Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

THIÊN TẢ CÓ SAI KHÔNG ?

Nhiều bạn hay dùng chữ "thiên tả" để đổ cho những quan điểm quốc tế, các chính trị gia làm sai. Ví dụ bảo "ông này thiên tả quá' , hoặc " đây là quan điểm của bọn thiên tả thân cộng"...rồi lao vào chửi rủa.
Thật ra thiên tả không có gì sai . Chỉ có thiên "cực tả" mới sai. Thiên tả chỉ thiên về chủ thuyết cộng sản chứ không hẳn thiên về những người cộng sản. Bởi vì trên thực tế người cộng sản không hề thiên tả mà thực chất là chúng đang thiên hữu.
Đi sâu vào phân tích ta thấy thế này :
Thiên tả tức là các học thuyết, chủ nghĩa lấy sự bình quân , cào bằng tức "lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo" làm nền tảng. Thiên hữu là lấy "chủ nghĩa cá nhân","tự do cá nhân" làm nền tảng, tức là nếu tôi giỏi tôi phải được hưởng hơn người khác.
Trong một xã hội dân chủ người ta giăng đầy các món ăn như khi mình đi ăn buffer từ phải qua trái cho mình chọn lựa. Nào là chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa công xã, chủ nghĩa bình quân, chủ nghĩa dân tộc,chủ nghĩa toàn trị, chủ nghĩa tự do,chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cá nhân...
Mỗi chủ nghĩa đại diện cho một bộ phận nhân dân sống trong xã hội đó. Khi quan tâm, thích một chủ nghĩa nào mình có quyền chọn món ăn đó bằng cách bầu cho ông nghị, bà nghị nào đó có quan điểm giống mình. Lúc mà nhiều người bầu cho một món thì chủ nghĩa hay món ăn đó được nhiều người quan tâm sẽ thắng thế trên chính trường.
Trái lại chế độ độc tài lại giăng ra trên bàn một món ăn chủ yếu là chủ nghĩa cộng sản. Nó không hề cho mình chọn mà bắt buộc mình phải ăn món đó vì không còn món nào khác. Đã thế cứ đầu năm nó còn bắt mình đi học chính trị để nhét duy nhất một món đó vô đầu. Nhét mãi phát ngán.
Thật ra chủ nghĩa cộng sản là đỉnh cao của chủ nghĩa bình quân , cào bằng. Nếu gạn đục khơi trong thì ta thấy xã hội dân chủ cũng sử dụng nhiều quan điểm tích cực của chủ nghĩa cào bằng này.
Bởi lẻ nếu phe tả trong một xã hội dân chủ không thắng thế thì chưa chắc vừa mới đến Mỹ là bạn có thể hưởng ngay Medicare dành cho người nghèo. Có Medicare là khi vào bệnh viện bạn được chăm sóc như ông hoàng mà không mất tiền.Thế thì nó đâu ra. Đó là từ các chính sách phúc lợi xã hội mà các đảng phái cánh tả đã thắng thế trong quốc hội đa đảng tạo ra. Nếu họ không tạo ra chính sách này thì bạn sẽ phải trả tiền như người giàu khi đến bệnh viện , lúc đó bạn chỉ có nước khóc dở mếu dở . Ngoài ra cánh tả cũng tạo ra nhiều chính sách khác như giáo dục công cộng không phải đóng tiền mà thu từ ngân sách...
Nhưng khi quá thiên về cực tả tức là quá cào bằng thì sẽ nảy sinh một bất công là người nghèo không thèm làm. Chỉ ở nhà đẻ cho nhiều, hưởng trợ cấp thất nghiệp, ăn Welfare, Food stamp ... Lúc đó những người trung lưu và giàu sẽ phân bì. Mình làm chết cha đầu tắt mặt tối mà thua nó. Vậy thôi bán hết sản nghiệp đi làm homeless sướng hơn,khỏi phải lo gì cả.
Đối với cánh hữu , khi các chủ nghĩa này thắng thế thì các cá nhân nổi trội sẽ giàu có, sống như đế vương "ngồi mát ăn bát vàng" trên mồ hôi nước mắt của nhân dân lao động. Vậy nên phải có chính sách là anh thu nhập nhiều phải đóng thuế nhiều, anh ở nhà $ 20 triệu USD thì mỗi tháng phải đóng thuế bất động sản là 50 ngàn USD cho chừa cái tật thích ở nhà sang đi.
Chính sách này từ đâu ra ?
Đó là từ chỗ biết xây dựng một chính phủ dựa vào dân. Nghĩa là lấy cái hay của bên này một tí , cái hay của bên kia một ít để cân bằng lại làm cho giàu nghèo đều thỏa mãn cả. Bất công tuy có nhưng được hạn chế đến mức thấp nhất.
Vấn đề là lý thuyết của chế độ cộng sản là cào bằng nhưng trên thực tế nó có làm như vậy không ? Thưa rằng nó chỉ đưa ra "thiên tả" để "mị dân" thôi chứ trên thực tế nó lại "thiên hữu".Bởi vì người dân nghèo trong xã hội cộng sản chẳng có phúc lợi xã hội gì cả về y tế, văn hóa,giáo dục và cả thu nhập cá nhân.
Trong khi đó cộng sản "thiên hữu" nhưng không dựa trên tài năng cá nhân như trong xã hội dân chủ. Nghĩa là anh giàu không phải do có tài như Bill Gate, Mark Zuckerberg... Anh giàu là do bởi anh giỏi ăn cướp , ăn cắp, tham nhũng trong một cơ chế độc tài mà thôi.
Như vậy các học thuyết thiên tả và thiên hữu đều cần thiết trong một xã hội đa nguyên . Nó làm cho bất công giảm thiểu và tạo ra một xã hội bình đẵng tương đối. Đó là điều mà ta thấy tại sao dưới nền chính trị các nước dân chủ nắm quyền, lúc phe tả kiểm soát hành pháp, lúc phe hữu kiểm soát lập pháp...?
Việc thay phiên nhau đó sẽ khiến cho đất nước không đi vào cực đoan để dẫn đến cộng sản hay phát xít vì quá thiên về một học thuyết nào đó.
Tất cả mọi học thuyết đều có cái đúng và cái sai của nó. Không một học thuyết hay chủ nghĩa nào là hoàn hảo. Cũng như các món ăn , nếu ăn mãi duy nhất một món thì sẽ dẫn đến thừa một chất nào đó trong cơ thể và thiếu các chất khác.
Một xã hội tốt nhất là xã hội đó cho dân có quyền chọn lựa món ăn bằng chính lá phiếu của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét