Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020

THẤY GÌ QUA VIỆC THỰC TẬP DÂN CHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT ?

Hiện tại người Việt sống ở các quốc gia dân chủ khác nhau trên thế giới đều đang thực tập dân chủ. Nghĩa là với phương diện công dân của nước sở tại họ đã có dân chủ, lá phiếu của họ có thể góp phần quyết định chiếc ghế tổng thống, đảng nào cầm quyền ở quốc gia mà họ đang sống.
Nhưng với tỷ lệ đi bầu 30% và sống tập trung nhiều nhất ở các bang truyền thống như California hay Texas (ở Mỹ) không phải bang chiến trường và chiếm một tỷ lệ cử tri rất nhỏ rải rác ở các nước châu Âu nên sức mạnh chính trị qua quyền năng của lá phiếu là không đáng kể.
Trong khi đó người Do Thái chỉ 7 triệu dân với tỷ lệ 90% đi bầu và sống tập trung ở các bang chiến trường cũng như quyên tiền rất nhiều cho các ứng cử viên tổng thống Mỹ lại có sức ảnh hưởng đến chính trị Hoa Kỳ.
Dân Cuba dù chỉ tập trung tại Miami nhưng lại quyết định đến số đại cử tri của Florida mà Florida rất nhiều năm lại là bang quyết định chiếc ghế tổng thống Mỹ khi hai phe cân bằng nhau nên các UCV rất quan tâm đến cộng đồng này.
Sinh hoạt chính trị của NVHN trên FB phản ánh quan điểm chính trị của họ. Nhưng dường như họ rất ít khi nói đến các nguyên thủ ở châu Âu như thủ tướng Anh, Đức, Ý , Úc hay tổng thống Pháp mà chỉ tập trung vào đề tài là Donald Trump của nước Mỹ. Họ làm như họ đều là công dân có quốc tịch Mỹ và hợp cùng với khoảng vài chục ngàn Facebooker chống cộng sản trong nước tạo thành một không gian sinh hoạt "thực tập dân chủ" trên mạng xã hội.
Qua thực tập này có thể thấy rằng Việt Nam rất dễ hình thành một nền độc tài khác trong tương lai hậu cộng sản . Vì những lý do sau đây:
- Lý do quan trọng nhất là người Việt không chấp nhận đối lập như Mỹ và châu Âu. Chính trị phương Tây thừa nhận trái quan điểm trên nghị trường nhưng ngoài đời vẫn là bạn. Người Việt trái quan điểm chính trị là thành thù, từ mặt nhau , nói xấu, bôi nhọ, đả kích, đấu tố, chụp mũ nhau, nếu cần có thể sử dụng cả vũ lực.
- Người Việt rất bảo thủ. Khi họ thích một ai đó(chẳng hạn ông Trump) họ sẽ chỉ nhìn vào mặt tốt của ông ấy và ngược lại khi ghét ai đó cũng chỉ nhìn vào mặt xấu. Nếu người phương Tây căn cứ vào logic, sự thật khi tranh luận thì người Việt bỏ logic vào thùng rác và bất chấp sự thật. Các tranh luận giữa người Việt với nhau không bao giờ có kết quả là một bên đúng, một bên sai theo logic, sự thật mà bao giờ cũng ra kết quả giận hờn, cạnh khóe nhau, từ nhau vì không cùng chung quan điểm.
Điều này đưa đến kết quả là gì ? Người Việt luôn muốn tạo ra một sự đồng thuận xã hội xung quanh một nhân vật chính trị nào đó.
Nhưng trên thực tế sự đồng thuận xã hội sẽ đưa đến sự tập trung quyền lực vào một đảng phái hay một chính trị gia duy nhất. Đó là khởi đầu của thể chế chính trị độc tài cá nhân, gia đình hay đảng phái. Và tha hóa, bất công nảy sinh từ đây.
Chỉ khi nào có sự không đồng thuận xã hội và sự không đồng thuận này chẳng đi đến mâu thuẫn triệt tiêu nhau thì mới có thể tạo ra đa nguyên và đa đảng, đối lập.
Chỉ khi nào có đối lập thì hiến pháp tức khế ước xã hội giữa người dân và chính quyền mới được thực thi và lúc đó luật pháp mới không còn là công cụ của chính quyền để đàn áp các quyền tự do dân sự của người dân.
Nhưng để làm được điều này phải tạo ra được sự cân bằng giữa phe nắm quyền lực và phe kiểm soát quyền lực từ bên trong.
Với hiện trạng nhiều người yêu Trump luôn muốn ăn tươi nuốt sống đảng Dân chủ và phe ghét Trump bất chấp những thành quả vị tổng thống này làm được thì có thể thấy tương lai người Việt khó chấp nhận những người trái quan điểm sinh hoạt cùng nhau trong cùng một nghị trường.
Có lẻ rồi họ sẽ chia năm sẻ bảy tạo quân đội riêng và dùng súng, âm mưu thanh toán lẫn nhau nhằm tạo ra một đảng mạnh nhất và các đảng ăn theo hay các chính trị gia ăn theo. Bất cứ đảng nào manh nha mạnh bằng đảng cầm quyền là sẽ bị bỏ rọ thả trôi sông.
Xem ra con đường dân chủ của Việt Nam vẫn còn quá xa vời khi ai cũng muốn độc tôn nắm quyền và không muốn người khác trái ý mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét