Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

PHONG TRÀO GIẬT SẬP TƯỢNG ĐÀI LAN KHẮP THẾ GIỚI.

Phong trào giật sập tượng đài đã lan nhanh từ Mỹ sang châu Âu. Nhiều bức tượng danh nhân văn hóa, tổng thống Mỹ nhưng có sở hữu nô lệ, nhiều nhân vật theo "chủ nghĩa da trắng thượng đẳng" bị phong trào "Black lives matter" thi nhau kéo đổ ở Mỹ, Anh ,Úc châu. Để ngăn chặn tình trạng này tổng thống Trump đe dọa sẽ dùng đạo luật "Bảo tồn cựu chiến binh" để bỏ tù những kẻ nào phá hủy tượng đài đến 10 năm tù.
Đa số các tượng đài bị giật sập đều có liên quan đến Liên minh miền Nam trong nội chiến 1865 , chính phủ đã ủng hộ quyền sở hữu nô lệ. Ngay cả George Washington là một tướng lĩnh tài năng, một nhà tư tưởng lớn, là người có tầm ảnh hưởng nhất trong việc định hình nên vai trò của vị trí tổng thống Hoa Kỳ đương đại và cũng là một người không màng danh lợi nhưng mắc cái tội là một điền chủ giàu có sở hữu hàng trăm nô lệ cũng nằm trong danh sách bị đe dọa.
Bản thân tôi cũng không đồng tình với phong trào này. Nhưng để đưa được họ ra tòa và kết tội sẽ là một cuộc chiến pháp lý khá gay go. Bởi tổng thống có quyền bắt nhưng không có quyền kết án. Kết án là một ngành tư pháp độc lập và có khi vụ án sẽ được đưa lên tới 9 vị thẩm phán tối cao pháp viện.
Ở góc độ những người da trắng thì lịch sử không có tội nhưng họ lại ủng hộ việc giật sập các tượng đài của các giai đoạn "chủ nghĩa cộng sản" hay các nhà độc tài từ Tây sang Đông. Với lập luận này thì các luật sư của người da đen cũng sẽ bảo là họ giật sập để xóa bỏ một ký ức đau thương.
Nhưng lập luận cơ bản nhất vẫn là Tu chính án số 1 của Hoa Kỳ về "quyền tự do ngôn luận" " Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình."
"Một tượng đài có thể là điều gây bất bình không?" Và có thể xem đó là quyền tự do ngôn luận không ?
Công dân Mỹ có thể đốt quốc kỳ với điều kiện đó là tài sản của họ mà không bị tội vì người Mỹ quan niệm một quốc gia chỉ có thể vinh danh tự do khi người dân có quyền đốt quốc kỳ để thể hiện sự bất bình của họ. Từ đó có thể thấy tượng đài là tài sản của người đóng thuế, chỉ phản ánh quan điểm của một giai cấp,một sắc dân nào đó nên tối cao pháp viện dễ dàng chấp nhận lập luận đó là một quyền tự do ngôn luận.
Một nhân vật lịch sử này đối với người da trắng có thể là anh hùng nhưng với người da đen lại là tội đồ. Và chỉ có thể bỏ tù kẻ đốt phá tượng đài khi người da trắng cai trị người da đen. Khi hai sắc dân chấp nhận bình đẳng với nhau thì có lẻ họ phải ngồi lại xét đến việc nên dở bỏ các tượng đài mang tính định hướng chính trị và chỉ nên giữ lại các bức tượng mang ý nghĩa phổ quát hơn.
Như vậy cả hai sắc dân đều tâm phục, khẩu phục để không đi đến nội chiến. Lịch sử luôn thay đổi và tất cả danh nhân chỉ đại diện cho giá trị của một thời không hề bất biến. Nhiều anh hùng dưới thể chế này nhưng sẽ bị giật sập khi thay đổi quan niệm bởi quyền tự do ngôn luận. Không ai có thể dùng luật pháp để bảo vệ quan điểm của mình mà không tạo ra bất bình đẳng và bất công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét