Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

GIỚI HẠN NÀO CHO QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN?


Sau vụ thảm sát ở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo của Pháp một vấn đề được dư luận đặt ra là có giới hạn cho quyền tự do ngôn luận hay không?
Quyền tự do ngôn luận được chính thức xuất hiện dưới văn bản pháp lý từ thế kỷ thứ 17 ở Anh (Bill of Right) và thế kỷ thứ 18 trong thời cách mạng Pháp (Right of Man).Tự do ngôn luận đã trở thành một đặc tính của nền dân chủ và là nền tảng cho một tính cách dân tộc . Cuộc tấn công vào Charlie chính vì vậy được nhìn nhận như thể một cuộc tấn công vào quyền dân chủ của người Pháp trên đất Pháp.
Pháp là nước tham gia trực tiếp vào hai cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông và châu Phi.Pháp là quốc gia phương Tây đầu tiên nối gót Mỹ không kích IS ở Iraq hồi tháng 9-2014. Hiện Pháp đã triển khai hàng loạt máy bay chiến đấu Rafale và Super Etendard tới các căn cứ quân sự ở Jordan và UAE. Tính đến tháng 12-2014, máy bay Pháp đã thực hiện hơn 100 đợt không kích ở Iraq.
Pháp có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất châu Âu, khoảng 6,5 triệu người, chiếm 10% dân số. Vấn đề là cộng đồng này gặp rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống tại Pháp. Con cháu của người nhập cư đạo Hồi từ Bắc Phi sinh tại Pháp, là công dân Pháp, nhưng rất khó kiếm công ăn việc làm tử tế.
Những sự kiện này có thể không liên quan trực tiếp đến cuộc thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, nhưng đó là nguyên nhân khiến IS nhiều lần kêu gọi các phần tử cực đoan tấn công khủng bố tại Pháp. Chắc chắn Al-Qaeda cũng có mục tiêu tương tự.
Tuy nhiên,nhìn lại cuộc tấn công vào Charlie, dù tội phạm tuyên bố đây là cuộc trả thù cho thiên sứ Muhammad bị vẽ châm biếm, về bản chất, chúng ta có thể thấy rõ hơn động lực của chúng thiên về hệ quả của những vấn đề chính trị xã hội hơn là nguyên nhân tôn giáo.
Khá nhiều người cho rằng Charlie Hebdo ngu ngốc, khiêu khích lũ cực đoan, báng bổ thần thánh, và vì thế phải chịu hậu quả .Thế nhưng đây là suy nghĩ của những người không hiểu gì về pháp trị.Mỗi quốc gia có một hệ thống luật pháp riêng để xác định giới hạn của tự do ngôn luận.Nếu Charlie đi quá giới hạn, đối thủ của họ cũng có thể đi quá giới hạn bằng những vũ khí tương đương, hoặc kiện ra toà.
Tổng thống Hoa Kỳ sẽ không thực sự cảm thấy thoải mái khi có người dùng hình ảnh của ông để lồng vào một câu chuyện khôi hài thú vị , nhưng ông buộc phải coi chuyện đó là chuyện thường tình, buộc phải im mồm lại mà không lên tiếng "đó là sự phỉ báng". Pháp luật, và trên nữa là nền văn hóa, đã "buộc" ông phải ứng xử như vậy.Với một nhà lãnh đạo CSVN thì khác, chắc chắn họ sẽ kết luận với độ mạnh mẽ nhất có thể, khi có tờ báo nào đó đăng chuyện châm biếm về bất cứ lãnh tụ nào của chế độ, và có hẳn một "rừng" pháp lý hậu thuẫn cho họ.
Chắc chắn rằng, hiện nay, xúc phạm Giáo Hoàng Vatican, là một hành động thiếu khôn ngoan, nhưng cá nhân đó rất ít có nguy cơ bị đưa lên giàn hỏa thiêu như cách đây...500 năm. Chuyện khôi hài mang tính xúc phạm tới "đại diện thiêng liêng của Chúa trời" hiện nay là không ít, trên báo mạng, lẫn trên báo in. Rõ ràng, đó là một tiến trình giải thiêng đã diễn ra trong cộng đồng nhân loại, bất chấp có một bộ phận không nhỏ phản ứng lại. Và, số người vẫn tràn ngập đức tin với tôn giáo của chính mình nhưng có thái độ ôn hòa và khoan dung với sự phỉ báng đức tin ấy càng ngày càng nhiều hơn.
Như vậy cùng với sự phát triển của các nền dân chủ,ý thức "giải thiêng"trong cả chính trị và tôn giáo cũng đã giúp con người tiệm cận hơn với các giá trị của luật pháp.Không thể dùng cực đoan để đối chọi với cực đoan.Tại Na Uy, sau thảm hoạ giết người của kẻ cực đoan tại Utoya, chính quyền không tuyên chiến với khủng bố mà kêu gọi người dân đáp trả bằng việc trụ vững với những giá trị của mình: nhiều dân chủ hơn, nhiều tự do hơn, nhiều nhân quyền hơn.
Hành động xuống đường của hàng vạn người dân Pháp sau đó đã gởi đi một thông điệp rất rõ ràng:Thảm kịch Charlie Hebdo là tấn công nhắm vào nền dân chủ.. Tổ chức"Phóng Viên Không Biên Giới" cam kết tiếp tục nêu cao tinh thần quả cảm của Charlie, tiếp tục lên tiếng đòi quyền tự do báo chí, tự do phát biểu, tiếp tục tranh đấu để quyền dân chủ và pháp quyền được thực thi không giới hạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét