Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

HỒI QUY CỐ QUỐC : KHỞI ĐẦU CỦA BẤT HẠNH.

Năm 1997 Hồng Kông hồi quy trở về với đất mẹ Trung Quốc sau 155 năm rời xa. Một đứa con đi xa lâu ngày trở về bao giờ cũng mừng tủi với bao xúc cảm trào dâng. Dân Hồng Kông cũng đếm ngược từng giây ở thời khắc lịch sử ấy, cũng bắn pháo hoa chào đón dù họ đã linh tính rằng đại nạn sắp đến .Một đứa con chỉ thực sự trở về với cha mẹ khi cha mẹ đang làm chủ căn nhà đó. Khi một đảng độc tài đang nắm quyền cai trị độc đảng thì trở về nhà là rơi vào hang hùm miệng sói, trở về với kiếp nô lệ, với trại súc vật.
Hơn ai hết người Hồng Kông rất hiểu rõ về Trung Quốc. Bởi họ ra đi từ đó. Chính họ chứ không phải ai đã làm những bộ phim về đấu tố dã man trong "cách mạng văn hóa" dưới thời Mao Trạch Đông như "Thiên la địa võng". Một tầng lớp quần chúng khố rách áo ôm mù quáng theo một đảng ít học nhào vào nhà những người có chút ít tài sản quy chụp là thành phần tư sản, để rồi lôi ra nơi công cộng bắt người dân nhổ vào mặt, buông lời mạt sát sau đó đánh đập, giẫm đạp hoặc ném đá cho đến chết. Cách mạng văn hóa và "Đại nhảy vọt" đã giết chết hơn 60 triệu người dân Trung Quốc , là một vết dơ nhất trong các vết dơ của lịch sử thế giới.
Và cũng chính người Hồng Kông đã làm những bộ phim về thứ luật rừng của Trung Quốc như "Sanh tử tụng", trong đó những nỗi oan sai dẫn đến án tử hình trong một nền tư pháp rừng rú đã làm rơi nước mắt nhân loại.Trong khi đó Hồng Kông đã bước khỏi Trung Quốc với khoảng cách cả trăm năm.
Nền chính trị Hồng Kông đã phát triển nhanh và vượt bậc về hướng thế giới văn minh. Đó là một thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng, tôn trọng đối lập , pháp trị, quyền con người.
Hồng Kông trước năm 1997 là một hình mẫu của một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Các sở tư pháp, sở liêm chính , sở cảnh sát, sở cứu hỏa, các tòa án độc lập vì công lý, đội ngũ luật sư, bác sĩ, thương gia , chính trị gia hùng hậu ..đã biến Hồng Kông thành một vùng đất giàu về kinh tế (GDP đầu người $55.000), luật pháp hoàn chỉnh, đầy ắp tình người và là trung tâm tài chính của châu Á và thế giới.
Biết bao người Việt tị nạn cộng sản sau 1975 đã dừng chân tại đây vào thập niên 1980 để chờ đợi đến các nước như Mỹ , Canada và Úc. Trong thời gian đó , rất nhiều người Việt, Hoa Kiều Chợ Lớn cũng gây ra cho họ nhiều rắc rối về buôn bán hàng lậu, hút chích, trộm cắp, thanh toán băng đảng giang hồ. Thế nhưng người Hồng Kông vẫn đón nhận họ với một tấm lòng nhân ái bao dung. Có thể thấy điều đó qua các bộ phim về "trại tị nạn Việt Nam" do Lê Minh, Ôn Triệu Luân, Châu Hải My, Thiệu Mỹ Kỳ đóng.
Ta có thể thấy một sự tương đồng giữa Hồng Kông và Việt Nam bởi lẻ báo chí Trung Quốc cũng đang tuyên truyền Việt Nam đang trên đường hồi quy. Luận điểm "đứa con hoang" đi xa trở về đang được giới truyền thông tung ra khi năm 2020 sắp đến . Điều này họ căn cứ trên "huyền sử" mà Đại Việt Sử Ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn có ghi lại về nguồn gốc của hai dân tộc Việt- Hoa. Nhưng "huyền sử" chỉ là giả sử, sự độc lập của tộc Việt đã biểu hiện khá rõ sau công nguyên.
Tuy nhiên vấn đề chính là sự bàng quan, vô cảm của người Việt. Bởi khác với người Hồng Kông "hồi quy" về nhà với một gia tài đồ sộ , một nền chính trị, kinh tế, luật phát phát triển cao, người Việt "hồi quy" với "trên răng dưới dép", chẳng có gì ngoài một ý thức hệ tương đồng, một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu một nền tư pháp rừng rú và một nền chính trị chỉ thích hợp làm tay sai cho ngoại bang.
Người Hồng Kông có nhiều cái để mất nên các thế hệ của họ ra sức đổ máu, không ngại hy sinh để gìn giữ. Trong khi đó người Việt gần như buông xuôi cho số phận. Ý chí đấu tranh của một dân tộc tự chủ, tự cường đã bị một đảng độc tài tuyên truyền cho tê liệt. Họ nép vào triết lý an phận và sống chết mặc bay. Họ đổ lỗi cho chính quyền trước lịch sử để chạy trốn mà không hề nhận ra rằng : mọi chính quyền trên thế giới và xuyên suốt lịch sử đều tham lam quyền lực cai trị và tàn bạo, tham nhũng như nhau. Chỉ có người dân từng vùng đất và thời điểm lịch sử là khác nhau.
Một đất nước này văn minh, phát triển hơn một đất nước khác không do công lao của chính quyền độc tài cai trị họ mà do công lao đánh đổ các giá trị của chính chế độ độc tài đó để bầu nên các chính quyền mới phù hợp với lợi ích của mình.
Có lẻ còn lâu lắm người Việt mới hiểu được các thiết chế cần thiết của một nền chính trị hiện đại để có thể hy sinh nhằm đổi lấy chúng.Còn bây giờ ngay chính những người đang sống ở nước ngoài cũng đang mơ về các mô hình cai trị thời phong kiến, của một ông vua đứng trên hiến pháp để ban ơn cho nô lệ, đàn áp những người chống đối. Và những kẻ mang danh chống cộng nhưng lại sao y bản chính mô hình nhà nước của chế độ cộng sản này vẫn có thể nhân danh nhân dân, dân tộc...cũng vì dân trí.
Nhân tài, hiền tài nguyên khí quốc gia đang im hơi lặng tiếng để cho thời của những kẻ cơ hội lên ngôi. Một dân tộc đang đi vào cõi chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét