Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

TIỀN BẠC KHÔNG PHẢI LÀ THƯỚC ĐO THÀNH CÔNG CỦA CON NGƯỜI.

Ngày càng có nhiều người khoe giàu, khoe cuộc sống sang chảnh trên mạng xã hội ở Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng trước đó báo chí, văn học ở hai nước này lại tố cáo sự bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo nhiều nhất. Nếu như trong nhà trường CSVN thường đem thân phận của Chị Dậu trong "Tắt Đèn", Thứ trong" Sống Mòn",anh Pha trong "Bước Đường Cùng" để học sinh thấy cuộc sống của người nông dân Việt Nam trước đây thì hiện tại lại cố dấu những thân phận còn thảm thương hơn của 3 triệu dân oan Việt Nam. Bây giờ đọc báo chỉ thấy Đoàn Di Băng thuê thêm vú em lương 120 triệu, cuộc sống sang chảnh của ngôi sao này, diễn viên nọ. Trên mạng thường có các vụ cãi nhau xem ai giàu hơn, hột xoàn ai to hơn... Giới nhà giàu Trung Quốc và Việt Nam đua nhau khoe hàng và tầng lớp dưới ngước mắt nhìn lên thường định giá sự thành công của một con người qua số tài sản mà họ có được. Sự thật con người chỉ sống cao lắm là 100 năm và không phải ai cũng sử dụng tài năng của mình để làm giàu cho bản thân. Các họa sĩ khi chết đi để lại những bức danh họa trị giá hàng triệu USD nhưng lúc sống tài sản họ chẳng có gì, rất nghèo. Ở Úc có những tiệm cầm đồ và các nhạc sĩ thường đến đây cầm những cây đàn để sống. Và đó là tài sản đáng giá nhất của họ. Các nhà văn, diễn viên các môn nghệ thuật cơ bản như múa, nhạc cổ điển, phim ảnh nghệ thuật, các nhà hoạt động chính trị, đấu tranh dân chủ cũng rất nghèo. Những đầu óc "hôi tanh mùi đồng" sẽ bảo rằng những người này quá dại. Tại sao không dùng tài năng, thời gian đó để phấn đấu trở thành tỷ phú để gái đẹp theo sau, để có biệt thự, siêu xe,du thuyền hay quyền lực... Họ cho đó là thực tế, không ảo vọng... Nhưng nếu tất cả đều như thế thì thế giới này sẽ không có các nước dân chủ, sẽ không có tòa án, không có nhà hát giao hưởng hay điện ảnh sẽ toàn là phim thương mại. Bởi vẫn còn có nhiều người xem đời người hữu hạn, tài sản vật chất khi chết không mang theo được , tài sản để lại mới là điều đáng nói. Và hậu sinh sẽ không hề nhớ một tỷ phú để lại bao nhiêu tiền. Họ chỉ nhớ các câu nói của các nhà khoa học, chính trị, những bộ phim có giá trị nghệ thuật, những bản nhạc đi vào lòng người, những cuộc cách mạng cải cách, kiểm soát quyền lực. Những kẻ giàu có về vật chất chưa chắc đã sử dụng tài năng của mình để làm giàu. Hầu hết giới giàu có ở Trung Quốc, Việt nam hiện nay đều tận dụng sự bất công về thể chế chính trị, sự mất kiểm soát quyền lực của một đảng phái chính trị để làm giàu trên mồ hôi nước mắt của số còn lại. Và họ giành được sự ngưỡng mộ của những người không am hiểu về chính trị. Nhưng tài sản này không ở với họ suốt đời. Những vụ án tham nhũng, những cái chết vì tranh đoạt quyền lực, phá sản vẫn khiến "người giàu cũng khóc". Và khi chết đi những lăng mộ hoành tráng như Tần Thủy Hoàng vẫn bị thế gian nguyền rủa. Thế nhưng con người vẫn coi trọng một tỷ phú hơn một nhà văn ,nhà chính trị hay một nhạc sĩ. Và họ chả cần biết tài sản của tỷ phú đến từ đâu, miễn là ông ta giàu tức ông ta có tài. Thế nhưng thế gian này trọc phú vẫn đầy rẫy. Họ không hề biết ngoài tài sản vật chất thế giới còn có một thứ gọi là tài sản tinh thần. Tài sản vật chất chỉ có thể để lại cho con cháu nhưng cũng có thể làm chúng tha hóa khi không cần lao động vẫn có thể hưởng thụ. Nhưng để lại tài sản tinh thần có thể giúp chúng trưởng thành về văn hóa , nhân cách làm người để hưởng thụ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét