Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

CÔNG TỐ VIÊN ĐẶC BIỆT VÀ LỊCH SỬ CỦA VAI TRÒ NÀY TRONG VIỆC ĐIỀU TRA TỔNG THỐNG HOA KỲ.

Đọc nhận đinh sau đây của một số đồng chí Dư luận viên mà cười nôn ruột:
"...Tôi thì không quan tâm gì mấy đến kết quả cuộc điều tra của Robert S. Mueller III. Nhìn từ đầu là biết ông thanh tra "đặc biệt" này chẳng thể vượt qua được các xung đột lợi ích chằng chéo trong bộ máy nhà nước do Donald Trump dựng lên. Và nay, điều đó đơn giản là sự thật."(Hết trích)
Đem tư duy thối nát mang tính tập quyền của các nhà nước cộng sản gán vào tư duy của các nhà nước phân quyền, độc lập kiểm soát quyền lực rạch ròi của Hoa Kỳ là nhận thức vô cùng non nớt của các DLV. Nhưng tranh luận với họ là sự sỉ nhục đến trí tuệ của mình. Bài này chỉ đề cập đến vai trò của các công tố viên đặc biệt khi được cử điều tra một tổng thống.
Robert Muller không phải là một cái tên xa lạ trong chính trường Mỹ. Ông là cựu Giám đốc FBI trong 12 năm liên tiếp dưới thời các tổng thống Geogre W. Bush và Barack Obama (được bổ nhiệm 10 năm và sau đó được đề nghị tiếp tục chức vụ thêm hai năm).
Công tố viên đặc biệt là ai?
Quyền công tố (prosecution) được hiểu nôm na là quyền quyết định có tiến hành điều tra, truy tố một người đang bị nghi ngờ là phạm tội theo trình tự của pháp luật hay không, kể cả các quan chức nhà nước.
Nhiệm vụ của cơ quan công tố không phải là cố gắng buộc tội ai đó, mà nó đại diện cho lợi ích công cộng, tức là bảo vệ nhân dân và hiến pháp, đảm bảo pháp luật được thực thi.
Tại Mỹ, công tố viên là những luật sư làm việc cho chính phủ ở cấp tiểu bang và liên bang. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp liên bang và tiểu bang đóng vai trò là công tố viên cao nhất ở cấp của mình, và còn được gọi là Tổng Chưởng lý.
Ở cấp liên bang, có 94 công tố viên (U.S attorneys) do Tổng thống bổ nhiệm và Thượng viện phê chuẩn. Công tố viên cấp liên bang điều tra các vi phạm luật liên bang: lũng đoạn, hối lộ quan chức của các doanh nghiệp (white-collar crime), buôn bán ma túy và tham nhũng.
Ở cấp bang, quận hạt và thành phố, công tố viên (district attorneys) chịu trách nhiệm về các vụ án hình sự theo luật của tiểu bang.
Vậy ai sẽ điều tra các sai phạm của tổng thống hay các quan chức của nhánh hành pháp? Trong một số trường hợp, khó có thể để công tố viên nhánh hành pháp điều tra nhánh hành pháp. Như thế có vẻ vừa có xung đột lợi ích, vừa không khách quan.
Vì vậy một chức danh mới được chỉ định, đó là công tố viên độc lập (independent counsel), hay công tố viên đặc biệt (special counsel hay special prosecutor). Hai tên gọi này được dùng trong các thời kỳ khác nhau nhưng quyền hạn là hoàn toàn giống nhau.
Công tố viên đặc biệt Mỹ có gì… đặc biệt?
Công tố viên đặc biệt Mỹ trước hết phải là một luật sư. Ngoài ra, không thuộc đảng phái chính trị nào, có kinh nghiệm điều tra, hiểu biết về luật hình sự và chính sách của Bộ Tư pháp.
Điều quan trọng, công tố viên đặc biệt phải là người nằm ngoài bộ máy chính quyền để đảm bảo yếu tố công chính vô tư.
Việc bổ nhiệm Mueller được cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ủng hộ.
“Robert Mueller là lựa chọn đúng đắn nhất. Mueller là một người phi chính trị. Ông ấy chỉ tuân theo pháp luật và đưa ra quyết định dựa trên chứng cứ, bất kể chúng dẫn đến các kết quả chính trị nào”, John Pistole, cựu Phó Giám đốc FBI cho biết.
Quyết định bổ nhiệm nêu rõ Mueller có quyền điều tra “bất kỳ liên kết hoặc sự phối hợp nào giữa chính phủ Nga và các cá nhân liên quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump”. Mueller cũng có quyền điều tra “bất kỳ vấn đề nào trực tiếp phát sinh từ cuộc điều tra này”.
Điều này bao gồm cả việc điều tra liệu chính Tổng thống Trump đã có hành vi cản trở tư pháp (obstruction of justice) hay không. Trump đã bị cáo buộc là từng yêu cầu Giám đốc FBI James Comey, ngừng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn (James Comey sau đó bị sa thải). Mueller cũng có quyền mở hồ sơ đối với bất kỳ ai cản trở quá trình điều tra.
Năm 1875, John B. Henderson được Tổng thống Ulysses S. Grant bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt để điều tra vụ trốn thuế của các hãng sản xuất rượu, liên quan đến các quan chức chính phủ. Chính Tổng thống Grant cũng bị nghi ngờ có liên quan đến vụ việc này.
Tuy nhiên, Henderson bị tổng thống cách chức vì che dấu một lá thư cá nhân liên quan đến cuộc điều tra. Một công tố viên mới được bổ nhiệm. Cuối cùng, hơn 110 người bị kết án, bao gồm các quan chức và hơn ba triệu đô la tiền thuế được trả lại cho chính phủ.
Năm 1952, Tổng thống Harry S. Truman bổ nhiệm Newbold Morris cho chức danh Trợ lý đặc biệt của Tổng chưởng lý (Special Assistant Attorney General) để điều tra vụ tham nhũng ở Sở Thuế vụ (Internal Revenue Service). Không lâu sau, Morris lại bị Tổng chưởng lý Howard McGrath sa thải, khi buộc các quan chức cao cấp phải minh bạch về tài sản cá nhân. Ngay sau đó, chính Tổng chưởng lý McGrath cũng bị Tổng thống Truman sa thải và bổ nhiệm một vị mới, không bị xung đột lợi ích và tiếp tục điều tra.
Như vậy, cho đến năm 1952, công tố viên đặc biệt được bổ nhiệm bởi tổng thống và chỉ có tổng thống mới có quyền sa thải. Điều này đã có thay đổi sau khi cơn “địa chấn” Watergate làm rung chuyển chính trường Hoa Kỳ năm 1973.
Năm 1973, vụ bê bối lịch sử Watergate của chính quyền Richard Nixon nổ ra sau khi năm người bị bắt quả tang đã đặt máy nghe lén trong trụ sở Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ. Những người đó bị cáo buộc là đã nhận nhiệm vụ này trực tiếp từ thành viên nội các của Nixon. Sau đó, Archibald Cox được Nixon bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt. Cox là một giáo sư luật của đại học Harvard, nguyên là Tổng biện lý sự vụ (Solicitor General).
Kể từ khi được bổ nhiệm từ ngày 17 tháng 5 năm 2017, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller và ban điều tra đã tập trung vào việc tìm hiểu Nga bằng cách nào đã xáo trộn bầu cử vào năm 2016 và liệu có ai trong ban vận động tranh cử của ông Trump cố ý hoặc vô ý hợp tác với họ hay không.
Cho đến nay, ông Mueller đã truy tố 34 cá nhân và 3 công ty, trong đó có 6 cộng sự thân tín với ông Trump, gồm: cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, cựu Chủ tịch vận động tranh cử Paul Manafort và cấp phó Rick Gate, cựu cố vấn chính trị Roger Stone, cựu luật sư tư Michael Cohen, cựu cố vấn vận động tranh cử George Papadopoulos và những cá nhân người Nga khác.
24/03/2019, bộ trưởng Tư Pháp Mỹ William Barr đã công bố bản tóm tắt « những kết luận cơ bản » của cuộc điều tra. Theo Tư Pháp Mỹ, ông Muller đã không phát hiện bằng chứng nào cho thấy là ê kíp vận động tranh cử của tổng thống Trump đã thông đồng với Nga.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét