Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

KHÂM PHỤC NỀN Y TẾ NƯỚC MỸ

Hôm nay ba bệnh nặng.Hai lần được các bác sĩ đấu tranh để giành lại sự sống và cả một đêm trực bên giường bệnh ba,tận mắt chứng kiến các y tá làm việc,mới thấy hết sự chuyên nghiệp của nền y tế Hoa Kỳ. Nhìn một đại úy quân lực VNCH,từng chỉ huy một đại đội chịu nhiều đạn pháo nhất trong cuộc chiến Việt nam,trở về hậu cứ với một cánh tay bị thương,một người tám năm trong tù cải tạo nay nằm đó với đầy dây nhợ,ống thở thông từ miệng vào tận phổi,rồi bàng quang tiết niệu mà đau lòng.Có những lúc huyết áp xuống quá thấp,sốt cao...sự sống mong manh,nhưng rồi giai đoạn nguy hiểm cũng qua.Cả một đêm ,tiếng là mình thức để canh ,phòng có gì bất trắc để gọi y tá thế nhưng lại thấy họ rục rịch làm việc cả đêm.Hết người này đến người khác thay phiên nhau kiểm tra các chỉ số trên computer,hút đàm,rút nước tiểu,thông ống thở,clean mồm,đánh răng...Bệnh nhân được chăm sóc tận tình như thượng khách,cả một bệnh viện ban đêm hoạt động như ban ngày.Người nào việc đó.Cái hay là trong những giờ phút nguy cấp khi bệnh nhân được đưa đến bằng xe cấp cứu,họ không để mặc người nhà bệnh nhân lo lắng mà bố trí môt người tình nguyện viên và một phòng tiếp tân riêng để nắm bắt thông tin và trấn an người nhà.Người tình nguyện viên này như một giao liên giữa bác sĩ và thân nhân khiến họ không có cảm giác bị bỏ mặc,đói thông tin trong lúc nguy cấp. Ba đã qua khỏi thời kỳ nguy hiểm.Hơn ba mươi năm trước ông một mình với chiếc mủi sảy rơm trước sân nhà khiến cả hợp tác xã phải báo động.Bí thư đảng ủy,chủ nhiệm HTX,đội trưởng và du kích phải kéo đến để khuyến dụ một người vừa trở về từ trại cải tạo lại cả gan không chịu gánh lúa đến gặt đập tại sân của HTX.Một sào ruộng mất mùa không đủ một tạ thóc đóng thuế,5 đứa con thơ dại đã buộc ông làm liều với chế độ.Nếu không có phong trào công nhân cao su,kinh tế mới Lộc Ninh có lẻ gia đình đã lâm vào túng quẫn.Mình còn nhớ những năm đó theo ông vào Đà Nẵng,làm công trong một xưởng gò phụ tùng xe đạp của một nhà chùa.Ban đêm hai cha con thay nhau đạp xe thồ.Nhưng mình chỉ một cuốc xe là đã tủi thân bỏ nghề còn ba,ổng phải miệt mài cả năm trời.Sau đó là những năm tháng công nhân cạo mủ tại Lộc Ninh,nơi chốn rừng thiêng nước độc. Thấy ba nằm đó mình mới thấy được gian truân của một đời người.Cái vòng "sinh lão bệnh tử" mà bất cứ ai cũng phải trải qua.Nhưng dù sao ông cũng rất may mắn hơn bà con mình còn lại ở Việt Nam vì đã được chăm sóc trong một nền y tế tiên tiến bậc nhất thế giới,lại không phải mất tiền.Đó cũng là lý do vì sao mình hay chia sẻ suy nghĩ với các bạn.Không ai có thể cho chúng ta cái mà chúng ta ao ước,nếu chúng ta không đấu tranh để giành lấy nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét