của các sách lược tài tình của Nguyễn Trãi.Duy chỉ có một điều ông không thể đoán trước là nhà Lê ,sau khi giành được chính quyền đã ra sức giết hại các trung thần(Phạm Văn Xảo,Trần Nguyên Hãn).Bản thân ông ,cũng chẳng thể ngậm cười nơi chín suối với kỳ án"Lệ Chi viên".Xem ra người tạo ra mệnh trời cũng không thể thoát khỏi sự gian trá của lòng người.Việc xưa như thế,chứng cứ còn ghi.
           Sáu mươi tám năm trước,Việt Minh không thể cướp chính quyền thành công nếu không có sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc.Tinh thần ấy khởi nguồn từ các phong trào yêu nước,duy tân của Phan Bội Châu,Phan Chu Trinh,Huỳnh Thúc Kháng,Nguyễn Thái Học...Tên nước "Việt nam Dân chủ Cộng hòa" thuở sơ khai là một sách lược của người cộng sản.Sách lược ấy nhằm tập trung vào sự hòa hợp dân tộc.Bởi khái niệm "dân chủ" là mơ ước của hàng triệu con người vừa trải qua những đêm dài tăm tối dưới chế độ phong kiến , thực dân.Viễn cảnh về một xã hội công bằng,tốt đẹp dưới cái tên nước ấy là động lực thôi thúc nhiều thế hệ cầm súng,chiến đấu bảo vệ lý tưởng của mình.
         Thế nhưng"thức đêm mới biết đêm dài".Việc đưa học thuyết Mac Lênin vào Việt Nam,gắn tổ quốc với chủ nghĩa xã hội,cho thấy tham vọng độc quyền lãnh đạo đất nước của người cộng sản.Sau khi chiếm miền Nam 1975,họ đã tự ý đổi tên nước thành "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa" mà không cần tham khảo ý kiến người dân .Họ đã giành đất nước bằng chuyên chính vô sản và cũng muốn dùng thứ vũ khí ấy để cai trị , bất chấp xu thế phát triển của xã hội loài người.


           Đất nước không là của riêng ai và càng không thể là của người cộng sản.Tất cả những ai có lương tri đều thấy rõ sự cáo chung của một phương thức sản xuất lỗi thời,của một chế độ xã hội không tưởng.Đã qua rồi cái thời dùng "cái còng và khẩu súng" để buộc người dân tin vào một"quái thai" không có thực.Bánh xe lịch sử sẽ không ngừng quay,nếu đi ngược với nó anh sẽ bị nghiền nát.
           Đổi tên nước,cải cách dân chủ là trả lại ước mơ ngàn đời của dân tộc,để mỗi người dân dù nhỏ bé cũng có thể tham gia quyết định vận mạng chính trị của mình.Thực tế hiện tại chỉ có Việt Nam và Sri Lanka là còn giữ tên nước XHCN(theo một nghĩa khác VN).Phải chăng sự nhận thức của người Việt luôn đi chậm hơn nhận thức của loài người?Thế giới, ngay cả các nước là thành trì của phe XHCN cũng đã từ bỏ nó cách đây hai thập kỷ,chỉ có Việt Nam vẫn trung thành với "định hướng XHCN",một sự bảo thủ mù quáng.
          Vấn đề đổi tên nước không phải là đổi cái vỏ bọc bên ngoài(hoặc trên các văn bản,giấy tờ);làm cho các nước và người Việt ở nước ngoài thấy gần gũi với Việt Nam hơn,mà đổi tên nước phải gắn với đổi bản chất chế độ.Lịch sử đã chứng minh,bất kỳ một thể chế,đảng phái chính trị nào muốn tồn tại cũng phải lấy dân làm gốc.Xa dân,cố bám lấy quyền lực bằng mọi giá,thảm họa diệt vong sớm muộn sẽ đến như một quy luật tất yếu.
           Chỉ cần xóa bỏ từ XHCN,không nhất thiết phải có từ"dân chủ" trong tên nước,bởi như Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ,Cộng hòa Liên bang Đức,Cộng hòa Ý...bản thân các tên gọi đó đã hàm chứa ý nghĩa dân chủ. Thực chất của một nền dân chủ chính hiệu chỉ đến từ cách thức tổ chức nhà nước,chính phủ...từ việc tận dụng lá phiếu của người dân,ngôn luận và báo chí để kiểm soát và hạn chế quyền lực chứ không phải chỉ từ một cái tên nước.
           Nhưng cùng với việc sửa đổi hiến pháp,việc đổi tên nước ít ra cũng là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh niềm tin vào Đảng,vào chính phủ đang lung lay dữ dội.Nhiều người cho rằng đổi tên nước kéo theo nhiều sự tốn kém khác ở các văn bản,giấy tờ,con dấu...Nhưng họ đâu thấy rằng chính sách "đổi tiền"những năm 80 thế kỷ trước còn tốn kém gấp vạn lần.Vấn đề là đổi tiền nhà nước được lợi,còn đổi tên nước thì không.

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Một góc nhìn khác về chiến tranh Việt Nam.

         Tối qua trong lúc phụ mẹ rửa bát ,cậu cả nhà hắn bất ngờ hỏi:
       - Tại sao lại có chiến tranh Việt Nam hả mẹ?
         Cậu nhóc vừa hoàn thành xong kỳ thi SAT(sát hạch cuối cấp 3 ở Mỹ),mặc dù đang ở lớp 11.Chọn chương trình IB quốc tế(học chuyển tiếp đại học),cu cậu được tiếp xúc khách quan hơn với kiến thức lịch sử về cuộc chiến Việt Nam.Những nhân vật như Ngo Dinh Diem,Ho Chi Minh đều được cháu đem về nhà bàn luận.Châm ngôn giáo dục ở Mỹ là không nhồi nhét,áp đặt.Cứ để bọn trẻ đi tìm lời giải cho những thắc mắc của mình bằng những con số,cứ liệu lịch sử trung thực nhất.
           Hắn chợt nhớ sắp đến ngày 30-4.Mỗi năm,đến ngày này cộng đồng người Việt ở Mỹ lại có những tranh luận trái chiều.Cư dân mạng 2 phía lại có dịp tuôn vào nhau những lời lẽ khó nghe.VTV4 thì phát liên tục những phóng sự về đại thắng mùa xuân 1975,về những chiến công hiển hách của quân và dân VN trong chiến tranh giải phóng đất nước,thống nhất tổ quốc.Trong khi các đài truyền hình người Việt lại đưa tin về việc kỷ niệm ngay "quốc hận",về nỗi đau của hơn hai triệu người bỏ nước ra đi. Cuộc chiến truyền thông dường như không có hồi kết.Khái niệm "hòa hợp,hòa giải" dân tộc xem ra chỉ có khi thế hệ thứ nhất nằm xuống.Con cháu họ sau này mới có cái nhìn cởi mở hơn chăng?
            Sự thực thì chiến tranh Việt Nam 1955-1975 đã lấy đi của người Việt nhiều thứ .Con số 250.000 đến 316.000 người chết,1.117.000 bị thương ở miền Nam,1.100.000 người chết,600.000 người bị thương ở miền Bắc(nguồn:internet)chưa phản ánh đầy đủ sự khốc liệt mà chiến tranh mang đến.Cao hơn,nhức nhối hơn vẫn là những hệ lụy của nó về mặt tinh thần.Thế nhưng nhiều câu hỏi dưới dạng"giá như"... vẫn tồn tại,thách thức nhiều thế hệ.
         
                                                 CHIẾN TRANH VIỆT NAM 1955-1975.


            Phải chăng đó là cuộc chiến tranh thần thánh giữ nước,chống ngoại xâm ,chống chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ?
             Hãy nhìn vào thực tế chiến tranh Nam Bắc Triều Tiên 1950-1953 để tìm câu trả lời.Về cơ bản nó rất giống với cuộc chiến Việt Nam.Cũng là miền Bắc tấn công miền Nam với sự tham chiến của Mỹ ở tư cách đồng minh,trong khi Chí nguyện quân Trung quốc lại trợ giúp cho Bắc Hàn.Sau 3 năm hai bên đạt được hiệp ước đình chiến.Nam Hàn sau đó đã trở thành một nước phát triển với chỉ số GDP $1.622.000 tỷ(thứ 12 thế giới),thu nhập bình quân đầu người $ 32.431(thứ 25 thế giới).Trong khi đó Bắc Hàn ngụp lặn ở tận đáy với các chỉ số tương ứng là $40 tỷ và $1.800.Vấn đề có phải là Mỹ đã biến Nam Hàn thành một nước nô lệ và phụ thuộc?Câu trả lời đã có và thiết nghĩ không cần phải nhắc lại làm gì.
                                         CHIẾN TRANH TRIỀU TIÊN 1950-1953


              Giá như Việt Nam cũng có một sự tuân thủ hiệp ước như Nam Bắc Hàn,có lẻ sẽ không có một con số thương vong ấn tượng như vừa nêu,(hiệp định Giơ-ne-vơ chỉ là trò hề,ký chưa ráo mực đã xé).Nội chiến Nam Bắc,huynh đệ tương tàn là một sự thực lịch sử mà cả 2 phía,dù dưới bất kỳ danh nghĩa nào cũng không thể khỏa lấp được.Không ai có quyền đẩy dân tộc vào chiến tranh,bởi chiến tranh là đau thương,là mất mát.Bởi" con người ai cũng có quyền được sống"(Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ)
VIỆT NAM,GIANG SƠN GẤM VÓC

            . Phải chăng đó là cuộc chiến tranh ý thức hệ,giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội?
              Học thuyết Mác Lenin  luôn đặt vấn đề ai thắng ai giữa hệ ý thức tư sản và cộng sản,trong đó nhấn mạnh đến sự tiến hóa của lịch sử loài người(Charles Darwin).Thế nhưng sự sup đổ của bức tường Beclinh ,cùng với sự tan rã của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu là câu trả lời đanh thép nhất cho vấn đề đó.Phương thức sản xuất quyết định tất cả.Và cả loài người tiến bộ trên thế giới đều nhận ra đâu là phương thức sản xuất ưu việt hơn .Vì vậy nói đánh đổ CNTB để xây dựng CNXH là một sự ngụy biện trắng trợn.Bởi ai cũng thấy rõ việc đánh tư bản cửa trước,rước tư bản cửa sau đã diễn ra như thế nào.
   
           . Ba mươi tám năm,có những điều lặp lại nhiều lần sẽ trở nên nhàm chán.Chỉ có những con số là biết nói.Việt Nam 2013,GDP:$ 320.450 tỷ,thu nhập đầu người $ 1,523:chỉ bằng 1/5 và 1/21 các chỉ số tương ứng của Hàn quốc(trước 1975,các chỉ số này suýt soát nhau).Tăng trưởng kinh tế:5.03%,chỉ số giáo dục:dưới trung bình,tỷ lệ nghèo đói:23,3%,xếp hạng tham nhũng:123/176 vùng,lãnh thổ.Đó là chưa kể đến những con số ấn tượng khác về tai nạn giao thông,chỉ số y tế,văn hóa,quyền con người...
            Nước Nhật chỉ cần 30 năm để cất cánh trở thành một cường quốc.Hàn quốc,Singapore...đang là những con rồng thực sự ở Châu Á.Trong khi Việt Nam vẫn chỉ mãi là một con chó rừng ở biển đông.Ba mươi tám năm,người Việt cảm thấy gì ở mỗi kỳ thế vận hội,khi quốc ca chưa một lần được cất lên.Tự ái dân tộc lắm lúc bị đụng chạm trước làn sóng người xuất khẩu lao động,lấy chồng nước ngoài...Những mẫu thuẫn nội tại của người Việt vẫn còn đó cùng thời gian.Dân chủ,tự do vẫn treo trước mắt như một hoài vọng khó thành...
             Thoảng trong gió đâu đây vẫn là lời cảm thán của Bà Huyện Thanh Quan:
                            Nhớ nước đau lòng con "quốc quốc"
                          . Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
                                                                               Denver,April-15-2013.