Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Sự tan rã tất yếu của một chính quyền chuyên chế



Biện chứng là môt phương pháp luận xem xét những sự vật hiện tượng và
những phản ánh của chúng vào nhận thức, chủ yếu là trong mối liên hệ qua lại giữa sự phát sinh và sự diệt vong .

Biện chứng cho phép con người đánh giá sự vật hiện tượng một cách chặt chẽ,khoa học dựa trên cơ sở của cái đã xảy ra để đặt niềm tin vào cái chưa xảy ra theo một quy luật tất yếu.

Chúng ta chẳng lạ gì học thuyết Mac Lê nin đặt niềm tin vào chủ nghĩa duy vật biện chứng nhưng lại cho ra những kết quả sai lầm để đến bây giờ khi nhân loại đang ở một khúc quanh lớn của lịch sử,vẫn còn có nhiều người bám vào để duy trì một chính thể chuyên chế đi ngược lại nguyện vọng của đại đa số người dân.

Chủ nghĩa tư bản hiện tại đang giãy hoài không chết bởi đã biết mở con đường hòa bình và đa nguyên cho người dân thay đổi cả thể chế kinh tế lẫn chính trị, cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chủ nghĩa xã hội đang không giãy cũng chết bởi chỉ biết có con đường vũ lực và đơn nguyên, để người dân phải chấp nhận và thuần phục những định chế “toàn năng” mặc nhiên và những quyết định “lịch sử” sẵn có.

Cả chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội đều dựa trên nền tảng duy vật biện chứng.Nhưng chỉ một cái là đang tiếp cận với chân lý còn cái kia chỉ là ngụy biện.

Mâu thuẫn trong lòng xã hội Việt Nam đang ngày càng trở nên gay gắt hơn giữa xu hướng biến đổi của kinh tế với định hướng bất biến của chính trị, sẽ khiến chính quyền ngày càng sử dụng những phương cách khắc nghiệt hơn để duy trì cái phải thay đổi. Và càng như thế thì chủ thể vận dụng chúng cũng càng tự hoán đổi, từ chính quyền chân chính trở thành chính quyền bất chính, từ sự giải thể tự thân đi đến sự giải thể của nhân dân.

Quá trình đó cũng đồng thời là quá trình tan rã xã hội, mà kết cục sẽ là định hình một xã hội mới, với một chính quyền mới an toàn hơn cho mọi người.

Thực tế các vụ án gần đây về đất đai như Nông trường Sông Hậu,Đoàn Văn Vươn,Phạm Ngọc Viết... những vụ khiếu kiện của dân oan,bà mẹ VNAH...đã chỉ ra những mâu thuẫn nội tại trong lòng xã hội.

Sự hoán đổi của cơ quan lập pháp, sự phản loạn của chính quyền đối với những người đã ủy thác quyền lực cho mình, bằng cách tước đoạt quyền sở hữu của họ, chính là mầm mống đầu tiên của sự tan rã .

Khi chính quyền tự đặt mình vào trạng thái chiến tranh với dân chúng bằng việc sử dụng loại bạo lực không có quyền dùng, ra những luật không có thẩm quyền ra, chính là góp phần thúc đẩy sự tan rã đó.

Minh chứng rõ rệt trong những ngày qua đó là việc vi phạm về pháp lệnh xuất nhập cảnh của Bộ công an một cách ngang nhiên,trong khi trước đó là hành động trấn áp các blogger bằng vũ lực bất chấp các công ước quốc tế về nhân quyền.

Việc bắt giữ các nhà đấu tranh cho dân chủ như Trần Huỳnh Duy Thức,Nguyễn Tiến Trung,Cù Huy Hà Vũ,Lê Quốc Quân...các blogger như Trương Duy Nhất,Phạm Viết Đào... cũng chỉ chứng tỏ sự bất lực của chính quyền về mặt phương pháp luận đúng với nhận định"chỉ có kẻ yếu mới dùng bạo lực".

Một thế hệ lãnh đạo đang khủng hoảng về lý luận bằng những tuyên bố gây cười cho trí thức như: đặt Đảng lên trên hiến pháp quốc gia,có cái nhìn khoa học biện chứng về tham nhũng(Nguyễn Phú Trọng)tự sướng với"Chủ nghĩa xã hội giàu sinh lực đã được đổi mới và trẻ hóa, vẫn đang đứng vững và tỏa sáng như ngọn hải đăng từ sông Áp Lục xuống tận vùng đất mũi của bán đảo Cà Mau trù phú, từ cánh đồng Chum nổi tiếng của xứ “Triệu voi” nối dài tới hòn đảo tự do của đất nước Cuba, tới châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribê mênh mông bát ngát…”(Trần Hữu Phước).Điều này càng chứng tỏ Đảng đang thực sự bế tắc.

Ngày nay, dù đã phát kiến phương pháp bất bạo động, nhưng nếu thực chất quyền thay đổi chính quyền vẫn chỉ là như trước, tức chỉ tồn tại những quyền hiến định trên giấy, thì bối cảnh hiện diện của bạo lực vẫn còn nguyên đấy – đặc biệt ở thể chế nào xác tín sự tồn tại của mình bằng vũ lực – mà không thực thể bất bạo động nào có thể ngăn cản khi nó đã chín muồi (và ngược lại, không thực thể bạo động nào có thể thúc ép khi nó không là cái tất thiết).

Vấn đề còn lại chính là nhận thức của giới quyền lực sẽ đẩy hiện thực vào bối cảnh nào. Thay đổi hòa bình hay chuyển biến vũ lực đều là do họ. Chỉ là, trì hoãn càng lâu, sự phân rã xã hội càng rộng, tàn phá kinh tế càng lớn, hậu quả chính trị càng nặng, hụt hẫng chiến lược càng sâu.

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Từ "Nhân văn giai phẩm" đến Trương Duy Nhất:" Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.

Trong tiến trình lịch sử của mình,Đảng CSVN đã trải qua khá nhiều thăng trầm,biến động.Bên cạnh việc đối phó với"giặc ngoài",Đảng nhiều lúc cũng phải vận dụng rất nhiều sách lược để chống"thù trong".
Một trong nhiều sách lược đó là cách vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mac Lê nin,của chuyên chính vô sản vào việc "ghép tội"bọn "phản động".
Việc ghán tội này đôi lúc không cần bọn chúng có"tâm phục,khẩu phục"hay không,chỉ cần đám nông dân"mo cơm quả cà"theo Đảng đi làm cách mạng thấy "thông suốt","công bằng"là được rồi.Bởi để bảo vệ chính quyền từ khi còn non trẻ đến lúc trưởng thành,kim chỉ nam trong mọi hành động của Đảng đó là không ngại sai lầm.Chỉ khi có "sai" mới có"sửa sai",đời không ai toàn vẹn cả.Vấn đề là cái khoảng cách ở giữa sai và sửa sai đó là số phận bi thảm của biết bao cá nhân,biết bao cuộc đời của những công dân vô tội.
Không phải đến tận bây giờ người dân Việt Nam mới biết lên tiếng đòi tự do dân chủ.Từ những năm 50 của thế kỷ trước,phong trào "Nhân văn giai phẩm"(1955-1958) đã ghi dấu như như một mốc son chói lọi của nền dân trí Việt Nam.Trí thức Việt như Nguyễn Tuân,Quang Dũng,Bùi Xuân Phái,Hoàng Cầm,Phan Khôi,Trần Dần,Lê Đạt,Văn Cao...đã cho thấy họ không phải là những con cừu dễ sai khiến.Tự do,dân chủ cho văn nghệ sĩ,trả lại nghệ thuật cho nghệ thuật là những tôn chỉ của phong trào này.
Việc ghán tội cho họ được Đảng khái quát như sau:
-Kích thích chủ nghĩa cá nhân tư sản, bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản.
-Xuyên tạc mâu thuẫn xã hội, khiêu khích nhân dân chống lại chế độ và Đảng lãnh đạo.
-Chống lại chuyên chính dân chủ nhân dân, chống lại cách mạng xã hội chủ nghĩa.
-Gieo rắc chủ nghĩa dân tộc tư sản, chống lại chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Số phận của họ trước và sau khi sửa sai đã được nhiều thông tin báo chí nhắc đến,ở đây người viết chỉ đề cập đến nỗi oan khuất của một người phụ nữ ,bà Thụy An ,nhũ danh Lưu Thị Yến.

Thụy An là nhà văn nữ duy nhất bị kết án ‘phản động’, ‘gián điệp’… với hình phạt 15 năm cải tạo thuộc ngũ nhân bang Nhân văn - Giai phẩm, dù tác phẩm của bà không phê phán chế độ một cách quyết liệt hay thâm trầm như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Phan Khôi…

Là người có khiếu thơ văn từ nhỏ , năm 13 tuổi bà đã có thơ đăng trên báo Nam Phong (1929) và 3 năm sau, lại nhận được giải thưởng văn chương của Triều đình nhà Nguyễn. Bà Thụy An đã từng làm chủ nhiệm những tờ Đàn Bà Mới (Sài Gòn), Phụ Nữ Tân Văn (Sài Gòn), Đàn Bà (Hà Nội), một thời là quyền giám đốc Việt Tấn Xã và phóng viên chiến trường.
Cáo trạng về bà được tóm lược như sau:
“Thụy An là một tên gián điệp lợi hại của bọn đế quốc. Khi hòa bình được lập lại, y đã nhiều lần xuống Hải Phòng bàn định kế hoạch hoạt động gián điệp phá hoại với bọn tay sai của Mỹ – Diệm. Sau khi Chính phủ ta tiếp quản Hải Phòng, y trở về Hà Nội, chịu mệnh lệnh của một số phần tử người nước ngoài trong đó có tên là Đuya-răng, thi hành những âm mưu và hoạt động phá hoại miền Bắc nước ta. Âm mưu của chúng nhằm xuyên tạc sự thật, khích động lòng người, gây nghi ngờ, hoang mang chống đối với chế độ dân chủ nhân dân.{ Về vụ xử gián điệp, báo Thủ đô Hà Nội ngày 21/01/1960 (số 382) tr. 4}
Tên bà được nêu lên hàng đầu trong hàng ngũ phản động với nhãn hiệu “Con phù thuỷ xảo quyệt” và những lời lẽ độc địa nhất dành cho bà: “Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò tới các câu lạc bộ Hội Nhà văn phun nọc độc mạt sát chế độ ta bần cùng hoá nhân dân”.

Vụ án Thụy An có phải là một vụ án chính trị hay là một sự quy kết oan uổng?Hãy nghe những người trong cuộc lên tiếng:
Nhà báo Nguyễn Hữu Đang:
“Bà Thụy An không tham gia gì vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cả. Bà ấy không viết một bài, một câu, một chữ nào cho Nhân Văn cả. Bà ấy cũng không hề mách nước, bàn bạc gì với người khác hay với tôi bao giờ cả. Không, không hề có, tuy rằng có quan hệ, thỉnh thoảng có gặp nhau, cũng nói chuyện”.
Nhà thơ Lê Đạt cho biết:"“Tôi có thể bảo đảm 100% chị ấy không phải là gián điệp. Tại vì thế này: Nếu là gián điệp thì phải có chứng cớ chứ! Chị nhận tiền của ai? Nhận tiền ở đâu? Liên lạc với ai? Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy đó là một câu hỏi mà nhà nước chưa trả lời tôi được. Chưa có chứng cớ thì làm sao có thể kết luận người ta là gián điệp được. "
Thế nhưng bất chấp tất cả,người ta vẫn tống bà vào trại cải tạo với mức án nặng nhất trong nhóm"Nhân văn giai phẩm" và khiến bà phải hủy hoại một con mắt ,để sau này nhìn đời bằng nửa mắt.
Năm 1958, bà Thụy An đã từng nói: “Thế giới chỉ cần vài trăm người đàn ông đàn bà QUẢ CẢM. Thực hành QUẢ CẢM đó là những người dám tin vào CHÂN LÝ, dám diễn đạt CHÂN LÝ trong cuộc sống. Những người không run sợ trước CÁI CHẾT, hơn nữa còn chào mừng CÁI CHẾT.
Nữ văn sĩ Thuỵ An mất tại Sài Gòn năm 1989 khi chưa kịp sang Hoa Kỳ đoàn tụ cùng con cái. Đám tang của bà chỉ có vài người họ hàng thân thuộc và chòm xóm. Một cái giá quá đắt cho một con người đã cống hiến quãng đời 15 năm và một con mắt tại trại cải tạo.Nỗi oan khuất của bà cho đến ngày xuống mồ vẫn chưa được sáng tỏ.
Tiếp sau Nhân văn giai phẩm là vụ án "xét lại chống Đảng" mà nhận định sau đây quả thật không ngoa:"Có thể nói, sau những sai lầm, oan trái rộng rãi trong Cải cách ruộng đất và Chỉnh đốn tổ chức (1956), thì đây là vụ án oan sai lớn nhất trong lịch sử Ðảng ta, xét về quy mô, tính chất. Và, có thể nói , đây là vụ án oan sai lớn nhất trong hàng ngũ những người yêu nước Việt Nam của thế kỷ XX".
Thiết nghĩ cũng chẳng cần nêu lại dài dòng việc Đảng đã làm cách nào để ghán tội cho những người yêu nước như Hoàng Minh Chính,Vũ Đình Huỳnh,Lê Trọng Nghĩa,Đỗ Đức Kiên...chỉ biết rằng mấy mươi năm sau lịch sử đã được viết lại và thực chất sau này như Trao đổi với BBC ngày 02/12/2013, nhà văn Vũ Thư Hiên nói ông và những người khác bị bắt và bị bỏ tù trong vụ án "Xét lại chống Đảng" chỉ là những 'con dê tế thần' của một âm mưu trong nội bộ Đảng Cộng sản khi đó, mà theo ông là để hạ uy tín của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Oan sai nối tiếp oan sai,Đảng vẫn chẳng hề rút kinh nghiệm và tiếp tục ghán tội cho những người yêu nước khác.Lần này là những người làm chính trị nhưng tội danh lại không liên quan đến chính trị như luật sư Lê Quốc Quân với tội trốn thuế,Cù Huy Hà Vũ với hai bao cao su...Dường như Đảng nhận ra rằng khoác cho bị cáo chiếc áo tù thường phạm có vẻ dễ ăn nói với dân hơn là tù chính trị...Đây cũng là một sáng tạo độc đáo nữa trong việc vận dụng chuyên chính vô sản vào từng thời điểm thích hợp.
Dư luận trong những ngày qua đang hồi hộp chờ đợi tài ghán tội của Đảng ta ở vụ án Trương Duy Nhất.Theo bài viết trên báo CAND và cũng có thể là cáo trạng thì thắp đuốc cũng không tìm ra đâu là tội trạng.Bởi muốn kết án thì phải dựa trên luật,mà luật thì lại chung chung mơ hồ.Kiểu này lại phải nhờ đến sự kết hợp tài tình của bộ tam:tòa án,viện kiểm sát và bộ công an.
Bắt Nhất bảy tháng trước với điều luật 258 tội lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.Nhưng tìm cho ra cái" tự do dân chủ "bị lợi dụng và cái" lợi ích nhà nước" bị xâm phạm trong cái bài báo của Nhất cũng là khó.Vì vậy hết một cái lệnh tạm giam 4 tháng vẫn không xong đành phải ra thêm một cái nữa.Khổ nỗi Nhất lại thuộc loại cứng đầu,chẳng thèm nhận đại một cái tội nào đó cho Đảng đỡ mất mặt.Xem ra thì Nhất chỉ có một cái tội là "láo",dám chê Thủ tướng viết sai lỗi chính tả,chê chất lượng chính phủ tệ hại...Nhưng hình như những tội này không có trong luật.
Vậy xem ra phải chờ.
Hôm nọ đọc một comment trên FB của một bạn trẻ nói rằng trong vụ án của Nhất có bóng dáng của bao cao su...
Mình không đồng tình.Nói vậy thì coi thường sự sáng tạo của Đảng ta quá.
Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Trương Duy Nhất trước cánh cửa nhà tù:khom lưng hay ngẫng cao đầu?

 Hai mươi sáu năm mới gặp lại Nhất, không phải trên FB, nơi bắt đầu những mối quan hệ và cũng là nơi bẻ gãy các mối quan hệ, mà là trên những trang blog thấm đẫm một cá tính rất Quảng Nam, mảnh đất mà Nhất đang sống-”Một góc nhìn khác”.

Những vấn đề Nhất đề cập không mới, cũng là những điều mà hầu hết những người có chút ít tri thức đang trăn trở,nhưng cách suy nghĩ thì rất mới. Đó là cách lập luận, diễn đạt trực diện, thẳng thắn, không quanh co,  úp mở. Dù không đồng tình với một vài quan điểm mình vẫn phải thừa nhận rằng Nhất là người rất có chí khí. Đó không hề là chí khí của một kẻ thất phu, một kẻ không biết mình là ai như luận điểm mà bài báo rẻ tiền kia cố tình gán ghép, mà đó là chí khí của một kẻ rất hiểu rõ giá trị của mình, một công dân trong một nước độc lập.
 ”Một góc nhìn khác” của Nhất chính vì vậy không phải là góc nhìn của một kẻ tự cuồng, tự cho mình là vĩ nhân để đi phê phán người khác. Nó xuất phát từ một cái quyền rất căn bản của con người đó là quyền tự do ngôn luận. Quyền này rành rành trong hiến pháp Mỹ 1789, trong tuyên ngôn nhân quyền mà Việt Nam là một thành viên và cũng có trong cả hiến pháp CHXHCN Việt Nam 1992 (Điều 69 hiến pháp 1992,điều 4 luật báo chí). Thế Trương Duy Nhất có lợi dụng quyền đó để xâm phạm lợi ích nhà nước XHCN không?  Thế nào là lợi dụng và thế nào là xâm phạm?
Văn bản pháp luật mang tính quy phạm chặt chẽ không thể có lối nói trừu tượng, chung chung mà phải cụ thể. Về điểm này rõ ràng để luận tội Nhất chỉ là một cách ghán ghép.áp đặt và bao biện. Vì rõ ràng Nhất chỉ “lợi dụng” quyền của người công dân để “xâm phạm”vào lợi ích của các nhóm , tập đoàn tham nhũng,của những phe cánh ăn trên mồ hôi nước mắt của đồng loại. Nếu buộc Nhất ở mặt này trước hết phải buộc tội ông Trương Tấn Sang người tuyên bố”tham nhũng là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết”,của ông Nguyễn Phú Trọng: “cả một bầy sâu ,chúng ăn hết phần của dân”, của bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: “ăn hết của dân không chừa một thứ gì”. Tại sao quan nói được mà dân thì không thể?
 Nói Trương Duy Nhất đi ngược lại quan điểm và lương tâm người cầm bút. Thế thì quan điểm và lương tâm người cầm bút là gì? Đó phải chăng là lên tiếng bảo vệ sự thật và trung thành với sự thật? Thế thì hãy lược lại tất cả những bài báo của Nhất thử xem bài nào không đúng sự thật. Chẳng lẽ nói Thủ Tướng viết không đúng chính tả là sai sự thật, chẳng lẽ nói kinh tế Việt Nam” tuột dốc, lạc hậu ,nát bươm…” là sai sự thật, trong khi các báo cáo kinh tế của Bộ Tài Chính, Bộ Đầu Tư Kế hoạch, các công ty tập đoàn đang chỉ ra kinh tế Việt Nam đang ở trên mây ?
.Một lối quy chụp vô căn cứ. Bài “Chất lượng chính phủ quá tệ” cũng chỉ là một bài tổng kết đánh giá ý kiến bạn đọc trên chính trang blog của Nhất nhưng cũng phản ánh khá chính xác cách nhìn của nhân dân hiện nay với chất lượng chính phủ hiện tại. Dựa trên cơ sở nào để nói đó là một bài viết bịa đặt, xấc láo?
Nói Trương Duy Nhất bẻ cong ngòi bút là cách nhìn của một kẻ thiểu năng về trí tuệ. Văn học, báo chí, blog là những phương tiện thông tin phản ánh hiện thực. Một xã hội tốt đẹp cũng có những mặt trái của nó và cũng cần những nhà văn ,phóng viên đi sâu phản ánh cái mặt trái đó để mang lại ý nghĩa nhân bản, giáo dục con người. Thế mới có dòng văn học hiện thực phê phán, dòng báo chí cách mạng… Huống chi xã hội hiện tại đang trên đà băng hoại các giá trị đạo đức,giá trị làm người đang ở mức thấp nhất. Điều này đã được mặc nhiên thừa nhận từ chính những người trong cuộc,từ những cán bộ cộng sản lão thành, từ đại đa số các tầng lớp nhân dân và từ chính những người đang nắm những cương vị cao nhất của cái chính thể nhà nước hiện tại. Tô hồng xã hội hiện nay một cách khiên cưỡng mới là “bẻ cong ngòi bút”.
Một xã hội luôn có hai mặt, nếu cái tốt đè bẹp cái xấu, cái thiện lấn cái ác, cái tích cực phủ nhận cái tiêu cực thì có lẽ xã hội Việt Nam 68 năm qua đã tiến tới thiên đường CSCN, và có lẽ những bài báo của Trương Duy Nhất nếu bỏ vào thùng rác thì cũng phải nói là đã làm ô nhiễm cái thùng rác đó.  Nói chi blog của Nhất có hàng trăm, hàng ngàn độc giả trên khắp mọi miền đất nước truy cập vào. Những người này không hề ngu, chỉ có điều họ không thể là con chiên nhẹ dạ của một thứ tín ngưỡng ngoại lai, không tưởng… Ngòi bút của Nhất vì thế không hề bị bẻ cong mà trái lại nó vẫn rất thẳng.
Việc từ bỏ báo sang viết blog là để giữ cho độ thẳng của ngòi bút đó. Nó chưa đến nỗi có sức mạnh như “trăm vạn hùng binh” (Nguyễn Trãi) nhưng ít ra nó cũng “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”(Nguyễn Đình Chiểu). Nó đi sâu vào lột trần ngóc ngách của tham nhũng, của các nhóm lợi ích,  của bộ máy chính quyền các cấp, của lãnh đạo nhà nước, nó khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc trong cuộc chiến giành chủ quyền với người bạn láng giềng Trung Quốc, nó ca ngợi những người lính Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ Gạc Ma, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa… Nó cổ võ phong thái lãnh đạo sáng tạo, chuẩn mực của các nguyên thủ quốc gia, cung cấp các thông tin thú vị ở hậu trường chính trị, nó bênh vực những bà mẹ VNAH, những nông dân nghèo bị cướp đất…
Yêu nước không phải là nói tốt về đất nước bởi vì thực tế nó màu hồng hay màu đen thì tất cả đều rõ như ban ngày. Không phải ngẫu nhiên mà đội ngũ blogger đang ngày càng lớn mạnh, bởi họ đứng về phía những người dân thấp cổ bé họng. Thử hỏi họ được lợi gì trong cuộc chiến không cân sức với các thế lực cầm quyền? Danh tiếng hay tiền tài,vật chất? Hoàn toàn không, đổi lại là sự an toàn bị đánh mất, tính mạng có thể bị đe dọa, tự do bị cướp đoạt vào bất cứ lúc nào. Nói rằng các blogger như Nhất đang xuyên tạc sự thật, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, gây hoang mang mất lòng tin trong quần chúng… là một cách nhìn suy diễn, cảm tính và đầy chủ quan.
Trong một hình thái nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân… thì Đảng và nhà nước chỉ đại diện cho một giai đoạn lịch sử nhất định. Người dân có quyền phản kháng hoặc lật đổ các thể chế chính trị mà theo họ là bất công thối nát… một cách ôn hòa bằng các hình thức bất bạo động. Chỉ cần họ không xâm phạm đến tính mạng và tài sản công dân… tức là không vi phạm pháp luật. Do vậy cũng đã qua rồi cái thời các trung thần can vua thì bị bắt bỏ vạc dầu sôi, cũng đã đến lúc cáo chung các chế độ độc tài đàn áp bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Bởi thể chế ,lãnh tụ ,đảng phái… chỉ đại diện cho một tầng lớp giai cấp nhất định, không thể đại diện cho tất cả người dân. Tất cả các quan điểm chính trị khác nhau đều phải được tôn trọng, khuyến khích trong một xã hội thật sự dân chủ.
Tượng Vladimir Lenin tại thủ đô Kiev bị dân chúng bị dân Ucraina giật sập và dùng búa đập nát . Photo courtesy: AP
Tượng Vladimir Lenin tại thủ đô Kiev bị dân chúng bị dân Ucraina giật sập và dùng búa đập nát . Photo courtesy: AP
Loài người từ khi thoát thai từ loài vượn đã trải qua nhiều hình thái xã hội, nhiều chế độ chính trị, tôn giáo khác nhau. Từ trong các cuộc cách mạng đầy máu và nước mắt họ biết rút ra bài học cho dân tộc mình. Một dân tộc có lẽ chưa chắc đúng nhưng đã tạo ra một xu hướng chung của cả loài người thì không hề sai. Việc lật đổ tượng đài Lênin của người dân Ucraina cách đây vài ngày lại là một minh chứng sống động cho việc nhân loại đã quyết tâm đoạn tuyệt hẳn với CNCS. Thế nhưng trong khi cả thế giới hướng về đám tang của Nelson Mandela một biểu tượng của nhân quyền, của lòng bác ái thì đâu đó trên đất nước này, nhân quyền vẫn là một món thực phẩm rất xa xỉ, chỉ có trên bàn tiệc của những kẻ có chức quyền. Các blogger vẫn bị bắt, bị hành hung, đánh đập lăng nhục… và những ngày sắp tới một blogger nữa lại được đưa ra xét xử vì những tội mà họ không hề mắc phải.
Tổng thống Obama gọi ông Mandela là "một người khổng lồ trong lịch sử, đưa một quốc gia đến công lý, và trong tiến trình này làm xúc động hàng tỉ người trên thế giới." Hơn  100 nhà lãnh đạo thế giới đã đến dự lễ truy điệu.
Tổng thống Obama gọi ông Mandela là “một người khổng lồ trong lịch sử, đưa một quốc gia đến công lý, và trong tiến trình này làm xúc động hàng tỉ người trên thế giới.” Hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới đã đến dự lễ truy điệu.
Có thể nào đất nước đã đến hồi mạt vận, mọi giá trị chuẩn mực đang bị đảo lộn? Dù sao thì chúng ta cũng phải tin dân chủ là một ý thức bản năng của con người, nó không thể vì bạo quyền mà mất đi. Và quyền được sống tự do ,hạnh phúc cũng vẫn sẽ là một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người. Gởi về Nhất những tình cảm thắm thiết, tự hào khi bạn vẫn không chịu cúi đầu. Và mong rằng bạn sẽ bước ra từ phiên tòa sắp tới với phong thái tự tin của một người biết nắm lấy vận mạng của chính mình.

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Hai mươi sáu năm,một quảng đời nhìn lại.


Mấy hôm nay bỗng như đứa trẻ nhớ nhà,chợt thấy lòng chùng xuống.Giở từng trang FB thấy mừng là bạn bè hội tụ ngày càng nhiều,dẫu chỉ là sự hội tụ trong một thế giới ảo.Ngắm từng tấm hình ,đọc từng dòng STT vẫn thấy thân quen dù đôi lúc không cùng quan điểm.Thế mới biết con người càng lớn suy nghĩ có già dặn hơn nhưng vẫn không thể mất hết cảm xúc ngày nào.Đó là những xúc cảm khi viết những dòng lưu bút,chia tay trường lớp thầy cô và bè bạn để bước vào một môi trường mới.Đó cũng là những gì được hình thành nên từ một thời gian khó,khi mà kỷ niệm là những ngày đông đói rét,bước chân lên giảng đường mà lòng luôn nghĩ đến cái bụng trống luôn kêu gọi thét gào.Đó cũng là lúc mà tình yêu ,tình bạn lúc nào cũng trong sáng,không bị chi phối bởi những dấu ấn cuộc đời.Lý tưởng dẫu có mơ hồ,hạnh phúc dẫu đơn sơ vẫn dễ dàng được chấp nhận khi khái niệm của một thời kỳ quá độ vẫn luôn là một biện giải hợp lý cho mọi bất cập xảy đến trong mỗi cá thể con người.
Hai muơi sáu năm,những người bạn của tôi hôm nay đã đủ lớn cho những suy nghĩ về thời cuộc.Họ phần lớn đang nắm những vị trí quan trọng trong một guồng máy xã hội mà tiếng nói của họ không thể xem là không đánh động đến một phần của dư luận.Đó là những nhà báo,nhà giáo,nhà quản lý văn hóa,truyền thông...Đó là những trí thức mà khái niệm của lòng yêu nước vẫn đang mông lung giữa cái cũ và mới,giữa lý luận giáo điều và thực tiễn nhức nhối,giữa chức quyền và lương tâm,giữa ý thức xấu và tốt,giữa cái vô cảm và dấn thân,giữa mặc cảm hèn và không hèn...Tất cả đang dằng xé trong nội tâm và đôi lúc được che giấu bằng những lý lẻ mang tính bao biện.Thế nhưng thực tế bao giờ cũng là câu trả lời xác đáng nhất.Nó đôi lúc như vị trọng tài công minh,vô tư mĩm cười vào thói ngụy biện của con người và đôi lúc cũng khiến họ quyết định"chọn một dòng hãy để nước trôi".
Hai mươi sáu năm,cũng tự hào và xúc động khi trong bạn bè có những tên tuổi khiến dư luận khâm phục dẫu vẫn còn đó những ý kiến tranh cãi.Dù thân lâm cảnh lao tù nhưng ý chí vẫn được bạn bè nể phục ở ý thức yêu ghét rõ ràng,phân định ở lập trường ,không làm kẻ ăn theo,nói leo,không a dua nịnh bợ để kiếm quyền chức leo cao.Có những người miệng luôn nói là hèn nhưng sự thực không hèn chút nào.Vẫn dũng cảm tấn công trực diện vào các vấn đề nóng bỏng ,gai góc của xã hội dù vẫn còn đó nỗi lo cơm áo,gạo tiền.Có những người dù không ra mặt phản biện nhưng vẫn âm thầm ủng hộ những ý kiến khách quan ,đa chiều...vẫn còn đó những trăn trở trước thực trạng đất nước và những so sánh ngậm ngùi.
Hai mươi sáu năm,hơn một phần tư thế kỷ ,tư duy được mất đang hiện hữu trong tâm thức mỗi người.Suy nghĩ lựa chọn giữa "khôn,dại"cho bản thân và cho cộng đồng đang tồn tại như một thách thức thuộc về lương tâm.Với vốn kiến thức đã được tiếp nhận,có lẻ tất cả đã dễ dàng phân định giá trị đúng sai,thực giả...vấn đề còn lại chỉ là cách chọn lựa dám bộc lộ bản thân hay không mà thôi.Làm một con cừu thường bị coi là chết nhát nhưng lắm lúc vẫn là cách chọn lựa an toàn trong bối cảnh lương tri vẫn được coi là thứ xa xỉ,kẻ dấn thân vẫn bị xem là dại dột,điên khùng.
Hai mươi sáu năm ,một thời gian khá dài ở các nước văn minh khi tốc độ,quỹ thời gian cho sự phát triển được tính bằng giây.Nhưng với nước ta thời gian có vẻ không nghĩa lý gì.Người ta vẫn an nhiên với sự suy thoái và chẳng hề nóng lòng với sự thụt lùi.Khi mà trí thức vẫn còn ngủ quên trên vận nước thì cũng không thể đòi hỏi ở sự vô cảm của mỗi người dân.Đó vẫn là căn bệnh nhức nhối của đất nước hôm nay và mai sau :
Biết không nói là hèn.
Không biết nói là điên.
Đã mang danh kẻ sĩ.
Không ngậm miệng ăn tiền.
Mong sao đất nước sẽ ngày càng có nhiều người "hèn mà vẫn biết mình hèn","điên mà vẫn biết mình điên " vậy.

Hỡi những nhà dân chủ,xin đừng mơ.


Tội nghiệp,ta biết gần đây các ngươi đang mơ được ăn miếng bánh "dân chủ".Bánh hiện đang ở trong tay ta,ngon đấy nhưng nói thật của đáng tội,chẳng ai cho không ai bao giờ.
Cách đây khoảng vài thập niên thì có cho vàng các ngươi cũng chẳng dám đòi ăn miếng bánh này.Hồi đó bánh giả bán đầy,các ngươi có tài giỏi cỡ nào cũng chẳng phân biệt được thật giả,cứ thế ngậm miệng mà nuốt.Nhưng sự đời không ai đoán trước được,cái thằng từng được coi là kẻ thù số một của đất nước,"Mỹ mà xấu" đó lại phát minh ra ba thứ quỷ quái chết tiệt,có thể ngồi một chỗ mà biết được mọi chuyện xảy ra trên quả địa cầu này.Ta đã từng tiên đoán,có thứ đó tụi dân đen lâu nay vốn dễ bảo sẽ trở nên cứng đầu,quả là y chang.Khổ cái bây giờ là thời buổi hội nhập,không mở cửa không được,mà cho tụi nó ra ngoài nhìn ngắm thiên hạ, nếm cơm canh nhà người ta thế nào cũng về chê cơm canh nhà mình.Tụi nó nói bánh của ta là bánh giả,ta biết chớ,ngu sao không biết nhưng cho chúng nó ăn bánh thật rồi không lẻ ta cạp đất ra mà ăn à.Nhưng mà "trứng không bao giờ khôn hơn vịt",tụi nó đòi cứ đòi,việc ta ta cứ làm đúng như câu ngạn ngữ"chó sủa cứ sủa,đoàn quân cứ tiến".
Việc thứ nhất là chúng nó nói ta khôn hơn người Đức,thông minh hơn người Nga.Chủ nghĩa Mác Lenin đã bị dân hai nước này chê sao ta còn dùng.Những kẻ nói ra điều này là những kẻ không hiểu gì về Mac Lê.Có thắp đuốc tìm khắp trên thế giới này cũng chẳng tìm đâu ra một chủ nghĩa đề cao tính tập thể,coi của cải là của chung,mà của chung thì không của riêng ai.Ta là nhà nước,là thể chế đương nhiên gánh vác,coi sóc tài sản chung đó,ta muốn phân cho ai thì người đó hưởng,vua chúa ngày xưa cũng không bằng,hỏi thử không lấy cái này làm nền tảng có mà dại dột.Huống chi ta còn đẻ thêm cái tư tưởng Hồ Chí Minh ở trong đó,mặc kệ cụ Hồ có cái tư tưởng đó hay không.Dù sao cụ cũng đã mất rồi,ta nói có là có, cấm cãi.Đẻ thêm cái này ta được tiếng là không theo chủ nghĩa ngoại lai,cho dù có kiên định lập trường thì cũng kiên định đi theo cái đã vạch sẵn,được tiếng vững vàng"chớ thấy sóng cả mà ngả tay chèo".Vậy nên dù có cởi trói,đổi mới về kinh tế làm ăn theo lối tư bản thì ta vẫn có thể nói đó là trước kia tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn TBCN,giờ thấy sai nên sửa lại"quân tử nhất ngôn là quân tử dại,quân tử nói đi nói lại mới là quân tử khôn".
Việc thứ hai chúng nó đòi đa đảng,đòi tam quyền phân lập,đòi tự do báo chí.Ối giời,cái này nhất định là tụi nó ra ngoài thấy người ta ăn nên làm ra vì thông thoáng nên về nhà đòi cha mẹ phải cải tiến theo đây.Ta đã nói đi nói lại nhiều lần rồi và vừa rồi cái lão Putin cũng đã nói thay ta là không có một hình thái nhà nước dân chủ nào là kiểu mẫu cả.Nó tam quyền phân lập,nó có hai đảng ta cũng có thể nói nó chẳng dân chủ vì quyền hành tập trung vào các tập đoàn tư sản đứng đàng sau nó vậy.Nó bầu cử bằng cử tri đầu phiếu ta cũng có thể nói nó gian lận trong bầu cử vậy.Nói nó cho tự do báo chí ta cũng có thể bẻ lại bằng việc nó đặt máy nghe lén mọi công dân bất kể vì lý do gì an ninh quốc gia hay kinh tế...vậy.Nói nó có nhân quyền ta cũng có thể đưa vụ đánh đập,tra tấn tù nhân ở Guantanamo vậy.Nói nó không có kẻ xin tỵ nạn chính trị thì đây vụ Edward Snowden là bằng chứng.Nói chung là bất cứ cái gì cũng có hai mặt ta cứ căng vào mặt trái của nó để dẫn chứng,bất kể đó là hiện tượng hay bản chất,bất kể lỗi hệ thống ,thể chế hay cá nhân...cứ gom vào làm một ,bất cứ luận điểm nào cũng có thể phản bác được.Phản bác không xong đuối lý thì có thể chụp mũ,lo gì.
Việc thứ ba chúng nó nói đất nước ta mãi sao cứ nghèo,giải phóng thống nhất 38 năm rồi mà GDP không bằng nước này nước nọ.Ôi dào cái này thì quá dễ,cứ việc đổ cho nước ta mới thoát ra từ chiến tranh,làm sao có thể so sánh với các nước có hòa bình ,có tiềm lực kinh tế sẵn.Với lại ông bà ta thường nói'con không chê cha mẹ khó,chó chẳng chê chủ nghèo".Nó nói nghèo do tham nhũng thì bẻ lại ta cũng xem đó là quốc sách trong việc chống nội xâm đây.Có điều chống thì cứ chống mà tham thì cứ tham,bởi hai việc đó xét cho cùng chẳng liên quan gì nhau.Còn chuyện chúng bôi đen hiện thực bằng cách chỉ ra tai nạn giao thông,tình trạng văn hóa,giáo dục y tế xuống cấp trầm trọng thì ta cũng có thể dẫn chứng ở các nước khác cũng đâu hoàn hảo như Ấn Độ tệ nạn hiếp dâm tràn lan,châu Phi bệnh tật hoành hành ngay cả ở Mỹ vấn nạn về súng ống cũng đang là vấn nạn nhức đầu...Còn chuyện so sánh ta với Hàn Quốc,Singgapore...thì cứ cho chúng sang đó ở.Ở vài tháng thử coi có nhảy lầu tự tử vì bị khinh thường không thì biết.
Việc thứ tư chúng nó nói ta cắt đất,nhân nhượng cho anh bạn bốn tốt và mười sáu chữ vàng xâm phạm bờ cõi và biển đảo mất Ải Nam Quan,một nửa thác Bản Giốc,mất Hoàng Sa ,Gạc Ma,một phần Trường Sa...Ta cũng có thể nói lại là mọi chuyện phải được thương lượng trong hòa bình,không thể để xảy ra chiến tranh vì quá khứ ta đã được bạn giúp đỡ rất nhiều.Đặc biệt trong thời gian mà chủ nghĩa xét lại hoành hành ở Liên Xô,mâu thuẫn trong phe XHCN dâng cao thì Trung quốc dưới sự lãnh đạo của Mao chủ tịch đã kiên định lập trường CNXH và đã giúp đỡ ta rất nhiều.Không có Trung Quốc ta đã không thắng Mỹ và không thể có địa vị ngày hôm nay trên trường quốc tế.Cho nên theo đạo lý của dân tộc"ăn quả nhớ người giúp cây"ta nên nhường nhịn người anh của mình tí chút,nếu có thiệt thòi thì lấy lại từ thằng em Campuchia,mặc cho nó kêu ca mất đất lâu nay,ai biểu không hiểu lẻ thường ở đời "mềm nắn,rắn buông".
Việc thứ năm chúng nó bảo ta khai thác tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt,không để lại gì cho con cháu.Các thế hệ sau sẽ kế thừa một di sản đổ nát với nợ quốc gia vượt quá mức tăng trưởng hàng năm.Điều này không khó gì,ta cũng có thể đem số nợ của nước Mỹ hiện nay ra để dẫn chứng nước nào chẳng mang nợ.Hơn nữa ông cha ta nói"con hơn cha là nhà có phúc".Con cháu chúng ta nhất định sẽ giỏi hơn cha ông,sẽ biết cách còng lưng trả nợ.Hơn nữa chúng nó đã nhắc đi nhắc lại cái câu:"thể chế chỉ là nhất thời,nhân dân mới là vạn đại".Biết nhất thời mà không biết tận dụng mới là người ngu.
Việc thứ sáu chúng nó nói ta bắt bớ giam cầm những người bất đồng chính kiến,vi phạm nhân quyền.Điều này thì rất dễ biện hộ vì từ lâu ta đã nói nhà nước này là "của dân,do dân và vì dân".Chúng nó muốn lật đổ nhà nước này tức là chống lại nhân dân,vì vậy quốc hội của ta đã thông qua các điều luật 79,84,88,258 và mới đây là nghị định 72 cho phép bỏ tù bất cứ kẻ nào lợi dụng tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích quốc gia.Mà lợi ích quốc gia là của ai...tất nhiên không thể là của những đứa chỉ biết nói bằng mồm,hoặc là của những kẻ mà bọn trẻ ngày nay vẫn gọi đùa là"anh hùng bàn phím".
Nói tóm lại "dân chủ" chỉ là một khái niệm chính trị của kẻ mạnh.Mà kẻ mạnh là kẻ nắm trong tay quyền lực.Cho dù lợi thế truyền thông hôm nay đã tương đối cân bằng hơn theo kiểu "kẻ tám lạng người nửa cân"thì vẫn không thể tránh khỏi một sự thực là chân lý vẫn đang ở trong tay kẻ mạnh.Bởi lẻ kẻ biết thì đang bị ta ràng buộc bằng luơng,bằng nhà tù;kẻ không biết thì vẫn được ta che mắt bằng ngụy biện,bằng tuyên truyền...Dẫu cho có kẻ nào có mầm mống chống đối thì sẽ bị bộ máy của ta bóp chết từ khi còn trong trứng.
Chỉ còn một cách duy nhất là hãy đoàn kết lại hỡi những nhà dân chủ.Nếu không đoàn kết được thì mọi chuyện sẽ chỉ là giấc mơ...

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Nguyễn Thuỳ Linh.

Nguyễn Thuỳ Linh.
Tôi không ngợi ca em.
Bằng những lời sáo rỗng.
 Vì sự thật vẫn là điều dễ lay động.
 Những thổn thức của một kiếp người.
 Tôi không tô hồng em.
 Như một biểu tượng thiêng liêng của ánh sáng
Dẫu em đã cháy lên những khát vọng.
 Trong tâm thức mỗi người.
 Về những điều rất thật.
 Những suy tư của em hôm nay.
 Có một phần của tôi ,của anh và bè bạn.
 Những suy tư về nhân thế.
Về lẻ phải công bằng.
 Và cả niềm tin hy vọng.
Cám ơn em đã chọn cách đứng.
Về những người nhỏ bé.
 Trong nỗi oan khuất tận cùng và đói nghèo dai dẳng.
 Em đã hé cho chúng tôi thấy.
 Tất cả vẫn còn hy vọng.

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Văn hóa phục vụ.

Định bụng không viết về đề tài này vì nó quá xưa cũ nhưng sáng nay đọc trên trang của anh Nguyễn Duy Hùng một bài viết share từ vnexpress,lại phải từ bỏ ý định.Cũng là xuất phát từ suy nghĩ về một nền văn hóa hơi khác với nền văn hóa của ta về cung cách phục vụ.Hy vọng có thể góp một phần nhỏ vào việc thay đổi nếp nghĩ của một số người để mong xã hội ta ngày một tốt đẹp lên chăng?
Nền "văn hóa phục vụ" của ta với"phở quát,cơm mắng ,cháo chửi" xuất phát từ thời bao cấp,là hệ quả của một nền sản xuất tự cung tự cấp của nền kinh tế XHCN.Nền văn hóa ấy đã ăn sâu trong lòng xã hội,ở mọi ngành nghề mà Hà Nội vẫn là nơi giữ được sự trung thành nhất tất cả đặc điểm của nền văn hóa ấy.Nơi đây khái niệm"vui lòng khách đến,vừa lòng khách đi" chỉ là một khái niệm mang tính mỉa mai tội nghiệp.Đáng thương thay,những suy nghĩ vừa làm nghèo cho mình vừa làm nghèo đất nước ấy lại tồn tại một cách dai dẳng và gần như sắp sửa trở thành một đặc trưng của người Hà Nội.Nhưng nói cho cùng cũng chỉ bởi họ không được tiếp xúc với một nền văn hóa mới,văn hóa phục vụ của các nước phát triển.
Bây giờ chắc chẳng ai lạ gì những chuyện đại loại như một tiếp viên hàng không Nhật sẵn sàng quỳ hàng tiếng đồng hồ cho một cụ già trên máy bay gác chân.Các nhân viên hải quan Hàn Quốc vui vẻ mĩm cười khi làm thủ tục nhập cảnh cho du khách.Cảnh sát Mỹ nhiệt tình hộ tống một người dân đi lạc trở về...Ở đây bài viết này chỉ muốn nói đến "văn hóa phục vụ"trong các cơ quan hành chính,trong giáo dục và đặc biệt là y tế ở nước Mỹ,nơi mà mình đã trực tiếp trải qua.
Thái độ tiếp dân ở các cơ quan hành chính Mỹ rất chuyên nghiệp.Đến Mỹ việc đầu tiên là bạn phải học và thi lấy bằng lái.Cơ quan cấp bằng này hoạt động 10 tiếng một ngày.Tất cả mọi người đến đây đều tuân thủ theo thứ tự bằng việc bốc số và chờ đợi.Nhân viên tổ chức thi và cấp bằng luôn làm đúng phận sự của mình,không có chuyện tỏ ra khó chịu hoặc nhận hối lộ.Do vậy dù có thi trượt bao nhiêu lần người dân cũng không thể phản ứng hoặc tìm cách chạy chọt.Mỗi bằng lái xe ở Mỹ có 10 điểm được"xài" trong 10 năm.Chưa hết hạng cấp bằng mới mà anh xài hết điểm thì cứ việc nằm nhà.Mỗi lần uống rượu quá nồng độ cho phép bị bắt gặp khi đang lái xe nếu lần đầu chỉ bị tù 1 đêm,trừ 6 điểm.Bảo hiểm xe vì thế tăng theo.Dân uống rượu sợ nhất khoảng này vì mỗi lần như thế mất đứt $10.000.Lần thứ hai vô tù ngồi 3 tháng hoặc nhẹ hơn thì tù ở nhà bằng loại còng đặc biệt,mỗi khi đi làm ra khỏi nhà phải gọi lên Sở cảnh sát báo tin nếu không chuông điện kêu inh ỏi.Gặp cảnh sát Mỹ quạt dừng xe,mới đầu tè cả ra quần nhưng sau đó chẳng có gì phải sợ.Chỉ có điều mấy ổng kêu gì phải làm đó,nếu bảo đưa hai tay lên mà
lại đút vô túi thì coi chừng bị bắn chết oan mạng.Ai mới đến Mỹ lần đầu mỗi lần đụng xe, gọi 911 cũng phát khiếp vì một lúc kéo đến 4 chiếc xe:2 xe cảnh sát,1 chiếc xe cứu thương,1 chiếc xe cứu hỏa.Còi cấp cứu hụ inh ỏi.Nếu thấy mình không có lỗi thì yên tâm,đi bác sĩ vài tháng cũng kiếm được mớ tiền về Việt Nam thăm quê từ bảo hiểm.Lâu dần thấy cảnh sát chẳng khác nhân viên phục vụ.Nếu có tranh cãi gì chỉ cần gọi 911,5 phút sau đã thấy họ có mặt,tách riêng hai bên ra hỏi.Nhiều kẻ lợi dụng quỵt tiền bị cảnh sát còng tay dẫn đi tức khắc bất kể họ là dân bản xứ còn mình chỉ là dân nhập cư.
Tháng trước,mình đi làm bản số cho chiếc xe mới mua,sau mọi khoảng đóng tiền thuế nhận chiếc bản số xe 243JET với cái nháy mắt"Congatulation,nine point" từ bà nhân viên mà thấy cuộc đời nhẹ tênh.Lại nhớ kỳ làm thẻ xanh,có cô nhân viên bực mình chuyện chồng con hôm trước,trong khi lấy dấu vân tay đã đè tay mình hơi mạnh,lập tức đã bị người bên cạnh nhắc nhở.Mới thấy người Mỹ rất chú trọng phong cách tiếp dân,bất kể đó là ai.
Đầu tháng tám đưa mấy nhóc trở lại trường đăng ký nhập học,khá ngạc nhiên khi thấy cu cậu nhà mình chỉ đứng yên mĩm cười và gật đầu chào trong khi các thầy cô đi qua,đi lại chào cậu tíu tít.Điều này hơi đối lập vì khi ở trong nước mình cũng từng là thầy giáo nên biết,chỉ có trò chào thầy chứ làm gì có chuyện thầy chào trò rối rít như vậy.Hóa ra họ coi học sinh là khách hàng , vì sợ mất khách nên phải săn đón mời chào.Làm thầy cô giáo ở Mỹ rất mệt,cũng bởi họ quan niệm không có học sinh ngu dốt mà chỉ có thầy cô dạy không tốt.Do vậy hiệu trưởng thì lo mất chức,thầy cô giáo thì lo mất việc,không có chuyện học sinh lo "mất học".Bởi thế họp phụ huynh mỗi tháng một lần không thấy mình yêu sách hoặc khiển trách gì là nhà trường đã mừng quá xá rồi.Cũng vì lợi dụng điểm này mà các phụ huynh người Mexico thường hay "bắt nạt" thầy cô giáo thấy mà tội.Dân Mễ ở đây là vậy,lợi dụng chính sách ưu đãi dành cho người có thu nhập thập thấp,không cần làm mà vẫn có trợ cấp xã hội,lại dễ dàng xin được bảo hiểm y tế nên tha hồ đẻ .Đẻ con ra không lo đói ,không lo thất học thì tội gì không làm 5,7 đứa dù với 5,7 thằng chồng khác nhau thì vẫn còn lợi chán.
Mấy tháng trước bà xã đêm hôm ôm bụng đau phải gọi xe cấp cứu.Bảo hiểm y tế mình hết hạn chưa mua lại được nên cũng lo ngay ngáy.Chi phí y tế ở Mỹ rất đắt đỏ.Mỗi ca cấp cứu như thế này thường không dưới $100,000.Chỉ nghĩ đến thôi cũng đã toát mồ hôi.Nhưng có bệnh thì phải nhắm mắt đưa chân thôi. Xe cấp cứu lại đưa ngay đến bệnh viện tư nhân sạch đẹp và hiện đại nhất của quận.Cũng là dịp mình tận mắt chứng kiến phương cách phục vụ y tế của người Mỹ.
Không cần hỏi han nhân thân người bệnh,họ đưa ngay vào phòng Emergency ,chỉ trong chừng nửa tiếng mình nhẩm đếm có khoảng chừng 10 người vừa y tá vừa bác sĩ thay nhau làm các việc thăm khám,lấy máu xét nghiệm,chụp hình,chẩn đoán,hội chẩn,giảm đau...Mỗi người một việc rất chuyên nghiệp.Họ không để người nhà bệnh nhân cảm thấy lo lắng một phút nào vì bên cạnh bệnh nhân lúc nào cũng có người túc trực.Đến sáng mới có quyết định giải phẫu.Bác sĩ giải phẫu là một cô gái người Trung Quốc còn rất trẻ.Họ giải thích rất rõ các chi tiết về cuộc giải phẫu và trấn an người nhà bệnh nhân rất kỷ.Họ hứa là sẽ thông báo với người nhà ngay sau khi giải phẫu hoàn tất và giữ rất đúng lời hứa.Thú thực nhìn cách thức làm việc chuyên nghiệp đó mình rất yên tâm.Và kết quả đúng như vậy.Mọi chuyện chăm sóc sau hậu phẫu phải nói rất tuyệt.Họ không để người nhà bệnh nhân đụng tay vào bất cứ việc gì,kể cả việc cho bệnh nhân đi vệ sinh hay ăn uống.Người nhà cũng không được phép ở lại phòng người bệnh vào ban đêm mà phải đến một phòng dành riêng ở nơi khác.Họ không muốn có bất cứ một sự can thiệp nào từ những người không chuyên để rồi ảnh hưởng đến kết quả điều trị.Thấy y tá làm việc bưng bê ấy cũng vất vả nhiều lúc muốn giúp đỡ nhưng họ nhẹ nhàng từ chối và bảo rằng đã được học và trả lương để làm những việc như vậy.Nếu mình nhúng tay vào sẽ làm hỏng thêm.Nếu muốn giúp đỡ cách tốt nhất là ngồi yên và cũng đừng nghĩ đến việc nhét phong bì vào tay họ vì sẽ nhận được một cái nhìn như đến từ hành tinh khác.
"Good service" là yếu tố được đánh giá đầu tiên trong văn hóa phục vụ của người Mỹ. Họ không phân biệt nghề nghiệp sang hèn mà chỉ chú trọng đến chất lượng của sự phục vụ đó.Bác sĩ,kỷ sư hay anh đổ rác làm vườn,bồi bàn... đều được xã hội tôn trọng như nhau.Có khi anh là người phục vụ ở nơi này nhưng lại là người được phục vụ ở nơi khác.Đó là một vòng tròn luân chuyển của xã hội thì cớ sao phải phân biệt giai caaps.Nếu mọi người đều ý thức được như vậy thì xã hội sẽ tránh được rất nhiều bất cập và chất lượng sống sẽ ngày càng được phát triển hơn.

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Nghĩ về Face Book.

       Con người là một loại động vật có suy nghĩ,thích suy nghĩ và lắm lúc nhu cầu được chia sẻ suy nghĩ là một nhu cầu có thực.Sự tiến bộ của công nghệ thông tin và sự ra đời của các trang mạng xã hội là một tiến bộ vượt bậc để kéo con người lại gần với nhau hơn.Nếu trước đây,khoảng cách địa lý là một rào cản lớn cho việc kết bạn thì hiện tại nó đã được giở bỏ.Yếu tố thời gian cũng không còn trở ngại.Mở một trang Face book ,một vòng kết nối...một nhóm bạn hữu ở mọi nơi trên thế giới cũng đều có thể quây quần bên một bàn tiệc nhỏ để đàm luận đủ mọi chuyện trên đời.Những vấn đề nói không xong hôm nay có thể để ngày mai...Thế nhưng trong một thế giới tương tác cũng nảy sinh lắm vấn đề đáng để suy gẫm.
       Face book là một nhật ký mở để ghi lại cảm xúc của một người nhưng lắm khi nó nó lại là một trang thông tin quan trọng phản ánh sự muôn màu của cuộc sống.Trong đó người viết status có khi là một nhà báo nhỏ và vấn đề anh ta đề cập có khi lại là một bài báo,một thông điệp không cần phải thông qua kiểm duyệt để bảo vệ cho một lập trường của một cơ quan ngôn luận nào đó.Chính vì vậy đôi lúc status của FB lại có giá trị chân thực vì người viết chỉ phải diễn tả những suy nghĩ của chính bản thân mình.Nhưng sự tương tác trong FB dưới dạng comment lại không hề chân thực.Bởi vì nhiều người vào mạng xã hội vẫn không thể cởi bỏ lại cái áo mình đang mặc,không thể ung dung coi là không có chuyện gì xảy ra trong từng cái"like"hay cmt của mình.Bởi dù sao mạng xã hội vẫn là một sân khấu nhỏ,đa chiều mà bất cứ ai cũng có thể nhìn vào.Bằng chứng lưu lại cũng sẽ tác động không nhỏ đến công danh sự nghiệp ngoài đời. Thế nhưng con người vẫn thích kết bạn trên FB hơn.Ít ra tình bạn đó không xuất phát từ những vụ lợi tính toán đời thường hoặc ít ra dù có giận nhau cũng không đến nỗi phải đánh nhau sứt đầu mẻ trán.Đối với những con người sống thiên về tình cảm thì việc được chia sẻ suy nghĩ với những người hiểu mình,đồng cảm với mình còn là một hạnh phúc vô giá.Hạnh phúc ấy không phải tiền bạc,vật chất có thể mua được.Hạnh phúc ấy không dễ tìm từ một người bạn ở phạm vi không gian hẹp.Chính vì vậy mới nảy sinh những kẻ đam mê,nghiện FB.Coi sự sụp đổ của mạng xã hội như ngày tận thế.
        Con người là một thực thể của xã hội.Sống trong một xã hội bất kỳ anh phải chịu sự tác động không nhiều thì ít của xã hội đó.Những diễn biến của cuộc sống thực sẽ tác động lên suy nghĩ của anh và khiến anh phải tìm người để chia sẻ những tác động đó.Cho nên nói anh lên mạng mà không đề cập đến các vấn đề xã hội,chính trị là một điều khiên cưỡng.Ra ngoài chợ mua đắt một món hàng,ăn một tô phở "quát",bị công an thổi phạt,bị y tá bác sĩ bệnh viện la mắng quát nạt...tất cả các vấn đề ấy nếu đem mổ xẻ đều liên quan đến chính trị,đến cách nhìn nhận xã hội của mỗi người.Vấn đề là có người dám nói,dám phản ánh có người không.Có người thấy hiện thực là màu hồng nhưng có người thấy là màu đen.Có người thấy đó chỉ là hiện tượng nhưng có người nghĩ nó đã là bản chất.Tùy theo quan điểm mỗi người để tương tác trên cơ sở tôn trọng.Bởi vì anh không thể áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình lên người khác.Mỗi cái bấm "like"trên FB đôi lúc không phải là người bấm đồng tình với người viết mà nhiều khi là để chứng tỏ mình có đọc,có quan tâm đến vấn đề đó.Suy nghĩ của một người không nhất thiết đúng nhưng sự chia sẻ trong một tập thể dù sao cũng khiến người được chia sẻ cảm thấy nhẹ lòng đi.
       Trong xã hội cái thiện thắng ác,chánh thắng tà là một quy luật.Nhưng quy luật đó chỉ đến khi có sự tác động của bàn tay con người.Là một thực thể của xã hội anh không thể khoanh tay đứng nhìn để trông chờ quy luật ấy diễn ra.Bởi như thế anh là người duy tâm,trông chờ sức mạnh siêu nhiên hay cách khác anh muốn đứng ngoài vòng xoáy của xã hội để cầu mong sự an phận.Một đám cháy lớn chỉ có thể hình thành từ đốm lửa nhỏ.Một thái độ,một biểu hiện tích cực của một cá nhân đôi lúc lại trở thành sức mạnh làm nên lịch sử nếu đặt trong cả một luồng sức mạnh tập thể.Chỉ có sự lên tiếng phản kháng thực tại mới khiến cái ác dần biến đi nhường chỗ cho cái thiện.
      Ở đời,không ai dại gì đi tìm cái khổ cho bản thân mình.Không ai tự dưng lại tỏ ra "đau đời" khi cái đau đó không phải là cái đau của quốc gia dân tộc mình.Không ai tự dưng lại tỏ ra "nhục khi cái nhục đó không phải của đồng bào mình.Ai mà chẳng có gia đình,cha mẹ,anh em ,vợ con.Chỉ có kẻ điên mới không thích tự do để đâm đầu vào chốn lao tù.Nhưng chỉ vì họ cảm nhận thực tế xã hội khác người bình thường.Họ không cảm nhận thực tế ấy qua màn hình,qua bàn tay đạo diễn mà là một thực tế rõ ràng không chối cãi.Đó là hình ảnh từng xác người ,có cả những em bé rất nhỏ...được trục vớt lên từ một chiếc xe khách lâm nạn trong vòng nước lũ.Đó là những thân thể lẫn sâu vào đá,vào đất được tìm thấy trong một vụ lở núi sập cầu.Đó là các thiếu nữ phải khỏa thân không một mảnh vải cho người nước ngoài chọn vợ.Đó là những cánh rừng dòng sông bị tàn phá,là hình ảnh của người Việt Nam trong mắt các dân tộc khác.Những cái đó không đơn thuần là tai nạn là số phận mà phân tích kỷ lỗi lớn nhất thuộc về thể chế,về cách quản lý nhà nước yếu kém,về việc quyền lực không thuộc về nhân dân.Những cái đó không hề là một cái đau giả tạo mà nó rất thực,rất đời,rất cần người để chia sẻ.Đề cập đến những vấn đề đó cũng chẳng có gì phải gọi là nhạy cảm,bởi vì tất cả đều thấy,đều biết...
Tuy vậy,một con bệnh bốc thuốc nhiều lần sẽ trở nên lờn thuốc,một vấn đề nếu nói nhiều lần sẽ trở nên nhàm chán...Nhưng vẫn cần phải nói bởi nếu không sẽ có tội lớn với con cháu mai sau.Còn nếu ai không coi đó là tội thì cũng là quyền của họ.
      Trong một xã hội tương tác bất kỳ ai cũng có thể nói lên suy nghĩ của mình.Trên FB mỗi người đều có một căn nhà và có quyền tự do trang hoàng những gì mà mình thích.Trong căn nhà đó,ý kiến chủ nhà bao giờ cũng được tôn trọng.Ai không thích chủ nhà có thể lặng lẻ ra đi mà không cần lưu dấu.Ai cảm thấy mạng xã hội là nơi không phải để chia sẻ,buồn nhiều hơn vui,ảnh hưởng đến cuộc sống thực thì việc từ bỏ nó cũng đáng nhận được sự thông cảm,tôn trọng.Vấn đề không phải là lỗi ở FB mà ở con người.Mong rằng tất cả chúng ta đều đang ở trên một bàn tiệc mà tình người,tình bạn bao giờ cũng vẫn mãi mãi là những giá trị vĩnh hằng,thiêng liêng.














Face Book.

Từ ngày Fây Búc vào ta.
 Bạn tôi có đứa hóa ra thằng khùng.
 Nửa đêm với vợ trong mùng.
 Hắn chọt ,hắn bấm lùng bùng chẳng tha.
Mặc kệ vợ mắng vợ la.
Hắn ta giả điếc bỏ qua trả bài.
Thấy không ổn chuyện đường dài.
 Vợ hắn bắt hắn bái bai ngay liền.
 Dẫu lòng thấy tiếc vô biên.
 Ý vợ đã quyết, chẳng điên chút nào
Bây giờ dạ thấy nao nao.
Mỗi khi nhớ bạn lén vào lén ra
 Nghĩ cũng tội cho hắn ta.
Bạn xưa tụ lại để mà chia vui.
 Những đắng cay lẫn ngọt bùi.
 Được san sẻ hết cũng vơi nỗi lòng
Khoảng cách dẫu có mêng mông.
 Tình xưa vẫn giữ trong lòng đắm say
 Ngẫm bạn bè thấy hay hay.
Bao nhiêu năm ấy chẳng thay đổi gì.

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Chẳng có cái "dại"nào bằng.

      Sáng ra đọc báo lại thấy một đứa" ngu" nữa chui đầu vào rọ.Tự hỏi sao trên đời vẫn còn nhiều đứa "ngu" thế.Tháng sáu,khi mà trái đất đi gần mặt trời nhất trong quỹ đạo hình elip của nó thì cái nóng khắc nghiệt đang bao trùm cả thế giới.Lúc này,điều cần thiết là phải dịch chuyển về phía biển,ở những nơi có nước và gió để tránh nắng,để tận hưởng không khí thoáng mát ,thì có kẻ vẫn phải chui đầu vào cái phòng giam ngột ngạt,ẩm thấp và nóng đến kinh người."Một ngày tù nghìn thu ở ngoài",tự do không có ,lại thêm đám ruồi nhặng thì nhau rủa sả,châm đốt...Ôi,chẳng có cái dại nào giống cái dại nào,khi mà cái dại đó chẳng xuất phát vì mình.Đúng là kẻ dở hơi,cho ăn học lắm vào lại đi ôm chuyện bao đồng.
      Hắn nghĩ hắn là ai mà đi lo chuyện nước chuyện dân.Việc cải cách,việc chấn hưng đã có một bộ máy do dân bầu ,ngày đêm suy nghĩ bạc tóc còn lo chưa xong nữa là hắn ,chỉ một cái laptop,một trang blog...Đúng là những kẻ đội đá vá trời,mang nỗi cuồng vọng trong thoáng chốc có thể trở thành vĩ nhân.
      Đành rằng những kẻ bỏ tù thằng " ngu" đó không thể nhân danh cái gì để tước đoạt tự do của hắn.Tổ quốc ư,không hề.Luật pháp ư?Thật buồn cười .Công lý ư?Thật mỉa mai .Nhưng chúng có cái còng và khẩu súng.Đừng đùa với kẻ mạnh.Tránh voi chẳng xấu mặt nào.
      Ít ra cũng không phải thấp thỏm lo âu khi đang đêm hôm chúng có thể tới hốt đi bất cứ lúc nào. Cái kim chưa chích tới mình thì không việc gì phải lo.
     Tham nhũng hối lộ ư?Chúng ăn của chung chứ đâu đụng tới của mình.Mà của chung thì không phải của ai.Tai nạn ư?thì nước nào mà chẳng có,giày dép còn có số huống chi người.Giành cướp đất ư?Cái đó để cho tụi nông dân chúng nó làm,chúng nó tranh đấu.Ông không liên quan việc gì phải xía vô.Dân chủ,nhân quyền ư?Những khái niệm xa vời chỉ dành cho bọn vô công rỗi nghề..
       Nói tóm lại,ông không đụng đến ai và cũng mong không ai đụng đến ông.Mặc kệ chúng mày nói ông hèn.Thì đã sao.Người ta chỉ bỏ tù thằng "ngu" chứ không ai bỏ tù thằng hèn.

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Lương tâm.

       Bỗng nhiên hắn cảm thấy đầu óc trống rỗng,không cảm xúc,lạc lỏng đến kỳ lạ.Trạng thái lãng đãng của một người không trọng lượng,trôi tự do trong không gian,điều mà hắn vốn chưa từng được nếm trải bất chợt đến khiến chân tay hắn trở nên bủn rủn,mất hết sức sống.Tất cả quay cuồng,mụ mị ,hư ảo đến cùng cực và cũng vô lý đến cùng cực.Không thể tin những gì trước mắt là thực.Nhưng dù có véo mạnh vào má,vào tay ,vào bụng hắn cũng thấy là mình không hề mơ ngủ.Vợ hắn nằm đó,mắt mở to nhìn vào khoảng không trước mặt.Bất giác hắn nhìn lại mình.Một dòng máu ứa ra từ phía dưới bụng,dòng máu cứ chảy mãi không cầm lại được.Không,bi kịch chỉ có thể xảy đến với bất kỳ ai kia ngoại trừ gia đình hắn.Rõ ràng đây chỉ là một giấc mơ.
        Có tiếng trẻ con khóc bên ngoài.Thằng bé thứ hai đang khát sữa,đòi mẹ.Đứa con gái đầu sợ hãi nép mình thu lu một góc,mắt ậc nước vô hồn.Trong đầu óc còn non nớt của nó dù có giàu tưởng tượng đến đâu cũng không thể sắp xếp được một kịch bản rùng rợn như thế.Ba mẹ cãi nhau,to tiếng rồi im lặng.Một sự im lặng đến ghê người.Có thể nghe thấy tiếng còi tàu xa xa,tiếng kèn xe cấp cứu lao đi trong đêm.


         Ngồi hàng giờ trước trang bản thảo ,Phương vẫn bất lực không viết ra được chữ nào.Cái đầu hắn cứ trơ ra như đá.Cảm xúc không có,ý tưởng lại càng không.Nghĩ đến bộ mặt của lão tổng,hắn càng thêm nóng ruột.Một tháng ba bài,năm tin cứ thế mà làm.Viết cho đủ số chờ lãnh lương thì không khó,hắn có thể đẻ được cả chục bài.Vấn đề là viết xong cứ thấy nó nhàn nhạt,nhàn nhạt,không bản sắc,lắm khi xấu hổ với cả chính mình.Nhưng có sao,đôi khi hắn chậc lưỡi,mặc kệ.Đâu phải hắn viết báo để cầu danh tiếng.Hắn cần có cái để đổ vào mồm,để vợ hắn thôi không lải nhải mỗi cuối tháng nhà không tiền,điện cúp,gạo hết,lại thêm tụi nhỏ cứ léo nhéo khóc vì trăm thứ bệnh tật đến trong những thân thể ốm yếu vì suy dinh dưỡng.
          Thú thực thì lúc đầu vợ hắn cũng rất "ngưỡng mộ" cái thẻ nhà báo của hắn.Ra đường có lỡ phạm luật giao thông,chỉ cần "vô ý" để lẫn cái ấy kèm theo giấy phép lái xe là đã thấy thái độ của mấy tay công an đổi khác,không còn hống hách như trước.Đến bệnh viện khám bệnh,bác sĩ y tá cũng nói chuyện nhỏ nhẹ hơn khi biết là vợ nhà báo.Mấy anh giám đốc doanh nghiệp thì trọng vọng hơn,lắm khi cầu cạnh để được đăng một cái tin,một bài báo để mọi người biết tới.Thế là tự dưng lại thấy làm nhà báo cũng có địa vị xã hội đấy chứ,ít ra thì có lắm kẻ không dám bắt nạt mình.
          Nhưng chẳng bao lâu vợ hắn đã thấy mình lầm.Trong thời buổi báo chí mở cửa,tìm mọi cách thu hút độc giả để bán quảng cáo thì tờ báo của hắn lại vẫn là tiếng nói của cơ quan Đảng bộ tỉnh.Lương phóng viên được bao bằng ngân sách,bài vở khoán hàng tháng,cố gắng cày lắm mới vượt chỉ tiêu thêm được đôi ba đồng nhuận bút còm ,không đủ đổ xăng hoặc ăn sáng.Hàng tháng hắn vẫn đưa lương đều cho vợ,chỉ giữ lại vài chục ngàn dằn túi mỗi lần đi cơ sở.Giao hết cho bà xã tính toán,lắm lúc hắn cũng thấy áy náy.Nhưng biết làm sao hơn,nếu muốn cải thiện kinh tế hắn buộc phải nhúng chàm.Như thế thì phải từ giã những giấc ngủ ngon.
         Vợ hắn,chẳng khác gì vợ Thứ trong "Sống mòn" của Nam Cao,bả không xấu nhưng cũng quá mỏi mệt với cơm áo gạo tiền.Đồng lương cô giáo dạy văn cấp 3 không đủ xoay xở mỗi lúc con cái ốm đau nên lắm lúc khuôn mặt ấy lại đăm chiêu,cau có.Đôi lúc hắn cảm thấy chán nản khi suốt ngày cứ nghĩ đến tiền.Điều đó khiến hắn nghĩ mình quá tầm thường.Nhưng vợ hắn không cho là vậy.Cuộc sống với quá nhiều lo toan khiến cô giáo ấy không còn lãng mạn với những áng văn thơ trong sách vở nữa.Cô ta có thể tranh cãi ,mặc cả với từng mớ rau con cá ngoài chợ,tiết kiệm chi li từng đồng mỗi khi quyết định mua sắm .Cũng khổ,lắm lúc thấy vợ lẩm nhẩm tính toán mà tội.Cuối tháng bao nhiêu thứ phải chi,tiền chợ,tiền điện,tiền xăng,tiền học phí cho con;lại thêm cưới hỏi,tang lễ,sinh nhật...trăm thứ bà lằn,không cân nhắc là chết.Chứng kiến cảnh ấy,hắn muốn nhắm mắt làm liều.Nhưng rồi lại nghĩ,có được lần đầu sẽ có lần sau.Lại quay về với những tin xe cán chó,những bài báo tô hồng vô thưởng vô phạt.
        Trong thời buổi người ta có thể mua bán bất cứ thứ gì hắn lại không dám bán thứ mà hắn có:lương tâm.Đúng đây là thứ không thể ăn được nhưng lại có thể làm cho hắn tự hào.Ít ra hắn cũng không đến nỗi vô cảm khi đối diện những mảnh đời bất hạnh,không bàng quan khi chứng kiến những tai nạn đau lòng,những vụ án cướp của giết người ghê rợn.Hắn không bán cảm xúc đó để đổi lấy những bài viết câu khách mà đôi khi tự vấn lương tâm hắn vẫn cho là kiếm tiền trên nỗi đau của đồng loại.Thế nhưng lưong tâm không thể quy đổi ra vật chất.Mười mấy năm trong nghề báo gắng lắm hắn mới sắm được chiếc Honda Wave cũ kỷ.Xăng phải đổ từng lít.Bạn bè có muốn mượn cũng phải tìm cách từ chối khéo.Hắn chăm chiếc xe rất kỷ nhưng vẫn cứ bị nó dở chứng,mỗi lần như vậy lại ngốn của hắn tất cả số tiền dành dụm được.Thế là vợ hắn lại được dịp đay nghiến.Hắn rất bực mình vì cô ta cứ đem hắn so sánh với người này người nọ. Đồng nghiệp hắn nhiều đứa khéo luồn lách,đi cơ sở viết bài ăn tiền nhuận bút là chuyện nhỏ,chuyện tụi nó được dúi phong bì không còn là chuyện lạ.Phóng viên đến đâu yêu sách đến đó.
        Trong các chầu nhậu ,hắn từng nghe nhiều thằng bạn chửi đổng vì nhiều nơi dám đãi rượu đế,trong khi ít nhất cũng phải là bia hoặc rượu ngoại.Bất cứ cơ quan địa phương nào muốn được tiếng tốt cũng phải mất tiền.Đó hầu như là luật bất thành văn.Nhưng hắn đâu phải là hạng người như vậy.Đến cơ sở,việc đầu tiên là trình giấy giới thiệu,rồi thì tự lo cho bản thân.Bởi hắn biết dính vô mấy chuyện nhậu nhẹt,hắn sẽ không thể điều khiển được ngòi bút.Mà như vậy chẳng khác gì một con rối.Nhục lắm.
        Nhiều khi hắn cũng cố gắng tâm sự chuyện tự ái nghề nghiệp nhưng vợ hắn cứ cố tình không hiểu.Cũng có thể do nghèo khó,thiếu thốn cô ta đã có cái nhìn khác.Bởi lẻ nhiều thằng bạn hắn vào nghề vài năm đã mua nhà ,mua xe.Tiền ở đâu ra?Vấn đề chỉ là khôn với dại.Khôn khéo thì có thể tìm mọi cách để moi tiền mà không hề hấn gì.Dại chỉ có nước "cạp đất" mà ăn.Làm thằng đàn ông không lo được cho vợ con thì thật là đáng khinh.Chính quan niệm này nhiều lúc làm hắn điên tiết.Cảm giác bị coi thường từ chính người đàn bà mà mình thương yêu làm máu trong người hắn đôi lúc sôi lên sùng sục.Mỗi lần như vậy hắn phải bỏ ra ngoài,lao xe đi trong màn đêm,bởi hắn hiểu tính mình.Sự kìm nén đôi lúc chỉ có giới hạn,vượt ra ngoài giới hạn ấy hắn không biết mình sẽ làm chuyện điên rồ gì.
          Hai mươi năm trước,đó là thời điểm bắt đầu một tình yêu .Hắn thường ghé đến ký túc xá Đại học sư phạm để đón nàng đi chơi vào dịp cuối tuần.Hồi đó hắn nghèo hơn bây giờ nhiều.Chỉ một bộ quần áo bạc thếch,một chiếc xe đạp cũ kỷ,trong túi không bao giờ có quá một trăm ngàn.Nàng không đẹp,cũng chẳng giàu và quan trọng là trước hắn chưa hề có một gã trai nào buông tiếng hẹn hò.Không hiểu vì yêu hay vì không thể chấp nhận đơn độc trong những chiều cuối tuần ấy,nàng thuận đi với hắn.Thế là hắn thấy cuộc đời toàn màu hồng.Hai đứa luôn có cảm giác vừa đủ của những kẻ đang yêu.Dẫu không có cái men say ngây ngất,choáng váng của thứ tình yêu lãng mạn,bay bỗng nhưng ít ra đó cũng là vị ngọt mà bất cứ ai cũng mong một lần được nếm trong đời.Hắn không đòi hỏi gì nhiều và lấy làm thỏa mãn.Chỉ có điều hắn biết nàng là người giàu tham vọng.Nhưng đi với hắn nàng cũng khéo léo che lấp điều này.Cả hai trải qua bốn năm đại học với không nhiều những dấu ấn đáng kể.Có lẻ nàng an phận bởi với điều kiện của mình,bởi cũng khó kiếm được một gã trai nào khỏe mạnh,có học mà lại chân thành hơn hắn.Mối tình rồi cũng kết thúc bằng một đám cưới.Và hai đứa con lần lượt ra đời.
        Vợ hắn không phải là người đàn bà khô khan.Chỉ riêng việc chọn ngành sư phạm Văn cũng đủ lý giải điều đó.Thế nhưng cuộc sống đã làm người đàn bà đó không còn lãng mạn.Ban đầu là những va vấp nhỏ nhặt.Lâu dần chúng tạo nên khoảng cách và khoảng cách càng ngày càng lớn khi cả hai cứ luôn giữ cá tính của mình.Lúc mới cưới,vợ hắn cũng chấp nhận một cuộc sống đơn giản,tất cả đều đổ lỗi cho số phận.Nhưng càng ngày quan niệm đó càng thay đổi.Khái niệm chức quyền,vật chất không đơn thuần chỉ là sự so sánh mà còn là thước đo để đánh giá năng lực của một người đàn ông.Hắn biết rõ năng lực của mình nhưng không biết cách để giải phóng nó.Rốt cuộc hắn lại chọn cách an phận với suy nghĩ của mình.Đã thế hăn còn không phải là một người chồng lãng mạn.Loại người chồng luôn tặng hoa cho vợ nhân ngày sinh nhật,dỗ ngọt vợ bằng bữa cơm dưới ánh đèn cầy,hoặc làm lành trước mỗi khi vợ giận...Chính vì vậy,cuộc sống chăn gối của cả hai cũng trở nên ,nhạt nhẽo.Đôi lúc hắn thấy cô ta cố gắng nhắm mắt làm tròn nghĩa vụ người vợ mà tự ái đàn ông trỗi dậy.Lâu dần hắn cũng mất hết cảm giác.
        Không thành công trong sự nghiệp cộng với thất bại trong hôn nhân khiến hắn đâm ra chán đời.Những bài báo ,phóng sự của hắn càng đi sâu vào mặt trái của xã hội.Hắn phản ánh bất công mà không cần kiêng dè bất cứ điều gì.Rất nhiều lần hắn bị tổng biên tập gọi lên trách mắng vì động chạm đến nhiều vấn đê,nhiều nhân vật "nhạy cảm".Tuy vậy hắn cũng chẳng còn thấy sợ việc bị C14 mời lên "uống cà phê" nữa.Lâu nay,trong đầu hắn luôn có một lưỡi kéo vô hình,tự kiểm duyệt,cắt bỏ những suy nghĩ hắn cho là đúng.Nay thì lưỡi kéo ấy được xếp qua một bên.Hắn không muốn làm một người lính cảm tử nhưng ít ra sự dũng cảm cũng làm lương tâm hắn trở nên dễ chịu hơn. Vợ hắn đã bỏ hẳn việc giảng dạy,đứng lớp để chuyển sang kinh doanh.Các mối quan hệ làm ăn đã buộc cô ta vắng nhà thường xuyên.Kinh tế gia đình khá dần lên qua từng món đồ mà vợ hắn mang về.Nhưng đổi lại,hắn phải gánh thêm việc chăm sóc con và làm việc nhà.Không thể nói tổ ấm là một địa ngục nhưng chiến tranh lạnh luôn ngự trị trong bốn bức tường.Giờ đây người lên tiếng đòi bình đẳng không phải phụ nữ mà là hắn,thằng đàn ông trong nhà.Nhiều lúc hắn cũng muốn làm cho không khí bớt nặng nề nhưng vợ hắn có vẻ không quan tâm .Khi trái tim không còn hướng về nhau thì một va chạm dù nhỏ nhặt cũng có thể biến thành một đám cháy lớn.Hắn thấy thương hai đứa con nhỏ nhưng vẫn không thể tìm ra lối thoát.Đôi lúc hắn thức cả đêm,ho khục khặc vì thuốc lá,cà phê và cũng vì những bài báo còn viết dở dang.
      Dạo này vợ hắn bỏ nhà đi qua đêm đâu hai ,ba ngày mới về nhà,bộ dạng phờ phạc vì thiếu ngủ.Hắn muốn hỏi cũng không kịp bởi cô ta đã bỏ vào phòng đóng kín cửa.Rồi thì là những tiếng rì rầm trò chuyện điện thoại hàng giờ liền với ai đó.Với cô ta ,hắn dường như không còn tồn tại.Bực mình hắn lại lao vào viết.Những bài viết của hắn bây giờ lại có sức sống kỳ lạ.Hắn tấn công trực diện vào những vấn đề gai góc nhất,nóng nhất.Ít ra hắn cũng đã biết cách xả chiếc bình đang căng tràn áp suất để giữ cho nó không phải nổ tung.
      Nhưng càng viết cái mặc cảm là một"thằng hèn" vẫn ngự trị trong lòng hắn.Bởi hơn ai hết,hắn biết những bài báo như vậy sẽ không bao giờ được đăng.Hắn viết cũng chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình.Cái tôi của một thằng đàn ông bị khinh bỉ ,thương hại.Chỉ mới đây thôi,tin tức về một đồng nghiệp bị vợ cắm sừng,dẫn tới cái chết đau đớn vẫn còn xôn xao dư luận.Hắn có cảm giác mình đang đi vào vết xe đổ ấy.Có thể nào chăng khi những biểu hiện bên ngoài đã cho thấy những dấu hiệu đáng ngờ đó.Hắn cố lắc đầu để thoát khỏi cái ám ảnh ấy.Một ám ảnh tuyệt vọng.
       Nhưng rồi cái giờ phút định mệnh ấy cũng đã tới.Nó tới vào cái lúc mà hắn không ngờ nhất.Bởi dẫu sao tối nay cũng là sinh nhật của người mà hắn yêu thương mười mấy năm qua.Hắn nghĩ đây là cơ hội để hàn gắn những rạn nứt.
       Một bó hoa hồng thơm ngát,một chiếc bánh sinh nhật,một bữa cơm tối lãng mạn và một chiếc bong bóng bay với hàng chữ "I'm sorry"được chuẩn bị trước.Chưa kể trong đầu hắn là một bài diễn văn chân thành được thảo kỷ .Có lẻ mọi chuyện sẽ trở lại bình yên.Chỉ cần hắn biết gạt đi cái tự ái to đùng của mình.
       Chiếc đồng hồ trên tường chậm chạp buông từng tiếng thong thả .Hắn đưa mắt nhìn.Mười hai giờ đêm.Đã sang ngày mới.Như vậy cái lý do hắn đưa ra cũng đang kém dần sự thuyết phục.Mặc kệ.Chỉ cần hắn chân thành.Hắn vẫn gắng tự nhủ lòng mình như thế.
       Một giờ sáng.Có tiếng kẹt cửa.Hắn mở choàng mắt.Người mà hắn chờ đợi rốt cuộc cũng đã về tới.Những bước chân xiêu vẹo,thoang thoảng trong không khí là mùi rượu.
      Chẳng rõ vợ hắn biết uống rượu từ bao giờ?
      Dẫu gì hắn cũng cố gạt mọi nghi ngờ để nhỏ nhẹ:
      - Em mới về à?
       Im lặng.Một sự im lặng khinh miệt hay thách thức ,hắn chẳng để tâm ,vội vàng xuống bếp cầm lên một chiếc khăn lạnh .
      Nhưng có vẻ đó là một hành động dại dột.Bởi vì cái hất tay của người đàn bà đã làm hắn tiêu tan những dự định trước đó.Dù vậy hắn vẫn nghĩ men rượu là tác nhân chính gây ra hành động ấy.Không sao,hắn chỉ cảm thấy hổ thẹn khi nghĩ mình cũng nhiều lần về nhà trong trạng thái như thế này.
    -Em không biết hôm nay là ngày gì à?
     Hắn nói và cầu mong vợ hắn liếc mắt nhìn qua những thứ đang bày biện trên bàn.Đáp lại là một giọng nhừa nhựa:
     - Anh làm ơn thôi giùm ba cái trò rẻ tiền này đi.Cho chúng vào thùng rác cả nghe không.
       Rõ ràng là lời nói của những kẻ đang không ở trạng thái bình thường.Chỉ có điều là cô ta không nghĩ là hắn từ lâu cũng đang bất bình thường.Vấn đề là hắn đang cố nén một cách dữ dội.
     -Anh nghĩ lâu nay tôi chịu sống như thế này là vì cái gì?Vì đồng lương chết đói của anh à.Vì cái sĩ diện nghề nghiệp hay vì cái lý tưởng đẹp đẽ trong cái nghề báo của anh.Láo toét,nói thì ai nói chẳng được.Chính nghĩa ư?Có ăn được không?
       Cô ta không hề say.Rượu dường như chỉ là chất xúc tác để cô ấy bộc lộ tất cả suy nghĩ chất chứa lâu nay.Đáng sợ là mỗi lời của cô ta lại là một vết dao cắt vào lòng hắn.Cắt thật sâu vào tâm khảm,nhức nhối.Nước mắt hắn ứa ra.
       Hóa ra lâu nay vợ hắn rất hiểu hắn.Hiểu sâu sắc từng cái dằn vặt,trăn trở của hắn trong cuộc đời này.Hiểu từng dòng chữ hắn viết ra,hiểu cái uất ức nghẹn ngào mà hắn cố nén.Hiểu cái thân phận "thằng hèn" trong cả nghề nghiệp và mưu sinh mà hắn cố giấu.  
     Chỉ có điều vợ hắn không bất lực như hắn.Cô ta phản kháng thực tại bằng cách khác.Cái chất lý tưởng của một cô giáo dạy văn đã không còn.Cô ấy không muốn đối diện với lương tâm mình để than nghèo kể khổ.Đó cũng là một cách phủ nhận cái thực tế trước mắt.Một sự phủ nhận chua chát.
      -Anh là ai?Chỉ là một sinh vật nhỏ bé trong cõi đời này.Anh muốn làm anh hùng ư.Anh muốn xóa tan những bất công trong xã hội ư?Anh làm được không,hay chỉ là trò cười cho bọn sâu mọt,đục khoét, vinh thân phì gia đang phè phỡn ngoài kia kìa.Các bài báo của anh có thể làm chúng nó sợ ư.Những dòng chữ của anh có thể thức tỉnh chúng nó à?Đừng ngây thơ quá.Hãy nhìn hai đứa con của anh đi.Từ lâu chúng nó không được ăn no,mặc đẹp,không được ở trong những cái nhà cho ra nhà,không được vui chơi cho bằng bạn bằng bè...Quá lắm anh cũng chỉ là thằng nhà báo quèn,trốn chui trốn nhủi trong cái vỏ ốc của mình...
         Hắn thấy trời đất quay cuồng.Căn bệnh trầm kha trong con người hắn lại trỗi dậy.Hắn lao đến.Vô thức,vô cảm và vô ý niệm.
      Chỉ đến khi tỉnh ra hắn mới thấy mình đã siết chặt người vợ đến nghẹt thở . Trong tay là chiếc dao cắt bánh sinh nhật đã xuyên qua vùng bụng hắn đến mấy phân.Máu chảy không ngừng.
       Nhưng hắn vẫn còn rất tỉnh táo.
        Hắn thấy mình vẫn đúng.Đúng vì vẫn còn chút tự ái của một con người.Nhưng đã sai,khi không hiểu hết người bạn đời của mình
      Giờ đây hắn chỉ muốn làm lại từ đầu.Nhưng có muộn rồi không?
      Tiếng còi xe cấp cứu vẫn vang vọng trong đêm.
       Nhưng lần này xem ra nó đã ở rất gần...







Một thoáng xao lòng.

     Sáng thức giấc,đọc những dòng chữ của cụ Bá,nửa tin nửa ngờ,không hiểu sao nay cụ lại xao lòng đến thế.Chợt nhớ ra bên ấy là tối thứ sáu,cuối tuần,có khi tâm hồn cụ đang lâng lâng vì nhiều thứ men xúc tác,dễ bộc lộ nỗi lòng.Dẫu sao cũng thấy thật cảm động.Anh em đồng môn,đồng cảm là chuyện thiên kinh địa nghĩa.Nhưng để hiểu nhau cũng phải có cả một quá trình,ít ra cũng xuất phát từ nhận thức mỗi người.Không màng danh lợi,không bon chen...tâm hồn luôn mãi với tuổi hai mươi,có lẻ gần gũi với các em thiếu nhi đã cho cụ cái sự thư thái đó.Và nói không sai,nếu coi đó như là một thứ tài sản.Bởi suy cho cùng,cuộc đời chẳng có bao nhiêu,thoáng cái mà đã"50,ừ nhỉ,tháng năm trôi".Đến lúc từ giã thế giới này ra đi rồi mới thấy,tất cả chỉ như một cơn gió thoảng qua...
       Chợt thấy tự hào với khoa Văn Tổng hợp.Hai mươi sáu năm,mỗi người một ngả rẻ,một số phận.Nhưng kỷ niệm nhắc lại vẫn tươi nguyên như ngày nào.Kỷ vật vẫn còn đó,từng tấm hình đen trắng đã cũ,từng cái phiếu ăn của thời gian khó,vẫn được gìn giữ như những báu vật.Có phải học Văn thường đa cảm,lãng mạn ,thiếu thực tế?Không ,chúng ta cũng đang phải đối diện với những nhức nhối,trăn trở đời thường.Chúng ta không hề ở trên mây.Chỉ có điều chúng ta biết nâng niu những giá trị tình cảm.Và biết lấy cái"tình"làm thước đo nhân cách con người.
        Cụ Bá ơi,cụ hỏi tại sao vẫn còn nhớ Sử Việt.Xin thưa với cụ là những gì đã ăn vào máu thì có thể nào quên.Những kẻ bỏ nước ra đi vẫn phải vật lộn với miếng cơm manh áo hàng ngày.Vẫn phải đổi mồ hôi và nước mắt để giành lấy hạnh phúc.Thành quả không hề tự nhiên mà có,bởi chẳng ai cho không chúng ta cái gì...
      Nhưng căn bản là mình còn có một trái tim.Vẫn còn biết đau vì vận nước,vẫn thổn thức khi chứng kiến những thảm cảnh đau lòng về tai nạn giao thông,lở núi,sập cầu...vẫn xót xa khi nhìn trẻ em mình đến trường bằng những sợi dây ròng rọc bắc qua các con suối cheo leo,vẫn biết căm phẫn trước mỗi bất công xã hội mà người dân đang gánh chịu và vẫn thấy vui mừng trước mỗi thành tựu của đất nước.
      Tất cả đều có hai mảng màu sáng tối.Mình không hề bôi đen hiện trạng đất nước,để rồi cho tất cả vào một màu tăm tối.Nhưng mình biết so sánh cái hay,cái đẹp ở xứ người để rồi tìm ra được những nguyên nhân căn bản sâu xa khiến nhân dân mình phải khổ,dân tộc mình chẳng thể ngẫng cao đầu.
      Bao nhiêu năm rồi,lắm lúc vẫn phải gào thét lên vì những chính sách,quan điểm bảo thủ lạc hậu trì trệ đang ngày càng làm nghèo đất nước.Nhưng nói lắm cũng chẳng ích gì.Dẫu sao đó vẫn là những kẻ tha hương.Mà tiếng nói của kẻ tha hương lắm khi vẫn cho là cực đoan,thiếu thiện ý.Đôi khi vì vậy cũng muốn buông xuôi,thôi thì xã hội có dân chủ hay không,dân tộc có văn minh hay không chẳng liên quan gì đến mình.Đó phải là một quá trình vận động nội tại của cả đất nước.Bởi dân chủ,tự do chẳng phải từ trên trời rơi xuống.Nó phải đánh đổi bằng sự hy sinh.Mà nhắc đến khái niệm của từ này,dễ có mấy ai.
       Thôi thì hãy bằng lòng với những gì mình đang có.Hạnh phúc khi tìm được một tâm hồn đồng điệu,một người bạn tâm giao.Bởi dẫu sao giữa muôn người, tri kỷ vẫn khó tìm.Anh em bè bạn vẫn là mỗi cây mỗi hoa,mỗi nhà mỗi cảnh.Có người nhìn thấy được những bất cập của xã hội,dám đứng lên phản biện để góp phần thay đổi hiện trạng đất nước dẫu thân lâm cảnh lao tù .Đó là điều chúng ta cần thấy tự hào. Nhưng cũng có người nhiều khi vì lý do tế nhị không thể bộc lộ quan điểm của mình vẫn cần được tôn trọng .Dù gì điều đó đâu có sao,chúng ta mãi mãi vẫn là những người bạn thân cùng chí hướng.Chí ít cuộc đời cũng cho chúng ta những năm tháng sống cùng nhau trong gian khó.Há gì hôm nay,chẳng kẻ nào có thể làm đổi thay hoặc mất đi điều đó.Cứ tin là như vậy đi.

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Lại chuyện thằng Nhất.

     Định bụng không nói thêm gì về Nhất nữa,nhưng sáng nay đọc mấy dòng status của Cường con bỗng thấy ngứa ngáy.Thật ra thâm tâm mình rất cám ơn hắn,26 năm mất liên lạc với bạn bè chỉ nhờ hắn quá nổi tiếng trên mạng mới biết được tin tức của Văn K7.Để vài dòng dưới blog của hắn hôm sau nhận lại được như vầy:
   -Ồ, không ngờ cái thằng Dương Ngọc Hoài Linh bặt tăm suốt 1/4 thế kỷ qua, giờ lại gặp được trên trang web của Nhất. Năm 2007 và 2009 tao có qua Mỹ nhưng không biết mày ở bên đó và ở đâu. Hi vọng có chuyến nào đó sang Mỹ lại sẽ tìm gặp mày. Chúc khỏe! Họp lớp đứa nào cũng nhắc mày đấy!Rảnh thỉnh thoảng viết vài dòng comment nhắn bạn bè VK7 trên trang web của tao cũng được, cho chúng nó biết tin mày.
      Thân: TDN (Điện thoại và email của tao ghi phía dưới).
      Thế rồi mò vào đọc các bài viết của hắn về lớp,thấy hắn cũng là đứa có tình.Nhưng tên Trương Duy Nhất thì đã nhiều người ở Mỹ biết trước đó.Chỉ là mình không ngờ khẩu khí của hắn lại lớn đến thế.Đọc các bài viết của hắn mình chỉ lạ là tại sao hắn lại chưa bị bắt.Nhớ hôm trước ngày Nhất vô tù anh em ngồi nhậu cứ nói rằng hắn là tay cò mồi.Sáng ra đã thấy tin Nhất ngập tràn các báo.Nói thật lòng mình cũng thấy hãnh diện có một thằng bạn như hắn.Trong thời buổi tôi trung chẳng dám can vua,hắn làm tôi trung can đảm như vậy mình cũng thấy thơm lây,mặc kệ hắn theo phe nào.Không biết lá gan hắn to cỡ nào nhưng khẩu khí thì đúng là của hiếm.Nghe tin hắn bị bắt mấy chị nhà mình cứ Nhất ơi,Nhất hời mãi trong khi mặt hắn trong hình vẫn cứ nhơn nhơn.Nhiều người khuyên hắn ăn ở theo thời.Nhưng mình thấy hắn chẳng làm gì sai.Đành rằng khái niệm yêu nước thì mỗi người nghĩ một cách.Nhưng với mình hắn là đứa yêu nước thật sự.Đúng khí phách của một kẻ đầu đội trời chân đạp đất.Bây giờ là lúc khám đến lá gan của hắn.Nếu hắn đàng hoàng hiên ngang bước ra khỏi nhà tù thì cái tên Trương Duy Nhất sẽ làm chói lòa cả cái trường ĐHTH Huế.Còn ngược lại chắc khó sống.Với cái tính ngang tàng thời đi học chắc hắn sẽ không chấp nhận được lúc hắn nói ra ai đó phải bụm miệng cười...

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Thư gởi cụ Lý Bá Lin.

Đôi dòng gởi cụ Lý Bá Lin hay Lin LyBa.
      Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 con xin mạn phép có đôi lời gởi đến cụ,chúc cụ mạnh giỏi sống lâu là con mừng.Chẳng là hôm qua Lương Thế Cường biệt danh Cường con có đem đến một bó tiền đâu chừng 500 triệu,nhờ con chạy cho một chức danh gì đó.Con thấy gã ra trường đã lâu,tài thì có nhưng bị trù dập ,lâu nay chẳng nên cơm cháo gì,phần thì vợ con thúc hối nghĩ cũng tội nên chỉ nhận có một nửa,nửa còn lại bảo chừng nào xong việc hẳn tính.Cụ cho thì con mới dám nói,chứ con nghĩ cụ giữ ghế "chủ tịch lớp" cũng đã lâu(hơn 30 năm rồi còn gì).Nhìn sang nước Anh thấy Alex Ferguson sau 27 năm tham quyền cố vị,rồi cũng phải từ bỏ chiếc ghế HLV trưởng MU,ra đi trong ánh hào quang sáng chói.Thời nay một nhiệm kỳ chỉ có 4 năm nhiều lắm là 8 năm,cụ ôm cái ghế ấy lâu đến thế cũng mệt cho cụ với lại cản đường tiến của lớp trẻ bây giờ.Cụ không tính trước bây giờ,lỡ mai này xảy ra đảo chính có khi tiếng không còn mà danh cũng mất.Nói mạn phép cụ,dưới thời cai quản của cụ tình hình Văn K6 cũng ảm đạm lắm.Cứ lấy tấm hình mới Post lên gần đây xem sẽ rõ.Dân tình đói khổ ,hốc hác chỉ còn da bọc xương.Có một con cu cườm để cất tiếng gáy làm đẹp cho đời cũng bị đem ra nhổ sạch lông làm thịt ăn để chống suy dinh dưỡng.Lại thêm nạn trộm cắp hoành hành khắp nơi,đặc biệt là tình trang phá hoại tài sản XHCN như bẻ thanh giường làm củi nấu cơm địa phương nào cũng có.Chưa kể tình trạng 5 giờ sáng phải bị dựng đầu dậy tập thể dục buổi sáng khiến đứa nào cũng mất ngủ ,ngáp hoài.Nói chung là ăn không no ,ngủ không yên.Tình hình gần đây theo như ý Cường con cũng có lý,người ta bờ lốc ,bờ léo,phây bút,phây biếc ì xèo còn dân cụ đếm đi đếm lại chỉ lèo tèo mấy mạng.Chưa kể cụ còn chơi trò trống bỏi,ngày nào cũng tâm sự với em gái nào ở tít tận Hà Nội.Trong thì như thế ,ngoài thì giặc sắp đánh tới cụ vẫn bình chân như vại,cao lắm cũng chỉ ra có vài cái công hàm phản đối.Thôi thì nhắm không xong coi thử đứa nào còn trẻ,gốc gác thành phần cơ bản,thì đưa nó vào cơ cấu trước,có gì giao việc cho nó còn mình đứng đàng sau làm nhiếp chính.Đôi ba năm sau cụ lui về Côn Sơn vui thú điền viên có phải hay không,tham chi ba cái chức danh hão mang tiếng "phù du"đó cụ.Cường con tuy hơi ba hoa nhưng cũng là đứa có năng lực,với lại gã nhậu nhiều tửu lượng cao chắc cũng dễ dàng trong việc đối ngoại.Còn đối nội mấy gã loèn quèn như Công Tính Trương có lên tiếng thì "hốt liền"cho ngồi tù vài tháng là bố đứa nào dám nói.Đó là vài ý kiến lạm bàn còn mọi chuyện đếu là việc nhà của cụ,tùy cụ quyết định.Con cũng xin nhắc cụ để lỡ xảy ra đảo chính thì các thế lực thù địch sẽ cho cụ đi lưu vong chứ đưa ra tòa án quân sự thì tiêu.Vài dòng can thiệp vào chính sự của cụ,có gì không phải con cũng cắn rơm cắn cỏ xin cụ bỏ qua cho con.

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Ngụ ngôn về Nhất.

     Hôm qua Nhất ra tòa.
 Tòa hỏi:
   -Anh biết tội mình chưa?Nhất ngẩn người:
   -Tội gì,thưa tòa?
   - Ba tội lớn:phạm húy,phỉ báng và biến thái. Thấy Nhất vẫn chưa hiểu,tòa bèn giải thích:
   -Thứ nhất,anh dám đặt tên là Trương Duy Nhất trong khi chỉ có một người mới có thể lấy tên đó.Người đó họ Đ...Thứ hai dám phỉ báng bằng cách đưa hình ảnh con trâu và cây đàn lên trang blog của mình,làm như vậy là phỉ báng con trâu,phàm đã là trâu thì không có tội.Tội thứ ba là nặng nhất,dám lợi dụng ... để xâm phạm.Dân gian gọi tội này là tội dê.
    Quan tòa nói chưa xong đã thấy Nhất ngất xỉu.Bác sĩ chẩn đoán hóa ra anh ta bất tỉnh vì cười.Tòa buộc thêm tội dám khinh miệt tòa án.Mãi sau anh ta mới cãi:
    -Hai tội trên tòa tuyên tôi chịu.Nhưng tội thứ ba rõ ràng là bất công.Người ta phải có v... tôi mới lợi dụng được chứ.Không có v... lấy gì lợi dụng.

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Tiễn bạn.

       Thành ơi,vậy là bạn đã đi thật rồi sao.Hôm trước nghe Trúc Oanh nói mình vẫn nửa tin nửa ngờ,hôm nay đọc mẩu tin buồn trên blog của lớp Văn K5 mình mới tin là thật.Hoàng Thành mất lúc 1h30 sáng ngày 22/8/2012 sau một thời gian bệnh nặng.Dẫu đã cố nén lòng nhưng sao mình vẫn thấy cay cay mắt.
      Thành ra đi vội thế,26 năm mình vẫn dò tin bạn,năm 2007 mình có về nước,nghe bà nội nói có người bạn của con vẫn thường ghé hỏi thăm tin con,mình đinh ninh đó là Thành.Tiếc là mình ở Huế ít ngày quá,không đủ để tìm ra bạn đành hẹn một dịp về nước khác.Thế mà từ nay mình mãi mãi không còn gặp bạn nữa rồi.Gần 50 tuổi,tóc đã lắm sợi bạc,cảm xúc không còn sôi nổi như ngày nào nhưng sao mỗi khi nghĩ về bạn mình vẫn không ngăn được nỗi lòng.Vẫn biết nhân sinh vô thường,sống chết là hành trình sắp sẵn của tạo hóa ,dẫu có muốn cũng không thể cãi mệnh trời,mình vẫn thấy day dứt khi ngày Thành đi mình không có mặt để đưa tiễn,dù ít,dù nhiều vẫn có thể thắp cho bạn một nén nhang để hương hồn bạn có thể thanh thoát bay xa .
       Thành nhớ không,tụi mình quen nhau vào ngày hội trại của các lớp 12 trong toàn huyện Hương Điền(năm học 1982-1983).Hồi đó mình là lớp trưởng ,phó bí thư chi đoàn của 12A Hương Trà,còn bạn là lớp trưởng,bí thư của 12A Phong Điền.Các lớp 12 lúc ấy đã có những ngày trại đáng nhớ trên mảnh đất Quảng Điền
       Nắng tháng 3 như đổ lửa,cát bụi và nóng vẫn không ngăn được những trái tim nhiệt huyết.Tụi mình lao vào các trò chơi,hoạt động giao lưu giữa các lớp một cách say mê như chưa bao giờ được cắm trại,được sinh hoạt chi đoàn.Bỏ qua những e ấp của những đứa trẻ mới lớn,tất cả đắm chìm trong không khí tình cảm thật sự đáng tin cậy,sẻ chia.
       Hồi đó mình bắt gặp ở Thành một sự đồng cảm đáng kinh ngạc.Tính cách của Thành cũng gần giống tính cách mình.Hai thằng con trai mới gặp mà lại thấy thân như là bạn từ thuở nào.Thế rồi chia tay trại hè với nhiều luyến tiếc,mình phải mất một thời gian khá lâu mới ổn định tâm lý.Nghĩ lại cũng thật lạ và buồn cười .Hai đứa như gặp phải một tình yêu sét đánh giữa nam và nữ,cứ thư qua thư lại với nhau hoài.Những lá thư của bạn được mình đón nhận và mong chờ như với người yêu dù mình xác định rằng nhất định không phải là cảm giác đó.
      Lạ nữa là cả hai cùng mê văn chương và cùng hẹn nhau thi vào Tổng hợp Văn.Tiếc là ngày nhận giấy báo trúng tuyển,chỉ có mình,còn Thành phải hẹn lại một năm nữa.Nhưng mình khâm phục là bạn vẫn không nãn chí.Chỉ cần một năm,tụi mình đã ở cùng nhau một ký túc xá.Những năm tháng đó mình vẫn nhớ như in tình bạn với Thành dù tụi mình khác lớp.Những lúc đau ốm bạn vẫn là người gần gũi ,chăm sóc mình nhiều nhất.
       Cái đáng nói là tụi mình giống nhau nhiều quá.Cũng ít nói nhưng suy nghĩ thì nhiều,tình cảm chứa chan.Ba năm sống cùng nhau với bao vui buồn của một thời sinh viên gian khó,mình ra trường vào Nam còn bạn ở lại dùi mài tiếp một năm còn lại.Thú thực là mình cảm thấy ân hận vì không giữ được liên lạc với bạn.Cũng nên thông cảm với hành trình kiếm việc của một sinh viên mới ra trường khiến mình quên khuấy tất cả mọi chuyện.
        Nhưng Thành ơi,không phải bạn mất rồi mình mới nói.Bao giờ bạn vẫn là người bạn thân nhất trong số những người bạn của mình,dù cho 2 đứa chỉ có chung 3 năm đại học,mấy tháng ở cấp 3.Nghĩ về Thành bao giờ mình cũng nhớ đến một người hiền lành,ít nói nhưng tình cảm lúc nào cũng thật đầy.Trái tim tuổi trẻ lúc nào cũng dạt dào,bạn đã chia sẻ với mình biết bao hoài vọng một thời.Lâu nay mình không biết là bạn công tác ở đâu ,giờ mới biết là bạn làm thư ký tòa soạn của báo Thừa Thiên -Huế.Cũng chẳng biết là bạn ra đi vì bệnh gì.Nhưng đâu có sao hả Thành,bạn hãy yên nghỉ đi nhé,kỷ niệm một thời mình vẫn giữ.Khi nào có dịp về nước mình sẽ đến nơi bạn nằm xuống để nhắc lại một thời đã qua .
         Thôi,Thành ,chúng ta đều là những thằng đàn ông.Mà đã là nam nhi cũng đừng bi lụy nhiều trước sinh tử biệt ly.Mình chỉ muốn bạn hiểu mình thêm một tí để mình đỡ day dứt trong những ngày còn lại .Hãy vui vẻ và thanh thản nhắm mắt bởi dẫu sao chúng ta đã có một tình bạn đẹp.Bạn và mình ,dẫu âm dương cách biệt nhưng vẫn sẽ nhớ về nhau như muôn đời vẫn thế.Từ nơi xa nửa vòng trái đất xin gởi về hương hồn bạn một nén nhang thành kính nhân ngày giỗ đầu tiên.