Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

KINH TẾ TRUNG QUỐC DỞ SỐNG,DỞ CHẾT VÌ COVID-19.

Từ ngày 10 tháng 2, Trung Quốc đã phong tỏa ba tỉnh Hồ Bắc, Liêu Ninh và Giang Tây, cùng tất cả bốn đô thị do trung ương quản lý gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh và hơn 80 thành phố lớn khác trong nỗ lực ngăn chận đại dịch Covid-19. Hậu quả không thể tránh khỏi của sự phong tỏa này là sự xáo trộn cuộc sống hằng ngày của hàng trăm triệu người và gây gián đoạn sản xuất kinh tế tại Trung Quốc và ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Tính sơ khởi thì hiện có hơn 140 triệu người đang sinh sống tại các tỉnh bị phong tỏa, với tổng sản lượng quốc gia (GDP) vượt quá 10,6 nghìn tỉ nhân dân tệ, tức 1,5 nghìn tỉ đồng đô la (USD). Tại 4 thành phố kể trên, có gần 100 triệu cư dân với GDP ước tính trên 12 nghìn tỉ nhân dân tệ tức tương đương 1,7 nghìn tỉ USD. Và 10 thành phố bị phong tỏa là 10 thành phố có mức hiệu quả kinh tế cao hàng đầu của Trung Quốc. Các dữ kiện trên cho thấy Coronavirus đang tiêu diệt các khu vực sản xuất của ít nhất là một nửa của tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc. Trong thực tế, các khu vực bị ảnh hưởng và con số cư dân bị ảnh hưởng có thể còn cao hơn rất nhiều.
Các công ty sản xuất của Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ phá sản. Vào ngày 3 tháng 2, Caixin, một đại công ty truyền thông kinh tế của Trung Quốc đã báo cáo chỉ số quản lý mua hàng sản xuất của Trung Quốc (PMI) đã giảm xuống đến 51,1, mức thấp nhất trong năm tháng qua. Vì nạn dịch, hầu hết các nhà máy và doanh nghiệp đã không thể tiếp tục hoạt động như dự kiến sau khi lễ Tết chấm dứt vào ngày 10 tháng 2 tại Trung Quốc, và có xác suất sẽ còn tiếp tục phải tạm nghỉ cho đến tháng 3. Sự trì hoãn này có thể tiêu hủy ngành sản xuất. Nhiều công ty đã không còn lựa chọn nào khác phải tuyên bố phá sản hoặc sa thải nhân viên. Trong năm nay chắc chắn sẽ còn hàng loạt các doanh nghiệp đóng cửa hoặc phá sản. Một hộp đêm ở Bắc Kinh, “King of Kings” cho biết sẽ phải sa thải 200 nhân viên vì gặp khó khăn tài chính do nạn dịch gây nên. Thậm chí các thương hiệu quốc tế như Burberry, Estee Lauder, Apple v.v... đang đóng hàng loạt các cửa tiệm tại Trung Quốc.
Cuộc khảo sát gần đây do Viện Evergrande thuộc đại học Tsinghua cho thấy trong số 995 công ty, nhiều công ty không thể tiếp tục sản xuất bình thường. Cuộc khảo sát kết luận rằng khoảng 85% các công ty ở Trung Quốc chỉ có thể tồn tại trong 3 tháng. Điều này sẽ đưa đến những cuộc sa thải nhân công rộng khắp. Làn sóng thất nghiệp có xác suất sẽ lên tới hàng chục triệu người. Trong nạn dịch SARS năm 2003, chi phí khủng hoảng kinh tế là 40 tỷ đô la, nhưng chi phí kinh tế cho đại nạn dịch coronavirus lần này có thể to hơn rất nhiều, đưa đến những phản ứng chính trị, kinh tế, ngoại giao và xã hội càng sâu rộng hơn.
Trước tình trạng kinh tế nguy kịch ở mức báo động, Ủy Ban Thường Vụ Đảng Cộng Sản Trung Quốc gồm 7 thành viên kiểm soát toàn bộ mọi quyền lực của Trung Quốc đã tổ chức hai cuộc họp liên tục trong vòng 10 ngày. Đây là 1 sự kiện hiếm thấy, với nỗ lực cố tìm ra chiến lược để phục hồi sản xuất song song với việc giải quyết nạn dịch. Tuy nhiên, đến nay có vẻ “thất nhân bang” này vẫn chưa tìm được giải pháp vì ngày càng có thêm nhiều trung tâm kinh tế vẫn tiếp tục đóng cửa ngưng hoạt động. Đối với đảng cộng sản Trung Quốc, có thể nói cuộc chiến chống lại nạn dịch thực chất là một cuộc chiến chính trị và chế độ có tồn tại được hay không sẽ tùy vào việc có chiến thắng được hệ lụy của vi khuẩn coronavirus gây ra hay không.
Tương lai gần, các nhà phân tích kinh tế chẩn đoán Trung Quốc sẽ phải yêu cầu xin trì hoãn việc thực hiện giai đoạn I của thoả thuận thương mại với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hy vọng TT Trump sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn không để Trung Quốc thoát khỏi khó khăn lúc này. Nếu Trung Quốc bị lâm vào thế phải mở cửa thị trường tự do, điều này sẽ giúp cho cả doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, và giúp giảm sự độc quyền thao túng của các doanh nghiệp quốc doanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét