Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

CÁC HÌNH THỨC DÂN CHỦ.

Nhân Nguyễn Xuân Phúc ngụy biện về hình thức "dân chủ tập trung " của đảng Cộng sản áp đặt lện đất nước Việt Nam ,chúng ta thử đi sâu bàn thêm về các hình thức dân chủ của các nước trên thế giơí.
Có ba hình thức dân chủ chính: Dân chủ Trực tiếp (DCTT – Direct Democracy), Dân chủ Đại diện (DCĐD – Representative Democracy), và Dân chủ Hiến định (DCHĐ – Consitutional Democracy). Ngày nay, các nước dân chủ tiên tiến thường áp dụng một hỗn hợp của 3 hình thức vừa nói – tuỳ theo tính cách của vấn đề quốc sự. Còn ‘Dân chủ Tập trung’ là một phát minh của ĐCSVN nhằm nguỵ trang cho độc tài.
Dân chủ Trực tiếp (DCTT): mọi công dân đều có thể trực tiếp tham gia vào tiến trình quyết định các chính sách qua việc bầu phiếu hay trưng cầu dân ý. Nguyên tắc đa số tương đối được áp dụng. Hình thức này từng được áp dụng trong các cổ thị-quốc (city-state) Hy Lạp và La Mã nhưng nay thì khó có thể được áp dụng trong những quốc gia lớn. Ngày nay, DCTT thường hiện hữu như là một phương sách trong các nền dân chủ để thu thập dân ý khi đối diện với một quyết định liên quan tới vận mạng quốc gia.
Dân chủ Đại diện (DCĐD) là nơi người dân có quyền tham chính bằng cách bầu lên đại biểu quốc hội để thay mặt họ mà quyết định về quốc sự. Hai khó khăn chính của hình thức này là (1) làm sao để công thức bầu cử và cấu trúc chính trị phản ánh được nguyện vọng của dân, và (2) không để cho ý nguyện của đa số triệt tiêu quyền lợi của thiểu số.
Để đạt được hai tiêu chí vừa nói, và để tránh tình trạng đa số dùng quyền lực chính trị để đàn áp thiểu số, các nền DCĐD dần dà dùng hiến pháp để bảo đảm các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, và tự do tham chính. Hiến pháp cũng không cho quyền lực tập trung vào một cấu trúc chính trị nào trong nền DCĐD.
Từ thế kỷ 19 tới nay, cấu trúc quyền lực trong nền DCĐD được phân định trong hiến pháp, và DCĐD trở thành Dân chủ Hiến định.
Dân chủ Hiến định (DCHĐ) dùng hiến pháp để một mặt công nhận quyền lực của đa số và mặt khác bảo vệ quyền lợi của thiểu số.
Để tránh nạn lạm quyền, DCHĐ đưa nguyên tắc ‘Tam quyền phân lập’ vào trong hiến pháp – tức là 3 cấu trúc quyền lực chính là hành pháp (chính phủ), lập pháp (quốc hội) và tư pháp (toà án) phải độc lập với nhau. Vì các quyền công dân và nguyên tắc ‘Tam quyền phân lập' đã được đưa vào hiến pháp, không một chính phủ nào có thể tuỳ tiện thay đổi chúng để thao túng chính trường.
Từ cuối thế kỷ 18 đến nay, DCHĐ đã trở thành hình thức dân chủ phổ biến nhất thế giới. Nhìn chung, một nền DCHĐ có những đặc tính sau:
1. Bầu cử được tổ chức định kỳ; cử tri được tự do chọn lựa dân biểu
2. Các đảng phái được tự do tranh cử
3. Tất cả các công dân trưởng thành đều có quyền đi bầu
4. Quyết định chính trị dựa trên ý nguyện của đa số
5. Quyền lợi của thiểu số được bảo vệ
6. Ngành tư pháp (toà án) độc lập
7. Hiến pháp bảo vệ các quyền dân sự cơ bản
8. Dân có cơ hội thay đổi các định chế chính phủ theo thể thức đã được chuẩn thuận
Trong hầu hết các nền DCHĐ hiện đại, hiến pháp còn đặt ra…
• những giới hạn cho việc sử dụng quyền lực của các định chế nhà nước và ấn định sự tương tác giữa chúng.
• những quyền lợi của công dân khi đối phó với quyền lực của nhà nước.
• phương sách để hiến pháp có thể được sửa đổi.
Trong việc xây dựng một nền DCHĐ, các đảng phái chính trị đóng vai trò quan trọng vì chúng được xem là phương tiện để dân chúng thể hiện quyền lực chính trị của họ cũng như để thay đổi chính phủ. Sự cạnh tranh chính trị giữa các đảng phái chính là sự khác biệt giữa một thể chế dân chủ đích thực và một nhà nước độc đảng dân chủ giả hiệu.
Các đảng phái trong một nền DCHĐ đều độc lập với nhà nước. Họ cạnh tranh với nhau để thu phục lòng tin và lá phiếu của cử tri với mục đích tối hậu là cầm quyền.
Tại Úc, đảng phái một khi đã nhận được một sự ủng hộ nhất định của cử tri sẽ được công quỹ tài trợ để hoạt động, và lãnh tụ của họ, kể cả lãnh tụ đối lập, cũng được ăn lương. Đây không phải là ân huệ của chính phủ đương quyền mà là do luật định. Đây là lý do tại sao các nền dân chủ đa đảng hay trở thành lưỡng đảng (Hoa Kỳ) và tam đảng (Úc).
Các đảng không cầm quyền vẫn có thể ảnh hưởng đến chính sách và tiến trình lập pháp qua sự tham gia tranh cãi của dân biểu về phe họ trong quốc hội. Sự hiện diện của các đảng không cầm quyền buộc chính phủ phải nghiêm túc và hiệu quả hơn trong việc cai quản đất nước. Trong một nền DCHĐ, nội các đối lập sẳn sàng để thay thế chính phủ khi chính phủ không còn được lòng dân, và đó là một cơ chế thay đổi quyền lực hoà bình nhất.
Một khi đã hiểu thế nào là dân chủ, ta thấy ngay rằng Việt Nam dưới chế độ CS là một thể chế phản dân chủ vì những lý do sau:
‘Dân chủ tập trung’ là một cụm từ tự mâu thuẩn về ngữ nghĩa và phản dân chủ trong thực hành. Nhà nước CS chỉ cho dân lựa chọn đại biểu mà Đảng đã chọn trước qua tổ chức tay sai là Mặt Trận Tổ quốc. Trong quá trình cài cắm đại biểu này, Quốc hội VN trở thành một công cụ của ĐCSVN.
ĐCSVN dùng hiến pháp cốt để giữ độc quyền thống trị. Các quyền công dân cơ bản đều bị vi phạm.
Vì hai lý do trên, nhà nước CS không chấp nhận sự cạnh tranh của các đảng phái khác, và vì thế không có một cơ chế để trao đổi quyền lực một cách hoà bình.
Ngoài công cụ hiến pháp, nhà nước CS sẳn sàng dùng vũ lực để duy trì quyền lực – một hành động hoàn toàn phản dân chủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét