Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020

TẠI SAO CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA VENEZUELA THẤT BẠI ?

Trong một nền chính trị dân chủ, tùy theo lá phiếu bầu của người dân sẽ có hai chính quyền thay nhau cầm quyền :
- Cánh hữu : chuyên chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, giảm thuế cho người giàu để từ đó họ có vốn để phát triển doanh nghiệp, tập đoàn, mở rộng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, giảm quy mô của chính phủ, tạo tăng trưởng kinh tế.
- Cánh tả : chuyên chú trọng đến lợi ích công nhân, tăng phúc lợi xã hội, đánh thuế lũy tiến vào người giàu, đưa công việc ra nước ngoài để tránh ô nhiễm môi trường.
Cả hai loại chính quyền này đều hình thành từ sau cách mạng tư sản Anh 1642. Nhưng giai đoạn này tư tưởng cánh tả chưa chiếm ưu thế. Vì vậy cánh hữu của các nước châu Âu đã đi xâm chiếm thuộc địa và tạo ra những lãnh thổ trải dài "mặt trời không bao giờ lặn" như nước Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.
Vấn đề đặt ra ở đây cho nhân loại là :
- Nếu cánh hữu cầm quyền suốt đời thì một đất nước sẽ phồn vinh,phát triển bên ngoài như các nước châu Âu xưa kia, như Đức, Nhật ,Ý thập niên 30-40, như Trung Quốc ngày nay. Thế nhưng dân nghèo chẳng được gì. Tất cả tài sản đều nằm trong tay một thiểu số giàu có.
- Nếu cánh tả nắm quyền trọn đời thì chỉ có thể là bán tài nguyên thiên nhiên để ăn, để chia cho người nghèo chứ không thể kinh doanh làm ăn buôn bán với thế giới để phát triển kinh tế.Cánh tả sẽ thi hành các chính sách cải tạo tư sản, xóa bỏ địa chủ như chế độ CSVN đã làm khi mới nắm chính quyền.
Venezuela là một nước điển hình của việc phe cánh tả chiếm ưu thế và phát triển chủ nghĩa xã hội theo cách bán tài nguyên để ăn. Tài nguyên đó là dầu mỏ. Tổng thống Chavez chả làm gì để phát triển kinh tế nhưng chỉ dùng bán dầu mỏ lấy tiền cho dân nghèo để mị dân nhằm cũng cố quyền lực.
Thế nhưng tài nguyên nhiều cỡ nào ăn mãi cũng hết. Từ đó Venezuela lâm vào lạm phát và đi đến khốn cùng như ngày nay.
Thế là các nhà chính trị gia cánh hữu liền nhắm ngay vào đó để bảo dân nghèo nhằm lấy phiếu : chủ nghĩa xã hội thất bại khắp mọi nơi, điển hình là các chế độ cộng sản Liên Xô, Trung Quốc, Cu Ba, Việt Nam, Venezuela ...
Tại sao mấy ông này nói như thế ?
Vì các ông đại diện cho tầng lớp trung lưu và giàu có trong xã hội. Các ông chẳng dại gì cổ vũ cho CNXH vì nó sẽ đánh thuế tài sản lũy tiến của các ông rất cao. Một năm các ông làm ra 1 tỷ USD, thuế các ông phải đóng là 250 triệu. Chưa kể thuế bất động sản, du thuyền ,siêu xe...
Các ông chả bao giờ quan tâm đến an sinh xã hội vì người giàu không cần đến nó. Bệnh là họ lấy tiền sinh lời từ đầu tư ra chữa, về hưu thì có tiền nhà băng tích lũy, không cần xem quỹ bảo hiểm xã hội trừ của mình hàng năm bao nhiêu tiền.
Khổ là các"chính trị da" trên răng dưới dép nhà ta nghe các ông nói như thế cũng vào hùa theo tố cáo CNXH và nêu Venezuela ra làm dẫn chứng.
Chừng nào các ông giàu như ông Trump, như 1% dân giàu nước Mỹ thì các ông nói tôi bất cần CNXH mới có lý. Đằng này các ông rách như đít chị Dậu làm hãng,ăn lương quèn nhưng vẫn bắt chước dân giàu tố cáo các chính sách mang đến quyền lợi cho mình mới là lạ.
- Ai đã khiến cho công nhân làm ngày 8 tiếng, tuần 40 tiếng, làm thêm là phải trả overtime ?
- Ai đã khiến chính phủ phải miễn học phí cho học sinh phổ thông ?
- Ai đã tạo ra y tế miễn phí cho người nghèo?
- Ai đã tạo ra các quỹ phúc lợi xã hội, hưu trí, chính sách cho người tàn tật?
- Ai tạo ra các nhà dưỡng lão...
Chính là nhờ vào chính sách đánh thuế lũy tiến vào người giàu mới có những điều đó. Nếu không có các đảng cánh tả nắm quyền thì tất cả các chính sách này đều bị cắt xén hoặc hủy bỏ. Vì người giàu bao giờ cũng muốn giàu hơn hoặc cùng lắm là đi làm từ thiện lấy tiếng chứ không dại gì bị sở thuế trừ thẳng cánh như thế.
Cho nên cử tri các nước dân chủ cần phải tỉnh táo chứ không phải tin vào lời nói của các chính trị gia để rồi ngây thơ như những chú cưu. Đôi lúc tự mình cứa cổ mình mà vẫn không hay biết.
Phần Lan là nước dung hòa cả hai chính sách cánh hữu và cánh tả. Nghĩa là giới giàu có chấp nhận để nhà nước cứa cổ bằng thuế lũy tiến nhằm lấy tiền đó lo cho người nghèo. Người nghèo không phải lo về bảo hiểm sức khỏe, lo về già không nhà không cửa sẽ yên tâm làm công nhân cho họ. Khi không phải lo lắng gì người dân cũng thoải mái mua sắm hoặc sửa sang nhan sắc thẩm mỹ. Điều đó khiến hệ thống cửa hàng, siêu thị của nhà giàu cũng có doanh thu, các cơ sở làm ăn nhỏ cũng có đồng ra đồng vào.Tiền không mất đi đâu cũng về tay giới giàu có cả.
Nhưng ngược lại khi phải lo lắng ,tốn tiền về bảo hiểm sức khỏe, hưu trí giới nghèo khổ sẽ thắt chặt chi tiêu để đem tiền gởi nhà bank. Từ đó giới chủ cũng khó tận dụng được nhân công và khó bán được hàng, kinh tế cũng đình trệ khi sức mua giảm sút.
Tuy vậy nói chung trong nền dân chủ lá phiếu của người dân quyết định các chính sách và đảng cầm quyền. Nếu như ở các chế độ độc tài lời nói ngon ngọt của chính trị gia có thể định hướng được người dân theo chủ nghĩa dân túy thì với các nước dân chủ quyền lợi thiết thân của họ mới quyết định ai nắm quyền.
Do vậy bất kể truyền thông hai đảng đưa tin ra sao, dân Mỹ vẫn có quyết định riêng của mình chứ không dễ bị dẫn dắt như dân Việt. Và khi họ bỏ phiếu cho một ai đó thắng cử không phải vì ông ta nói hay mà vì đã đến lúc họ cần thay đổi chính sách, thay đổi đảng cầm quyền vì chính quyền lợi của số đông theo nguyên tắc đa số thắng thiểu số.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét