Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

ĐỂ HIỂU THÊM VÌ SAO TRUMP THÀNH TỔNG THỐNG MỸ ? ĐỌC "NƯỚC MỸ NHÌN TỪ BÊN TRONG".



Sách "Nước Mỹ nhìn từ bên trong" của Donald Trump vẽ ra nước Mỹ bế tắc, tồi tàn ở nhiều lĩnh vực cùng đó là tham vọng đưa quốc gia này trở lại hùng cường.
Donald Trump thổi một luồng gió lạ vào bầu không khí chính trị Mỹ trong bối cảnh "quá nhiều người tin rằng giấc mơ Mỹ đã chết". "Nhưng chúng ta có thể mang nó trở lại, lớn lao hơn, tốt đẹp hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết", Trump viết như thế trong cuốn sách mới nhất và cũng là cương lĩnh tranh cử của ông mang tên Nước Mỹ nhìn từ bên trong. Làm thế nào để nước Mỹ què quặt hùng mạnh trở lại.
Với Donald Trump, nước Mỹ hùng mạnh một thời không còn hùng mạnh nữa, thua Trung Quốc, thua cả Mexico, Nga và Iran trên nhiều phương diện. Obama đang để Vladimir Putin chiếm thế áp đảo hoàn toàn. Putin cùng các đồng minh "đã trụ vững ở chính nơi mà Tổng thống Obama và quân đội của chúng ta đã thảm bại suốt nhiều năm qua".
Những ai đã đọc Nước Mỹ nhìn từ bên trong dù có thể không ưa giọng điệu ngạo mạn của "Trump Lão Tà", ít nhiều phải thú nhận rằng ông có lý. Và hơn thế nữa, có vẻ như ông không nói suông.
"Hiệp ước" hạt nhân Iran ư? "Đây có lẽ là hiệp ước quan trọng nhất của thời đại chúng ta, còn những lãnh đạo ngu xuẩn của chúng ta tại Washington DC thậm chí không đủ bản lĩnh để tổ chức thảo luận và bỏ phiếu cho nó", Trump viết.
Còn chương trình giáo dục? "Đó là một thảm họa!", Trump tiếp tục. Những công đoàn giáo viên, khi chăm chăm bảo vệ lợi ích của mình, gây cản trở rất lớn cho một nền giáo dục tự do. "Tấm bằng cử nhân bốn năm đắt đỏ tới mức có thể tạo ra khoản nợ sáu-con-số". Và còn bao nhiêu điều khác nữa: chăm sóc y tế đang làm mọi người lâm bệnh, cơ sở hạ tầng long ra từng mảnh, hệ thống thuế tồi tệ...
Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại, đó là chủ đề xuyên suốt cuốn sách.
Trump muốn chi thêm ngân sách cho quân đội, cải thiện chất lượng quân sự ở Ả Rập, Hàn Quốc, Đức, Nhật, Anh và các quốc gia này sẽ phải cảm tạ cũng như chia sẻ với nước Mỹ về điều đó, bằng Mỹ kim. Trump bảo: "Chúng ta cần một quân đội mạnh đến mức chúng ta không cần dùng đến".
Trump sẽ xây nên một bức tường ở phía Nam để chặn dòng người nhập cư phi pháp, và để nước Mỹ có thể thịnh tình đón tiếp những con người ưu tú và lương thiện từ khắp mọi nơi trên thế giới. Nói tóm lại, "họ nên và cần phải đi về nhà và xếp hàng".
"Không ai xây tường tốt hơn tôi" - Trump nói - "và tôi sẽ bắt Mexico trả tiền cho bức tường đó". Trump cả quyết sẽ kết liễu tiêu chuẩn giáo dục Common Core. Ông cảnh báo Iran không được phép phát triển vũ khí hạt nhân và đó không đơn thuần chỉ là lời đe dọa.
Trump muốn vạch ra tất cả điều ấy để chứng minh mình là một "doanh nhân thông minh hiểu cách quản lý", chứ không phải như đám "chính trị gia chỉ thích nói suông".
Nước Mỹ cần bắt đầu trở lại làm người chiến thắng. Đây là nước Mỹ của ngày hôm nay, thành phố tỏa sáng trên một ngọn đồi từng được những quốc gia khác ngưỡng mộ và tìm cách bắt chước. Vậy chúng ta có thể làm gì? Làm sao để chúng ta bắt đầu trở lại làm người chiến thắng?
Để bắt đầu, chúng ta cần một chính phủ cam kết sẽ chiến thắng và có kinh nghiệm chiến thắng.
Không cần chính trị gia “nói suông” nữa
Vào đầu tháng 9 năm 2015, tôi phát biểu tại một buổi mittinh lớn ở Washington D.C. Tôi bảo họ chúng ta cần một quân đội mạnh đến mức chúng ta không cần dùng đến. Và rồi tôi hỏi: “Ông có đang lắng nghe không, Tổng thống Obama?”.
Hầu như ai trong đám đông cũng hoan hô, nhưng tôi cũng hiểu tại sao vài người trong số họ còn hoài nghi.
Người Mỹ đã quen nghe những lời hứa quen thuộc cũ mòn từ những chính trị gia mệt mỏi na ná nhau, những người không bao giờ đem lại kết quả nào, chứ đừng nói đến chiến thắng. Tôi chả lạ gì.
Suốt nhiều năm tôi đã tặng tiền, rất nhiều tiền, cho các ứng viên từ cả hai đảng, những người đích thân cầu khẩn tôi ủng hộ cho chiến dịch của họ.
Họ đều hứa hẹn thay đổi mọi thứ bằng các ý tưởng mới và đem chính quyền quay lại nguyên bản, bó hẹp hơn trong mục tiêu bảo vệ đất nước và đặt người dân lên hàng đầu. Hết ứng viên này đến ứng viên khác đưa ra đủ loại lời hứa như thế và có rất ít điều (nếu có chăng nữa) được thực hiện.
Bao nhiêu trong số những vấn đề đó được giải quyết? Hầu như chẳng có tiến triển gì ở Washington.
Hãy nhìn vào Quốc hội, dễ hiểu tại sao cơ quan này đã trở nên tai tiếng trong dư luận Mỹ. Và tại sao lại không? Họ có làm gì đâu. Họ còn không thể thông qua một gói ngân sách thường niên.
Họ thường xuyên cãi vã chuyện nhỏ nhặt, đồng nghĩa với việc họ sẽ ném tất cả vấn đề cùng khoản nợ công khổng lồ của chúng ta cho con cái và có lẽ cả cháu chắt chúng ta nữa.
Điều này phải chấm dứt.
Cuối cùng, tôi nhận ra rằng nước Mỹ không cần thêm những chính trị gia “chỉ nói suông” điều hành nó nữa. Nước Mỹ cần những doanh nhân thông minh hiểu cách quản lý. Chúng ta không cần thêm những màn hùng biện chính trị nữa, mà chúng ta cần thêm sự hợp lẽ.
“Nếu nó không hỏng, thì đừng sửa nó”, song nếu nó đã hỏng, thì hãy ngừng nói để còn sửa chữa.
Tôi biết cách sửa nó.
Tôi đã chứng minh mọi người đều sai
Rất nhiều người đã động viên tôi phát ngôn và tôi nhận ra rằng với sự thành công được biết đến rộng rãi của mình cùng việc dựng nên những tòa chung cư, các cao ốc văn phòng và phát triển không gian công cộng cùng lúc tích lũy tài sản cá nhân suốt quá trình đó, tôi có thể truyền cảm hứng cho mọi người để giúp tạo ra cú xoay chuyển vĩ đại nhất lịch sử nước Mỹ.
Dĩ nhiên luôn có những kẻ ngờ vực. Trong đám phóng viên bán báo bằng cách tạo ra những đề tài gây tranh cãi và trong giới chính trị gia tên tuổi đang hăng hái duy trì hiện trạng nhằm giúp họ giữ ghế, có rất nhiều “chuyên gia” đã dự báo cái chết của tôi. Họ dự đoán những “cuộc thăm dò ý kiến”.
Họ lắng nghe ý kiến của mọi chuyên gia vận động hành lang và các nhóm đặc quyền, những kẻ nói rằng “Trump là mối đe dọa cho cuộc sống của chúng ta”.
Họ còn bảo tôi là kẻ hay bắt nạt, hoặc nói tôi mắc bệnh thành kiến, hoặc tôi ghét phụ nữ hay người gốc Mỹ Latin. Vài kẻ còn nói rằng, và đây là tội lớn trong chính trị, tôi sẵn sàng đương đầu với những người giàu nhất nước Mỹ cùng mọi ưu đãi thuế của họ.
Tôi đã chứng minh rằng tất cả mọi người đều sai.
Không ai trả tiền để tôi nói những điều này. Tôi đang tự trả phí tổn để đi con đường của mình và tôi không chịu ơn bất cứ nhóm đặc lợi hay giới vận động hành lang nào.
Tôi không chơi theo luật thông thường hiện hữu. Tôi không phải một chính trị gia đang thực hiện các cuộc điều tra dư luận để xem mình nên “tin” hay nói điều gì. Tôi đang nói về các vấn đề như thực tế đang xảy ra và chạm đến cốt lõi của thứ mà tôi nghĩ sẽ khiến nước Mỹ hùng mạnh trở lại.
Cần đem chút tài kinh doanh đến Nhà Trắng
Tôi không phải một nhà ngoại giao muốn ai nấy đều vui. Tôi là một doanh nhân thực tế vốn hiểu rằng khi đã tin vào điều gì, bạn sẽ không bao giờ ngừng lại, bạn sẽ không bao giờ từ bỏ và nếu bị đánh gục, bạn sẽ đứng dậy ngay lập tức và tiếp tục chiến đấu đến khi nào chiến thắng.
Đây đã là chiến lược suốt cuộc đời tôi và tôi đã làm theo cách đó để thành công.
Trái với những câu chuyện tiếu lâm, tôi không nghĩ Nhà Trắng cần bất cứ ngọn đèn neon sáng chói nào trên nóc nhà. Không cần cơi nới diện tích hay bán quyền không trung.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta cần đem chút tài kinh doanh đến Nhà Trắng. Khiến nước Mỹ trở nên hùng mạnh lần nữa đồng nghĩa với việc giữ lời. Chúng ta đã chứng kiến Tổng thống Obama vạch một đường kẻ ranh giới trên cát, rồi một đường kẻ nữa, thế rồi không còn đường nào cả.
Chúng ta đã trở nên lố bịch trước chính bản thân lẫn lịch sử của mình. Khi đồng minh không tin tưởng bạn, còn kẻ thù không nể sợ bạn thì bạn không còn chút tín nhiệm nào đối với thế giới.
Ngay lúc này, đồng minh của chúng ta không biết phải tin tưởng điều gì nơi chúng ta, hay xem trọng ra sao, hoặc liệu có nên xem trọng không lời nói của chúng ta. Suốt một thời gian dài, Tổng thống Obama luôn để cho lời nói của ông ta bay theo gió.
Chúng ta đã thấy ông Putin phớt lờ ông ta. Chúng ta đã thấy gần như mọi phe tham chiến ở Syria đều không chú ý đến ông ta. Chúng ta đã nhìn thấy người Trung Quốc lợi dụng triệt để những chính sách thương mại của chúng ta.
Chúng ta đã nhìn thấy người Iran rời bàn hội nghị nơi chúng ta đang đàm phán về một hiệp ước hạt nhân (nơi một “kỷ nguyên mới” của sự hợp tác được tuyên bố), rồi vài tuần sau đó vị thủ lĩnh Hồi giáo tối cao của họ lên tiếng đe dọa hủy diệt Israel và cười vào mặt nước Mỹ.
Không nói đâu xa, chỉ cách Nhà Trắng vài dãy phố, Quốc hội đang chuẩn bị quyết định xem liệu có nên đóng cửa chính phủ. Điều này gần như năm nào cũng xảy ra.
Quá nhiều người tin rằng giấc mơ Mỹ đã chết, nhưng chúng ta có thể mang nó trở lại, lớn lao hơn, tốt đẹp hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét