Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

MẠNG XÃ HỘI LÀ CÁI NHÀ TÙ NHỐT PHONG TRÀO PHẢN KHÁNG CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VÀO TƯ THẾ "ĐỐI LẬP CUỘI".

Không ai có thể phủ nhận chức năng khai phá nhận thức, cập nhật thông tin và tiếp cận các vấn đề thời sự nóng bỏng của xã hội một cách nhanh nhất của mạng xã hội. Nếu như trước kia, mỗi sáng mai thức dậy hầu hết mọi người phải bật đài, mua báo rồi vừa ăn sáng vừa cập nhật tin tức thì nay chỉ cần mở mắt, bật chiếc điện thoại hoặc máy tính vào mạng lướt qua một vòng là có thể nắm được những tin tức chính trong ngày. Nếu có thời gian đọc những STT phân tích sâu hơn và các comment bên dưới là có thể nắm bản chất vấn đề mà không sợ bị báo chí lề phải cho leo cây.
Nhiều người cho rằng với những chức năng và tiện ích như vậy mạng xã hội là kẻ thù của mọi chế độ độc tài. Bởi người dân không còn bị bưng bít thông tin và có thể một ngày nào đó ào ạt xuống đường để bất tuân dân sự,lật nhào cuốn phăng mọi rào cản độc tài để thiết lập nên các nền dân chủ...
Nghĩ như vậy là họ đã lầm.
Vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn. Thật ra các chế độ độc tài lại cao tay hơn là họ nghĩ, chúng dùng chính mạng xã hội với đội ngũ Dư luận viên, dân chủ cuội và cả hệ thống thông tin lề phải để nhốt lại ý chí phản kháng của người dân, khiến cho họ nảy sinh nhiều ảo tưởng để rồi suốt ngày chỉ quanh quẩn trên mạng chứ không hề bước xuống đường để vận động nhân dân làm cách mạng.
- Thứ nhất: chế độ làm mọi cách để cư dân mạng tin vào chủ nghĩa AQ, phép thắng lợi tinh thần. Đa số hầu như đều tin rằng các bài viết của mình có thể làm cho chính quyền run sợ, các bộ máy công an bảo vệ chính quyền khiếp đảm, khiến bất công xã hội giảm đi và luật pháp công bằng hơn.
Bởi lẻ trong nhiều trường hợp chế độ độc tài "giả vờ" khiếp sợ trước dư luận chẳng hạn như chuyện chặt cây xanh, lấp sông Đồng Nai, ngưng thi hành án tử hình oan một bị cáo nào đó trước áp lực dư luận. Thêm vào các bài viết ca ngợi chiến thắng của một số facebooker có tên tuổi,khiến dân mạng ngất ngây rằng mình đã chiến thắng độc tài, làm chúng phải thay đổi chính sách,không dám xử oan sai... Nhưng các con cáo già nắm quyền thừa biết rằng nếu không giả thua một vài vụ và cứ thắng hoài thì đám cừu non trên mạng sẽ không còn bám máy tính nữa mà sẽ xuống đường để biểu tình, bất tuân dân sự. Vì vậy chúng sẽ chọn những vụ việc không mang tầm quan trọng đến an nguy chế độ để tạo ra phép thắng lợi tinh thần cho các tay phím.Từ chiến thắng này dân mạng càng tin tưởng hơn vào công cuộc kháng chiến trường kỳ trên mạng, kiên quyết thà chết bám mạng không thôi.
- Thứ hai : chính quyền nắm hầu hết các diễn biến ,tâm lý của cư dân mạng nên biết rằng chủ nghĩa anh hùng bàn phím đã nhiễm quá sâu trong hầu hết các chiến sĩ anh hùng này. Nếu không có vấn đề khơi gợi thì không có việc làm cho các "bà Tám". Vì vậy thỉnh thoảng chính quyền phải tung ra những câu nói,phát biểu, chính sách ngu ngốc để dân mạng có việc làm. Điều này cũng giống như trong một bể cá nếu không thả mồi xuống thì đàn cá lấy gì để tranh nhau? Vậy nên "giả ngu" lẫn trong việc "ngu thật" cũng là phương pháp tạo ra một đấu trường ảo để dân mạng không lao vào chiến đấu trên "đấu trường thật" có thể gây an nguy cho chế độ. Vậy nên lâu dần thành quen, sáng nào các facebooker cũng có dịp thể hiện khí phách của mình trong việc tấn công một chính khách nào đó của chính quyền. Chửi bới,lăng mạ có thể làm họ hả giận và cũng có thể khiến họ nghĩ mình là anh hùng trong khi những kẻ bị họ chửi đang che miệng cười thầm. Vì chúng mới là những kẻ đang hưởng thụ những vật chất do quyền lực mang lại, những biệt thự, du thuyền, rượu ngon, gái đẹp...những thứ đáng ra để có được do tham nhũng phải bị trừng phạt bằng pháp luật thì chỉ bị trừng phạt bằng những tiếng chửi, lăng mạ trên mạng ảo. Những hình phạt chẳng làm rụng một cọng lông chân nào của chúng nhưng cũng có thể khiến những kẻ bị trị thấy an ủi phần nào khi được làm "ông chủ " ảo.
- Thứ ba: Mạng xã hội là nơi phơi bày hết tất cả các kế hoạch, dự định của phe đối lập. Nếu như trước kia công an phải cất công dùng tình báo, mật vụ để săn tìm phát hiện các tổ chức phản động âm mưu lật đổ chế độ một cách gian truân thì ngày nay chỉ cần hỏi công an mạng là đã biết ngay các nhân vật nào nổi bật chống chế độ, các tổ chức nào gây an nguy cho chính quyền. Và cũng thông qua việc dò tìm của các nick ảo công an có thể biết được kế hoạch biểu tình của bọn chống đối.Từ đó tổ chức ngăn chặn không mấy khó khăn. Vậy nên các lời kêu gọi biểu tình của các tổ chức tôn giáo nhân vụ cá chết bị dập tắt từ trong trứng nước.
- Thứ tư : Mạng xã hội là một thế giới có thể thỏa mãn đòi hỏi "dân chủ" của dân Việt Nam. Với một cái nick ảo và tung hoành trên mạng có thể chửi bất cứ người nào từ tổng bí thư ,thủ tướng, công an,chính khách... những người đang sống trong các chế độ độc tài có cảm giác là mình đang sống trong xã hội dân chủ. Nó cũng giống như người bị trạng thái tâm thần phân liệt,khi gặp bất công ngoài đời có thể trốn lên mạng để thỏa mãn sự tức giận và thiết lập công bằng trong ảo giác.
Nói tóm lại là vô cùng cám ơn mạng xã hội đã đem lại rất nhiều lợi ích cho chính quyền và cũng cho cả người dân Việt Nam. Nó khiến cả hai cùng thỏa mãn. Một bên thỏa mãn được những lạc thú vật chất một bên thỏa mãn được làm kẻ anh hùng.
Nếu dân Việt cứ trốn với những ảo tưởng trên FB có lẻ chế độ độc tài vẫn còn "trường sinh bất tử".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét