Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

ĐỐI LẬP CUỘI .



Các nhà nghiên cứu sử học khi xem xét trường hợp Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu đã có nhận xét rằng các chế độ cộng sản rất giỏi tạo ra các đối lập cuội (fausse opposition), tức là các tổ chức hoặc các đảng phái không phải cộng sản nhưng hoàn toàn nằm trong sự điều khiển của đảng cộng sản, hoặc do đảng cộng sản lập ra, điều này nhằm tạo ra một tình trạng dân chủ giả.
Chính quyền biến các đối lập thật thành các đối lập cuội bằng cách không trừng phạt những người có các đòi hỏi mang tính chất đối lập nhưng lại vô hiệu hóa các đòi hỏi của họ (dĩ nhiên những người bị trừng phạt do các hoạt động đối lập không nằm trong trường hợp này), do đó mà tạo nên tình trạng : ai đòi cứ đòi, ai làm cứ làm, không cần nghe, không cần đếm xỉa. Để cho đòi thoải mái, để cho phản đối thoải mái, nhưng những đòi hỏi đó hoàn toàn bị phớt lờ, bị vứt vào sọt rác.
Đó là tình trạng diễn ra những năm gần đây: nào là góp ý cho hiến pháp, nào là kiến nghị dừng Boxit Tây Nguyên , nào là kiến nghị đòi thay đổi thể chế…, vô vàn các văn bản kiến nghị mà nhà nước không bao giờ thèm trả lời, không bao giờ thèm thực hiện. Bằng cách đó chính quyền cho phép tồn tại một thứ trạng thái dân chủ giả. Khi cần, có thể nói với quốc tế rằng : « Không, chúng tôi không bóp nghẹt tự do ngôn luận, chúng tôi vẫn để cho người dân nói đấy chứ.
Nhưng bản chất của vấn đề là: chính quyền để cho người dân nói, nhưng chỉ thực hiện những gì do chính mình quyết định, không đếm xỉa đến ý kiến của người dân. Hãy xem thực tế của tình trạng khai thác Boxit, hãy xem bản hiến pháp 2013 được thông qua còn tệ hơn cả bản dự thảo , các kiến nghị có liên quan đến Trung Quốc …
Ở đây phải nói rõ rằng, không hề nghi ngờ mong muốn dân chủ hóa của những người đang cố gắng cho phong trào dân chủ. Đó là một mong muốn thực sự. Nhưng mong muốn của họ bị vô hiệu hóa, và vì thế họ bị đẩy vào tình thế đối lập mà thành ra không đối lập. Nếu để tình trạng này kéo dài, nếu để mình bị biến thành đối lập cuội, thì vô hình chung (ngoài ý muốn) những người làm dân chủ có thể góp phần củng cố sự dối trá của chính quyền.
Những người tiến hành các hoạt động dân chủ, nếu không ý thức được rằng trên thực tế các hoạt động của mình đã bị làm cho vô hiệu, sự đối lập của mình đã bị biến thành đối lập cuội do tình trạng vô hiệu triền miên, thì sẽ dễ dàng có cảm giác tự hài lòng, tự cho là mình đã làm được việc nọ việc kia, nói được điều nọ điều kia… Nhưng lại không biết rằng, trên thực tế họ có thể đang ở vào tình trạng « đối lập cuội ». Vị thế đối lập cuội hẳn còn đáng buồn hơn là vị thế trí thức cận thần.
Vậy muốn có hiệu quả thực sự, những người làm dân chủ phải thoát khỏi tình thế đối lập cuội mà chính phủ đang đẩy họ vào. Cũng có nghĩa là họ phải khắt khe với bản thân mình hơn nữa, phải đòi hỏi cao hơn nữa đối với các hoạt động của họ, và đặc biệt là phải hướng tới hiệu quả của hoạt động. Đã đến lúc cần chấm dứt kiểu tư duy: chỉ cần đưa ra một hoạt động cho có hoạt động, chứ không cần nghĩ tới hiệu quả.
Đại biểu quốc hội Trương trọng Nghĩa đang gây nóng sốt trên diễn đàn "quốc hại" Việt Nam những năm qua. Ông đã nhiều lần làm dân mạng sôi sục cảm phục nhưng chưa bao giờ các ý kiến của ông được đưa vào ứng dụng trong thực tế.
Chẳng hạn :
Về Luật Biểu tình: Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước. Do đó, ghi nhận quyền biểu tình trong hiến pháp không chỉ là sự thừa nhận một quyền cơ bản tự nhiên của công dân, mà còn là cam kết của Đảng đối với dân. Chúng ta đã từng có nhiều cuộc biểu tình do các đoàn thể hay Nhà nước tổ chức. Nhưng mấy chục năm nay, kể từ Hiến pháp 1959, chúng ta chưa có một đạo luật về quyền biểu tình cho mọi công dân. Đấy là món nợ của Nhà nước với nhân dân, trả càng sớm càng tốt.
Về việc Quốc hội không có tuyên bố về Biển Đông: "Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông thì tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Đại biểu Quốc hội chắc chắc sẽ nghẹn lời trước những ý kiến chất vấn của cử tri" "Còn phía dư luận thế giới chắc sẽ bình luận rằng: Một hành vi xâm phạm và đe dọa chủ quyền của Việt Nam trắng trợn đến thế mà Quốc hội nước này không có phản ứng chính thức gì thì việc gì mà nghị sĩ và nhân dân các nước khác phải lên tiếng. Và đây có thể là một cái cớ để phía Trung Quốc tiến hành những việc làm hiếu chiến và nguy hiểm hơn nữa".
Về Đợt sửa đổi Hiến pháp Việt Nam 2013: "Tôi nhận thức rằng sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại mà tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử. Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa XIII sẽ làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc" và "“Việc đổi mới chính trị đã không đồng bộ và không theo kịp với đổi mới kinh tế như nghị quyết Đại hội Đảng XI đã nêu. Nhân dân góp ý và chờ đợi sự thay đổi trong đó có ba nội dung lớn cần được đổi mới, đó là đổi mới phương thức lãnh đạo trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, đổi mới thành phần kinh tế nhà nước và đổi mới về pháp luật đất đai”.
Tại kỳ họp Quốc hội lần 8 khóa XIII: "Thành tự nói chung và thành tự kinh tế - xã hội năm 2014 nói riêng rất là lớn lao, "cú đấm 981" của Trung Quốc đã được hóa giải, tuy ai cũng biết là còn nhiều chiêu trò mới đang được chuẩn bị, chúng ta vẫn tăng trưởng dương trên 5%, tài chính - ngân hàng giữ được ổn định, an ninh chính trị an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, công lao thuộc về Đảng, nhà nước đặc biệt là Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, nhưng công lao lớn nhất thuộc về chín mươi triệu nhân dân, công nhân, nông dân, cán bộ, chiến sĩ". "Chúng ta vẫn đang chạy trên đường ray cũ, về hướng cũ làm sao nhìn thấy được chân trời mới?"
Về việc Công an TP Hà Nội đã xác định được nhóm hành hung 2 luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân tại địa bàn xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, qua lời khai của thủ phạm, là do xe ô tô của 2 luật sư phóng nhanh làm bụi bẩn dính lên người: "ở đây có điều nghiêm trọng là nếu chỉ chạy qua khiến bắn bụi như thế mà đã hành hung người ta thì xã hội sẽ loạn."
Góp ý cho luật Báo chí: "Chức năng của báo chí là thông tin, giám sát và phê phán chứ không chỉ khen và ca ngợi", "Báo trong nước không đăng thì người ta đọc báo nước ngoài, lề phải không đăng người ta đọc lề trái".
Ngày 17.11.2015 khi Quốc hội chất vấn Thủ tướng, ông đã phát biểu: "Cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này bởi Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí là chiếm lãnh thổ của Việt Nam và đe dọa tiếp tục chiếm nhiều hơn" và đặt câu hỏi: "Nhận viện trợ hay vay vốn ODA của Trung Quốc cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không?"
Tham nhũng không giảm như các nghị quyết đã đề ra mà ngày càng tinh vi và có hiện tượng chi phối chính sách luật pháp, khi đó người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng.
Ngày 1 tháng 4 năm 2016, tại nghị trường khi nói về vấn đề người Việt muốn ra hải ngoại sống: " Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình hay con cháu mình ra định cư ở nước ngoài?". “Không phải vì đất nước nghèo mà vì họ cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không được đầy đủ và lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy cũng biết!”
Như vậy có thể nói ĐBQH Trương Trọng Nghĩa có vẻ như đang đảm nhiệm một vai đã phân trong nghị trường Quốc hại Việt Nam. Hơn nữa ông lại là đảng viên đảng cộng sản. Nếu như ông thật sự có tư tưởng chống đối mà không được sự cho phép của đảng chắc có lẻ ông đã đi theo Trần Xuân Bách , Trần Độ...
Vấn đề là ông được đảng CS Trung Quốc cho phép nói, TBT Nguyễn Phú Trọng, Ban Chuyên Láo TW , BCT cho phép nói, cho phép diễn trong hội trường ĐBQH như Dương Trung Quốc, Nguyễn văn Thuyết trước đây.
Bởi lẻ nếu không có các vai diễn này thì khán giả chẳng ai thèm coi cái sân khấu này diễn xuất ra sao nữa. Vậy thì vai trò "bù nhìn" cụ thể hóa các chủ trương của đảng CSVN hóa ra mất tác dụng.?
Cho nên ông ta nói chỉ để mà nói thôi . Lá phiếu biểu quyết của ông cũng chỉ đáng để vào thùng rác chứ không giá trị như lá biểu của các nghị sĩ trong thể chế chính trị dân chủ.
Khổ là sự đối lập cuội của ông vẫn còn có người tin. Rất nhiều là đằng khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét