Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

KIM DUNG TIÊN SINH.

Kim Dung tiên sinh mất 2 ngày rồi mới dám nói là đọc tiểu thuyết của tiên sinh mê thiệt nhưng hại quá. Mê là tiên sinh miêu tả tinh thần quân tử Tàu, trọng nghĩa khinh tài hành hiệp trượng nghĩa, chí tại bốn phương, tứ hải giai huynh đệ, ân oán phân minh... Nhưng nghĩ đi nghĩ lại tiên sinh tạo ra những anh hùng cô đơn, một xã hội vô chính phủ chuyên xài luật rừng, mạnh được yếu thua. Trong thế giới của tiên sinh không có pháp luật mà chỉ có cơ duyên và kỳ tích. Đó là thế giới của những huyền thoại không có thực khiến con người quên đi những bất công trong đời thực để rồi không đoàn kết đấu tranh mà chỉ trông chờ vào võ nghệ cá nhân hoặc gặp được bí cấp, tranh đoạt những quyền lực phù vân, nợ máu oán thù nối tiếp nhau "oan oan tương báo" muôn đời không dứt.
Đồng ý tiểu thuyết của tiên sinh chỉ là để giải trí vì thế nó đã được tái bản, được dựng thành phim mà nhiều thế hệ diễn viên vào cùng một vai nhưng vẫn ăn khách. Thế nhưng dân phương Tây vốn lý tính thì thà mê chuyện khủng long, quái vật hơn mê chuyện của tiên sinh.
Vì tiểu thuyết của tiên sinh khiến cho đến bây giờ dân Việt vẫn còn đắm đuối với các "hiệp sĩ đường phố", cho dù chỉ vài nhát dao tội phạm đã khiến vài hiệp sĩ ngã lăn quay, chết ngắc... Tinh thần hiệp sĩ ấy cũng đã khiến xã hội hiện đại xảy ra nhiều thảm án rùng rợn vì đầu óc nhiều kẻ lẫn lộn giữa tiểu thuyết và đời thường.Để rồi tư duy duy lý nhằm tìm ra thủ phạm không còn nhường chỗ cho các thuyết âm mưu. Sau đó chính quyền tự do diễn giải pháp luật theo ý mình mà dân không hề phản kháng để tìm ra công lý.
Tiểu thuyết của tiên sinh cũng lý giải vì sao phương Đông ngoài trừ hai nước là Nhật và Hàn được Mỹ cứu đa số vẫn nằm trong vòng độc tài mê muội. Nhà nước cai trị trong tiểu thuyết của tiên sinh đã hằn quá sâu vì dân chỉ cứ yên tâm làm nô lệ hơn là phản kháng lại quyền lực của chính quyền. Nếu không phản kháng được thì chỉ trông chờ vào các anh hùng chứ không thể tự mình đứng lên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét