Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

NHÌN LẠI CUỘC CHIẾN NAM BẮC HÀN(1950-1953) VÀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM: TẠI SAO HOA KỲ VÀ VNCH KHÔNG ĐÁNH RA BẮC?

Trong các cuộc chiến tranh giữa thế giới tự do và thế giới CS,nếu thế giới tự do thắng,nhân dân nước đó dù thua vẫn có cơ hội làm lại.Ngược lại khi thế giới CS thắng thì người dân thuộc phe chiến thắng nói như nhà thơ Nguyễn Duy "vẫn là kẻ thất bại",điển hình đó là trường hợp nhân dân miền Bắc Việt Nam.Nếu ngày trước nếu VNCH vượt sông Bến Hải tiến công ra Bắc thì có lẻ nước VN dù rơi vào tình cảnh như nước Nhật (bị hai quả bom nguyên tử) cũng sẽ xuất hiện một thống tướng người Mỹ như MacArthur và 12 danh nhân VNCH khác để xây dựng nước VN trở thành một cường quốc như Nam Hàn.Tại sao VNCH không làm điều đó?Bên cạnh sự tôn trọng Hiệp định Geneva còn có những lý do khác. Tại Triều Tiên, Hoa Kỳ tấn công Bắc Triều Tiên để phòng thủ Nam Triều Tiên, tức Hoa Kỳ lấy công làm thủ. Tại Việt Nam, Hoa Kỳ không tấn công Bắc Việt Nam mà chỉ phòng thủ ở Nam Việt Nam, tức Hoa Kỳ lấy thủ làm thủ. Cả hai nước Triều Tiên và Việt Nam đều có biên giới giáp ranh với Trung Cộng ở phía bắc. Khi quân Bắc Triều Tiên tấn công Nam Triều Tiên năm 1950, quân đội Hoa Kỳ cùng quân đội Liên Hiệp Quốc giúp Nam Triều Tiên, đánh đuổi quân Bắc Triều Tiên đến sông Áp Lục (Yalu River), là biên giới với Trung Cộng. Quân Trung Cộng tràn qua giúp Bắc Triều Tiên. Sau ba năm đánh nhau qua lại, hai bên đình chiến năm 1953 ở vĩ tuyến 38, chia hai nước Triều Tiên. Vì vậy, khi tham chiến ở Việt Nam năm 1965, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ bị ám ảnh bởi chiến tranh Triều Tiên. (Mark Moyar, Triumph Forsaken, The Vietnam War, 1954-1965, New York: Cambridge University Press, 2006, tr. 306.) Hoa Kỳ lo ngại nếu đánh ra Bắc Việt Nam, thì Trung Cộng sẽ can thiệp như ở Triều Tiên, nên tại Nam Việt Nam, Hoa Kỳ chủ trương chỉ phòng thủ ở Nam Việt Nam, phía nam đường phi quân sự ở vĩ tuyến 17, không tấn công ra Bắc Việt Nam, tránh đụng chạm đến Trung Cộng. Chiến lược phòng thủ của Hoa Kỳ có thể tóm gọn qua câu nói của đô đốc Grant Sharp, tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương 1964-1968: “Chính phủ chúng ta lập lại để làm rõ rằng những mục tiêu của chúng ta trong cuộc tranh chấp ở Việt Nam là giới hạn. Chúng ta không buộc phải tiêu diệt chế độ Hà Nội, không cưỡng ép dân chúng Bắc Việt Nam phải chấp nhận một hình thức chế độ khác và cũng không tàn phá Bắc Việt Nam. Chúng ta đơn giản muốn Bắc Việt Nam ngưng điều khiển và ngưng yểm trợ phiến quân Việt cộng ở miền Nam và đưa lực lượng của họ về nhà. Chiến lược điều khiển chiến tranh của chúng ta phản ảnh những mục tiêu giới hạn nầy.” (Nguyên văn: “Our Government has repeatedly made it clear that our objectives in the Vietnam conflict are limited. We are not ought to destroy the Hanoi regime, or to compel the people of North Vietnam to adopt another form of government, nor are we out to devastate North Vietnam. We simply want North Vietnam to cease its direction and support of the Vietcong insurgency in the South and take its forces home. Our strategy for the conduct of the war reflects these limited objectives.”) (William D. Pawley & Richard R. Tryon, Jr., “Why the Communists are Winning as of 1976 and How They Lost in 1990”, http://www.gratisbooks.com/, chữ khóa: “Getting bogged down in Vietnam”.) Do chủ trương chiến tranh giới hạn (limited war), bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đưa ra những “quy tắc tham chiến” (rules of engament) tức quy tắc quân đội ứng xử khi tham chiến ở NVN như một thứ cẩm nang, nhằm ngăn ngừa và giới hạn những ngẫu biến ở biên giới Hoa Việt hay vùng phi quân sự vĩ tuyến 17. Quy tắc tham chiến hạn chế các mục tiêu tấn công, và hạn chế các hoạt động của Không quân, giảm hỏa lực làm giảm sức mạnh quân đội Hoa Kỳ. Ai vi phạm, sẽ bị trừng phạt nặng. (ví dụ trường hợp đại tướng John Lavelle năm 1972.) “Những quy tắc nầy bảo đảm rằng chúng ta không thể thắng và cộng sản cũng không thể thất bại.” (Nguyên văn: “These rules insured that we could not win and that the communists could not lose.”) (Steve Farrell,Why We Lost in Vietnam – The Untold Story, University of Toronto, School of Continuimg Studies, The Moral Liberal. ) Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Barry Goldwater tuyên bố tại Taipei (Đài Bắc) khi đến Đài Loan viếng tang tổng thống Tưởng Giới Thạch, gọi đây là “chính sách không chiến thắng” (“no win policy”). (The Bryan Times, Thursday, April 17-4-1975.) Trong chiến tranh Nam Việt Nam, cộng sản Việt Nam sử dụng chiến thuật khủng bố và du kích. Quân du kích CS khủng bố, đánh phá khắp nơi trên toàn quốc, gây thiệt hại mỗi ngày một ít, mỗi nơi một ít, nhưng “tích tiểu thành đa”, lâu ngày làm hao mòn quân đội Nam Việt Nam và quân đội Hoa Kỳ. Thật rất khó chống lại du kích chiến, nhất là trong địa hình rừng núi như Việt Nam. (Ngày nay, người Mỹ tận dụng hết khả năng quân sự vẫn không chống lại được du kích Al-Qaeda, Taliban, Afghanistan.) Muốn chận đứng du kích CS ở Nam Việt Nam, chỉ có cách duy nhất là chận đứng ngay từ gốc, tức là hậu phương lớn của du kích CS, là Bắc Việt Nam, tức phải tấn công Bắc Việt Nam, mới chận đứng được du kích CS trên toàn cõi Nam Việt Nam. Như Hoa Kỳ đã từng đánh ra Bắc Triều Tiên trước đây mới chận đứng hẳn du kích CS ở Nam Triều Tiên. Vì không đánh ra Bắc Việt Nam để chận đứng du kích từ tận gốc, mà chỉ mở những cuộc hành quân bình định ở Nam Việt Nam và ngồi chờ du kích đến quấy phá mới phản công, nên dù trang bị tối tân, quân đội Nam Việt Nam và Hoa Kỳ không thể tiêu diệt hết khủng bố và du kích của CS ở Nam Việt Nam. Hoa Kỳ còn lo ngại quân đội Nam Việt Nam bất ngờ tấn công ra Bắc Việt Nam để giải tỏa áp lực của CS ở Nam Việt Nam, nên Hoa Kỳ ngăn chận tất cả những đề nghị từ phía Việt Nam Cộng Hòa tấn công ra Bắc Việt Nam. Ví dụ trong cuộc mít-tin tại Sài Gòn ngày 19-7-1964, kỷ niệm Ngày Quốc hận [ngày ký kết Hiệp địnhGenève 20-7-1954], trung tướng Nguyễn Khánh hô hào Bắc tiến. Đại sứ Maxwell Taylor và các viên chức Mỹ có mặt tại cuộc mít-tin tránh né không bình luận. (John S. Bowman, The Vietnam War, Day by Day, New York: Mallard Press, 1989, tr. 42.) Ngày 1-12-1965, trung tướng Nguyễn Chánh Thi gởi thư lên chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu đề nghị Bắc tiến; đồng thời tướng Thi còn gởi thư cho đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn công khai đề nghị Bắc tiến. (Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam, một trời tâm sự, California: Nxb. Anh Thư, 1987, tt. 319=344.) Năm 1972, trong mùa hè đỏ lửa. quân Bắc Việt Nam tràn qua vùng phi quân sự ở vĩ tuyến 17. Quân đoàn I đề nghị đưa quân vượt qua vĩ tuyến 17 đánh ngược ra Bắc. Được tin nầy, phía cố vấn Hoa Kỳ liền giới hạn cấp số xăng, cấp số đạn và ngưng tiếp tế lương khô cho Lữ đoàn 1 Kỵ binh Việt Nam Cộng Hòa nhằm chận đứng cuộc Bắc tiến. (Hà Mai Việt, Thép và Máu, Thiết giáp trong chiến tranh, Texas, 2005, tr. 103.) Với chiến lược phòng thủ tại NVN, quân đội Hoa Kỳ không thất bại, nhưng quân đội Hoa Kỳ cũng không chiến thắng, dậm chân tại chỗ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét