Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016
CẦN TRUNG THỰC VÀ GIẢI THIÊNG TẤT CẢ CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ.
Có câu nói rằng" Chỉ có sự thật,cho dù đó là sự thật đau đớn nhất mới có thể giải phóng nhận thức con người".
Trong khi đề cập đến khái niệm và tầm quan trọng của giải thiêng để đánh bật các hình tượng kiểu mẫu ra khỏi tâm thức con người tôi cũng đã xác định rằng đó là một công việc gian nan và sẽ bị ném đá.Nhưng tôi chấp nhận bị ném đá ,mục đích là để dân tộc ta trở nên lý trí hơn không còn bị chi phối bởi cảm tính.Chính sự cảm tính sẽ khiến chúng ta đánh đổ sự độc tài này để xây nên một sự độc tài khác.
Căn cứ lý luận quan trọng nhất của giải thiêng là không có một con người hay một nhân vật lịch sử nào là hoàn hảo cả.Nghĩa là họ đều có hai mặt tốt và xấu.Đặc điểm của tư duy cảm tính là chỉ nhìn thấy mặt tốt ,ca ngợi những giá trị tích cực và bỏ qua mặt trái của nó.Người Mỹ đã nhận ra điều này khi luôn luôn phơi trần hai mặt của một lãnh đạo quốc gia cho người dân chọn lựa.Còn ta kể cả hai phía cộng sản và quốc gia đều luôn cảm tính.Khi ai đó giải thiêng lãnh tụ của phía đối phương thì vỗ tay hoan nghênh nhưng đụng đến đối tượng trong lòng mình là bảo vệ đến cùng với một thái độ rất cực đoan.
Gần đây phía VNCH đã có nhiều bài viết giải thiêng nhân vật Quang Trung ,Nguyễn Huệ. Và tôi đồng ý với họ khi đưa ra những góc nhìn khác. Mục đích là để thấy rằng chỉ có cơ chế mới vĩnh cửu và cũng chỉ có "quyền lực nhân dân" mới mãi trường tồn.
Khi nêu ra sự đánh giá về ông Ngô Đình Diệm tôi đã căn cứ trên lý luận về chính trị học chứ không dựa vào cảm tính.Nhưng đáng tiếc là có rất nhiều ý kiến chụp mũ và phản biện một cách thiếu khách quan ,vi phạm logic khi tranh luận.Chẳng hạn khi nói ông Diêm độc tài tôi căn cứ trên các luận điểm sau đây:
Một chế độ độc tài được xác định như sau :
- Hiến pháp có tách rõ ba quyền và đề cao quyền lực nhân dân tức nhân dân là chủ thể của quyền lực hay không?
- Có đảng đối lập hoạt động với tư cách giám sát đảng cầm quyền hay không ?
- Có tự do báo chí tức có báo chí tư nhân hay không ?
- Có tù chính trị thuộc đảng đối lập hay không?
- Quốc hội có được quyền truất phế tổng thống hay không?
- Có tối cao pháp viện để xử tổng thống nếu tổng thống vi hiến hay không?
- Các quyền con người có được tôn trọng hay không ?
- Nhiệm kỳ của tổng thống mà hiến pháp quy định có được tuân thủ hay không ?
Để chứng minh các luận điểm đó tôi sẽ so sánh hiến pháp VNCH 1956 với hiến pháp năm 1967 để thấy được sự hạn chế của nó và cũng căn cứ trên thực tế khó chối cãi đã diễn ra dưới thời ông Diêm.
Dưới chế độ ông Diệm tất cả các đảng phái đối lập như Bình Xuyên,Hòa Hảo,Cao Đài đều bị đánh dẹp,chỉ còn duy nhất đảng Cần Lao hoạt động .Chính phủ còn có những biện pháp cản trở và cấm đoán hoạt động của các đảng phái đối lập. Bắt đầu từ Tháng Bảy năm 1956 Bí thư Đảng Xã hội bị bắt giam. Nguyễn Thành Danh (bí thư Việt Nam Phục quốc Hội) cùng Trung úy Nguyễn Văn Phước, Trần Văn Ân, Nguyễn Hữu Than cũng bị kết tội thông đồng với lực lượng chống chính phủ. Mật khu Đảng Đại Việt và Việt Nam Quốc dân Đảng từ Quảng Trị xuống Phú Yên đều bị giải tán và nhân sự bị bắt giữ. Xứ trưởng Trung Việt của Đảng Đại Việt là Hà Thúc Ký bị bắt giam còn Nguyễn Tôn Hoàn phải lưu vong.
Trong khi đó dưới thời ông Thiệu đảng phái đối lập mọc như nấm. Dưới thời ông Thiệu hiến pháp quy định tổng thống có nhiệm kỳ 4 năm và chỉ tái cử một lần,trong khi ông Diệm sửa lại hiến pháp 1956 để kéo dài thêm một nhiệm kỳ 5 năm.Dưới thời ông Thiệu ba quyền hành pháp,lập pháp,tư pháp tách biệt rất rõ ràng và có tối cao pháp viện trong khi dưới thời ông Diệm quyền hành pháp lấn át quyền lập pháp.Tổng thống có thể phủ quyết các đạo luật quốc hội và ra các đạo luật về ngân sách.Nhưng quốc hội không có quyền truất phế tổng thống.Ngoài ra quyền tự do ngôn luận dưới chế độ ông Diệm cũng bị bóp nghẹt ,không có báo chí tư nhân.
Như vậy để phản biện lại các luận điểm của tôi bạn không thể nói" Thằng này có động cơ gì,mày có phải cộng sản DLV hay không"? mà phải đi vào chứng minh xem dưới thời ông Diệm có đảng phái nào giám sát đảng "Cần Lao" hay không? Có báo chí tư nhân hay không? Quốc hội có được quyền truất phế tổng thống hay không hoặc là không có tù chính trị thuộc các đảng phái khác thì mới chứng minh là ông không độc tài.
Có ý kiến cho rằng không phải muốn lật đổ ai thì gán cho người ta cái tội độc tài rồi đảo chính.Đó là một suy nghĩ cảm tính bởi nước Mỹ họ không bao giờ làm như thế khi đó là một quyết định của tổng thống.Và tất nhiên họ căn cứ trên hiến pháp và cơ cấu trong bộ máy của chính quyền ông Diệm cùng những việc mà bộ máy này làm chứ không thể phán đoán một cách tùy tiện.
Còn lập luận cho rằng độc tài cũng làm nên chuyện là không chính xác khi lý do mà anh đang muốn đánh đổ cộng sản là vì cộng sản độc tài,độc đảng.Nói như vậy thì bọn DLV cũng có thể bảo là độc tài toàn trị của chúng tôi cũng có thể đưa đất nước tới giàu mạnh chỉ là chưa thôi.Anh phê phán tình hình thực tế hiện tại thì chúng cũng có thể dẫn chứng những bất cập dưới thời ông Diệm,như vậy chẳng ai chịu ai vì không căn cứ trên một cơ sở lý luận nào cả.Rốt cuộc là bế tắc và chửi muôn năm.Ai chửi mạnh người đó thắng.
Nói như vậy để thấy rằng chúng ta phải tôn trọng các sự thật khách quan của lịch sử,đừng bao giờ dùng ngụy biện để không thừa nhận mặt trái của nhân vật lịch sử mà mình tôn sùng.Bởi vì họ không hề hoàn hảo.Khi họ không hoàn hảo thì sẽ có người giải thiêng để trả lại sự thật.Mình phải chấp nhận sự thật đó cho dù nó rất đau đớn.
Nhưng chỉ có cơ chế của một xã hội dân chủ,tôn vinh quyền lực nhân dân mới không bị giải thiêng,mới sống mãi cùng thời gian.Còn độc tài nếu thành công chỉ là cá biệt.Chúng ta không thể lấy cái cá biệt để nâng lên thành cái chung.Và cứ nên nhớ rằng" Cứ hễ là độc tài là phải bị đánh đổ,bị đảo chính,bị lên án".Bởi vậy đối với nước Mỹ cả trăm ngàn thứ họ không sợ ,chỉ sợ nhất là độc tài.Vì vậy trong cơ chế chính trị của họ đã rào rất kỷ để ngăn ngừa và chống độc tài.Muốn giàu mạnh ,thịnh vượng ta phải thay đổi tư duy và học theo họ.
Đừng đem sinh mệnh dân tộc giao phó ,đặt cược vào tài năng hay đạo đức của một cá nhân nào đó vì dân tộc này chịu đựng khổ đau đã quá đủ rồi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét