Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

TƯ DUY CẢM TÍNH CĂN BỆNH KHÓ CHỮA.

Lâu nay cuộc chiến của hai phe "cuồng Trump" và "chống Trump" coi mòi tạm lắng để nhường chỗ cho hai phe "cuội" hay "không cuội". Chỉ mới hôm qua phe "chống Trump" mới khơi mào lại một câu nói bất cẩn của Trump "He knew what he signed up for".
Thật ra câu nói này không biết có hay không? Có thể là Trump nói với một nghĩa khác và người nghe lại hiểu theo một nghĩa khác vì được nghe qua phone và trong khi ngồi trên xe chạy. Thế nhưng tư duy cảm tính của người Việt ta là đã sẵn ghét Trump rồi nên chẳng cần biết có thật hay không , cứ thế nhè Trump ra chửi trước đã. Chửi luôn cái mặt thấy ghét của Trump. Nhưng cái mặt thì đâu có liên quan gì đến chính sách, đến các sắc lệnh hành pháp của Trump.
Cái suy nghĩ cảm tính này không chỉ xuất hiện trong tư duy người Việt ít theo dõi chính trị mà còn xuất hiện cả trong tư duy của người Việt làm truyền thông và cả trong suy nghĩ của những người được gọi là có chút học vấn. Bởi vậy sau khi Trump đắc cử mới có chuyện một số nghệ sĩ tẽn tò trước dư luận vì tuyên bố muốn dọn qua Canada sống nhưng không thực hiện. Một số cây bút hải ngoại có tên tuổi lại dấy lên một phong trào chống Trump đến mờ lý trí. Nghĩa là bất cứ cái gì có liên quan đến Trump đều là xấu , chẳng cần phân tích ý nghĩa về thể chế, về đường lối sách lược , chiến lược gì ráo.
Trong chuyện câu nói của Trump vừa qua cũng vậy. Nếu là người làm truyền thông khách quan thì khi câu nói ấy chưa được chứng thực là có thật hay không ta phải nhìn nó theo một góc độ khác để thấy được sự ưu việt của một nền dân chủ.
Trong các chế độ độc tài, tổng thống, tổng bí thư đảng có quyền hành như một ông vua. Nghĩa là vua nói gì thì đại biểu quốc hội chẳng dám cãi. Vậy thì ta phải đặt câu hỏi là tại sao một bà dân biểu chỉ cần nghe một câu nói chối tai của tổng thống là đã có thể chụp điện thoại để chửi ?
Thử hỏi có ĐBQH nào dám đưa ra báo chí một câu nói của TBT Nguyễn Phú Trọng để phê bình , chỉ trích không ? Dù lão phát biểu câu nào ra cũng đáng để chửi cả. Chỉ có dân mạng dám chửi mà thôi.
Điều này chứng tỏ trong xã hội Mỹ dân là vua vì dân biểu đại diện cho dân chứ không phải là tổng thống. Làm tổng thống trong một xã hội dân chủ giống như làm dâu trăm họ, phải cẩn thận lời ăn tiếng nói.
Tại sao ta không thể thấy cái tốt đẹp để khai thác cho dân Việt Nam hiểu là một bà dân biểu có thể đưa một câu nói của tổng thống ra báo chí và báo chí cũng gây nên một hiệu ứng truyền thông mà không hề lo sợ ông tổng thống này trả thù. Vì bà nghị sĩ này cao hơn ông tổng thống trong một xã hội mà dân là vua.
Từ chỗ phân tích đó để dân hiểu vì sao phải đánh đổ độc tài để thiết lập nên một xã hội dân chủ chứ không phải lao vào chỉ trích ông Trump khi sự thật chưa sáng tỏ. Lỡ mai này khi truyền thông bảo ông Trump không hề nói như thế có bằng chứng thì ta lại một phen tẽn tò vì cái lối suy nghĩ cảm tính của mình.
Nói điều này để thấy rằng sau này nếu dân Việt Nam có may mắn đánh đổ được độc tài để xây dựng một xã hội dân chủ, họ cũng sẽ gặp các trường hợp tương tự như thế này. Lúc đó dân Việt ta chỉ "trông mặt mà bắt hình dong" và sẽ lao vào cãi vã liên tu bất tận vì không có một cơ chế để phân định một cách lý tính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét