Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

HỢP PHÁP HÓA MẠI DÂM – NÊN HAY KHÔNG?

Tuần qua, một đường dây mại dâm điều hành hoạt động bởi các diễn viên, người mẫu nổi tiếng bị triệt hạ. Mạng xã hội với nhiều tiếng nói được chú ý, một lần nữa lại râm ran về đề tài tôn trọng quyền tự do con người, nghĩa là “cởi trói”, hợp pháp hóa hành vi mại dâm với nhiều lý do khác nhau để phụ nữ có được quyền chọn lựa bán mua trên thân thể của riêng họ. Thật bất ngờ vì ý kiến đồng tình nhiều hơn phản biện có trách nhiệm. Phần lớn cho rằng như thế mới văn minh như các nước phát triển đang làm. Thậm chí báo chí trước đây còn lưu lại các phát ngôn của một số lãnh đạo cấp cao như:
Nguyễn Xuân Anh – Bí thứ thành ủy Đà Nẵng “Với thành phố du lịch, không thể không có mại dâm. Còn làm sao mà, tôi nói ma tuý, mại dâm cũng như nhau, không bao giờ có thể dẹp yên được, mà làm sao cho nó gọn gàng”
Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng chính phủ “Mại dâm tôi đánh giá là cũng không phải không có, nhưng tôi nói thật, nó xuất hiện ở bất cứ địa phương nào. Nói đến mại dâm là nó xuất hiện không chừa hang cùng, ngỏ hẻm nào cả." Theo ông, cán bộ chính quyền các địa phương "đều biết cả".
Tại sao không nên hợp pháp hóa mại dâm là một đề tài cần nghiên cứu lâu dài về những ảnh hưởng bất lợi tới xã hội, một status thì khó mà chi tiết được hết. Tuy nhiên tôi hy vọng các bạn sẽ có được một cái nhìn đúng đắn, thấu đáo trước khi đưa ra những phát ngôn thiếu thận trọng, nhất là từ phía lãnh đạo cao cấp của đất nước, và tiếng nói đại diện cho những người hoạt động xã hội đang có những định hướng không ít tới tư duy của người dân trong nước. Dưới đây là một số lý do được tổng hợp lại từ những nghiên cứu xã hội học về đề tài này từ nhiều quốc gia khác nhau:
1. Việc hợp thức hóa mại dâm đồng nghĩa với việc làm giàu cho ma cô, những kẻ chăn dắt và bóc lột phụ nữ và trẻ em. Những người này, ngay về bản chất nghề nghiệp đã cho thấy sự bất chính trong hành vi kiếm sống, nhưng việc hợp pháp hóa nghiễm nhiên biến nhóm người này thành doanh nhân hợp pháp trong việc thương mại hóa hành vi thỏa mãn tình dục trên thân thể phụ nữ.
2. Khuyến khích nạn buôn bán người. Hiện nay Đông Nam Á là vùng cung cấp phụ nữ và trẻ em lớn nhất trên thế giới, chiếm 1/3 các vụ bị phát hiện và triệt hạ khắp thế giới. Phụ nữ từ những vùng nông thôn, kinh tế kém phát triển thường bị dẫn dụ tới hoạt động phục vụ tình dục nhưng do hiểu biết và giáo dục hạn chế, họ rơi vào bẫy, trở thành nô lệ mất khả năng tự quyết trong vai trò là người cung cấp dịch vụ tình dục.
Netherlands - Hà Lan với một Amsterdam nổi tiếng thế giới với các khu phố đèn đỏ, năm 1988 chính thức công nhận hoạt động mại dâm hợp pháp, nhà nước tính đến mục đích bảo vệ thanh thiếu niên, xóa bỏ tình trạng cưỡng bức lao động tình dục, tuyên chiến với nạn buôn người tràn lan. Thế nhưng trên thực tế, trong một báo cáo cho biết 80% phụ nữ hành nghề trong các nhà thổ đều được mua bán từ nước ngoài, trong đó 70% đến từ các nước Trung và Đông Âu.
Germany - Đức cũng hợp pháp hóa mại dâm vào thập niên 80s, nhưng tới năm 1993, người ta phát hiện tới 75% phụ nữ trong ngành công nghiệp tình dục được mua bán từ các nước Nam Mỹ như Uruguay, Argentina, Paraguay. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ cứ 10 ngàn phụ nữ thì 80% bị mua bán vào nước Đức đến từ các nước Trung và Đông Âu.
Những phụ nữ hoặc tự nguyện, hoặc bị lừa, cưỡng bức vào nghề mại dâm tưởng chừng như đã tìm thấy cơ hội đổi đời sau khi di cư tới các nước phát triển, nhưng họ mất hy vọng khi rơi vào vòng luẩn quẩn những chi phí giấy tờ để hợp pháp hóa việc di cư và công việc với những người quản lý, và cuối cùng cũng rơi vào cái bẫy bằng các hợp đồng mua bán với nhiều điều khoản khó có lối thoát
Những nước lân cận với Việt Nam như Thailand, Cambodia, Phillipines… trên lý thuyết đều không coi hành vi phục vụ tình dục là hợp pháp nhưng cũng đối diện với nạn buôn người mà những ông bà trùm trong các băng đảng xã hội hoặc ngầm bảo kê hoặc ngoài khả năng quản lý bởi chính quyền cũng ra sức hoạt động bóc lột, buôn bán, bắt cóc phụ nữ và trẻ em. Trong nhiều phóng sự cho thấy trẻ em nói tiếng Việt được tìm thấy trong các nhà chứa tại Phnom Penh, Cambodia trở thành nước có con số trẻ em bị buôn bán làm mại dâm lớn nhất trong khu vực và ước tính có khoảng 5000 phụ nữ nói tiếng Nga đang hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục tại Thailand.
Singapore là nước có hoạt động mại dâm mới chỉ gần như hợp pháp, bởi còn giữ nhiều giới hạn không cho phép thương mại hóa toàn bộ, tuy nhiên rất nhiều phụ nữ bị lừa bán bằng các giấy tờ hợp pháp để qua mặt cơ quan công quyền bản địa. Bản thân tôi đầu những năm 2000 khi còn làm việc tại Singapore đã chứng kiến rất nhiều phụ nữ Việt Nam đến từ khu vực Miền Tây VN phải bỏ trốn do bị lừa bán và cưỡng bức phục vụ tình dục cho nam giới, bị đánh đập và tra tấn bằng xống dao vào đầu và dây nịt với nhiều vết thương trên người.
Tại Macao, tình trạng bóc lột lao động tình dục là điều không tránh khỏi.
3. Hợp pháp hóa mại dâm thực sự không thể giúp ích cho chính quyền quản lý hiệu quả nhưng sẽ làm bùng nổ khó kiểm soát và để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.
Hợp pháp hóa mại dâm thành thị trường tự do sẽ dẫn tới việc nở rộ nhiều phương thức kinh doanh xuất hiện trên mọi phương diện, nhiều nhà chứa hình thành, các phần mềm quảng cáo, ấn phẩm sẽ xuất hiện trên truyền thông internet thu hút nhiều người từ nhiều lứa tuổi, tầng lớp tham gia. Dần dần vai trò của nền tảng đạo đức, định kiến về phẩm giá con người sẽ bị băng hoại.
4. Hợp pháp hóa mại dâm cũng khiến phụ nữ phải xuống đường nhiều hơn thậm chí làm gia tăng các hoạt động bí mật. Những lý do như việc muốn tránh khỏi sự quản lý của giới chủ và môi giới, không tiết lộ danh tính, hay điều kiện sức khỏe cũng sẽ đẩy phụ nữ ra khỏi các biện pháp bảo vệ từ việc hợp pháp hóa.
5. Làm gia tăng việc buôn bán, bắt cóc trẻ em để phục vụ mại dâm.
Netherlands - Hà Lan là một ví dụ điển hình với con số gia tăng 300% từ năm 1996-2001, với 4000 trẻ em trong năm 1996 đã tăng lên 15000 vào năm 2001. Tổ chức ChildRight ước tính có ít nhất 5000 trẻ em bị bán vào nước này hàng năm mà phần lớn bị đưa vào từ Nigeria.
Tại Australia – Úc giữa và cuối thập niên 90s, mại dâm được công nhận hợp pháp tại một số bang. Năm 1998 tổ chức End Child Prostitution and Trafficking đã tiến hành một nghiên cứu với các bằng chứng số liệu cụ thể về sự gia tăng đột biến trong các hoạt động khai thác thương mại hóa có tổ chức đối với mại dâm trẻ em mà bang Victoria là một ví dụ điển hình so sánh với những bang mà mại dâm vẫn bị coi là bất hợp pháp.
6. Hợp pháp hóa mại dâm không thể bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực
Nhiều nghiên cứu được thực hiện ở những quốc gia thương mại hóa mại dâm chỉ ra rằng, việc hợp thức hóa mại dâm có tác dụng rất ít trong việc bảo vệ phụ nữ. Lý do được đưa ra là khi hành vi mua bán, trao đổi được xác lập trong một không gian bí mật sau cánh cửa thì không ai có thể bảo vệ phụ nữ khỏi các hành vi bạo lực từ khách hàng, người chăn dắt, và các ông bà chủ, tiếp sau đó là các tiềm ẩn ảnh hưởng nguy hại tới sức khỏe. Điều này xảy ra đối với cả hai đối tượng là phụ nữ bản địa và phụ nữ bị đưa tới từ nước ngoài. Nhiều phụ nữ cho biết họ còn lo sợ có thể bị giết bởi một trong những khách hàng.
7. Hợp pháp hóa mại dâm làm tăng nhu cầu mua dâm.
Hợp pháp hóa mại dâm khiến nam giới có nhu cầu và xu hướng mua dâm ở nhiều đối tượng bởi họ dễ vượt qua những rào cản, nền tảng đạo đức trong xã hội được thiết lập trước đây. Cũng vì thế mà nó sẽ trở thành một thông điệp đối với những thế hệ nam giới tương lai rằng phụ nữ sinh ra có thể đối xử như một món hàng hóa, có thể trưng bày hay sử dụng và có thể vứt bỏ khi đã hết nhu cầu.
Thương mại hóa mại dâm cũng khiến cho các phương thức trong các hoạt động tình dục trở nên phức tạp để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng và để tăng sức cạnh tranh giữa các cá nhân, tổ chức. Khách mua dâm không chỉ có dừng lại ở các hành vi tính dục cơ bản mà còn đi xa hơn như quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su, giao hợp bằng đường miệng, bạo dâm, khổ dâm, thậm trí dẫn tới nhu cầu quan hệ tình dục với người đang mang thai, nuôi con thơ có khả năng tiết sữa tạo cảm giác lạ trong quan hệ tình dục..
Tại bang Victoria, luật pháp quy định những người chăm sóc ở các cơ sở y tế xã hội không được từ chối nếu phải đưa một người đàn ông bị liệt tới một nhà thổ nếu ông này có nhu cầu. Người ta cũng tìm thấy những mẩu quảng cáo trên các cao tốc của bang này chào mời khách hàng bằng cách hướng tới phụ nữ như những đối tượng để thỏa mãn tình dục. Nam giới trong các hoạt động kinh doanh cũng thoải mái thực hiện những cuộc họp, đàm phán về công việc trong các câu lạc bộ có sử dụng phụ nữ khỏa thân trên các bàn tiệc. Chủ của một nhà thổ cho hay, khách hàng chủ yếu của họ là những người có giáo dục và thành đạt, họ đến đây vào ban ngày sau đó về nhà sau giờ làm. Phụ nữ ở bang này tiết lộ, mặc dù có quan hệ yêu đương, nhưng họ vẫn phát hiện ra bạn tình của họ vẫn thường xuyên ghé tới nhà thổ và các câu lạc bộ sinh hoạt tình dục.
8. Hợp pháp hóa mại dâm không bảo vệ sức khỏe của phụ nữ.
Hầu hết những người có quan điểm ủng hộ việc hợp pháp hóa mại dâm đều cho là người bán dâm sẽ phải chịu các chế tài, quy định bắt buộc phải thăm khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên quy định này hầu như phản tác dụng khi người mua dâm lại không phải chịu bất cứ các quy định nào về sức khỏe khi tham gia mua dâm. Vì thế người mua dâm hay bán dâm vẫn có nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác trong các hoạt động tình dục.
Từ một nghiên cứu ờ America – Hoa Kỳ, 47% phụ nữ bán dâm cho biết hầu hết đàn ông đều muốn họ phục vụ mà không sử dụng condom. 73% thì cho biết, nam giới sẵn sàng trả giá cao hơn nếu họ không phải sử dụng condom. 45% tiếp theo cho biết nam giới sẽ thể hiện hành vi thô bạo nếu họ bị yêu cầu mang condom. Cho dù các quy định trong một cơ sở mại dâm được cấp phép có quy định về việc sử dụng condom trong tình dục, nhưng thực tế điều này vẩn là những thỏa thuận ngầm giữa hai phía. Hầu hết tất cả nam giới đều mong muốn thực hiện hành vi tình dục qua đường miệng mà không sử dụng condom. Một phụ nữ cho biết, trong trường hợp cô được trả thêm một ít tiền thì cô sẽ đồng ý “ném condom qua cửa sổ”. Và vấn đề thực tế là ma cô (pimps) chăn dắt lúc nào cũng muốn có nhiều tiền hơn nên không ngừng gây áp lực bắt phụ nữ phải quan hệ tình dục mà không có condom. Ma túy và tiền, để thỏa mãn, những người tham gia vào các hoạt động này thường bất chấp các vấn đề về sức khỏe.
9. Hợp pháp hóa mại dâm và ngộ nhận về thu thuế từ hoạt động này.
Nhiều nghiên cứu từ thực tế chỉ ra rằng việc thu thuế trong hoạt động mại dâm là một việc không dễ dàng do sự thiếu trung thực hoặc gian lận trong cách tính mức thu nhập. Trong khi đó các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải trả một khoản lớn cho các lực lượng hành pháp quản lý hoạt động, cũng như các chi phí về y tế và bảo hiểm sức khỏe đối với người hành nghề mại dâm. Chứng minh cho thực tế về thất thu thuế hoặc muốn triệt để, có nơi như thành phố Bonn tại Germany đã phải buộc người bán dâm phải mua vé để xuống đường hoạt động hàng đêm.
10. Hầu hết phụ nữ hành nghề mại dâm đều không mong muốn hợp pháp.
Những nước nổi tiếng với nạn buôn người vào các hoạt động mại dâm như Phillipines, Venezuela, America…khi được phỏng vấn, hầu hết phụ nữ đều cho biết họ không muốn mại dâm hợp pháp vì sự thật đó là một công việc tủi nhục phải chịu đựng bạo lực. Họ cũng không muốn gia đình và người thân biết những việc họ đã làm.
11. Tiền từ thương mại hóa cơ thể phụ nữ để truy hoan? Các bạn có muốn phát triển đất nước bằng nguồn tiền này? Hell NO! Nếu có đi chăng nữa thì thiết nghĩ khi về tới ngân sách chắc cũng chẳng còn mấy cắc, mà có khi vào túi “ma cô” hết. Trong khi đó chúng ta và những thế hệ tiếp theo sẽ phải hứng chịu nhiều hệ lụy khi mất đi nền tảng đạo đức, cấu trúc gia đình, cũng như các giá trị về tình yêu nam nữ. Thêm nữa, bất cứ ai trong chúng ta cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của HIV và những căn bệnh tình dục sẵn sàng sập xuống đầu lúc nào không hay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét