Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

SỰ BẾ TẮC VỀ TƯ DUY CỦA MỘT SỐ CÂY BÚT LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI HẢI NGOẠI.

Lý luận chính trị là gì ?
Lý luận chính trị là hệ thống tri thức về lĩnh vực chính trị, nó là bộ phận quan trọng trong kho tàng lý luận của nhân loại giới hạn trong lĩnh vực chính trị, là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và thực tiễn chính trị của nhiều người, qua nhiều thế hệ.
Lý luận chính trị dẫn dắt cho hành động thực tiễn, bám sát và cập nhật đời sống để tránh việc đi vào lý luận suông, xa rời thực tế.Trong hoàn cảnh của thế giới và Việt Nam hiện nay lý luận chính trị của đảng CSVN là ngụy biện làm sao bảo vệ cho bằng được thể chế chính trị độc tài, độc đảng. Lý luận chính trị của phong trào đấu tranh dân chủ là phải bằng mọi cách tìm cho được con đường cứu nước ,giành lại quyền tự quyết và sau đó mới là làm cách nào để xây dựng được một chế độ dân chủ dựa trên những nguyên tắc duy lý, kiểm soát được quyền lực và mang đến ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Một bộ phận không nhỏ các cây bút chính trị hải ngoại đã góp công lao vào phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam. Nếu không có họ tập hợp các tài liệu ,sách báo , các kiến thức chính trị thế giới , các bài học kinh nghiệm của các nước đã và đang trải qua công cuộc đấu tranh dân chủ và giành độc lập thì giờ đây đa số người dân Việt Nam vẫn còn mông lung trong sự định hướng của Ban tuyên giáo chế độ cộng sản . Và không thể có những cuộc xuống đường lớn như ngày 10/6 vừa qua cũng như sẽ không có những phản biện sắc bén của dân mạng trước những thay đổi , những diễn biến được cập nhật hàng ngày trên mạng xã hội.
Tuy nhiên lý luận chính trị của phong trào dân chủ Việt Nam đa phần chỉ dừng ở khai sáng, nặng về lý thuyết, nặng về phê phán chế độ. Họ đã bỏ trống một mảng lớn là làm sao để tập hợp và xây dựng lực lượng nhằm tạo ra các cuộc xuống đường đủ sức giành lại chính quyền bị cướp đi từ tay đảng CSVN. Không có lý luận chính trị soi sáng và ứng dụng để biến thành hành động đa số những người yêu nước thường có quan điểm chán nãn , bất lực"Nói để mà nói" "Không làm gì được đâu". Và khi có một ai đó chỉ ra cái gốc của vấn đề nằm ở nhân dân, họ lại tự ái , đổ thừa và giận dỗi cho rằng người đó không biết cách vận động nhân dân.
Trong tình hình hiện tại khi luật đặc khu, luật an ninh mạng , luật giới nghiêm ...đã sắp sửa ứng dụng vào thực tế và nguy cơ mất nước , nô lệ đã hiện ra rõ ràng nhưng các nhà lý luận chính trị vẫn tập trung vào những vấn đề không cần thiết ,phản biện vào những nhân tố có thể mang lại sự thay đổi cho hoàn cảnh xã hội Việt Nam.
Một thực tế rõ ràng là từ ngày đảng cộng hòa nắm quyền tại Mỹ đã lật ngược tất cả các di sản của đảng dân chủ vốn tạo ra nhiều thuận lợi cho các chế độ độc tài trên thế giới ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế ,ngoại giao, nhân quyền...Chính tổng thống Mỹ Donald Trump với những quyết định thiết thực của mình đã khiến phe độc tài không còn lợi dụng được các hiệp ước đa phương để trục lợi kinh tế, ngăn chặn việc tẩu tán tiền của và tài sản của tầng lớp tư bản đỏ sang Mỹ, lợi dụng nhập cư dây chuyền để tìm cách định cư tại các nước tự do...
Với việc xem lại các hiệp định mậu dịch song phương, cân bằng thâm hụt thương mại Trump cũng đã khiến xuất siêu , tăng trưởng kinh tế của các nước độc tài khựng lại. Chính sách giảm thâm hụt thương mại của Mỹ để tạo ra việc làm và cân bằng giữa xuất và nhập khẩu của Mỹ đã làm thị trường vốn Trung Quốc đỏ sàn, bốc hơi hàng ngàn tỷ. Cộng thêm với việc ký kết các thỏa thuận với nước Nga, kéo Nga về phía mình bằng cách nhả ra các chính sách kinh tế có lợi cho nước này Trump đang làm phân hóa khối BRICS, cô lập Trung Quốc ....để rồi làm sâu thêm khoản nợ 30.000 tỷ USD mà nước này đang gánh trên vai. Nguy cơ biến động chính trị đến từ sụp đổ của nền kinh tế ở Trung Quốc và Việt Nam diễn ra rõ ràng hơn bao giờ hết.
Thế nhưng thay vì đưa ra những bài viết hướng dẫn cho lực lượng đấu tranh dân chủ Việt Nam chuẩn bị lực lượng nắm lấy thời cơ một khi chế độ cộng sản ở Trung Quốc sụp đổ như Liên Xô và Đông Âu thì các cây bút hải ngoại lại nhắm vào việc phê phán cái nguyên nhân tạo ra sự sụp đổ đó : Donald Trump.
Họ đưa ra khái niệm về "chủ nghĩa dân túy" một cách hời hợt :
Chỉ trong vòng một năm rưỡi Donald Trump đã làm được một thành tích mà phong trào cộng sản không làm nổi trong hơn 70 năm tồn tại của nó: khiến nước Mỹ bị cô lập và thù ghét, thậm chí bị khinh bỉ, như chưa bao giờ thấy.
Bản chất của chủ nghĩa dân túy là nó lợi dụng một tình trạng phẫn nộ -có thể chính đáng- và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng để đưa ra những giải pháp mỵ dân có vẻ rất giản dị và thực tiễn nhưng trong trung hạn vừa sai vừa nguy hiểm.
Họ đã hiểu không đầy đủ nội dung và phương tiện của chủ nghĩa dân túy nên thường phân tích quan điểm dân túy với tính tiêu cực nhằm kết án một lãnh tụ chính trị và bỏ qua các mặt tích cực, cao cả có tính lịch sử của chủ nghĩa này.
Dân túy cánh tả Mỹ
Về mặt lịch sử, Đảng Nhân Dân (People’s Party) hay còn được gọi là đảng Dân Túy phát xuất từ phong trào nông dân Mỹ cuối thế kỷ 19. Giới nông dân trong giai đoạn này phải vừa chịu đựng giá bông sợi xuống thấp, hạn hán kéo dài mà vừa phải mang gánh nặng lãi xuất ngân hàng cao, cộng thêm với giá chuyên chở cao.
Trong tình trạng đó, nông dân, nghiệp đoàn và cảm tình viên đã đoàn kết dưới danh nghĩa của Đảng Nhân dân (People’s Party), và những người trong phong trào thường được gọi là những nhà dân túy. Đảng Nhân dân đòi hỏi quốc hữu hóa hệ thống xe lửa, giải tán các ngân hàng cho vay lớn, loại bỏ tiêu chuẩn vàng.
Cao điểm của đảng Nhân Dân là cuộc bầu cử tổng thống năm 1892 trong đó ửng cử viên James B Weaver của đảng chiếm được 8.5 phần trăm số cử tri đi bầu và thắng cử tri đoàn trong năm tiểu bang (Colorado, Idaho, Kansas, Nevada, North Dakota).
Sau cuộc bầu cử, Đảng Nhân Dân chia làm hai cánh, một cánh chủ trương tiếp tục là một đảng độc lập và cánh khác chủ trương sáp nhập vào đảng Dân chủ. Dù sau đó tan rã, phong trào dân túy đã để lại nhiều ảnh hưởng trong nhận thức chính trị cũng như chính sách của các lãnh đạo Mỹ sau này trong đó có chính sách New Deal của tổng thống Franklin Delano Roosevelt.
Dân túy cánh hữu Mỹ
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chủ nghĩa dân túy Mỹ chuyển hướng từ tả sang hữu da trắng. Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy chống Cộng sản, Thống đốc Alabama George Wallace chống khuynh hướng quan liêu thư lại trong chính phủ liên bang. Đảng độc lập của George Wallace thắng 13.8 phần trăm số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1968.
Sau khi tổng thống Barack Obama đắc cử nhiệm kỳ đầu, chủ nghĩa dân túy cánh hữu Mỹ phục hồi mạnh mẽ với sự ra đời của phong trào “Tea Party” vào tháng 2, 2009. Phong trào lấy ý nghĩa từ chiến dịch chống thuế trà của Anh xảy ra tại Boston vào 16 tháng 12, 1773. Phong trào “Tea Party” là một tập hợp lỏng lẻo của nhiều nhóm Cộng hòa bảo thủ nhằm chống lại các chính sách y tế của TT Obama, đòi hỏi các biện pháp giảm nợ quốc gia, hạ thấp mức thiếu hụt ngân sách, cắt giảm chi phí điều hành chính phủ liên bang và giảm thuế.
Mặc dù chỉ là một phong trào, “Tea Party” có ảnh hưởng rất sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa. Nhiều thống kê cho thấy hơn 10% người dân Mỹ xác định họ là thành viên của phong trào. Ảnh hưởng của “Tea Party” kéo dài cho tới ngày nay và đóng một vai trò ý nghĩa trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Một số người lo ngại một Donald Trump dân túy sẽ đưa nước Mỹ vào vòng độc tài cá nhân, phe nhóm, đảng phái như tại một số quốc gia khác. Điều đó không thể xảy ra trong sinh hoạt chính trị Mỹ. Ngoài nguyên tắc đối trọng (checks and balances) giữa ba ngành, sự đối trọng còn diễn ra trong nội bộ mỗi đảng và đối trọng giữa cử tri và đại diện cử tri diễn ra trong suốt nhiệm kỳ của họ.
Nhưng một sự thực rõ ràng là các chính sách của Trump đang làm cho các chế độ độc tài lo sốt vó, đầu tư từ các nước này đã suy giảm rõ rệt. Không gì chứng tỏ thuyết phục bằng việc các thị trường chứng khoán bốc hơi. Vì đó là điều chứng minh niềm tin của thế giới dành cho các chính quyền này đã không còn.
Thế nhưng điều phi lý là họ không tác động thêm để kết liễu các chế độ độc tài mà lại nhắm vào một thứ chẳng ảnh hưởng gì đến dân Việt Nam. Chủ nghĩa dân túy không bao giờ xuất hiện trong một thể chế chính trị độc tài, nơi mà người dân bị tước hết quyền con người như Việt Nam.
Do vậy có thể kết luận rằng một số người đang bế tắc về tư duy do quá thiên về một trường phái hay quá yêu, ghét một cá nhân nào đó , một chính trị gia nào đó ...để phản biện đầy cảm tính mà bỏ qua những diễn biến có thể thay đổi số phận của một dân tộc.
Tất nhiên là họ có quyền tự do ngôn luận của họ. Nhưng chỉ dùng quyền tự do ngôn luận để bày tỏ quan điểm không thôi thì chưa đủ. Họ còn phải dùng ngôn luận của mình để tác động , đóng góp vào công cuộc giành lại quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét